Thế giới xa nhất hệ mặt trời có hình dáng giống củ lạc

Những bức ảnh mới nhất do tàu vũ trụ New Horizons của NASA tiết lộ những điều xảy ra với thiên thạch Ultima Thule.

Thiên thạch MU69 theo hình dung của NASA. Nguồn: NASA/JHUAPL/SWRI

Vào ngày 1/1/2019, tàu vũ trụ New Horizons của NASA đã bay qua thiên thạch MU69, cách trái đất gần 6,5 tỷ km – vật thể có khoảng cách xa nhất trong hệ mặt trời. Những bức ảnh về thiên thạch được chụp trước khi con tàu này tiến gần nhất đến nó vào lúc 12h33 (theo múi giờ Đông Mỹ) cho thấy thiên thạch là một vật thể tròn được kéo dài giống như một cái ky bowling có khả năng quay tròn. MU69 dài khoảng 32 km và rộng 16 km. Những hình ảnh có thể cho thấy một vật thể hình củ lạc hay hai vật thể nhỏ có quỹ đạo quay quanh nhau. Thiên thạch này dường như quay hướng bề mặt về phía trái đất theo chu kỳ 15 giờ hoặc 30 giờ.

“Nó toàn toàn giống như một mái chèo”, theo Hal Weaver – một thành viên của nhóm nghiên cứu và nhà khoa học nghiên cứu về hành tinh tại Phòng thí nghiệm vật lý ứng dụng, trường đại học Johns Hopkins tại Laurel, Maryland, nơi chủ yếu đảm trách nhiệm vụ này. Trước khi những bức ảnh được gửi về trái đất, các nhà khoa học có nhiều lo ngại về nhiệm vụ này của New Horizons, con tàu vũ trụ không thể liên lạc với phòng điều hành nhiệm vụ dưới mặt đất vào thời điểm đó bởi thời gian bay qua MU69 quá nhanh trong khi mất 6 giờ truyền thông tin qua sóng vô tuyến với tốc độ ánh sáng xuống trái đất.

Tàu vũ trụ New Horizons hiện đang gửi số lượng lớn dữ liệu và ảnh thu thập được về trái đất. Con tàu đang trong tình trạng an toàn để thu thập tất cả dữ liệu đúng kế hoạch khi nó bay qua bề mặt thiên thạch MU69 với khoảng cách 3.500 km. Các nhà khoa học dự định công bố những hình ảnh có độ phân giải cao hơn vào ngày 2/2/2018.

“Ngày 2/2 chúng tôi có cả một thế giới thông tin về địa chất học”, Heidi Hammel – một nhà thiên văn hành tinh và phó chủ tịch ban điều hành Hội các trường đại học nghiên cứu về thiên văn tại Washington DC, cho biết. “Đây thực sự là một điều lý thú.”

Các nhà khoa học sẽ tìm hiểu những đặc điểm như các miệng núi lửa hoặc các đứt gẫy trên bề mặt của MU69, vốn được họ đặt tên là Ultima Thule – tên một địa danh xa nhất ở phía bắc của Hy Lạp cổ đại. Do ở khoảng cách quá xa và tín hiệu quá mờ nhạt mà những kính viễn vọng mặt đất chỉ có thể thấy nó ở kích cỡ một hay hai điểm ảnh. Thậm chí cả kính viễn vọng không gian Hubble Space Telescope cũng từng mất thời gian khám khá vào năm 2014 mà không chắc chắn về dữ liệu rhu được. Các nhà khoa học của New Horizons đã phải nỗ lực rất nhiều để thu thập thông tin về thiên thạch này mà họ có thể trước khi tàu vũ trụ được phóng đi.

Trước đây, ba lần vào năm 2017 và một lần vào năm 2018, các nhà khoa học đã nỗ lực có mặt khắp toàn cầu để “bắt” được bóng tối xuất hiện tạm thời khi thiên thạch MU69 lướt qua phía trước bề mặt một ngôi sao xa xôi. Bằng việc phân tích ánh sáng của ngôi sao này bị triệt tiêu tại các thời điểm khác nhau trong những địa điểm khác nhau, các nhà khoa học mới có thể bắt đầu phác thảo được hình dáng của MU69.

“Chúng tôi sẽ bắt đầu viết công trình khoa học đầu tiên của chúng tôi về khám phá này vào tuần tới”, Alan Stern – một nhà khoa học hành tinh tại Viện nghiên cứu Southwest tại Boulder, Colorado và là nhà nghiên cứu chính của nhiệm vụ, nói.

New Horizons từng bay đến sao Diêm vương vào tháng 7/2015. Chuyến đi tới thiên thạch MU69 này là chuyến khám phá một vật thể từ Vành đai Kuiper – một tập hợp những mảnh thiên thạch ở phía xa của Hệ Mặt trời và về cơ bản là không bị xáo trộn kể từ khi hệ mặt trời hình thành vào hơn 4,5 tỷ năm trước. Chúng nằm ngoài quỹ đạo Pluto và được hình dung là có một số vật chất nguyên thủy nhất của hệ mặt trời. “Nó có thể trở thành mẫu vật cổ xưa mà chúng tôi từng chờ đợi”, Hammel nhận xét.

Anh Vũ tổng hợp từ Nature

Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-018-07909-6

https://www.nature.com/articles/d41586-018-07827-7

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)