Thiên kiến trong môi trường nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn
Né tránh tranh luận, không công bố quốc tế, ưu tiên những người có chức vụ thực hiện các đề tài lớn thay vì những người trẻ tuổi khiến môi trường KHXH&NV của Việt Nam kìm hãm những tài năng khoa học trẻ.
Gần đây, ISEE (Viện nghiên cứu Chính sách Kinh tế – Xã hội và Môi trường) trở thành một cái tên đáng chú ý với các nghiên cứu có tác động tích cực tới nhận thức xã hội, phản biện chính sách. Họ lựa chọn những vấn đề nghiên cứu mới mẻ ở Việt Nam (đây là nơi duy nhất cung cấp nghiên cứu về giới tính thứ ba (LGBT) ở Việt Nam cho các nhà làm luật về hôn nhân và gia đình). Họ cũng tạo ra một môi trường cởi mở tranh luận, không có sự phân biệt giữa viện trưởng và nghiên cứu viên. Chính vì thế, ISEE thu hút được nhiều nhà nghiên cứu được đào tạo bài bản ở Mỹ và châu Âu đến cộng tác.
Tuy nhiên, với đa số các nhà khoa học, ISEE chỉ dừng lại ở mức độ cộng tác. Kết thúc dự án, các nhà khoa học lại trở về với công việc chính của mình ở các viện nghiên cứu công lập và các trường đại học – một môi trường khá giới hạn với các nhà nghiên cứu trẻ, đặc biệt là những người trở về từ các nước phương Tây.
An toàn là trên hết
Một trong những vấn đề của ngành Xã hội và Nhân văn (XH&NV) của Việt Nam là né tránh các cuộc tranh luận giữa các tư tưởng, quan điểm khác biệt, đặc biệt là giữa những quan điểm cũ của những người được đào tạo ở Liên Xô cũ và của những người trẻ được tiếp xúc với các cuộc tranh luận và môi trường học thuật mới mẻ của phương Tây. Nhiều nhà khoa học XH&NV cho rằng rất hiếm có các cuộc tranh luận học thuật thật sự ở Việt Nam. “Về đây, ban đầu rất hăng hái nhưng một thời gian sau, […] sự tranh luận về học thuật không có nên tự nhiên mình bị đuối, bị mất đi “nhuệ khí”, sự hăng hái lúc ban đầu.” – Chị Quỳnh Phương, từng có thời gian học Tiến sĩ ở Úc và làm post-doc ở Singapore, chia sẻ.
“Có lẽ là do người ta thường đánh đồng sự khác biệt với sự đối lập loại trừ và triệt tiêu nhau. Người ta hiếm khi chấp nhận sự phản biệt hay phê bình thẳng thắn, nghiêm ngặt. Người ta có vẻ thích sự giống nhau và khen nhau, dù rất hình thức và không thực. Người ta ngại va chạm, cọ xát quan điểm khoa học. Và nếu có sự va chạm hay cọ xát thì đó là sự va chạm dẫn đến đổ vỡ và không dung hoà nhau.” – Anh Phạm Văn Lam, Viện Ngôn ngữ học chia sẻ. Khác với khoa học tự nhiên, các cuộc tranh luận về khoa học xã hội ở Việt Nam dễ dẫn đến sự quy chụp về mặt chính trị, tôn giáo, tự hào dân tộc… Chính vì vậy, môi trường KHXH ở Việt Nam cứ “tròn trịa” vì né tránh các cuộc thảo luận, tránh các ý kiến, quan điểm xung đột. “Nguyên tắc ‘say safety first’ là nguyên tắc đầu tiên” – PGS. Nguyễn Văn Chính, chủ nhiệm bộ môn Nhân học Phát triển, Đại học KHXH&NV nói.
Các nhà khoa học dám công bố những nghiên cứu khác biệt thường cô đơn. Một sự kiện gần đây nhất, khi nhà nghiên cứu Tạ Đức xuất bản cuốn Người Việt – người Mường đưa ra nhiều phát hiện “lạc dòng” (lời của TS. Trần Trọng Dương) và thay vì phản biện về phương pháp nghiên cứu, tính xác tín của các tư liệu tham khảo, có nhà khoa học chống đối kịch liệt sách của nhà nghiên cứu Tạ Đức, đòi hủy buổi hội thảo ra mắt sách, “Tranh luận về KHXH của Việt Nam dễ đi vào ngõ cụt. Nó không đi vào bản chất vấn đề. Người ta không hiểu nhau. Tôi nghĩ là người ta phải thay đổi.” – PGS. Nguyễn Văn Chính chia sẻ.
Không chỉ không dám đưa ra những quan điểm trái chiều, việc lựa chọn đề tài nghiên cứu cũng rất dè dặt. ISEE đã từng ngỏ ý hợp tác với các viện nghiên cứu công lập nhưng không khả thi. “Chúng tôi rất muốn kết hợp với các viện của nhà nước […] nhưng qua hợp tác với một – hai viện thì mọi người rất cẩn trọng trong việc chọn đề tài nghiên cứu gì, có nhạy cảm quá không” – Anh Lê Quang Bình kể lại.
Ngại công bố quốc tế
Ngại “va chạm” với sự khác biệt trong nước nên trông đợi vào việc “va chạm” của các cơ quan KHXH&NV công lập và các trường đại học của Việt Nam với quốc tế lại càng khó khăn. Trong các viện nghiên cứu công lập, nếu không phải từ mối quan hệ cá nhân từ khi còn học tập và làm việc ở nước ngoài, các cán bộ nghiên cứu khó có thể đi dự các hội thảo quốc tế để cập nhật các tranh luận mới.
Rất nhiều viện nghiên cứu không đề cao công bố quốc tế hay coi đây là yêu cầu bắt buộc và cũng không phải là tiêu chí đánh giá năng lực của các nhà khoa học. Mới đây, dự án Scientometrics for Vietnam (Trắc lượng Khoa học Việt Nam) đưa ra công bố cho thấy, chỉ có 22 công bố ISI của Viện Hàn lâm KHXH trong vòng năm năm (2011 – 2015). Tháng 12/2015, khi NAFOSTED họp tổng kết năm, ban quản lý quỹ cho biết, năm nay số lượng hồ sơ nộp cho khối ngành KHXH giảm mạnh vì quỹ nâng cao yêu cầu về sản phẩm đầu ra: phải có ít nhất một công bố trên tạp chí quốc tế. Một thành viên Hội đồng KHXH của NAFOSTED, PGS. Trần Đức Cường (Viện Sử học) đưa ra ý kiến: “trong trường hợp bài không đủ điều kiện đăng tải ở tạp chí quốc tế, có thể chuyển sang tạp chí trong nước, có thể yêu cầu tăng số lượng bài báo đăng ở tạp chí trong nước lên”.
Tuy nhiên, việc hạ thấp tiêu chuẩn như vậy càng khiến cho môi trường KHXHVN càng khó cởi mở, tiếp cận đến tiêu chuẩn thế giới, những nhà khoa học trẻ càng khó có cơ hội khẳng định mình. “Có thể nói nghiên cứu của mình chưa tiếp xúc được với các nghiên cứu trên thế giới, chưa va chạm nhưng ở trong khoa học thì va chạm là bắt buộc, tôi phải đưa ra tính mới trong nghiên cứu của mình so với người khác. Ở Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu không quan tâm đến điều đó mà chỉ quan tâm đến ý kiến của mình (bất kể mới hay không). Họ không va chạm, họ rất sợ va chạm.” – PGS. Nguyễn Văn Chính nói.
Phân chia đề tài bất hợp lí
Nhiều ý kiến cho rằng một trong những cơ hội để thay đổi bộ mặt của ngành KHXH của Việt Nam là tạo điều kiện cho những tiến sĩ trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài nhưng những quy tắc “bất thành văn” trong phân bổ đề tài dường như chưa cho phép điều đó.
Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân từng trao đổi với Tia Sáng: “Đa số các đề tài dự án lớn chỉ được trao cho những nhà khoa học “cây đa cây đề” về lĩnh vực ấy, dù trong số các đề tài, dự án đó, nhiều nhà khoa học trẻ hoàn toàn có đủ điều kiện làm chủ nhiệm. Ngoài ra, không ít nhà quản lý khoa học vẫn quan niệm nhà khoa học trẻ là “trẻ người non dạ” nên chưa tin tưởng trao cho họ thực hiện những nhiệm vụ KH&CN trọng điểm do nhà nước tài trợ. Các hạn chế này khiến các nhà khoa học trẻ khó thể hiện được tài năng của mình.”
Anh Phạm Văn Lam cho rằng, điều này càng thể hiện rõ trong ngành KHXH&NV: “Trong KHXH&NV người ta thường chú ý hay quy gán đến một điều được gọi là độ chín của nhà nghiên cứu, “gừng càng già càng cay”, “sống lâu lên lão làng”. KHXH thường cho rằng các nhà nghiên cứu trẻ cần phải có thời gian, tích luỹ và trải nghiệm thực tiễn để “chín”. Vì thế, có những nhà khoa học trẻ dù có năng lực nhưng cũng rất khó tiếp cận các đề tài lớn. Thêm vào đó, những quy định hay yêu cầu khoa học rất hình thức hiện nay cũng góp phần tăng thêm cho cái sự khó này. Người ta thường đòi hỏi bằng cấp, tích luỹ hay kinh nghiệm nghiên cứu, hạng nghiên cứu (nghiên cứu viên, nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp), tư cách pháp nhân khoa học (làm gì và làm việc ở đâu) khi tiếp cận các đề tài lớn. Đôi khi, người ta không chú ý lắm đến thực lực nghiên cứu của nhà khoa học.”
Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Công Thảo (Viện Hàn lâm KHXH&NV) cho biết, trong ngành Nhân học của anh, các tiến sĩ trẻ hiếm khi được mời vào hội đồng xét duyệt hoặc chấm luận văn, luận án và được mời giảng dạy sau đại học. Lí do, theo anh Thảo là việc mời người quen vào hội đồng và tâm lí ngại thay đổi dường như trở thành thói quen của nhiều giáo sư.
Việc trao cơ hội cho các nhà khoa học trẻ phụ thuộc vào tinh thần cởi mở, sẵn sàng hỗ trợ thế hệ kế tiếp của những người đi trước. “Có thể nói là cung cấp kinh phí cho các đề tài khoa học chưa quan tâm nhiều đến những người trẻ, đặc biệt là những người vừa hoàn thành luận án tiến sĩ, đang dồi dào sức sáng tạo nhất, cái lúc tư tưởng sáng tạo mạnh mẽ nhất thì mình không cấp. Lương tiến sĩ đã thấp rồi mà mình còn không cấp đề tài thì giống như búp măng vừa trồi lên rất mạnh thì đã bị thui chột đi. Trong khi đó thì mình bồi dưỡng cho những gốc cây già nua, không còn mọc lá được nữa.” – PGS. Nguyễn Văn Chính nói thêm.
Trở lại với viện ISEE, khi phóng viên Tia Sáng hỏi, bí quyết nào để tạo ra một môi trường cởi mở, để những cuộc tranh luận không đi vào ngõ cụt – một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để các nhà khoa học trẻ phát huy năng lực sáng tạo. Câu trả lời là, mỗi nhà khoa học phải thay đổi quan điểm, phải chấp nhận sự khác biệt: “Đừng coi nó là ngõ, hãy coi nó là đại lộ đi” – Anh Lê Quang Bình nói.