Thiên văn học gần với cuộc sống hơn chúng ta nghĩ!

GS. Masatoshi Ohishi, giám đốc Trung tâm Dữ liệu Thiên văn học thuộc Đài quan sát Thiên văn Quốc gia Nhật Bản (NAOJ) sang thăm và làm việc tại Việt Nam từ đầu tháng 12 và có một chuỗi bài giảng miễn phí tại một số viện nghiên cứu, trường đại học như Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, Viện Vật lý thiên văn, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Đại học Tây Nguyên… Ông đã dành cho Tia Sáng một buổi trao đổi về nhiệm vụ của các nhà khoa học trong việc đem những kiến thức thiên văn học đến với đại chúng.


GS.TS Masatoshi Ohishi

 

Tia Sáng: Đa số công chúng Việt Nam vẫn luôn thấy thiên văn học quả là rất xa xôi với đời sống thường ngày. GS có thể nói rõ hơn vai trò của thiên văn học trong đời sống của chúng ta không?

GS. Ohishi: Thiên văn học giúp trả lời những vấn đề hết sức cơ bản trong cuộc sống. Tất cả mọi người đều có những câu hỏi rất tự nhiên như “chúng ta sinh ra từ đâu?”, tất nhiên là cha mẹ sinh ra chúng ta, rồi ông bà tổ tiên sinh ra cha mẹ ta,… nhưng từ khởi thuỷ thì sao? Khi lần lại lịch sử, chúng ta sẽ nhìn thấy vai trò của ngành vật lý thiên văn trong việc trả lời những câu hỏi hết sức cơ bản về nguồn gốc con người như vừa nêu ra. Mọi người sẽ thấy rất thú vị khi biết về mối liên hệ giữa con người, giữa đời sống của chúng ta với vũ trụ. Ví dụ, cơ thể của chúng ta có 60 – 70% là nước, trong nước có phân tử hydro, và 100% phân tử hydro đó được hình thành từ tám tỉ năm trước, trong vụ nổ big bang. Mọi người hẳn sẽ rất ngạc nhiên về điều đó, đúng không? Và tôi có thể nói với họ rằng “bạn đang giữ trong mình vết tích của vụ nổ big bang đó”. Tương tự, tất cả các thành phần như protein, carbon, ni-tơ hay ô-xi… những yếu tố cơ bản này đều được tạo ra ở trên các hành tinh, các ngôi sao từ những phản ứng hạt nhân. Như vậy là cơ thể chúng ta đều được cấu thành từ vũ trụ, nhưng đa số chúng không biết điều đó, nên mọi người rất ngạc nhiên: “woa, chúng ta đều được hình thành từ vũ trụ”. Vì thế, sẽ rất thú vị khi đem những thông tin đó đến cho số đông công chúng. Và thực sự là, rất nhiều người muốn hiểu rõ mối liên hệ giữa vũ trụ và khởi thuỷ của cuộc sống chúng ta.

Nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam khó có thể phát triển ngành thiên văn học bởi vì ngành này luôn đòi hỏi những thiết bị rất đắt tiền.

Không hoàn toàn là vậy. Trong điều kiện tài chính hạn hẹp, các bạn vẫn có thể phát triển thiên văn học theo cách riêng của mình mà không cần tới các trang thiết bị đắt đỏ. Ví dụ như dùng các loại kính thiên văn nhỏ. Hẳn các bạn đều biết cách đây hơn hai mươi năm, Đại học Geneva phát hiện ra các ngoại hành tinh (exoplanet) chỉ bằng loại kính thiên văn nhỏ có đường kính 1 mét. Việt Nam có một lợi thế là nằm gần đường xích đạo nên chỉ với kính thiên văn vô tuyến nhỏ, các bạn vẫn quan sát được hầu hết các khu vực trên bầu trời, nó chỉ phụ thuộc vào vị trí bạn đặt các kính này thôi. Ngoài ra, hiện nay các bạn có cơ hội rất lớn để tiếp cận với nhiều nguồn cơ sở dữ liệu mở, như Trung tâm Dữ liệu của chúng tôi.

Tiếp xúc với một số nhà khoa học trẻ của Việt Nam, tôi thấy các bạn có tiềm năng rất lớn trong nghiên cứu thiên văn học. Vấn đề là các nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm cần hỗ trợ rất nhiều cho các nhà nghiên cứu trẻ và có trách nhiệm mang khoa học nói chung và thiên văn học nói riêng tới đại chúng để thu hút người học.

GS vừa nói rằng các nhà nghiên cứu phải có trách nhiệm đem khoa học đến đại chúng. Vậy GS và các đồng nghiệp đã đem kiến thức ngành thiên văn học đến công chúng ở Nhật Bản như thế nào?

Hằng năm chúng tôi có ngày hội mở (open day) và mỗi tháng đều có sự kiện khoa học dành cho công chúng ngay tại trụ sở của mình. Tại các sự kiện này, người yêu thích thiên văn học có thể nghe các bài nói chuyện dành cho đại chúng và đặt câu hỏi trực tiếp cho chúng tôi. Ngoài ra, chính các nhà nghiên cứu thiên văn học cũng đến giảng ở tất cả các cấp học, từ trẻ mẫu giáo tới bậc phổ thông trung học. Ngành thiên văn học được đánh giá là ngành học mang kiến thức phổ thông đến số đông đại chúng tốt nhất ở Nhật Bản.

Tôi thật sự ngạc nhiên khi nghe GS vừa nói rằng những nhà nghiên cứu cũng đến nói chuyện về thiên văn học cho trẻ nhỏ, thậm chí là trẻ mẫu giáo. Tại sao như vậy?

Rất có thể những bạn nhỏ đó sẽ trở thành các nhà thiên văn học trong tương lai đúng không? Có thể là chỉ 1% thôi, nhưng 1% của 1 triệu người thì cũng là 10.000 nhà thiên văn học trong tương lai. Vì vậy cần nuôi dưỡng mầm khoa học ở trẻ ngay từ sớm. Bản thân tôi dạy khoảng sáu buổi miễn phí mỗi năm cho trẻ em bậc tiểu học. Dạy cho bọn trẻ luôn đem lại những ấn tượng khó quên với chúng tôi. Chúng luôn rất hào hứng, thậm chí còn đặt nhiều câu hỏi vượt cả sự mong đợi của chúng tôi. Các buổi trao đổi kiến thức như thế cũng mang lại cơ hội cho giáo viên để họ hiểu thêm về thiên văn học.

Ông có thể cho biết làm thế nào để buổi nói chuyện khoa học hấp dẫn các bé cũng như người lớn?

Tại mỗi sự kiện khoa học dành cho công chúng, chúng tôi chuẩn bị các bài nói chuyện đơn giản, dễ hiểu. Chẳng hạn như, hết sức tránh dùng các thuật ngữ chuyên ngành khiến người nghe không thể hiểu nổi. Các chủ đề đưa ra thường là chủ đề được mọi người quan tâm, như chủ đề về lỗ đen, có gì trong các lỗ đen? Hay tuổi của vũ trụ, hoặc những thông tin cơ bản về các hành tinh và ngôi sao. Nhiều người cũng quan tâm đến UFO hoặc người ngoài hành tinh.

Còn đối với các bé, chúng tôi chỉ giảng với những bức tranh, ảnh kèm theo chú thích thật đơn giản. Chúng tôi cũng áp dụng cách làm tương tự khi làm sách khoa học về thiên văn học cho trẻ em. Ở Trung tâm của tôi, có một bộ phận làm truyền thông khoa học cho đại chúng phụ trách vấn đề này, và các sách cho thiếu nhi luôn rất dễ hiểu, dễ dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau. Có thể dịch sang tiếng Việt chẳng hạn.

Để biết được phản ứng của công chúng với các bài nói chuyện, chúng tôi đề nghị người nghe phản hồi thông tin. Nhờ đó, kịp thời điều chỉnh nội dung cũng như phương pháp tương tác với họ. Tôi nghĩ, thông thường, với các bài nói chuyện khoa học, người nghe phổ thông hiểu được 70% đã là thành công (rất khó để họ hiểu được 100%).

Thực ra chúng tôi cũng có “chiêu” của mình để hấp dẫn mọi người đến các buổi nói chuyện. Thi thoảng chúng tôi mời những người nổi tiếng như Nhật hoàng và các nghệ sĩ lớn tham gia cùng. Điều đó mang lại hiệu ứng truyền thông rất tốt.

GS Pierre Darriulat đã từng nói rằng các nhà khoa học phải có trách nhiệm giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học của mình đến công chúng. GS có nghĩ như vậy không?

Đương nhiên. Nhà khoa học bắt buộc phải [nhấn mạnh] cung cấp các thông tin và những thành tựu khoa học mới nhất đến công chúng. Ở Nhật Bản, người làm nghiên cứu chúng tôi ý thức rất rõ về điều này bởi vì nếu muốn xin đầu tư cho nghiên cứu từ nhà nước hoặc từ các quỹ nghiên cứu, thì yêu cầu trước tiên mà họ đặt ra là công chúng – xã hội quan tâm đến vấn đề đó như thế nào. Ngoài ra, các nhà khoa học sẽ nhận được rất nhiều thông tin từ các buổi nói chuyện khoa học cho đại chúng như thế. Riêng tôi, tôi thấy rất thú vị, thật sự hạnh phúc khi giảng bài cho trẻ em.

Giới truyền thông góp phần hỗ trợ Trung tâm của GS và giới nghiên cứu nói chung như thế nào trong việc đem thông tin khoa học tới đại chúng?

Giới truyền thông có khả năng rất tốt trong việc đơn giản hoá các thông tin khoa học và giới thiệu đến công chúng. Họ chính là cầu nối khoa học với đại chúng. Nhưng nhiều khi những người làm truyền thông không đủ kiến thức để viết về các kết quả nghiên cứu khoa học. Do đó, Trung tâm của chúng tôi mời những người làm truyền thông đến để giảng giải về những vấn đề cơ bản (không phải các buổi công bố kết quả nghiên cứu – các buổi này riêng). Lần gần đây nhất, Trung tâm của chúng tôi mời khoảng 40 người làm truyền thông đến để giảng bốn bài về thiên văn học. Các buổi giảng này hoàn toàn miễn phí. Sau mỗi buổi giảng, các nhà nghiên cứu và giới truyền thông lại tham gia những buổi tiệc nho nhỏ cùng nhau để trao đổi tiếp, những buổi gặp gỡ nhỏ như thế gắn kết mọi người hơn rất nhiều.

Trong tương lai GS có dự định hợp tác nghiên cứu nào cùng với Việt Nam?

Có chứ, nhưng các đơn vị nghiên cứu thiên văn học của các bạn phải tự viết đề xuất hợp tác nghiên cứu. Còn chúng tôi sẽ hợp tác cùng các bạn. Hãy bắt đầu và nhớ rằng, không thể thành công ngay từ bước đầu tiên mà cần phải có một hành trình dài, rất dài mới có thành công.

Xin cảm ơn GS đã chia sẻ!

Thu Quỳnh thực hiện!
 

NAOJ – Đài quan sát Thiên văn Quốc gia Nhật Bản – với sáu campus (cơ sở) nằm rải rác ở khắp đất nước và đón công chúng tới thăm quan định kì vào các ngày nghỉ, ngày lễ tết hằng năm. Hai campus nổi bật là Mitaka ở Tokyo và Mizusawa ở Oshu, Iwate (phía Bắc Nhật Bản) với những công trình đánh dấu sự phát triển của ngành thiên văn học của Nhật Bản được bảo tồn từ những năm 1920 đến nay và bảo tàng về những nhà khoa học Nhật Bản đi đầu trong lĩnh vực này. Hai campus này còn có những công trình đưa công chúng tiếp cận gần gũi hơn với thiên văn học như Con đường Hệ Mặt trời (The Solar System Walk tại Mikata Campus) có kích thước và vị trí của các hành tinh theo tỉ lệ 1/14 tỉ và bảo tàng khoa học vũ trụ và thiên văn Oshu (tại Mizusawa Campus) với hình ảnh vũ trụ được chiếu 4D và người tham quan được trực tiếp tham gia làm các thí nghiệm thiên văn.

Tác giả