Thỏa thuận hạt nhân của Iran tăng hy vọng cho khoa học

Các nhà vật lý Iran tỏ ra phấn khích trước viễn cảnh về một phòng thí nghiệm vật lý mới và khả năng phối hợp hiệu quả hơn trong nghiên cứu khoa học với phần còn lại của thế giới.  

Thỏa thuận sơ bộ (khung) đã được chấp thuận giữa Iran và sáu cường quốc thế giới về chương trình hạt nhân của nước này đã được coi như cơ hội để chấm dứt quãng thời gian căng thẳng trên toàn cầu, góp phần ngăn chặn chạy đua vũ khí hạt nhân ở khu vực Trung Đông và làm giảm đi tác động của các lệnh trừng phạt đã làm cho nền kinh tế Iran tê liệt. Một thắng lợi khác cũng tới với nền khoa học Iran thông qua thỏa thuận này.

Dù các nhà đàm phán vẫn còn phải giải quyết nhiều vấn đề nổi cộm trước thời hạn ngày 30/6 cho một thỏa thuận chính thức nhưng các nhà nghiên cứu trong và ngoài Iran vẫn lạc quan về hiệu quả thiết thực của bản thỏa thuận này – một đề xuất chuyển đổi nhà máy làm giàu uranium Fordow thành phòng thí nghiệm vật lý quốc tế cũng như gia tăng các cơ hội hợp tác nếu các hình thức trừng phạt được nới lỏng.

“Việc chuyển Fordow thành cơ sở nghiên cứu vật lý chắc chắn sẽ thu hút cộng đồng nghiên cứu vật lý của Iran,” Shahin Rouhani, nhà vật lý tại Viện Nghiên cứu Khoa học cơ bản (IPM) ở Tehran và chủ tịch của Hiệp Vật lý Iran, đánh giá. “Tuy vậy điều gì sẽ thực sự xảy ra còn phụ thuộc vào sự thỏa thuận cuối cùng trong hai tháng tới cũng như tính chất hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có tại Fordow,” ông Shahin Rouhani cho biết thêm.

Được xây dựng ngầm dưới chân một ngọn núi, nhà máy Fordow gây lo ngại đối với Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh vì rất khó để xử lý hiệu quả vấn đề mà không ảnh hưởng đến môi trưởng, do đó đề xuất biến nó thành phòng thí nghiệm đã trở thành sự lựa chọn tối ưu hơn hẳn những biện pháp ngoại giao. Frank von Hippel, một  nhà vật lý không phổ biến vũ khí hạt nhân và vũ khí hạt nhân tại trường Đại học Princeton ở New Jersey, nói: “Tôi nghĩ rằng cơ bản đây là cách vừa thỏa mãn yêu cầu không có cơ sở hạt nhân của Iran bị đóng cửa của Ayatollah (Đại giáo chủ Iran – ND), vừa đáp ứng yêu cầu phải dừng ngay việc làm giàu uranium ở đó của Mỹ”.

Theo thỏa thuận khung, một số các máy  ly tâm làm giàu uranium tại nhà máy Fordow sẽ được chuyển sang sử dụng để sản xuất các đồng vị như là molybdenum-99, đang được sử dụng rộng rãi cho chụp ảnh y tế. Rüdiger Voss, giám đốc đối ngoại của CERN (Phòng thí nghiệm vật lí hạt Châu Âu gần Geneva, Thụy Sĩ) cho biết rằng khả năng chuyển đổi mục đích sản xuất ở Fordow có thể giúp ngăn chặn sự thiếu hụt những đồng vị này trên toàn cầu.

Những thông tin khác

“Các khu vực khác thuộc địa điểm ngầm Fordow sẽ là nơi đặt các thiết bị vật lý thực nghiệm; khả năng tận dụng nó sẽ còn phụ thuộc rất lớn vào chức năng của các thiết bị sẽ lắp đặt, tuy vậy đến bây giờ việc lựa chọn thiết bị vẫn chưa có kế hoạch cụ thể,” Voss cho hay. Còn nhà vật lý Ernest Moniz, thành viên Bộ Năng lượng Mỹ và là nhà thương thuyết hàng đầu về khoa học trong thỏa thuận này, đã đề cập đến khả năng lắp đặt của một máy gia tốc hạt ở đó. “Các nhà vật lý của Iran cũng đã tính đến trường hợp đó,” Reza Mansouri, nhà thiên văn học tại Viện nghiên cứu các ngành khoa học cơ bản Iran (IPM) và là cựu thứ trưởng Bộ Khoa học Iran, cho biết như vậy. Hiệp hội Vật lý Iran có ý định gửi thư cho các chính trị gia yêu cầu được tham gia vào việc lựa chọn bất kỳ dự án nào trong tương lai, ông nói, và Rouhani (Tổng thống Iran – ND) nêu kế hoạch cho Hiệp hội thành lập một nhóm xem xét tính khả thi trong việc khai thác Fordow. Ông dẫn ra khả năng xây dựng một đầu dò neutrino; Mansour gợi ý về việc nghiên cứu tia vũ trụ.

Iran có một cộng đồng vật lý năng động và đã có các thiết bị sẵn sàng sử dụng, như thiết bị nguồn tia của Iran ở Qazvin, phía tây bắc của Tehran, cung cấp chùm tia X-quang cường độ mạnh phục vụ nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực. Các nhà vật lý của Iran cũng có nhiều hợp tác quốc tế, ví dụ thông qua sự tham gia của các nước này trong các thí nghiệm tại CERN, và họ cũng sẵn sàng để thảo luận về bất kỳ kế hoạch nào với các đồng nghiệp nước ngoài. “Tôi chỉ có thể chờ mở ra cho sáng kiến đó,” ông Patrick Fassnacht, người phụ trách về đối ngoại với Iran tại CERN nói.

“Các cuộc đàm phán cũng bao gồm việc làm giảm bớt lệnh trừng phạt liên quan đến vũ khí hạt nhân, vốn đã ảnh hưởng đến khả năng nghiên cứu và hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài của Iran,” ông Hamid Javad nói. Ông là một thành viên của Hội đồng Các nhà vật lý Mỹ gốc Iran, một tổ chức được thành lập vào năm 2007 để đại diện cho các thành viên người Iran thuộc Hiệp hội Vật lý Mỹ. Các nhà khoa học nước ngoài thường tránh tiếp xúc với những đồng nghiệp Iran vì e ngại động chạm tới các điều luật cứng rắn trừng phạt Iran. Còn bản thân các nhà khoa học Iran có nguyện vọng đi ra nước ngoài nghiên cứu cũng gặp rất khó khăn khi xin visa.

Một thanh tra của IAEA thanh sát trở lại tại điểm làm giàu uranium Isfahan của Iran.

“Hơn nữa, các lệnh trừng phạt đã làm các nhà nghiên cứu Iran vất vả và tốn kém rất nhiều khi đặt mua thiết bị thí nghiệm và tạp chí khoa học,” ông Warren Pickett, nhà vật lý tại trường Đại học California, nói. Ông cũng là người đã thúc đẩy tiến trình ngoại giao khoa học với Iran thông qua các chuyến thăm và làm việc. Năm ngoái, trường đại học của ông đã đồng ý hợp tác với trường đại học Công nghệ Sharif ở Tehran. Theo quan điểm của ông, sẽ nguy hại hơn nhiều khi những căng thẳng quốc tế tạo nên sự e ngại giữa các nhà nghiên cứu nước ngoài và Iran, ông nói thêm: “Khi tôi kể về chuyến thăm của tôi đến Iran, một số đồng nghiệp của tôi tỏ ra rất sửng sốt ‘Tại sao ông đến đó?’.”

Các hình thức trừng phạt được nới lỏng được hy vọng sẽ giải phóng cho các mối quan hệ hợp tác hiện tại của Iran. “Cuộc sống không phải hề dễ dàng cho những người bạn Iran,” Fassnacht nói. Bản thân CERN đã phải rất thận trọng trong hợp tác với Iran để tránh làm trái các điều luật trừng phạt của quốc tế, ông nói, đặc biệt khi làm việc với những người nằm trong danh sách đen do họ có liên hệ với chương trình hạt nhân của nước này. Các ngân hàng Thụy Sĩ cũng miễn cưỡng chấp nhận việc thanh toán phí của Iran cho CERN, mặc dù CERN cuối cùng đã tìm thấy một ngân hàng sẵn sàng đứng ra đảm nhiệm việc này, ông cho biết thêm.

“Máy gia tốc synchrotron SESAME đang được xây dựng gần Amman, Jordan với mục đích thúc đẩy hòa bình giữa các quốc gia Trung Đông cũng như vật lý hạt, hiện đối mặt với các vấn đề tương tự về vấn đề ngân hàng,” ông Christopher Llewellyn-Smith, giám đốc nghiên cứu năng lượng tại Đại học Oxford, Vương quốc Anh và là chủ tịch của Hội đồng SESAME nói. “Nguồn đóng góp nằm trong tầm tay của SESAME, nó sẽ cho phép Iran bắt đầu chi trả trở lại và trả những món nợ đã tích lũy kể từ khi các lệnh trừng phạt bắt đầu”.

Ở tầm nhìn rộng mở hơn, các cuộc đàm phán cho thấy dấu hiệu sẵn sàng đối thoại. “Điều này là vô cùng quan trọng,” ông Mansouri cho biết, “bởi Iran, Mỹ và các nước khác đã tìm ra cách thức để đối thoại với nhau một cách hợp lý “.

Những thách thức đối với một thỏa thuận chính thức

Trước đây, các nhà lãnh đạo Mỹ và Liên Xô tin tưởng vào các nhà vật lý sẽ tìm ra giải pháp giảm vũ khí hạt nhân và thủ tục xác minh trong cuộc chiến tranh lạnh. Tương tự như vậy, các nhà đàm phán đang tiếp tục làm việc với bản thỏa thuận chính thức về chương trình hạt nhân của Iran đật kỳ vọng các nhà khoa học tạo ra những nền tảng kỹ thuật đáng tin cậy. Dưới đây là ba khả năng (vấn đề) mà bản thỏa thuận cuối cùng cần phải giải quyết.

Vi phạm toàn diện (Central Breakout): Đối với thỏa thuận, lo ngại chính là việc Iran nhanh chóng chuyển hướng chương trình hạt nhân – mà nước này vẫn tuyên bố là vì mục đích hòa bình – để sản xuất uranium được làm giàu cao hoặc plutonium cấp độ vũ khí cần thiết để tạo một quả bom, một sự kiện được gọi là “Sự vi phạm”.  Thỏa thuận sơ bộ đòi hỏi Iran giảm số máy ly tâm đang hoạt động từ 19.000 xuống còn 5060 và kho dự trữ của uranium được làm giàu mức thấp từ 10.000 kg xuống còn 300 kg. Theo kịch bản này, sẽ mất ít nhất một năm sau khi xảy ra vi phạm mới sản xuất lượng uranium cần thiết cho một quả bom, và như vậy cộng đồng quốc tế sẽ có đủ thời gian để can thiệp. Hiệp định khung cũng quy định rằng vùng hoạt của lò phản ứng hạt nhân nước nặng ở Arak được thay thế bằng một thiết bị tạo ra ít plutonium trong nhiên liệu đã cháy – và tất cả các thanh nhiên liệu đã cháy đó sẽ được gửi ra nước ngoài.

Hoạt động lén lút (Sneak-out): Theo thỏa thuận khung, trong 25 năm tới, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), có trụ sở tại Vienna, được trao quyền chưa từng có trước đây để  kiểm tra một khâu bất kỳ nằm trong chu trình nhiên liệu hạt nhân của Iran. IAEA cũng sẽ có quyền điều tra khả năng “hoạt động lén lút” – các địa điểm làm giàu uranium không khai báo  hoặc các hoạt động khác mà có thể tạo ra vũ khí hạt nhân. Các cơ quan giám sát có thể sử dụng hình ảnh vệ tinh, quá trình kiểm tra các mẫu môi trường và thiết bị để kiểm tra xem liệu uranium được làm giàu cao đã được sử dụng tại một địa điểm nào hay không. Nhưng thỏa thuận hiện tại chưa chi tiết hóa vấn đề khi nào “hoạt động lén lút” chưa tới mức “vi phạm”, và trong quá khứ Iran đã từng che giấu IAEA về các nhà máy làm giàu uranium.

Nghiên cứu vũ khí (Weapon Research): Có lẽ vấn đề gai góc nhất hiện nay là việc nghiên cứu hạt nhân quân sự. Nếu như các thanh tra viên có quyền tới địa điểm quân sự quốc gia Parchin, nơi bị cáo buộc đang tiến hành phát triển vũ khí hạt nhân, thì họ có thể tìm kiếm bằng chứng việc thử nghiệm các thành phần vũ khí hạt nhân. Nhưng bản thỏa thuận sơ bộ không đề cập đến quyền hạn mà IAEA phải có để thanh tra các địa điểm quân sự. Không hề ngạc nhiên về vấn đề này bởi trong quá khứ, Iran đã từ chối sự tiếp cận của IAEA đến Parchin. Những hình ảnh vệ tinh cho thấy trước đây Iran đã từng cố gắng che giấu việc nghiên cứu vũ khí hạt nhân tại địa điểm này trước bất kỳ hoạt động thanh tra nào của IAEA.

Nguyễn Thị Thu Hà

Nguồn: http://www.nature.com/news/iran-nuclear-deal-raises-hopes-for-science-1.17321

Tác giả