Thời đại đồ sắt và nghề luyện sắt của tổ tiên người Việt

LTS: Cho đến nay, các nghiên cứu khảo cổ học, lịch sử cho thấy người Việt cổ luyện kim thành thạo từ sớm, với những dấu vết của luyện kim đồng thau ngay từ giai đoạn kết thúc của văn hóa Phùng Nguyên (niên đại 4000-3500 năm cách ngày nay). Đối với đồ sắt, các phát hiện khảo cổ học gần đây cũng cho thấy dấu hiệu của nghề luyện sắt từ thế kỷ 2-3 trước Công nguyên với những vết tích lò luyện sắt, hòn quặng sắt, xỉ sắt hình giọt nước tại di chỉ Đồng Mỏm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Các hiện vật sắt, gỉ sắt không rõ hình dạng, chức năng cũng được phát hiện tại di chỉ Đường Mây, Cổ Loa, Hà Nội. Các nhà khảo cổ học, lịch sử vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những minh chứng mới về nghề luyện sắt của người Việt cổ. Bài viết dưới đây của tác giả Trần Gia Ninh, tập hợp từ những tài liệu thành văn, bước đầu đưa ra một góc nhìn về lịch sử nghề luyện sắt của người Việt cũng như vị trí của nó trong bối cảnh khu vực.

Lịch sử văn minh nhân loại khởi đầu từ thời đồ đá, chuyển lên đồ đồng và tiếp nối là đồ sắt cho đến tận ngày nay, chưa có thêm thời đại nào mới nữa. Điều đó cho thấy kim loại sắt và các biến thể của nó quan trọng tới mức nào đối với văn minh nhân loại. 

Sơ lược lịch sử phát triển đồ sắt


Hình 1: Cảnh luyện sắt ở vùng Nam Âu.

Hình 2: Cấu trúc lò Bloomery ở Nam Âu

Hình 2: Cấu trúc lò Bloomery ở Nam Âu

Thời đại đồ sắt bắt đầu vào thế kỷ 12 trước Công nguyên (TCN) tại Trung Đông cổ đại, Ấn Độ cổ đại  và Hy Lạp cổ đại. Vào thế kỷ 8 TCN tại Trung Âu và vào thế kỷ 6 TCN tại Bắc Âu thì thời đại đồ sắt mới bắt đầu xuất hiện. Việc sử dụng sắt, để nấu chảy và rèn thành các công cụ, đã xuất hiện tại nền văn minh Nok ở Tây Phi vào khoảng năm 1200 TCN. Theo cổ sử Trung Hoa thì có lẽ từ đầu đời Chu (TK 10 TCN) ở Trung Hoa bắt đầu có nghề luyện sắt. Không có những bằng chứng khảo cổ chắc chắn, nhưng những gì còn thu thập được người ta dự đoán rằng người cổ đại sử dụng công nghệ lò bloomery (tạm dịch: lò nở xỉ) để luyện sắt. Lò này là một hốc rỗng hay một kiểu ống khói, tường được đắp bằng đất sét chịu lửa. Phía dưới có một cửa xuất liệu và một hay nhiều tuy-e để thổi gió vào (Hình 1,2,3). Nhập liệu từ phía trên xuống gồm quặng sắt nghiền nhỏ, trộn với than gỗ, có thể không có hoặc có cho thêm vôi tôi hoặc các chất trợ dung… Hỗn hợp này sẽ bị nung chảy ở khoảng 1250oC thấp hơn nhiều so với nhiệt độ nóng chảy của sắt (1558oC). Kết quả sẽ thu được một chất lỏng gồm sắt và xỉ (cái tên Bloomery-nở ra xỉ là bắt nguồn từ đó) và đóng rắn thành cục sắt-xỉ ở dạng xốp tại đáy lò. Từ sắt xỉ xốp gia công cơ nhiệt thành ra sắt rèn (Wrought Iron) hoặc sắt (gang) luyện (pig iron-Sinh thiết)… (ví dụ sắt rèn là sắt xây tháp Effel, cầu Long Biên…). Kể từ thế kỷ 18 khi có lò cao Bessemer, lò Martin… thì kỹ thuật này không phổ biến nữa, (nhưng hiện lại có xu hướng quay lại công nghệ cổ xưa này với tên gọi là DRI (Direct Reduction Iron) chế tạo ra sắt xốp). Kỹ thuật lò Bloomery có thể là công nghệ luyện sắt cổ xưa nhất, và ở các vùng trên thế giới ngày xưa không khác nhau là mấy, chỉ hơn nhau ở chất lượng quặng, chất lượng than gỗ và kỹ thuật thổi gió. Có nhiều kiểu kết cấu bễ thổi gió, dạng ống thụt (piston- Hình 5) hoăc dạng quả bóng ép bằng da thú (Hình 4). Lúc đầu thì đều dùng sức người, về sau dùng sức nước (hình 7). Thời cận hiện đại thì dùng máy hơi nước, điện… Bức tranh khắc đá tìm thấy trên vách các mộ cổ ở Sơn Đông Trung Quốc cho ta thấy hình ảnh luyện sắt và chế tác sắt ở Trung Hoa dùng bễ thổi khí kiểu quả bóng ép, khoảng thế kỷ 2 thứ 3 TCN (Hình 6). Ngày nay chúng ta vẫn còn thấy cách chế tác sắt thủ công dùng bễ ống thụt của người Hmông ở miền núi phía Bắc nước ta.

Tổ tiên người Việt có biết nghề luyện và chế tác sắt?

Hiện nay nhiều người cho rằng tổ tiên nước ta không biết nghề luyện sắt và sản phẩm này là do văn minh Trung Hoa trong quá trình ngàn năm Bắc thuộc truyền sang.
Theo truyền thuyết Thánh Gióng thì tổ tiên ta đã biết dùng sắt rèn ngựa cho Thánh Gióng đánh giặc Ân, (khoảng 1000 năm TCN). Truyền thuyết thì khó tin. Lịch sử thành văn của nước ta thì lúc đó chưa có. Nhưng có thể là nghề luyện sắt của ta có từ trước thời Bắc thuộc. Thời đó dân ta chưa biết dùng chữ Hán. Trong chữ Hán sắt gọi là thiết , thép gọi là cương , nếu sắt thép là do người Trung Hoa truyền vào sau thời Bắc thuộc thì tất nhiên dân ta phải gọi như là chữ Hán là Thiết, Cương 鐵鋼. Nhưng người Việt lại gọi là sắt thép. Sắt là một chữ thuần Việt, ? đọc là sắt theo chữ nôm, chữ này ngay từ điển Khang Hy cũng không có, mặc dù chữ Hán cũng có chữ đọc là sắt nhưng để chỉ cây đàn sắt có 50 dây (Mang tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ – Truyện Kiều Nguyễn Du). Thép cũng là một từ thuần Việt, chữ nôm viết ? đọc là thép, chữ này hoàn toàn không có âm và chữ tương tự trong Hán ngữ. Như vậy, người Việt phải biết đến kỹ thuật sắt thép (và có thể các kỹ thuật luyện kim khác, như vàng, bạc, chì kẽm) trước thời Bắc thuộc và vẫn tiếp nối phát triển, nên mới có tên gọi riêng của mình như vậy. Có ý kiến dựa trên Sử ký của Tư Mã Thiên, Nam Việt liệt truyện 南越列傳, có chép “… 與長沙接境, 高后時, 有司請禁南越關市鐵器, [Nam Việt] giáp giới với quận Trường Sa ,Thời Cao Hậu [Lã Hậu 241 TCN – 180 TCN], quan đương sự xin cấm không cho người Nam Việt vào mua đồ sắt.” để nói rằng Nam Việt không tự chế được sắt1. Thời Cao Hậu Nam Việt vương Triệu Đà mới chỉ chiếm được Phiên Ngung (vùng Quảng Đông). Sau khi Cao Hậu chết (180 TCN) mới chiếm được Mân Việt và Tây Âu Lạc nên không có sắt là tất nhiên, điều đó không chứng minh là Âu Lạc không luyện được sắt. Có người lấy lý do không tìm thấy di tích khảo cổ về sắt trên đất nước ta để kết luận rằng cha ông ta không biết chế tạo sắt thép. Nên nhớ rằng, khác với đồ đá và đồ đồng, đồ sắt để lại rất ít trong các di tích khảo cổ trên thế giới. May chăng còn có cột sắt ngàn năm ở gần Dehli Ấn Độ là còn tồn tại đến ngày nay, mà các nhà khoa học hiện đại cũng chưa giải mã được bí mật. Bởi chưng kim loại sắt bị oxy hóa mạnh, dù có bị chôn vùi dưới bao lớp đất cũng bị hủy hoại. Ngay cả ở nước ta, Đại Việt sử ký toàn thư chép Ngô Quyền (và Trần Hưng Đạo sau đó) đóng cọc gỗ nhọn bịt sắt cắm xuống sông Bạch Đằng thì các cọc đó ngày nay phát hiện được cũng không thấy có sắt nữa. Sử sách của nước ta bị quân Minh cướp và đốt hết từ năm 1407 nên không có cơ sở nào biết được trước đó có chép gì không. Nhưng sau khi quân Minh chiếm nước ta, lập thành quận huyện của Trung Hoa thì người Minh đã có ghi chép nhiều chi tiết về tổ chức kinh tế, xã hội, địa chí, sản vật của Giao Chỉ. Trong quyển An Nam Chí Nguyên (Hình 8) 安南志原 của Cao Hùng Trưng 高熊徵 đời Minh đã ghi chép khá tỉ mỉ như Nhà Minh đã lập ra 6 Cục Kim Trường 金場局 để lo về việc luyên kim ở Giao chỉ. Về sắt sách này chép “安府 : 礦山在土黃縣‮٢#‬鐵山在東城縣‮٢#‬ Phủ Nghệ An, tại huyện Thổ Hoàng2 [tỉnh Hà Tĩnh ngày nay] có núi Quặng (Khoáng Sơn) là nơi sản xuất sắt… tại huyện Đông Thành [có lẽ là vùng Núi Thiên Nhận-Hồng Lĩnh ven sông Lam ngày nay] có núi Sắt (thiết sơn) cũng là nơi sản xuất sắt3. Những ghi chép này cho ta thấy, ít nhất từ thời Trần nghề luyện sắt của người Việt đã khá phát triển. Chẳng những là luyện sắt, mà việc chế tác sắt (làm vũ khí) thời bấy giờ đã đạt được trình độ cao, có thể vượt cả kỹ thuật của phương Bắc.


Hình 4: Bễ thổi khí bằng quả bóng da;

Hình 5: Lò chế tác sắt dùng bễ ống thụt của người Hmông.

Trong bộ Chính sử Trung Hoa, như Minh Sử (Lịch sử Triều Minh)chép: “明史·兵志四):明成祖平交趾,得神机炮法. 特置神机。制用生熟赤。建最, 西次之。大小不等。 大者。 次及小者用架,用, 用托。 大利于守, 小利于。 随宜而用 要器 , quyển 92, Binh Chí Tứ chép: Minh Thành Tổ đánh Giao Chỉ, lấy được phép Thần Cơ Thương Pháo, đặt riêng Thần Cơ Doanh luyện tập. Chế tạo cần dùng đồng đỏ nguyên chất, cần nhất sắt dẻo, thứ cần nữa là sắt Tây Vực. To nhỏ các loại, loại to dùng xe, nhỏ dùng giá, dùng cọc, tay nâng. Lợi lớn khi giữ, lợi nhỏ khi đánh, tùy mà dùng như vũ khí quan trọng khi cầm quân”. Chuyện cướp công nghệ luyện và chế tác sắt làm vũ khí của nhà Minh còn được ghi chép trong Minh Thực Lục, lúc cha con Hồ Quý Ly bị điệu về Yên Kinh thì Vĩnh Lạc đã tống giam ngay cha con Quý Ly- Hán Thương nhưng lại ra lệnh thả ngay tại chỗ Tả tướng Hồ Nguyên Trừng, vì nhà Minh đã do thám biết Trừng là nhà kỹ thuật đại tài của nước Việt. Sách chép: Vào năm Vĩnh Lạc năm thứ 5, ngày 5 tháng 9 (tức 5 tháng 10/1407): “Hoàng đế cùng bá quan văn võ nhận lễ hiến tù tại cửa Phụng Thiên. Binh bộ thị lang Phương Tân tuyên đọc bản hạch tội […]. Sau khi Tân đọc xong […] Hoàng đế ra lệnh đem Quí Ly, con y là Hồ Hán Thương, tướng giặc Hồ Đỗ cùng tất cả đồng bọn tống giam vào đại lao. Lệnh thả ngay cho con trai của y là Trừng cùng bọn cháu là Nhuế và ban cho họ lương thực và y phục4. Ngay sau đó thì Trừng được bổ nhiệm chủ sự Binh Trượng Cục, chuyên chế tác Thần cơ thương pháo và các loại súng. Về sau Trừng làm đến Thượng thư Bộ Công (Hàm như Bộ trưởng ngày nay). Sách “Dã Ký: 今凡祭兵器並祭澄也 [Quân Minh] nay phàm khi tế súng thì phải tế Trừng”5. Thực ra thì những tuyệt kỹ chế hỏa súng nòng dài (về sau nhà Minh gọi là Thần cơ thương pháo) đã có từ đời Trần, Hồ Nguyên Trừng thời Hồ Quý Ly-Hồ Hán Thương là phát triển tiếp mà thôi. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư tả trận đánh năm Canh Ngọ 1390 đời Trần: “Trần Khát Chân liền ra lệnh các Hỏa súng nhất tề nhả đạn, bắn trúng thuyền Chế Bồng Nga, xuyên suốt ván thuyền, Bồng Nga chết”. Những địa điểm luyện sắt như trong Nam Việt Chí Nguyên đã chép ở trên tập trung chủ yếu ở vùng Hà Tĩnh6. Đặc biệt là vùng thung lũng sông Ngàn Sâu thuộc Huyện Thổ Hoàng ngày xưa vốn nổi tiếng với nghề luyện sắt ít nhất từ đời Trần và cho đến trước khi có kỹ thuật phương Tây, như sách “同 慶 地 輿 志 Đồng Khánh địa dư chí”7 (Hình 9) (1886 – 1887) đã viết rõ, rằng sản vật đặc sắc của Hương Khê8 là Sắt: “周禮總 之周禮,春 隴, 福 祿總之都 溪, 福 澤, 河 東 等 社 山 分 多 有 生 鐵, 但 鐵 質 剛 脆, 惟河 東社隴山鐵 質 堅軟 爲勝 Ở sơn phận các xã Chu Lễ, Xuân Lũng tổng Chu Lễ, Đô Khê, Phúc Trạch, Hà Đông tổng Phúc Lộc nhiều nơi có sắt luyên (sinh thiết). Nhưng chất sắt giòn cứng. Riêng sắt ở núi Lũng xã Hà Đông là thứ sắt cứng mà dẻo (nhuyễn)”. Như vậy là hai quyển sách cách nhau hơn năm trăm năm, một của Trung Hoa, một của Đại Việt, đều chép giống nhau về cùng một địa danh chuyên về luyện sắt (và là sắt chất lượng cao, cứng mà dẻo) là vùng Hương Khê Hà Tĩnh. Chẳng những vậy mà thực sự lịch sử cận đại của nước Việt có sự kiện trong cuộc khởi nghĩa Cần Vương của Phan Đình Phùng, tại cứ điểm trong vùng rừng núi Hương Khê bị quân Pháp bao vây tứ bề mà Tướng Cao Thắng năm 1895 vẫn tự luyện được sắt, đúc súng trường tinh xảo không thua kém gì súng của Pháp khiến các kỹ sư Pháp kinh ngạc. Một viên võ quan Pháp, Đại úy Ch.Gosselin, từng tham gia đánh dẹp tại Nghệ Tĩnh, viết cuốn sách có giá trị tựa đề là Nước Nam [Empire d’Annam]9 trang 313, có đoạn nói về súng của Cao Thắng như sau:


Hình 6: Tranh đá ở mộ cổ Sơn Đông, Trung Quốc, vẽ cảnh luyện sắt.

Hình 7: Thổi khí bằng sức nước.

Tôi có đem nhiều khẩu súng đó về tận bên Pháp; xem nó giống đủ mọi vẻ như súng của các xưởng binh khí nước ta chế tạo, đến nỗi tôi đưa cho các quan binh pháo thủ ta xem, các ông phải sửng sốt lạ lùng, […] những súng đó đã từng bắn chết ít nhiều lính Khố Xanh, Cai đội Pháp, lính tập…

Thay lời kết

Tuy bằng chứng còn ít ỏi, nhưng từ truyền thuyết, đến ngôn ngữ, sử sách Đông Tây và của cha ông ta, đã cho thấy rằng không còn nghi ngờ gì nữa, quả thật là tổ tiên, ông cha dân Việt chúng ta đã đồng hành cùng nhân loại trong lịch sử thời đại đồ sắt, biết chế tạo, chế tác sắt thép từ ngàn xưa với chất lượng cao. Cũng không phải là ngẫu nhiên mà sử sách lại ghi chép vùng Nghệ Tĩnh là cái nôi của nghề luyện sắt và chế tác sắt thép của người Việt từ thuở xưa đến nay. Mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh hiện là mỏ sắt có trữ lượng 550 triệu tấn trong nhóm những mỏ lớn trên thế giới. Quặng sắt Thạch Khê nằm sâu dưới mực nước biển khó khai thác và chất lượng còn có vấn đề. Nhưng phía tây mỏ Thạch khê quặng lại trồi lên cùng vùng núi cao ở huyện Hương Khê thì chất lượng tốt và dễ khai thác, đó là vùng Thổ Hoàng xưa, chính là nơi sử sách ghi chép có nghề luyện sắt. Ngày nay mỏ sắt Vụ Quang là nơi có quặng sắt chất lượng rất cao mà Hà Tĩnh dành quyền khai thác riêng cho địa phương, không cho bán ra ngoài. Nhưng tiếc thay nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang được xây dựng từ 2008 với bao kỳ vọng luyện sắt thép chất lượng cao do Công ty TNHH MTV Sắt Vũ Quang (thuộc Công ty cổ phần Gang thép Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư thì nay cả mẹ lẫn con đều đã tan tác, dừng hoạt động10. Nhà máy thép Vạn Lợi Hà Tĩnh11 của người Việt đầu tư hàng ngàn tỷ nay cũng bán thành sắt vụn.

Hình 8: Sách An Nam Chí Nguyên ghi các địa chỉ luyện sắt ở Nghệ Tĩnh.

 

 


Hình 9.

Hình 10
Nhưng Hà Tĩnh đã và vẫn trở thành cái nôi của sắt thép trên đất Việt chúng ta, oái oăm thay, nó lại nằm trong tay nước ngoài, đó là khu liên hợp gang thép của Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, chẳng những là lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á mà là một trong những nơi luyện Gang Thép có số má trên thế giới! Người Việt tài năng từ ngàn xưa đâu rồi? Vài trăm năm sau, giới khảo cổ và viết sử Việt sẽ không khó khăn như bây giờ để có thể phát hiện ra chứng tích lừng lẫy thời đại đồ sắt của người Việt ở mảnh đất Hà Tĩnh, và vẫn có quyền tự hào chứ sao không !!!

——-

Chú thích:
1 https://ctext.org/shiji/nan-yue-lie-zhuan/zh
2 Huyện Thổ Hoàng xưa là vùng đất rừng núi và thung lũng từ bến Tam Soa, tả ngạn Ngàn Phố trở về nam gồm toàn bộ lưu vực sông Ngàn sâu. Nay là huyện Hương Khê, một phần Hương Sơn và miền thượng Đức Thọ.
3 An Nam Chí Nguyên安南志原;Hoa Bằng dịch chú, in Roneo 1961 lưu hành nội bô. NXB Đại Học Sư phạm xuất bản 2017, trang 470-471.
4 Nguyên văn trong Minh Thực Lục, Minh Thái Tông , Quyển 71 ,mục 5: 实录太宗实录 -> 太宗文皇帝实录卷七十一 :上御奉天受之文武群臣皆侍兵部侍郎方宾读露布至弑王؟y国僭号元等 上使父子曰此人臣之道乎季父子不能对宾读毕诏以季父子及其将相胡柱等悉付而赦其子澄芮等命有司衣食.
5 ‮٣‬٪‮٠‬O Chúc Duẩn Minh (1460-1526) ‮/‬،‮$٩)‬ڑ quyển 2, mục 45.
6 Nghệ An từ đời Lý là tên vùng đất Nghệ-Tĩnh ngày nay. Mãi cho đến năm 1831 Minh Mệnh mới tách một phần phía nam ra khỏi Nghệ An, đặt tên là tỉnh Hà Tĩnh.
7 Đồng Khánh Địa Dư Chí, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2003 (trang 1304). Bản dịch này dịch nhầm chữ ٪ح‭ ‬إK sinh thiết nghĩa là sắt luyện thành ra “quặng sắt”.
8 Xưa thuộc huyện Thổ Hoàng, tên Hương Khê mới đặt từ cuối đời vua Tự Đức (1868).
9 Capitaine Ch. GOSSELIN -L’EMPIRE D’ANNAM ,PARIS ,LIBRAIRIE ACADÉMIQUE DIDIER ,PERRIN ET Cie, LIBRAIRES-ÉDITEURS ,35, QUAI DES GRANDS-AUGUSTINS, 35 ,1904.
10 https://dantri.com.vn/xa-hoi/thu-hoi-giay-phep-du-an-hon-9-nam-lam-kho-dan-20170813162540794.htm
11 https://baomoi.com/sieu-du-an-thep-van-loi-ha-tinh-mua-ba-van-ban-ba-dong/c/30294518.epi

Tác giả

(Visited 864 times, 3 visits today)