Thời khắc quyết định
Đi từ Hoài nghi đến Lựa chọn thường là một quá trình gian khó. Quá trình này được đánh dấu bởi một mốc quan trọng: Thời khắc quyết định – tức thời khắc chủ thể thực hiện hành vi lựa chọn mà họ cho là gần với chân lý nhất. Kể từ đây, hành trình nhận thức của chủ thể không còn diễn ra trong phạm vi tư duy tư biện nữa, mà đã biểu hiện ra ngoài dưới dạng hành động.
Về đại thể, có thể chia các bước nhảy tại thời khắc quyết định trong hành trình nhận thức này thành hai loại: Một bước nhảy lớn duy nhất xảy ra tại thời khắc quyết định hoặc một chuỗi các bước nhảy nhỏ liên tiếp trước và tại thời khắc quyết định. Trường hợp thứ nhất thường đạt được thông qua trực giác, qua việc ngộ ra chân lý. Còn trường hợp thứ hai thường thấy trong các quá trình phân tích khoa học để tiệm cận đến chân lý.
Vậy điểm khác biệt của hai quá trình này là gì?
Để trả lời câu hỏi này, cần xét đến yếu tố hiện gắn liền với thời khắc quyết định:
Cách ứng xử của chủ thể với các hệ quả diễn ra sau thời khắc này;
Cảm thức chủ đạo của chủ thể ngay sau thời khắc này;
Khả năng kiểm chứng của người ngoài đối với chủ thể sau thời khắc này.
Nếu cộng đồng thiếu tinh thần Tự do tư tưởng – Tự do thảo luận – Tự do học thuật thì quá trình nhận thức khi đó sẽ giậm chân tại chỗ mà biểu hiện cụ thể là nhận thức của cả cộng đồng bị kẹt cứng vào các giáo điều. |
Với quá trình ngộ ra chân lý, thời khắc quyết định là thời khắc mà chủ thể của lựa chọn thoát khỏi mọi ràng buộc của hệ quả, nói cách khác, được giải phóng về mặt tinh thần đối với các hệ quả có thể xảy đến. Vì thế, một trong những đặc trưng chính của quá trình ngộ ra chân lý là sự Vô Úy, tức là không sợ. Không sợ không phải vì không biết các hệ quả của lựa chọn, mà vì được giải phóng ra khỏi ràng buộc của các hệ quả đó. Cảm thức chủ đạo của chủ thể khi đó là cảm giác tự do, được giải phóng khỏi mọi ràng buộc và đạt đến trạng thái bình an nội tâm, an nhiên tự tại. Thật đáng tiếc là điều này rất khó kiểm chứng bởi người ngoài, hoặc bởi các tiêu chí có tính khoa học.
Với quá trình tiệm cận chân lý, thời khắc quyết định là thời khắc mà chủ thể hình dung ra tất cả các hệ quả có thể xảy đến đối với lựa chọn của mình và chấp nhận những hệ quả đó, hoặc có phương án để đương đầu với chúng. Nói cách khác, chủ thể của lựa chọn có một cam kết về trách nhiệm và cách thức phản ứng với các hệ quả có thể xảy đến. Vì thế, một trong những đặc trưng chính của quá trình tiệm tiến chân lý là sẵn sàng các giải pháp ứng phó. Cảm thức chủ đạo của chủ thể trong quá trình này là làm chủ tình hình. Thật may mắn là điều này có thể kiểm chứng bởi người ngoài, hoặc bởi các tiêu chí có tính khoa học.
Với một cá nhân, bước nhảy trong thời khắc quyết định có thể diễn ra theo một trong hai cách đã nêu trên, hoặc sự kết hợp tương hỗ của cả hai cách đó. Có thể quan sát điều này ở những người tu tập Thiền khi họ cố gắng đạt được chân lý bằng cách giác ngộ, hoặc ở những nhà khoa học khi họ tìm cách đến gần chân lý bằng cách hoàn thiện các lý thuyết khoa học của mình.
Những người tu tập Thiền thường có xu hướng đạt đến chân lý qua cách thứ nhất: Ngộ ra chân lý. Tuy nhiên, việc này không phải dễ, nên các thiền sư giàu kinh nghiệm thường có nhiều phương pháp khác nhau, như các công án thiền, những qui trình tu tập đặc biệt, thậm chí cả tiếng la hét, đánh… để hỗ trợ các thiền sinh giác ngộ. Nghịch lý thường xảy ra ở chỗ: Có sự mâu thuẫn giữa mục đích và phương tiện. Tuy mục đích tối hậu của việc giác ngộ là đạt đến Tự do, nhưng phần lớn các thiền sinh sẽ vướng mắc vào chính các phương tiện này, như việc chấp sư, chấp pháp, chấp ngã, chấp thị phi… trong quá trình vươn tới mục đích. Do đó họ thường rất khó khăn trong việc đạt được mục đích Tự do bởi phương tiện họ sử dụng đã ràng buộc làm mất tự do của chính họ. Chính vì thế, tu tập để giác ngộ là một việc vô cùng khó, và sẽ ngày càng khó vì số lượng các bẫy phương tiện này sẽ ngày càng nhiều.
Vì việc ngộ ra chân lý với một cá nhân đã khó như vậy, nên với một cộng đồng, việc ngộ ra chân lý là điều bất khả. Do vậy tiệm tiến chân lý qua một chuỗi liên tiếp các bước nhảy nhỏ trong hành trình nhận thức là lựa chọn khả thi nhất đối với một cộng đồng.
Việc ngộ ra chân lý của cả một cộng đồng là điều vô cùng khó. Nên trong trường hợp đó, người ta thường hài lòng với cách đơn giản nhất: “ngộ” ra chân lý theo kiểu a-dua hoặc thụ động chấp nhận “chân lý” do kẻ khác mang đến. Điều này sẽ biểu hiện ra bên ngoài dưới dạng mê tín dị đoan, sùng bái cá nhân, sùng bái sự bất thường, huyền thoại hóa các sự kiện… |
Với lựa chọn này, hành trình nhận thức của một cộng đồng không bao giờ là một quá trình trơn tru tuyến tính, mà là một quá trình vòng vo khúc khuỷu qua nhiều bước ngoặt, nhiều thác ghềnh. Tại mỗi bước ngoặt này, chủ thể phải thực hiện một bước nhảy nhỏ để đạt đến trình độ cao hơn, gần chân lý hơn của nhận thức. Chính chuỗi các bước nhảy này sẽ đưa chủ thể đến gần thời khắc quyết định, khi họ tin rằng họ đã đạt được gần chân lý nhất trong khả năng của mình.
Đây là một quá trình biện chứng của nhận thức, trong đó các giai đoạn nhận thức kế tiếp nhau sẽ phủ định lẫn nhau để đạt đến trình độ mới cao hơn, gần chân lý hơn. Tuy nhiên, cũng như mọi quá trình biện chứng khác, quá trình này chỉ có thể diễn ra nếu có sự xuất hiện của kẻ trung gian môi giới – hay có thể gọi là môi trường – để qua đó quá trình này có thể được thực hiện.
Nếu chỉ xét riêng quá trình nhận thức của một cộng đồng, thì kẻ trung gian môi giới này chính là tinh thần Tự do tư tưởng – Tự do thảo luận – Tự do học thuật của cộng đồng đó, vì nó giúp hình dung ra các hệ quả có thể xảy đến sau thời khắc quyết định, do đó tạo ra động lực trong quá trình tiệm tiến chân lý. Nếu thiếu kẻ trung gian môi giới này thì quá trình biện chứng này không thể diễn ra. Quá trình nhận thức khi đó sẽ giậm chân tại chỗ mà biểu hiện cụ thể là nhận thức của cả cộng đồng bị kẹt cứng vào các giáo điều.
Rõ ràng, nếu việc Tự do tư tưởng – Tự do thảo luận – Tự do học thuật được mở càng rộng thì tốc độ tiệm cận được chân lý càng nhanh, khả năng đến gần hoặc đạt được chân lý càng cao. Còn ngược lại, nếu tinh thần Tự do tư tưởng – Tự do thảo luận – Tự do học thuật bị bóp nghẹt thì sẽ không có cách nào để đạt được chân lý theo cách tiệm cận này.
Khi đó, cả cộng đồng sẽ có xu hướng quay trở lại cách nhận thức thứ nhất: Tìm cách dạt được chân lý thông qua một bước nhảy lớn. Tuy nhiên, như đã trình bày, việc ngộ ra chân lý của cả một cộng đồng là điều vô cùng khó. Nên trong trường hợp đó, người ta thường hài lòng với cách đơn giản nhất: “ngộ” ra chân lý theo kiểu a-dua hoặc thụ động chấp nhận “chân lý” do kẻ khác mang đến. Điều này sẽ biểu hiện ra bên ngoài dưới dạng mê tín dị đoan, sùng bái cá nhân, sùng bái sự bất thường, huyền thoại hóa các sự kiện…
Như thế, những nơi thiếu vắng tinh thần Tự do tư tưởng – Tự do thảo luận – Tự do học thuật chính là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ mị dân phát tài. Điều này giải thích tại sao ở những nơi như thế, tệ mê tín dị đoan, sùng bái cá nhân, huyền thoại hóa các sự kiện…thường rất phát triển. Điều này cũng giải thích vì sao trong các xã hội mà tinh thần Tự do tư tưởng – Tự do thảo luận – Tự do học thuật bị bóp nghẹt bởi thần quyền hoặc một ý thức hệ duy nhất, như phần lớn các xã hội phong kiến phương Đông hoặc châu Âu trung cổ, xã hội hầu như giậm chân tại chỗ trong suốt cả nghìn năm.
Hệ quả là con người trong các xã hội đó sẽ bị suy thoái trở thành những đứa trẻ to xác, theo nghĩa không thể sử dụng được lý trí của mình để đạt đến chân lý, vì bị áp đặt hoặc phụ thuộc một cách vô thức vào tư duy của kẻ khác. Xã hội khi ấy sẽ giậm chân ở trạng thái chậm phát triển và bất ổn định triền miên, vì quá trình biện chứng của phát triển không thể thực hiện được.
Tóm lại, thông qua viêc phân tích bản chất của quá trình tiến tới thời khắc quyết định – thời khắc chủ thể thực hiện hành vi lựa chọn mà họ cho là gần với chân lý nhất, có thể rút ra kết luận: Với mỗi cá nhân, việc đạt được chân lý có thể được tiến hành thông qua một trong hai cách: ngộ ra chân lý bởi một bước nhảy lớn hoặc tiệm tiến chân lý qua một chuỗi các bước nhảy nhỏ liên tiếp. Còn với cộng đồng, cách duy nhất để đến gần chân lý là tiệm tiến qua một chuỗi các bước nhảy nhỏ, một quá trình biện chứng của nhận thức. Tuy nhiên, quá trình này chỉ có thể thực hiện được nếu có sự tham gia của tinh thần Tự do tư tưởng – Tự do thảo luận – Tự do học thuật như một yếu tố trung gian môi giới. Thiếu yếu tố này, không có cách nào một cộng đồng có thể tiệm cận chân lý, do đó không thể có các quyết định chính xác và lựa chọn hiệu quả. Xã hội khi đó sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn giậm chân tại chỗ vì quá trình phát triển biện chứng bị chặn lại. Mê tín dị đoan, sùng bái cá nhân, sùng bái sự bất thường, huyền thoại hóa các sự kiện… sẽ lên ngôi như một hệ quả tất yếu.