Thời kỳ “tiểu Băng hà” tác động đến lịch sử Việt Nam?

Do các yếu tố đặc trưng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và môi trường sinh thái nên Việt Nam cũng là quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Vậy, khí hậu đã viết lịch sử như thế nào hay lịch sử khí hậu học của các triều đại Việt Nam đã diễn tiến ra sao? Dẫn chứng về tác động của thời kỳ “Tiểu Băng hà” tới lịch sử Việt Nam sẽ góp phần làm rõ vấn đề này.

Tranh vẽ “Sông Thames đóng băng” năm 1677 của họa sĩ Abraham Hondius (1631-1691) Ảnh: Science.org

Được nhà địa chất học người Mỹ François E. Matthes (1874-1948) nêu lên lần đầu vào năm 1939 trong công trình Report of Committee on Glaciers, “Tiểu Băng hà” (Little Ice Age) được biết tới là thời kỳ khí hậu lạnh ẩm kéo dài bất thường từ những năm 1300 đến những năm 1850.

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến sự xuất hiện của “Tiểu Băng hà”: một là do sự suy giảm hoạt động của bức xạ Mặt trời và hai là do hoạt động mạnh mẽ của các núi lửa đã làm cho bầu không khí bị thay đổi, từ đó dẫn đến sự xuất hiện của không khí lạnh. Bức xạ Mặt trời đã rơi xuống mức cực tiểu ít nhất ba lần là Spörer Minimum (1420-1570), Maunder Minimum (1645-1715) và Dalton Minimum (1795-1823). Hoạt động phun trào núi lửa cũng xảy ra thường xuyên trong thời kỳ “Tiểu Băng hà”. Giai đoạn giữa các năm 1580-1694 có tổng cộng 32 đợt phun trào núi lửa lớn. Các đợt phun trào của núi lửa Kuwae ở Vanuatu năm 1452, núi lửa Billy Mitchell ở Papua New Guinea năm 1580, núi lửa Huaynaputina ở Peru năm 1600, núi lửa “Long Island” ở Papua New Guinea và núi lửa Laki ở Iceland được xem là những đợt phun trào núi lửa lớn nhất trong giai đoạn này. Một trong số đó, đợt phun trào của núi lửa Laki ở Iceland đã ảnh hưởng rộng khắp đến toàn bộ châu Âu và đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ).

Tác nhân làm sụp đổ các đế chế trên thế giới

Vào thời kỳ “Tiểu Băng hà”, Trái đất trở thành một hành tinh lạnh hơn bình thường. Nền nhiệt trung bình của Trái đất đã giảm thấp hơn so với ngày nay, đạt mức thấp nhất lần đầu tiên vào khoảng năm 1370, lần kế tiếp vào năm 1630 và lần sau cùng khoảng năm 1645 kéo dài đến năm 1715. Do sự suy giảm đáng kể của nhiệt độ cùng với biến đổi của các mùa và sự gia tăng của những hiện tượng thời tiết bất thường đã kéo theo nhiều thiên tai xuất hiện. Dựa theo các dữ liệu phân tích ENSO (El Nino dao động phương Nam) trong thời kỳ “Tiểu Băng hà”, nhất là vào thế kỷ XVII-XVIII hiện tượng El Nino xuất hiện rất thường xuyên. Những năm 1610, 1650, 1660, 1680, 1710, 1720, 1730 và 1770 đều ghi nhận El Nino với mức độ nghiêm trọng. Hiện tượng El Nino là nguyên nhân khiến cho hạn hán và bão lũ xảy ra thất thường. Chịu ảnh hưởng đáng kể bởi biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan là các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Từ đó dẫn đến mất mùa và nạn đói với hệ quả sâu xa hơn là khủng hoảng kinh tế – xã hội. Những năm ghi nhận hiện tượng El Nino đều phát sinh nạn đói với tỷ lệ tử vong cao, làm gián đoạn hoạt động kinh tế, qua đó gián tiếp gây ra bất ổn xã hội, nổi loạn, tình trạng di cư và xung đột quân sự.

“Thiệp thủy phản gia đồ” (Returning Home Through the Snow) vẽ khoảng năm 1455 của họa sĩ Đới Tiến (1388-1462) thời Minh.

“Tiểu Băng hà” lần đầu tiên được nói đến không chỉ như một hiện tượng khí hậu mà còn như một biến cố lịch sử là bởi nhà sử học người Pháp Emmanuel Le Roy Ladurie vào thập niên 1960. Sau đó, nhiều nhà sử học như Fernand Braudel và Gustaf Utterström đã nỗ lực chứng minh sự liên hệ giữa giai đoạn khí hậu này với sự phát triển của các xã hội ở Địa Trung Hải. Vào năm 1980, nhà sử học William J. Griswold đã chỉ ra tác động của “Tiểu Băng hà” tới sự khủng hoảng của đế chế Ottoman vào thế kỉ XVII. Nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng “Tiểu Băng Hà” có mối liên hệ với tình trạng khủng hoảng xảy ra đồng thời và rộng khắp thế giới kéo dài từ thế kỷ XVII sang thế kỷ XVIII. Các biến cố lịch sử như sự sụp đổ của triều đại Stuart và nội chiến Anh (1642-1660); nội chiến Fronde ở Pháp (1648-1653); chiến tranh Reaper – cuộc nổi dậy của người Catalan ở Tây Ban Nha (1640-1659); bạo loạn ở Moscow (Nga) năm 1648; các cuộc chính biến liên tiếp ở Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 1622, 1648, 1651, 1687, 1703, 1730; nội chiến ở Mughal (Ấn Độ) năm 1658; cuộc khởi nghĩa Lý Tự Thành, sự sụp đổ của nhà Minh và việc người Mãn Thanh tiến vào Trung Nguyên (Trung Quốc) giữa thế kỷ XVII là những dẫn chứng điển hình về tình hình khủng hoảng chính trị – xã hội rộng khắp trên thế giới thời đó. Trên cơ sở này, các nhà sử học Eric Hobsbawm, Hugh Trevor-Roper, Trevor Aston, Geoffrey Parker và Lesley M. Smith đã đưa ra ý tưởng cho rằng xã hội thời bấy giờ trải qua “sự khủng hoảng chung” (The general crisis), trong đó các yếu tố khí hậu, nông nghiệp, kinh tế, nhân khẩu, chính trị và quân sự có sự liên đới với nhau. Với cách tiếp cận này, “Tiểu Băng Hà” được xem là yếu tố đã ảnh hưởng tới tình hình thiên tai, dịch bệnh, suy giảm dân số và khủng hoảng chính trị – xã hội ở nhiều nơi trên thế giới.

Sự khủng hoảng chung dưới tác động của “Tiểu Băng hà” cũng được biết tới ở khu vực Đông Nam Á. Vấn đề này đã được nhà sử học Anthony Reid đề cập trong bài viết xuất bản năm 1990. Tác động của “Tiểu Băng hà” tới khu vực Đông Nam Á được biểu hiện rõ rệt nhất qua sự suy giảm lượng mưa và gia tăng tần suất hạn hán. Cùng với sự khởi đầu của “Tiểu Băng hà”, từ cuối thế kỷ XIII đến giữa thế kỷ XV, khí hậu ở Đông Nam Á dần trở nên khô hạn hơn. Sự dịch chuyển của Đới hội tụ liên chí tuyến (ITCZ) lên phía Bắc do “Tiểu Băng hà” khiến khu vực này phải hứng chịu những đợt hạn hán kéo dài và vô cùng khắc nghiệt từ thế kỷ XIV. Dựa theo phân tích chỉ số hạn hán Palmer (PDSI), các đợt hạn hán nghiêm trọng đầu tiên xảy ra vào cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV. Đáng chú ý, bán đảo Đông Dương thời kỳ này đã trải qua sự thay đổi lớn về khí hậu được gọi là “sự khô hạn chung của bán đảo Đông Dương” bắt đầu từ cuối thế kỷ XIII kéo dài đến cuối thế kỷ XV hoặc thế kỷ XVI.

Chịu tác động đáng kể nhất bởi các biến động khí hậu này có lẽ là nền văn minh Angkor. Những đợt hạn hán nghiêm trọng xảy ra vào thế kỷ XIV cùng với tác động của gió mùa đã làm gián đoạn hoạt động trồng trọt và đánh bắt cá của người Khmer. Hạn hán kéo dài còn làm tê liệt hệ thống thủy lợi baray, bởi hạn hán khiến nước cạn kiệt từ đó dẫn tới quá trình acid hóa và nhiễm sắt, làm hệ thống baray hoạt động không còn hiệu quả. Các thay đổi này nghiêm trọng tới mức không thể nào phục hồi được. Sự sụp đổ của mạng lưới thủy lợi dưới tác động của hạn hán kéo dài kết hợp với căng thẳng môi trường sinh thái do khai thác tài nguyên quá mức đã góp phần dẫn tới sự tàn lụi của nền văn minh Angkor. Đây là dẫn chứng điển hình cho thấy sự tàn lụi của một nền văn minh nhiệt đới dưới tác động của biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á lục địa.

Angor Wat – nơi thờ Ấn Độ giáo của đế chế Khmer tại Campuchia. Ảnh: Mike Fuchslocher / Alamy

Cơn ác mộng về khí hậu ở Đại Việt

“Tiểu Băng hà” cũng tác động đáng kể đến đặc điểm khí hậu và tình hình thiên tai ở Đại Việt. “Sự khô hạn chung của bán đảo Đông Dương” rất có thể đã được biểu hiện qua các đợt hạn hán xảy ra từ cuối thời Trần kéo dài đến thời Lê sơ được ghi chép trong chính sử.

Từ giữa thế kỷ XIV trở đi, thời tiết Đại Việt dường như trở nên khắc nghiệt hơn và thiên tai như hạn hán bắt đầu xảy ra thường xuyên hơn. Đại Việt Sử ký Toàn thư (Toàn thư) ghi chép về hạn hán xảy ra liên tiếp trong các năm 1343, 1345, 1348, 1355, 1358, 1362, 1374, 1379, 1392 và 1393. Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục (Cương mục) cũng đề cập đến các đợt hạn hán xảy ra cuối thời Trần vào các năm 1355, 1358, 1362, 1374, 1379. Nếu đối chiếu với giai đoạn trước đó vào thời Lý và nửa đầu thời Trần, điều kiện tự nhiên nhìn chung tương đối thuận lợi. Trong giai đoạn 950-1300 do tác động của thời kỳ “Ấm Trung cổ” (Medieval Climate Anomaly hoặc Medieval Warm Period) lượng mưa cao đã tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh chóng của nền nông nghiệp và dân số.

Đối với các nền văn minh nông nghiệp lúa nước như Đại Việt, lượng mưa cao và thường xuyên là yếu tố quyết định đối với hoạt động trồng trọt, giúp cho mùa màng bội thu, góp phần dẫn tới sự cường thịnh của Đại Việt thời Lý-Trần. Giai đoạn này tuy cũng có hạn hán, nhưng tần suất không thường xuyên. Theo ghi chép của Toàn thư trong thế kỷ XI chỉ có ba lần hạn hán vào các năm 1027, 1070 và 1095, tức hạn hán xảy ra khoảng 30 đến 40 năm/lần. Tới thế kỷ XII, hạn hán xảy ra thường xuyên hơn vào những năm 1120-1130 (10 lần) nhưng nửa cuối thế kỷ XII chỉ ghi nhận bốn lần hạn hán vào các năm 1150, 1165, 1188 và 1197 (tần suất hạn hán khoảng 10-20 năm/lần). Còn trong thế kỷ XIII ghi nhận sáu lần hạn hán vào các năm 1223, 1241-1242, 1268-1269 và 1289 (tần suất 20-30 năm/lần). Đầu thế kỷ XIV cũng chỉ có ba lần hạn hán vào các năm 1301, 1315 và 1324, tần suất hạn hán 10-15 năm/lần. Điều này cho thấy từ giữa thế kỷ XIV trở đi do ảnh hưởng của thời kỳ “Tiểu Băng hà”, thiên tai như hạn hán mới xảy ra thường xuyên hơn. Cương mục chép lời bàn của Ngô Thì Sĩ về tình hình thiên tai liên tiếp đời Trần Dụ Tông như sau: “Trần Dụ Tông lên ngôi đến đây mới 15 năm, đã sáu lần nhật thực, ba lần thủy tai, ba lần hạn hán, một lần sâu cắn lúa, lại luôn năm mất mùa đói kém” (Cương mục, Chính biên, quyển X, 8). Hạn hán xảy ra thường xuyên đã góp phần dẫn tới tình trạng mất mùa và đói kém được Toàn thưCương mục chép vào các năm 1343, 1344, 1354, 1357, 1362 và 1379. Trong đó có thể kể tới nạn đói lớn năm 1357: “Liền mấy năm nay luôn bị mất mùa, đói kém, một thưng gạo trị giá một tiền” (Cương mục, Chính biên, quyển X, 11). Có thể nói rằng, hạn hán và nạn đói đã góp phần phác họa bức tranh khủng hoảng cuối thời Trần. Điều kiện khí hậu bất lợi và thiên tai xảy ra liên tiếp ắt hẳn đã góp phần tác động đến sự suy vong của nhà Trần.

Do vị trí địa lý Việt Nam nằm trong vành đai nội chí tuyến thuộc khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa nên sự suy giảm nhiệt độ và gia tăng giá rét bởi tác động của “Tiểu Băng hà” không mạnh mẽ và rõ rệt bằng lục địa Trung Hoa. Mặc dù vậy, hiện tượng đóng băng vẫn được sử sách ghi chép.

Đến thời Lê sơ, ngay cả những năm được xem là thịnh trị nhất dưới triều vua Lê Thái Tông và Lê Thánh Tông cũng ghi nhận các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai thất thường xảy ra. Theo ghi chép của Toàn thưCương mục, trong khoảng 100 năm thời Lê sơ có 22 lần xảy ra hạn hán. Trong đó, đời Lê Thái Tông có hai lần hạn hán (các năm 1434, 1437), đời Lê Nhân Tông có ba lần hạn hán (các năm 1448, 1449, 1451), riêng đời Lê Thánh Tông có tới 12 lần hạn hán (các năm 1460, 1463, 1466, 1467, 1468, 1473, 1476, 1480, 1488, 1489, 1496 và 1497). Như vậy chỉ trong ba đời vua Lê nói trên hạn hán đã xảy ra 17/22 lần. Có thể kể tới hạn hán năm 1466-1467 kéo dài từ mùa thu đến mùa đông, khi ấy vua Lê Thánh Tông đã tự thán “Năm ngoái, từ mùa thu đến mùa đông, trời mãi không mưa, người mất hy vọng được mùa, dân lo khó khăn đói kém” (Toàn thư, Quyển XII, 26b). Hạn hán nghiêm trọng lại xảy ra thường xuyên nên đã dẫn tới mất mùa đói kém khiến đời sống người dân lầm than, khốn khổ. Thực trạng nạn đói thời Lê sơ cũng được chính sử ghi chép lại. Chẳng hạn nạn đói năm 1447 đời Lê Nhân Tông: “Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, thiên tai xảy ra luôn, dân chúng rất đói kém” (Toàn thư, Quyển XI, 62b). Ngoài ra còn có nạn đói các năm 1448, 1467, 1479, 1484-1485, 1490, 1492, 1512 và 1517. Trong đó có những lần xảy ra nạn đói lớn như tháng 12 năm 1492: “đói lớn, dân có người phải ăn củ nâu” (Toàn thư, Quyển XIII, 68b); năm 1517: “Năm ấy trong nước đói to, xác người chết đói nằm gối lên nhau” (Toàn thư, Quyển XV, 41b).

Do vị trí địa lý Việt Nam nằm trong vành đai nội chí tuyến thuộc khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa nên sự suy giảm nhiệt độ và gia tăng giá rét bởi tác động của “Tiểu Băng hà” không mạnh mẽ và rõ rệt bằng lục địa Trung Hoa. Mặc dù vậy, hiện tượng đóng băng vẫn được sử sách ghi chép. Ngoài Toàn thư, Cương mục cũng chép: “Có băng. Rét quá, mặt đất đóng băng, cây cối trên núi héo chết” với lời phê “Lạ!” (Cương mục, Chính biên, quyển XVI, 20). Đối với các quốc gia có khí hậu nhiệt đới gió mùa như Việt Nam sương giá hay băng tuyết có thể xuất hiện vào mùa đông ở những khu vực núi cao, tuy nhiên nước đóng băng lại là hiện tượng rất hiếm gặp. Do vậy, lời phê của Cương mục về hiện tượng này là lạ cho thấy rằng đó là hiện tượng chưa từng xảy ra hoặc không được biết tới và ghi chép trước đó. Theo ghi chép của Cương mục trong năm 1434 còn xuất hiện sương sa và mù sa dày đặc (Cương mục, Chính biên, XVI, 11-12). Các hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra vào năm 1434 cũng trùng hợp với thời gian khởi đầu của cực tiểu Spörer trong thời kỳ “Tiểu Băng hà”. Niên giám về khí tượng thủy văn cho biết vào đời Lê Nhân Tông, ngay ở kinh thành Thăng Long (Đông Kinh) mặt nước ao hồ đều đóng băng, hồ Hoàn Kiếm cũng phủ một lớp băng. Đó là hiện tượng chưa từng có trong nhiều thế kỷ gần đây (Nguyễn Xuân Tửu, 1983: 62). Trên cơ sở này có thể suy đoán được tác động đáng kể của “Tiểu Băng hà” đối với Đại Việt thời Lê sơ. Áp lực thiên tai do biến đổi khí hậu dưới tác động của “Tiểu Băng hà” đã bao trùm và góp phần làm suy giảm sự hưng thịnh của triều Lê sơ.

Sang thời Lê-Trịnh, những tác động diễn tiếp của “Tiểu Băng hà” và hiện tượng El Nino đã gây ra cơn ác mộng về khí hậu mà Đàng Ngoài phải hứng chịu trong suốt ba thế kỷ, kéo dài từ những năm 1500 đến những năm 1700. Dựa theo chỉ số hạn hán Palmer (PDSI), trong tám thế kỷ có 40 năm khô hạn nhất thì thời Lê-Trịnh có tới 10 năm. Dữ liệu khí hậu thủy văn trong 650 năm dựa trên phân tích giá trị δ18O của carbonate nước hồ Ao Tiên, Bắc Việt Nam cũng xác định các đợt hạn hán nghiêm trọng xảy ra lần lượt vào nửa đầu thế kỷ XVII, cuối thế kỷ XVII và nửa sau thế kỷ XVIII. Theo ghi chép của Toàn thưCương mục vào thời Lê-Trịnh ở Đàng Ngoài có 32 lần xảy ra hạn hán, trong đó chỉ riêng thế kỷ XVIII ghi nhận tới 19 trận hạn hán. Những năm 1598-1599, 1668-1669, 1670, 1712-1713, 1714, 1758-1759, 1761, 1767-1768 và 1776-1778 đều liên tiếp xảy ra hạn hán. Đáng kể vào thế kỷ XVIII, Đại Việt trải qua các đợt “hạn hán đa tầng” kéo dài cùng lúc với “hạn hán song song dị thường” xảy ra ở các nước láng giềng. Các đợt siêu hạn hán xảy ra đồng thời đã góp phần dẫn tới sự khủng hoảng và sụp đổ của một loạt nhà nước Đông Nam Á lục địa vào cuối thế kỷ XVIII gồm Ayutthaya (1767), Nguyễn Đàng Trong (1777) và Trịnh Đàng Ngoài (1786). Ở Đàng Ngoài, các đợt “hạn hán đa tầng” bắt đầu xuất hiện vào khoảng năm 1745 và kéo dài trong gần 30 năm.

Cương mục đã phản ánh tình trạng hạn hán nghiêm trọng vào nửa sau thế kỷ XVIII với 12 trận hạn hán liên tiếp được ghi nhận vào các năm 1753, 1755, 1758, 1759, 1761, 1764, 1765, 1767, 1768, 1773, 1776 và 1778. Bên cạnh hạn hán, thiên tai thời Lê-Trịnh còn bao gồm bão lụt (thủy tai). Thời Lê-Trịnh ghi nhận 9/40 năm ẩm ướt nhất, trong đó chủ yếu là vào thế kỷ XVII. Theo ghi chép của Toàn thưCương mục trong hai thế kỷ XVII và XVIII có 30 lần xảy ra bão lụt, riêng thế kỷ XVII có tới 20 lần.

Các thiên tai như hạn hán và bão lụt xảy ra thường xuyên dẫn tới nạn đói nghiêm trọng. Theo ghi chép của Toàn thưCương mục trong hai thế kỷ XVII và XVIII có 29 lần xảy ra nạn đói, riêng thế kỷ XVIII có tới 21 lần. Đáng kể, từ giữa thế kỷ XVIII trở đi cùng với tác động của các đợt hạn hán đa tầng thì tần suất xảy ra nạn đói cũng thường xuyên hơn, cứ 2-3 năm lại có nạn đói. Lại có những năm nạn đói liên tiếp xảy ra như nạn đói các năm 1741-1742, 1753-1754, 1776-1777 và 1778. Mất mùa đói kém và các nguyên nhân khác như tình trạng chiếm đoạt ruộng đất, sưu cao thuế nặng đã góp phần dẫn tới hiện tượng làng xã phiêu tán. Vào khoảng năm 1750, ở bốn trấn Đàng Ngoài có 1076/9668 xã phiêu tán (tỷ lệ 11,1%), ở trấn Thanh Hoa (nay là Thanh Hóa) có 297/1393 xã phiêu tán (tỷ lệ 21,3%) còn ở trấn Nghệ An có 115/706 xã phiêu tán (tỷ lệ 16,3%). Hệ lụy tiếp theo là hàng loạt các cuộc khởi nghĩa và nổi dậy diễn ra ở khắp Đàng Ngoài kéo dài suốt 40 năm của thế kỷ XVIII khiến tình hình xã hội Đàng Ngoài càng trở nên rối ren khủng hoảng. Thiên tai do biến đổi khí hậu đã lấn át cả hệ thống xã hội ở Đàng Ngoài.

Bàn tay thúc đẩy các triều đại suy vong?

Những phân tích nêu trên chỉ là góc nhìn nhỏ trong lăng kính lớn hơn về tác động của khí hậu tới các xã hội và các nền văn minh trong lịch sử. Mặc dù chỉ là yếu tố bên ngoài đóng vai trò hoàn cảnh nhưng khí hậu đã không ngừng tác động tới xã hội loài người bằng những cách thức khác nhau hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Trong thời kỳ “Tiểu Băng hà”, khí hậu đã tác động thường xuyên và liên tục đến các triều đại Việt Nam. Từ thời Trần đến thời Lê sơ và Lê-Trịnh, các thời điểm tuy khác nhau nhưng cách thức tác động của khí hậu có thể thấy là giống nhau: biến đổi khí hậu -> thiên tai -> nạn đói -> khủng hoảng kinh tế -> khủng hoảng chính trị – xã hội.

Trong thời kỳ “Tiểu Băng hà”, khí hậu đã tác động thường xuyên và liên tục đến các triều đại Việt Nam. Từ thời Trần đến thời Lê sơ và Lê-Trịnh, các thời điểm tuy khác nhau nhưng cách thức tác động của khí hậu có thể thấy là giống nhau: biến đổi khí hậu -> thiên tai -> nạn đói -> khủng hoảng kinh tế -> khủng hoảng chính trị – xã hội.

Với cách tiếp cận của lịch sử khí hậu học có thể thấy sự hưng thịnh và suy vong của các triều đại trong lịch sử không chỉ nằm ở “mệnh trời” mà còn nằm ở khía cạnh khí hậu. Sự hưng suy của các triều đại theo đó cũng nằm trong quy luật diễn tiến của khí hậu. Hẳn nhiên khí hậu không thể là yếu tố duy nhất có thể quyết định đến vận mệnh của các xã hội và các triều đại, song có thể làm cho khủng hoảng diễn ra trầm trọng hơn. Thông thường, vào lúc các triều đại cường thịnh tuy biến đổi khí hậu và thiên tai xảy ra nhưng với chính sách quản lý và ứng phó thiên tai hiệu quả thì các triều đại vẫn có thể duy trì được sự ổn định. Đến khi triều đại suy vong, đồng thời trùng hợp với thời kỳ thiên tai và khí hậu bất thường xảy ra thì nền tảng của các triều đại ắt hẳn bị lung lay. Vào cuối mỗi triều đại, chính sự thường trở nên suy thoái và đổ nát, bộ máy hành chính quan liêu, vua quan lơ là và xem thường kỷ cương phép nước, lại xảy ra tình trạng tranh giành quyền lực giữa các phe phái chính trị. Trong bối cảnh này, khi thiên tai xảy ra nhưng năng lực quản trị và ứng phó với thiên tai của triều đình kém hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai thì tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và thiên tai đối với xã hội càng rõ rệt.

Cùng với xây dựng phát triển đất nước và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thì ứng phó thiên tai cũng là một trong những chức năng cơ bản của nhà nước và các triều đại trong lịch sử. Khi các triều đại thất bại trong ứng phó thiên tai, không thích nghi với điều kiện khí hậu và thiên tai khắc nghiệt, tức mất đi chức năng cơ bản vốn có thì vai trò lịch sử của triều đại đó cũng không còn phù hợp nữa. Đó là lúc yếu tố khí hậu và thiên tai cộng hợp với những yếu tố nội sinh nêu trên góp phần làm cho khủng hoảng diễn ra trầm trọng hơn, dẫn tới sự diệt vong của các triều đại. Quy luật này được phản ánh khá rõ nét qua quá trình tác động của khí hậu và thiên tai tới các triều đại trong lịch sử Việt Nam. Đầu thời Lê sơ, vào những năm trị vì của Lê Thái Tông và Lê Thánh Tông, tuy thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra liên tiếp nhưng nhờ các biện pháp ứng phó hiệu quả nên tác động tiêu cực của thiên tai đã được giảm bớt, đất nước vì vậy vẫn duy trì được sự ổn định và phát triển.

Trong khi đó vào cuối thời nhà Trần, cuối thời Lê sơ cũng như cuối thời Lê-Trịnh khi thiên tai liên tiếp xảy ra nhưng triều đình lại không có những biện pháp khắc phục hậu quả kịp thời và phòng chống thiên tai hiệu quả thì sự khủng hoảng dẫn tới sụp đổ diễn ra rất nhanh chóng. Như vào cuối thời Trần, từ khi thiên tai liên tiếp xảy ra giữa thế kỷ XIV đến lúc triều đại này diệt vong khoảng 50 năm. Còn với thời Lê sơ và Lê-Trịnh thì quá trình sụp đổ còn nhanh hơn nữa, chỉ mất khoảng 30-40 năm. Tóm lại, sự phát triển cũng như suy vong và sụp đổ của các xã hội, các nền văn minh và các triều đại trong lịch sử đều ít nhiều có sự liên hệ với yếu tố khí hậu. Do đó, “khí hậu thường được các nhà sử học sử dụng như là cách để giải thích những hiện tượng mà họ không thể lý giải được bằng các cách khác”. □

—-

Tài liệu tham khảo:

1. Anthony Reid (1990), “The Seventeenth-Century Crisis in Southeast Asia”, Modern Asian Studies, 24:4, 639-659.

2. Barbaros Gönençgil – Güneyi Vural (2016), “Çevre Tarihi Açısından Küçük Buzul Çağı ve Sosyal Etkileri”, TÜCAUM Uluslararası Coğrafya Sempozyumu, Ankara, 10-25.

3. François E. Matthes (1939), “Report of the Committee on Glaciers”, Transactions of the American Geophysical Uninon 20, 518-523.

4. Geoffrey Parker (2013), Global Crisis: War, Climate Change and Catastrophe in the Seventeenth Century, New Heaven and London: Yale University Press.

5. Jeffrey Mazo (2009), “Climate and History”, The Adelphi Papers, 49:409, 43-72.

6. Joëlle Gergis – Anthony M. Fowler (2009), “A History of ENSO Events since A.D. 1525: Implications for Future Climate Change”, Climatic Change, 92, 343-378.

7. Lora R. Stevens – Brendan M. Buckley – Sung Kim – Pam Hill – Kelsey Doiron (2018), “Increased Effective Moisure in Northern Vietnam during the Little Ice Age”, Palaeogeography, Palaeoclimatology, Palaeoecology, Vol. 511, 449-461.

8. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (1998), Đại Việt Sử ký Toàn thư, Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

9. Nguyễn Xuân Tửu (1983), “Bước đầu tìm hiểu về biến động khí hậu ở nước ta trong lịch sử”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 6 (213), 60-63.

10. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Hà Nội: Nxb. Giáo dục.

11. Victor Lieberman – Brendan Buckley (2012), “The Impact of Climate on Southeast Asia, circa 950-1820: New Findings”, Modern Asian Studies, 46:5, 1049-1096.

12. Victor Lieberman (2003), Strange Parallels: Southeast Asia in Global Context, c. 800-1830, Vol. 1, New York: Cambridge University Press.

13. William S. Atwell (2001), “Volcanism and Short-Term Climate Change in East Asian and World History, c. 1200-1699”, Journal of World History, 12:1, 29-98.

Tác giả

(Visited 143 times, 1 visits today)