Thu nhập bình quân toàn cầu có thể giảm 23% do nhiệt độ tăng

Dựa trên dữ liệu lịch sử từ các nước trên khắp thế giới về tác động của biến đổi nhiệt độ đối với năng suất lao động, nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học thuộc ĐH Stanford và ĐH California đi đến kết luận, nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu có thể làm cho GDP toàn cầu tính trên đầu người giảm 23% vào năm 2100.

Marshall Burke, thành viên nhóm nghiên cứu, cho rằng: “Có thể coi nghiên cứu của chúng tôi là dữ liệu tham chiếu để tính toán những lợi ích của việc cắt giảm các loại khí thải.”
Nhóm nghiên cứu này cũng cho rằng, tác động đến kinh tế toàn cầu của biến đổi khí hậu có thể còn tồi tệ hơn so với những gì bản nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature này chỉ ra, bởi nó mới chỉ phân tích tác động của sự thay đổi nhiệt độ đối với năng suất lao động, chứ chưa tính đến tác động của các yếu tố khác như mực nước biển dâng cao, bão, hay các hiệu ứng khác phát sinh từ biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu này chia năng suất lao động thành hai nhóm nông nghiệp và phi nông nghiệp, tuy nhiên chưa giải thích được tại sao nhiệt độ ấm lại làm giảm năng suất lao động ở các lĩnh vực phi nông nghiệp.

Cũng theo nghiên cứu này, tác động của sự tăng nhiệt độ không xảy ra đồng đều trên toàn cầu. Năng suất lao động đạt mức cao nhất khi nhiệt độ trung bình là 13ºC. Như vậy, nhiệt độ tăng có thể giúp nâng cao năng suất ở các quốc gia vùng lạnh phía bắc và gây thiệt hại cho các vùng nhiệt đới. Điều này cũng đồng nghĩa với tình trạng cách biệt trên toàn cầu sẽ diễn biến theo chiều hướng ngày càng tệ hơn, bởi các quốc gia phía bắc vốn đã có nền kinh tế phát triển hơn các quốc gia nhiệt đới.

Trang Bùi dịch
Nguồn: http://time.com/4082328/climate-change-economic-impact/

Tác giả