Thực phẩm siêu chế biến từ thực vật làm tăng 13% nguy cơ tử vong sớm
Chế độ ăn dựa trên thực vật được coi là tốt cho sức khỏe và thân thiện với môi trường hơn chế độ ăn thịt. Vậy bạn có thể cho mì ống và phô mai đóng hộp, pizza chay đông lạnh hoặc đồ ăn nhanh như khoai tây chiên vào chế độ ăn không?
Dù tất cả những món này đều không có thịt, nhưng không có nghĩa là nó lành mạnh – Duane Mellor, chuyên gia dinh dưỡng và giảng viên cao cấp tại Trường Y Aston ở Birmingham, Vương quốc Anh, cho biết.
“Không phải lúc nào thực phẩm có nguồn gốc thực vật cũng tốt cho sức khỏe, đơn cử như đường cũng có nguồn gốc từ thực vật”, Mellor nói. “Nhiều loại thực phẩm không làm từ động vật như bánh quy, khoai tây chiên giòn, bánh kẹo và nước ngọt, đúng là có nguồn gốc từ thực vật nhưng không thể coi là thiết yếu trong chế độ ăn uống lành mạnh của hầu hết mọi người”.
Trên thực tế, việc tiêu thụ những đồ ăn vặt có nguồn gốc thực vật như trên sẽ làm tăng cholesterol xấu và huyết áp, liên quan đến bệnh tim và tử vong sớm. Đây là kết quả nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí The Lancet Regional Health – Europe của nhà nghiên cứu Renata Levy ở Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học dinh dưỡng và Sức khỏe, Đại học São Paulo (Nupens/USP), Brazil. “Ăn những món có nguồn gốc thực vật có thể có lợi cho sức khỏe, hoặc có thể gây hại – tất cả phụ thuộc vào mức độ chế biến các thực phẩm này”, Levy cho biết.
Thực phẩm siêu chế biến trải qua nhiều quy trình công nghiệp, chẳng hạn như đun nóng, tách các dưỡng chất và protein, đóng khuôn và nén, đồng thời bổ sung thêm các chất thay đổi màu sắc, mùi vị và kết cấu. Những thực phẩm kiểu này được chế biến phù hợp với vị giác con người, tiện lợi và nhanh gọn.
Thực phẩm chưa qua chế biến gồm trái cây, rau quả tươi, trứng và sữa. Thực phẩm được chế biến tối thiểu gồm các nguyên liệu như muối, thảo mộc, dầu, và các thực phẩm như đồ hộp, rau đông lạnh.
“Phụ gia thực phẩm và các chất gây ô nhiễm công nghiệp có trong những thực phẩm này có thể gây ra stress oxy hóa và viêm nhiễm, gia tăng các nguy cơ về sức khỏe”, nhà nghiên cứu Fernanda Rauber ở Nupens/USP, tác giả thứ nhất của bài báo cho biết.
“Do đó, kết quả của chúng tôi hướng đến việc lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc thực vật dựa trên mức độ chế biến để cải thiện kết quả sức khỏe tim mạch”.
Dựa trên dữ liệu từ Biobank Vương quốc Anh, nhóm nghiên cứu đã khảo sát chế độ ăn uống của hơn 118.000 người trong độ tuổi từ 40 đến 69, sau đó liên hệ với sự phát triển của các yếu tố nguy cơ tim mạch và tỉ lệ tử vong.
Kết quả cho thấy thực phẩm siêu chế biến có nguồn gốc thực vật làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch lên 5% và tăng nguy cơ tử vong sớm lên 13%.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng việc thay thế 10% thực phẩm các loại thực phẩm trên bằng thực vật tươi, đông lạnh hoặc chế biến tối thiểu sẽ giảm 7% nguy cơ bệnh tim mạch và giảm 13% nguy cơ tử vong vì bệnh tim.
Nghiên cứu cũng xem xét các sản phẩm thịt làm từ thực vật, xếp vào nhóm đồ ăn siêu chế biến. Nhưng rất khó xác định nguy cơ của các thực phẩm này, Peter Scarborough, giáo sư sức khỏe dân số tại Đại học Oxford ở Anh, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết.
“Các sản phẩm thay thế thịt làm từ thực vật chỉ chiếm 0,5% trong tổng số thực phẩm siêu chế biến từ thực vật có trong bài báo này”, Scarborough cho biết. “Do đó, rất khó để rút ra kết luận từ bài báo này rằng các sản phẩm thay thế thịt làm từ thực vật có hại cho sức khỏe”.
Ngoài ra, phần lớn kết quả trong bài báo không phải là điều xa lạ – Tom Sanders, giáo sư về dinh dưỡng ở trường Đại học King London, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết.
“Hầu hết mọi người đều biết chế độ ăn cân bằng dựa trên thực vật như chế độ ăn Địa Trung Hải hoặc DASH có lợi cho sức khỏe tim mạch và những chế độ này đã nhấn mạnh việc tránh các thực phẩm không lành mạnh như khoai tây chiên giòn, đồ uống có đường, bánh kẹo… Những thực phẩm này không tốt cho sức khỏe bất kể chúng được sản xuất công nghiệp hay sản xuất tại nhà”.□
Thanh An
Nguồn: https://edition.cnn.com/2024/06/10/health/plant-based-junk-food-study-wellness/index.html