Thước đo mới cho hệ mặt trời
Theo Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU), đơn vị đo khoảng cách chính xác từ mặt trời tới trái đất đã thay đổi.
Tại buổi họp gần đây nhất của IAU tại Bắc Kinh, các thành viên của hội đã biểu quyết nhất trí việc xác định lại giá trị của đơn vị thiên văn (austronomical unit – viết tắt là AU) bấy lâu nay vẫn được coi là đơn vị cơ bản để đo lường khoảng cách giữa các vật thể trong hệ mặt trời. Theo các thành viên của hội, giá trị chính xác của AU hiện giờ là 149.597.870.700 m.
Trước đây, việc tính toán đơn vị này dựa trên khoảng cách trung bình giữa trái đất và mặt trời là 149.597.870.691 m. Từ năm 1976, người ta đã gắn đơn vị này với khối lượng của mặt trời. Nhà nghiên cứu Sergei Klioner ở trường Đại học Dresden, Đức, người kêu gọi thay đổi cách tính giá trị AU từ năm 2005, cho biết “khi chúng ta chưa thể đo được khoảng cách chính xác giữa các vật thể trong hệ mặt trời thì giá trị cũ của đơn vị như vậy là tốt rồi”.
Với sự phát triển của công nghệ và khoa học hiện đại, các nhà thiên văn học có thể đo được khoảng cách trực tiếp bằng laze và thăm dò không gian, nên hoàn toàn có khả năng đưa ra giá trị chính xác của đơn vị thiên văn học.
Trong vòng 36 năm qua, đơn vị AU vẫn được tính toán bằng việc sử dụng hằng số hấp dẫn Gaussian mà hằng số này lại phụ thuộc vào khối lượng của mặt trời. Tuy nhiên các nhà thiên văn học thấy rằng mặt trời đang mất dần khối lượng của mình trong quá trình bức xạ năng lượng, và điều này thay đổi giá trị của AU theo thời gian.
Klioner cho biết, việc xác định giá trị mới của đơn vị này phù hợp với thuyết tương đối của Einstein. Dưới quan điểm của Einstein về vũ trụ, mọi khoảng cách đều tương đối, phụ thuộc vào nơi bạn đang đứng, nghĩa là phải xác định được hệ quy chiếu hiện tại mới biết được khoảng cách Mặt trời – Trái đất. “Bạn cũng cần biết giá trị của đơn vị AU cũ nằm ở hệ quy chiếu nào.” Sergei Klioner cũng cho hay, “giá trị cũ của AU được hình thành trong vật lý Newton”.
Thêm vào đó, đơn vị m được định nghĩa là khoảng cách ánh sáng đi được trong chân không trong 1/299.792.458 giây. Vận tốc ánh sáng là như nhau ở mọi hệ quy chiếu và không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của khối lượng mặt trời, do đó, đơn vị thiên văn học được tính bằng m sẽ không bao giờ bị dao động.
Hoàng Nhu dịch theo Newscientist.com