Thương mại hóa hoạt động KH&CN: Bài toán nhiều tham số

Đổi mới – sáng tạo công nghệ thực chất là thương mại hóa hoạt động hoạt động KH&CN. Điều này đòi hỏi KH&CN phải là bài toán nhiều tham số, gồm cả sản xuất, kinh doanh, quản lý, xã hội học... Vì vậy, đổi mới – sáng tạo đòi hỏi một tư duy liên ngành, theo định hướng thị trường và sự tâm huyết, dám phá bỏ các trì trệ, quan liêu của từng Bộ, Ngành riêng lẻ.

Đề tài KH&CN phải xuất phát từ thị trường (bottom-up) thay vì do nhà nước “đặt” ra (top-down)
Ở IBM, đề tài R&D chủ yếu đến từ khách hàng, bộ phận bán hàng của công ty (nơi tiếp xúc nhiều với khách hàng) thay vì do lãnh đạo công ty “đặt ra” (Xem thêm “Thăng trầm R&D”. Tia Sáng số ra 15/4/07). Một trong những mục đích của phòng thí nghiệm “mở” (open lab) đang được áp dụng ở các nước tiên tiến là để khách hàng tham gia vào việc thiết kế sản phẩm, nhằm lấy được ý kiến, ý tưởng, mong muốn của khách hàng thay vì theo ý chủ quan của công ty. Qua đó, vừa tăng khả năng bán hàng, vừa tận dụng được chất xám của khách hàng. Đó là R&D mang định hướng thị trường (market-oriented R&D).

Ưu tiên “ứng dụng công nghệ” thay vì “phát minh công nghệ”
Ứng dụng công nghệ ít tốn tiền đầu tư so với sáng tạo và có khi không cần bản quyền vì công nghệ đã hết thời gian bảo hộ sở hữu trí tuệ. Tính “ứng dụng” thể hiện ở 2 mặt: Các viện khoa học tăng cường nghiên cứu ứng dụng thay vì nghiên cứu phát minh; Các công ty, cơ quan tăng ứng dụng công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất-kinh doanh-quản lý.

Áp dụng mô hình “nghiên cứu toàn phần” (full-research)

Đây là mô hình đang được áp dụng tại Viện Khoa học-Công nghệ tiên tiến của Nhật (JAIST). Theo đó, sản phẩm của các dự án của Viện không dừng lại ở thiết kế cái máy hay quy trình công nghệ mà là phải bao gồm cả việc thương mại hóa chúng. Như vậy, việc “nghiên cứu” mới được quan niệm là “toàn phần”.
Cũng cần quan niệm lại về khái niệm “KH&CN”. Đề án KH&CN phải bao gồm khả năng “bán được kết quả nghiên cứu”. “Công nghệ” không chỉ là “kỹ thuật” mà là “kỹ thuật có-thể-bán được”. Để làm được như vậy, các bộ phận liên quan đến sản xuất, kinh doanh, KH&CN… phải cùng nhau để lập các dự án.

Triển khai SSME

Muốn thương mại hoá công nghệ, cần phát triển các dịch vụ công nghệ. Đây là công cụ giúp đem công nghệ đến với người mua công nghệ. Tỷ lệ các công ty dịch vụ trong công nghệ TT ngày càng tăng so với các công ty trực tiếp làm công nghệ TT. Ngành dịch vụ đã rất phát triển nhưng ngành Khoa học dịch vụ (service science) còn chưa phát triển tương xứng. Ngoài ra, công nghệ không thể thương mại hóa hiệu quả khi chưa cùng lúc giải quyết vấn đề liên quan về quản lý, kỹ nghệ. IBM đề xuất SSME (service science, management, engineering -khoa học dịch vụ, quản lý, kỹ nghệ) thành một ngành trong trường đại học. Cần nghiên cứu công nghệ theo phạm vi của SSME. Không nghiên cứu công nghệ đơn lẻ mà trong một tổng thể các giao diện của công nghệ nhằm mục đích để bán được công nghệ. Công nghệ không tách rời mà luôn gắn với quản trị sản xuất- kinh doanh của công nghệ đó.

Phát triển các khu công nghệ

Tiêu chí “công nghệ có tính thương mại hóa cao” cần thay cho “công nghệ cao”. Khu công nghệ hướng mạnh tới ứng dụng công nghệ trong sản xuất-kinh doanh. Không nên qúa câu nệ về tên gọi mà lấy nội dung hoạt động làm trọng. Khu công nghệ cần gần trường đại học, viện nghiên cứu, nơi tập trung nhiều công ty, thường là khu dân cư, đô thị. Khu công nghệ là nơi thuận tiện để tạo ra các cụm công nghệ, công nghiệp. Khu công nghệ thực chất cũng mang chức năng ươm tạo doanh nghiệp công nghệ (technology business incubator), ươm tạo công nghệ (technology incubator), hỗ trợ công nghệ, dịch vụ công nghệ, phát huy tính cộng năng (synergy), nơi thuận tiện cho các hoạt động của SSME, thúc đẩy (thậm chí là điều kiện cho) đầu tư nước ngoài. Ưu tiên các khu có quy mô nhỏ, thuộc các trường đại học, viện, địa phương, công ty (để gắn với hiệu quả, tiết kiệm đầu tư, trong tầm quản lý) thay vì khu có quy mô quá to, cần vốn đầu tư lớn, quản lý khó, với chiến lược được hoạch định “từ trên xuống”, mang nặng tính hình thức hay chỉ để “chiếm” đất.
Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ chủ yếu cho xã hội, cho khu vực tư nhân, cho thị trường thay vì cho các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Thực tế cho thấy, khu vực tư nhân mới bảo đảm hiệu quả kinh tế của công nghệ.

Ưu tiên nghiên cứu “giải mã” công nghệ
Thực chất của “giải mã” công nghệ là xem thế giới họ làm gì, làm như thế nào, từ đó mới tính ta nên làm cái gì. Muốn vào “chợ” thì cần biết trong chợ người ta bán cái gì, sản xuất sản phẩm đó thế nào, bằng công nghệ gì… để biết thế giới, khu vực có các sản phẩm gì tương tự, nó hơn kém gì sản phẩm của ta, giá bán thế nào. Nếu ta làm để bán được thì cần đầu tư thêm bao nhiêu, khi nào thì cần có sản phẩm mới, quy chế hoạt động của chợ thế nào, ta có thể gia công gì cho sản phẩm của họ (nếu không cạnh tranh được, v.v…
Mở rộng hơn, ta có thể thay đổi thiết kế thế nào để sản phẩm không vi phạm về luật sở hữu trí tuệ. Có biết vị trí của ta so với thế giới mới có thể đề ra một “lộ trình” (road map) về công nghệ (technology map). Đó là: các bước để ta nâng cấp công nghệ, cái gì ta tự làm lấy, cái gì ta nên mua bản quyền, bộ phận nào của cái máy ta mua bản quyền, bộ phận nào ta tự nghiên cứu hoặc thay thế bằng bộ phận khác,…Không chỉ giải mã công nghệ đơn lẻ (từng cái máy) mà cả các giao diện của công nghệ với chuỗi giá trị chứa công nghệ đó, với thị trường, với hiệu quả kinh tế. Giải mã công nghệ có thể do nhà nước hay tư nhân làm.

Chọn “công nghệ cao” hay “ứng dụng cao”, “hiệu quả kinh tế cao”?

“Công nghệ mới”, “phải có cái mới” có thể nói lên khả năng phát minh, tính thông minh nhưng chưa chắc gắn với tính lợi nhuận. Hiện vẫn còn nhiều ưu tiên cho tiêu chí “công nghệ mới” (thậm chí là điều kiện) để cấp phát kinh phí KH&CN, để chọn vào khu công nghệ cao, vườn ươm doanh nghiệp công nghệ, vv…Công nghệ cao nhưng khả năng ứng dụng thấp, diện ứng dụng hẹp thì chưa chắc đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với công nghệ “thấp” nhưng bán được nhiều hơn.

Chú trọng đến cả nghiên cứu để giải quyết vấn đề công nghệ nước ngoài
Vấn đề là: nghiên cứu cái gì đem lại lợi nhuận cao hơn. Chưa chắc nghiên cứu công nghệ để giải quyết vấn đề thực tế trong nước là có hiệu quả hơn so với nghiên cứu để giải quyết vấn đề công nghệ nước ngoài. Cũng giống như: hàng cơm thường nấu nồi cơm khách ngon hơn là nồi cơm nhà (vì, trong một mức độ nào đó, mâm cơm khách mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn). Ấn Độ, Trung Quốc đang tiến rất nhanh để thành các địa chỉ out-sourcing về R&D của thế giới. Các trường đại học, viện nghiên cứu nên có các TT ứng dụng, hỗ trợ công nghệ, tăng cường chế độ thỉnh giảng viên, giáo sư mời, vv để tăng cường khả năng “nhận đặt hàng” nghiên cứu công nghệ của nước ngoài.
Đào tạo đại học cũng gắn với nhu cầu chất xám của thế giới, khu vực. Cái khó là nhắm vào thị trường nào (từ đó, đào tạo theo chuẩn nào)? Cần nghiên cứu kỹ về thị trường và khả năng đáp ứng của ta.

Ưu tiên các dự án “cầu nối” giữa “sản xuất thử” (pilot project) với “sản xuất hàng loạt” (industrial production), giữa “công nghệ” với “thương mại hóa công nghệ đó”
Giai đoạn “giữa” này thường ít khi tìm được vốn vì đây thường là nơi giới công nghệ “dùng tay” và cũng là nơi giới kinh doanh chưa đầu tư vì chưa thấy khả năng sinh lời. Ở đây, rất cần sự tham gia của vườn ươm, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ hỗ trợ công nghệ, vv. Rất nên áp dụng mô hình đồng tài trợ (giữa công ty, bên công nghệ, bên hỗ trợ công nghệ) cho giai đoạn này.

Tiêu chí “Có bài đăng trên tạp chí quốc tế” để đánh giá người làm công nghệ?
Muốn đăng bài trên các tạp chí quốc tế nổi tiếng về KH&CN thường cần nêu ra các vấn đề mới, có các phát minh. Các nỗ lực về ứng dụng công nghệ có thể khó đăng được trên các tạp chí này, nhưng vẫn có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một bản quyền về phát minh, sáng chế (có thể đăng trên một tạp chí nổi tiếng thế giới của ngành đó) nhưng chưa chắc mang lại hiệu quả kinh tế bằng một nghiên cứu ứng dụng rộng rãi về công nghệ.

Chính sách KH&CN chủ yếu cho thị trường

Quản lý nhà nước ở nền kinh tế tập trung khác với ở nền kinh tế thị trường. Chính sách nhà nước chủ yếu để tạo ra “sân chơi” bình đẳng, tạo điều kiện và phục vụ cho thị trường.Chính sách cần hướng tới thị trường thay vì hướng tới khu vực nhà nước. Khu vực tư nhân sẽ chiếm thị phần lớn và ngày càng tăng trong thị trường công nghệ. Thị trường là người đặt hàng, là “Bên A”, cho KH&CN. Cơ chế cấp phát, quản lý kinh phí nhà nước cho KH&CN cần thích hợp với cơ chế hoạt động của doanh nghiệp thay vì cho cơ quan KH&CN của nhà nước. Nhà nước không nên cấp kinh phí đơn lẻ mà nên đồng tài trợ (với khu vực tư nhân) cho các nghiên cứu KH&CN. Như vậy, chỉ khi khu vực tư nhân tham gia vào làm KH&CN thì nhà nước mới hỗ trợ. Qua đó, bảo đảm rằng: kết quả nghiên cứu KH&CN đã có người “mua”.

Thành lập “Hệ thống quốc gia về sáng tạo-đổi mới” (National Innovation System – NIS)
Tất cả những điều nêu trên cần nằm trong một chương trình nhà nước và do một tổ chức điều phối. Đó là “Hệ thống quốc gia về sáng tạo- đổi mới”, tổ chức đã được thành lập ở hầu hết các nước. Để tiến tới NIS, cần thành lập tổ công tác (taskforce) về NIS. NIS mang tính liên ngành cao (như SSME) và trước mắt, nên bao gồm: KH&CN, công thương, đầu tư nước ngoài, đào tạo đại học.

Đinh Thế Phong

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)