Tiêm vaccine cúm gia cầm ở Việt Nam: Trước ngã ba đường

Liệu Việt Nam có thể tiếp tục tiêm vaccine cúm gia cầm đại trà?


C
huyện đã xảy ra từ năm 2003 nhưng nhắc đến thời điểm cúm gia cầm bùng phát ở Việt Nam, nhiều người vẫn còn ký ức về bối cảnh người dân thì lo sợ, chính quyền thì bất ngờ, bỡ ngỡ và lúng túng trước một căn bệnh “từ trên trời rơi xuống”, càn quét qua đàn gia cầm trên cả nước một cách hủy diệt, chưa từng có tiền lệ.

Lúc bấy giờ, mỗi tỉnh có một cách đối phó với dịch bệnh khác nhau. Ông Nguyễn Quốc Vinh, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Cần Thơ mô tả lại quá trình xử lý một ổ dịch phải huy động không chỉ cán bộ thú y mà còn cả lực lượng chính quyền địa phương tham gia. Có hộ dân khi biết kết quả xét nghiệm đàn gia cầm của mình nhiễm cúm còn sợ hãi bỏ chạy, để mặc gia cầm cho nhà nước xử lý.  Còn ở Tiền Giang, anh Nguyễn Công Thịnh, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chợ Gạo, chia sẻ rằng những tháng đầu dịch bùng phát, toàn bộ các trang trại trong vòng bán kính 3km từ ổ dịch đều phải tiêu hủy, dù đàn gia cầm không bị nhiễm bệnh. Nhưng kể cả những hộ nằm ngoài bán kính đó cũng chịu ảnh hưởng, tới mức họ tự nguyện đăng ký hủy toàn bộ đàn gà, vịt vẫn đang khỏe mạnh. Họ không có tiền mua thức ăn cho chúng vì các đại lý không chấp nhận bán chịu như thường lệ, e sợ dịch cúm có thể trút xuống đầu bất cứ hộ nuôi nào.

Hai năm sau đó, dịch cúm này vẫn không thuyên giảm mà tiếp tục giáng những đòn chí mạng vào ngành chăn nuôi của Việt Nam. Vì chính sách tiêu hủy, số lượng gia cầm trong thời kì này giảm một phần tư so với 2003. Đáng ngại hơn, những trường hợp bị mắc trên người cũng tăng lên, trong khi năm 2003 chỉ có ba trường hợp (và đều tử vong) thì đến năm 2004 và 2005 lần lượt có 29 và 61 trường hợp với tỉ lệ tử vong khoảng 50%. 

Tình hình nguy cấp khiến Việt Nam đồng ý với đề xuất của Tổ chức Nông lương thế giới tiêm vaccine đại trà cho đàn gia cầm trên cả nước với hi vọng sẽ giảm nồng độ virus trong môi trường, từ đó giảm số ca mắc trên người. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng quyết định lúc đó đúng đắn. Nhưng giờ đây thì sao?

Điều cấm kị của việc tiêm vaccine

Thủ phạm gây ra dịch bệnh cách đây 20 năm đó là virus cúm A/H5N1. Từ 2003 đến 2006, nó đã lây lan trên hơn 50 quốc gia ở châu Á, Trung Đông, châu Âu, châu Phi.

Nếu hàng rào bảo vệ không đủ cao, vaccine sẽ chỉ thúc đẩy virus tiến hóa nhanh hơn và dịch bệnh vẫn tiếp tục.

Virus cúm type A nói chung thường được kí hiệu dựa trên hai protein trên bề mặt là H (hay còn gọi là HA) – giúp virus bám dính vào tế bào vật chủ và N (hay NA) – giúp virus giải phóng khỏi tế bào vật chủ. Hiện nay có 18 loại protein H (đánh số từ 1 đến18) và 11 loại protein N (đánh số từ 1 đến 11). Các chủng có chứa H5 và H7 thường có độc lực cao. Virus cúm A có mặt trên cơ thể nhiều loài động vật, trong đó có con người và những loài động vật thường xuyên tiếp xúc với người như gà, lợn.

Cúm A được giới khoa học quan tâm đặc biệt (so với cúm B, C, D) vì chúng có khả năng tiến hóa nhanh, lây lan nhanh và cũng là loại virus cúm duy nhất đến nay đã từng và sẽ gây ra đại dịch. Thông thường, virus cúm A ở loài này không tự nhiên nhiễm sang loài khác. Cụ thể hơn, chủng cúm A trên gia cầm thường chỉ tồn tại trên gia cầm, thủy cầm và chim hoang dã; chủng cúm A trên người thường chỉ lây nhiễm trên người. Nhưng trong quá trình tiến hóa của virus, sẽ có những chủng phá vỡ được hàng rào loài và điều đó tiềm ẩn một mối nguy hại toàn cầu. Ba đại dịch cúm chết chóc nhất lịch sử loài người đều do virus cúm A xuất phát từ gia cầm: đại dịch cúm Tây Ban Nha (1918-1919), tấn công ít nhất 1/5 dân số thế giới do virus H1N1; đại dịch cúm châu Á (1957-1958) do virus H2N2; đại dịch cúm Hong Kong (1968) virus H3N2 gây ra.

Có hai cách chính để cúm A tiến hóa, gọi là “đổi kháng nguyên” (antigenic shift) và “trôi kháng nguyên” (antigenic drift). Đổi kháng nguyên là khi một cơ thể cùng bị nhiễm hai chủng virus và chúng “đổi” gene cho nhau. Chẳng hạn, H1N1 và H3N2 sẽ sinh ra các tổ hợp chủng mới như H3N1, H1N2. Sự kết hợp ngẫu nhiên giữa các loại H và N như vậy đã phát sinh khoảng 130 chủng virus cúm A trong tự nhiên và “hứa hẹn” sẽ còn nhiều chủng mới khác sẽ xuất hiện. Trôi kháng nguyên là hiện tượng xảy ra thường xuyên hơn, khi trong quá trình nhân bản, virus sinh ra các bản sao lỗi – các đột biến. Trong hàng loạt các “bản lỗi” không có ý nghĩa gì đáng kể, sẽ xuất hiện những đột biến chiếm ưu thế, giúp virus thích nghi với điều kiện môi trường tốt hơn, lây lan nhanh hơn. Chỉ cần thay đổi cấu trúc di truyền trên gene H sẽ tạo ra các nhánh mới (gọi là clade) còn trên những vị trí khác trên hệ gene sẽ hình thành các kiểu gene (gọi là genetype) mới. Theo một nghiên cứu của TS. Nguyễn Thanh Lãm, Đại học Cần Thơ, mỗi năm trung bình, riêng chủng virus H5N1 có thể sản sinh ra một đến hai genotype và clade mới.

Từ 2004-2007, số gia cầm giảm ¼ so với năm 2003. Đơn vị ở trục tung là nghìn con. Ảnh: FAO.

“Virus cúm còn thay đổi nhanh hơn Sars-CoV-2” – TS. Nguyễn Thanh Lãm cho biết. Với tốc độ tiến hóa như vũ bão, virus cúm có vị trí “tách biệt” với các virus gây bệnh trên động vật khác, chẳng hạn như virus dại – hầu như không có gì thay đổi đáng kể sau hàng thập kỉ, thậm chí là hàng thế kỉ qua. Bởi thế, thành phần kháng nguyên của vaccine dại không cần cập nhật mà vẫn giữ hiệu quả bảo vệ tuyệt đối 100%. Trong khi đó, với virus cúm, không cần “đợi” đến khi chủng mới ra đời, vaccine dành cho genotype và clade cũ vừa xuất xưởng mấy tháng trước có thể đã giảm hiệu lực với genotype và clade vừa xuất hiện.

“Tiêm hay không tiêm đại trà cho gia cầm?” – Đó là câu hỏi gây không ít chia rẽ trong giới khoa học. “Những người ủng hộ vaccine muốn ngay lập tức giải quyết vấn đề, muốn giảm số ca nhiễm trên người ngay lập tức. Trong khi những người phản đối nhìn vào ảnh hưởng trong dài hạn” – TS. Ken Inui, nguyên chuyên gia của FAO, người đã cố vấn cho Chính phủ Việt Nam trong vòng 20 năm trong việc kiểm soát dịch cúm gia cầm cho biết. Phe phản đối có lí do của họ: Nếu hàng rào bảo vệ không đủ cao, vaccine sẽ chỉ thúc đẩy virus tiến hóa nhanh hơn và dịch bệnh vẫn tiếp tục. “Nếu bạn nhìn vào Trung Quốc, Việt Nam, Ai Cập – ba đại diện nổi bật trên thế giới đang theo đuổi chính sách tiêm vaccine đại trà để chống lại cúm gia cầm, đây cũng chính là những nơi virus biến đổi rất nhiều và các chủng mới liên tục xuất hiện” – ông nói. Các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật coi tiêm vaccine gia cầm như một điều cấm kị và từ chối nhập khẩu các sản phẩm đã tiêm vaccine cúm gia cầm.

Tự nhận mình là người ủng hộ tiêm vaccine nhưng TS. Ken Inui không cho rằng đó là cây đũa thần. Đúng là sau khi Việt Nam triển khai tiêm đại trà vào năm 2005, số ca nhiễm cúm gia cầm trên người giảm nhanh chóng, chỉ còn đếm trên đầu một bàn tay vào những năm sau đó như một sự tán thưởng cho chính sách này. Nhưng biết đâu, đó chỉ là sự trùng hợp? “Khi con người cố gắng can thiệp và thay đổi những gì đang xảy ra trong tự nhiên, quyền năng của chúng ta thực ra vô cùng nhỏ bé. Bởi vậy, một lời giải thích khác đó là dịch bệnh lúc đó tự nhiên dừng lại” – TS. Ken Inui chia sẻ.

Ai đó có thể tranh biện rằng, chẳng phải chính con người chúng ta cũng tiêm cúm A hằng năm hay sao? Nhưng đó là hai phạm trù đạo đức khác nhau. “Cúm gia cầm rất dễ thanh toán, khi con gà mắc bệnh thì nó dễ biểu hiện triệu chứng, mình có thể phát hiện ổ dịch và loại khỏi quần thể. Con gia cầm có thể thanh toán được, con người thì bắt buộc phải tiêm vaccine.” – TS. Lãm nhấn mạnh. Trên thực tế, trong một nghiên cứu vào năm 2012 của David Swayne, cựu chuyên gia của Tổ chức sức khỏe động vật thế giới (OIE), gần 80% trong 65 quốc gia từng trải qua dịch cúm gia cầm không sử dụng chính sách tiêm phòng đại trà. Họ chỉ tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh và hầu hết về sau đều không thấy bóng dáng virus trên đàn vật nuôi nữa.

Bà Kim Xuyến ở Tân Phú, Cái Răng, Cần Thơ đứng trước trang trại gia cầm từng bị cúm năm 2017. Bà đã ngừng nuôi gà, vịt để bán từ năm 2018. Ảnh: Hảo Linh

Trận chiến không cân sức

Năm 2017, toàn bộ gà của gia đình ông Thân và bà Kim Xuyến ở Tân Phú, Cái Răng, Cần Thơ phải tiêu hủy vì bị cúm gia cầm. “Trong vòng một đêm mà đã quất mấy trăm con” – ông Thân kể lại.

Hai ông bà nuôi hơn 4000 con gà, chia làm ba đàn. Vì một đàn bị bệnh, hai đàn còn lại dù cách đó mấy thước, khỏe mạnh, thậm chí có đàn nuôi được hai tháng, phổng phao “đạt dữ lắm là đạt” và đang bán được giá cũng phải ngậm ngùi đem bỏ. Từ lúc báo cho cơ quan chức năng tới khi biết kết quả xét nghiệm là bốn ngày. Gà được nhét vào từng túi bao tải một, buộc chặt lại, cán bộ của chi cục thú y thành phố đem lên xe tải mang đi chôn. “Đứt ruột không dám dòm” – Bà Xuyến kể lại.

Hai ông bà bắt đầu nuôi gà từ năm 2015, năm nào cũng trúng lớn. Giờ nghĩ lại trận dịch năm đó, bà vẫn thấy tiếc nuối: “Nuôi đang có lời mừng chứ, tự nhiên cắt ngang, lúc nghỉ dịch không nuôi lại được mà vốn cũng không còn hết trơn, cũng buồn”.

Điều đáng nói là trước đó, gia đình ông bà đã tiêm vaccine cúm gia cầm cho cả đàn. Ông bà không lạ gì H5N1 qua những đợt vận động rầm rộ tiêm ngừa của thành phố Cần Thơ và qua hàng loạt buổi tập huấn chăn nuôi của trung tâm thú y của phường quận. “Người ta có nói là bệnh độc hại đó, phải ngừa trước. Mình ngừa hoài luôn mà cũng vẫn bị à” – ông Thân nói.

Một trong những điều kiện đi kèm với chương trình tiêm chủng đại trà cúm gia cầm đó là hằng năm phải đánh giá hiệu lực của vaccine với virus đang lưu hành. Như vậy, toàn bộ hệ thống thú ý phải chạy đuổi theo sự tiến hóa của virus. Và đó là một cuộc đua không cân sức: “Thấy rất là rõ con người không thể nào theo kịp sự thay đổi kháng nguyên của con virus. Mình luôn luôn đi phía sau” – TS. Lãm cho biết.

Vợ chồng ông Lâm ở Chợ Gạo, Tiền Giang đứng trước hố tiêu hủy đàn gà 2600 con vào tháng 10/2022. Ảnh: Hảo Linh

Cơ quan chịu trách nhiệm trong việc thực hiện kiểm tra hiệu lực vaccine của Việt Nam là Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương (NCVD). Theo đó, các chi cục vùng sẽ có trách nhiệm thu thập và lưu giữ mẫu virus từ các ổ dịch mới xảy ra tại địa phương và gửi về NCVD. Sau khi lựa chọn một vài loại virus đại diện từ các mẫu gửi về, NCVD sẽ tiến hành đánh giá hiệu lực vaccine đang lưu hành bằng phương pháp công cường độc. Hiểu một cách nôm na, một nhóm, chẳng hạn 10 con gà, sau khi tiêm vaccine 21 ngày sẽ được nhiễm virus cúm gia cầm, nếu sau đó tất cả đều sống sót thì vaccine vẫn còn hiệu lực tốt, nếu chỉ bốn con sống sót thì vaccine không còn hiệu quả lắm và nếu tất cả đều chết thì vaccine hoàn toàn mất hiệu lực. Đây được coi là phương pháp chính xác nhất để đánh giá hiệu lực vaccine nhưng điểm yếu của nó là nguy hiểm. Từ trước đến nay, chỉ duy nhất NCVD được thực hiện phương pháp này trong phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 2+ (gần đây mới có điều kiện để thực hiện ở cấp 3).

Theo TS. Ken Inui, lý tưởng nhất là quá trình này chỉ diễn ra trong vòng ba tháng. Nhưng trên thực tế “nó diễn ra có lẽ là hơn một năm sau khi dòng virus mới xuất hiện. Thế là đã quá muộn.” Một năm là đủ để virus có thể dễ dàng lây lan khắp cả nước, trước khi những cảnh báo về việc vaccine giảm hiệu lực thực sự có ý nghĩa. Sự chậm trễ này chủ yếu đến từ sự đứt gãy trong trao đổi giữa các cơ quan: những lọ virus chờ đợi trong tủ đông của các chi cục thú y vùng hàng tháng trời trước khi có yêu cầu chuyển tới NCVD, đến lượt NCVD cũng chờ đợi hàng tháng trời trước khi có yêu cầu của Cục Thú y để bắt đầu thí nghiệm, và bản thân thí nghiệm cũng mất hàng tháng trời để chuẩn bị và tiến hành. “Có lẽ là bởi người ta không thấy nó nghiêm trọng và cần phải làm gấp” – TS. Ken Inui nói thêm.

Nhưng vấn đề không chỉ là thời gian, vấn đề còn là chất lượng của quy trình thí nghiệm. TS. Ken Inui cho rằng, thí nghiệm ở NCVD có độ chính xác khoảng 70%. “Đôi khi làm một thí nghiệm hai lần, họ nhận được hai kết quả khác nhau. Điều đó không thuyết phục bạn rằng [những] kết quả đó là đúng” – TS. Ken Inui chia sẻ.

“Vaccine là cách duy nhất để phòng chống mọi dịch bệnh bùng phát hoặc trở thành đại dịch ở Việt Nam”. TS. Ken Inui

Ngoài NCVD, một số chi cục thú y các vùng (toàn Việt Nam có bảy chi cục thú y vùng) cũng tham gia đánh giá hiệu lực vaccine. Mỗi năm họ đều lấy mẫu máu từ khoảng 1000 mẫu vật nuôi đã tiêm để đánh giá hiệu quả bảo hộ của vaccine cúm gia cầm bằng phương pháp ngưng kết hồng cầu. Về cơ bản, phương pháp này dựa trên hiện tượng virus cúm thường ngăn cản không cho các tế bào hồng cầu ngưng kết với nhau. Người ta sẽ pha loãng huyết thanh của động vật đã tiêm vaccine, trộn với hồng cầu và virus. Ở một tỉ lệ pha loãng nhất định, nếu huyết thanh vẫn có thể trung hòa virus, cho phép hồng cầu ngưng kết thì tức là vaccine có tác dụng bảo hộ tốt. Phương pháp này được đánh giá là đơn giản, tương đối chính xác và đặc biệt là nhanh, nhưng có một cái khó khăn là làm sao có được virus dùng cho thí nghiệm? Đúng ra là phải tự nuôi cấy virus cúm gia cầm đang lưu hành, nhưng đây là virus nguy hiểm, đòi hỏi phải nuôi cấy trong điều kiện phòng thí nghiệm/xét nghiệm an toàn sinh học cấp 3. Trong khi, phòng xét nghiệm và thí nghiệm của các chi cục vùng đều chưa đạt mức này. Ở Việt Nam, chỉ có bốn phòng thí nghiệm/xét nghiệm được chứng nhận mức an toàn sinh học cấp 3 và trong đó chỉ duy nhất một nơi là dành cho lĩnh vực nông nghiệp, thú y. Thành ra, virus được sử dụng sẽ là virus bất hoạt mua sẵn và là các chủng đã cũ.

Theo TS. Nguyễn Thanh Lãm, cần phải có đánh giá hiệu quả vaccine một cách toàn diện hơn. Hiệu quả bảo hộ của vaccine có thể thấp hơn nhiều so những gì người ta vẫn tưởng. Năm 2017, anh đã gửi mẫu huyết thanh của 44 con vịt và gà đã tiêm ở Việt Nam sang phòng thí nghiệm của Nhật để kiểm tra mức độ bảo hộ của vaccine trước các chủng virus đang lưu hành, cũng bằng phương pháp ngưng kết hồng cầu. Kết quả cho thấy với những dòng virus ở năm 2017, hiệu lực của vaccine đã giảm hẳn, tác dụng không đáng kể so với những dòng virus xuất hiện từ năm 2016 trở về trước. Cũng cần nói thêm rằng, có những dòng virus xuất hiện từ năm 2016 trở về trước cùng chủng, cùng clade với dòng năm 2017, chỉ khác genotype.

TS. Ken Inui cho biết, Navetco năng lực quản lý và sản xuất vaccine tốt nhưng tốc độ cập nhật vaccine cúm gia cầm quá chậm. Ảnh: vast.gov.vn

Tấm bùa hộ mệnh

Sau khi trải qua dịch cúm gia cầm vào năm 2017 lần đó, ông Thân và bà Xuyến vẫn không mất niềm tin vào vaccine cúm gia cầm. Về sau, với mỗi lứa mới, họ còn tiêm hai lần cho chắc ăn. Ông Nguyễn Quốc Vinh, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thú y thành phố Cần Thơ chia sẻ với phóng viên Tia Sáng rằng, cho đến nay, tiêm phòng vẫn là “biện pháp tương đối hữu hiệu nhất” trong tất cả các phương pháp phòng chống dịch cúm gia cầm.

TS. Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thú Y tỉnh Tiền Giang cũng chia sẻ suy nghĩ đó: “Nói chung làm gì thì làm nhưng chủ lực vẫn là tiêm phòng”. Hằng năm, các nông hộ ở Tiền Giang đều được hỗ trợ vaccine cúm và tiền công tiêm phòng cho vịt, ngan. Theo chính sách này, liên tục trong ba năm gần đây, số ca bệnh cúm trên gia cầm ở Tiền Giang năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 4 ca, 3 ca và 2 ca. Ca bệnh này chủ yếu là trên gà chưa được tiêm phòng, hoặc đã tiêm phòng nhưng không đúng loại vaccine và quy trình theo khuyến cáo, hoặc đàn gà đã được tiêm phòng nhưng đã hết thời gian bảo hộ. Anh Nguyễn Công Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chợ Gạo còn chia sẻ rằng, một phần nhờ đạt tỉ lệ tiêm phòng hơn 80%, huyện Chợ Gạo, nơi chiếm gần một nửa số gia cầm của cả Tiền Giang, từ năm 2005 đến nay, chỉ có duy nhất một ổ dịch xảy ra vào tháng 9/2022 – mà cũng rơi vào hộ chưa kịp tiêm phòng.

Tôi tới thăm hộ chăn nuôi đó ở xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo, cùng với các cán bộ thú y của huyện và tỉnh. Ông Lâm, chủ hộ, đặt khu nuôi gà ngay trong vườn, cách nơi gia đình ông ở chỉ bằng một tấm lưới sắt. Giữa vườn vẫn còn một hố đen lớn – dấu vết của việc tiêu hủy 2600 con gà bị nhiễm cúm cách đó vài tháng. Tỉnh Tiền Giang khuyến khích tiêu hủy (đốt) vật nuôi bị bệnh thay vì chôn lấp. 

Ông Lâm bắt đầu nuôi gà từ năm 2007 và đây là lần đầu tiên gặp phải dịch cúm gia cầm. Chưa bao giờ ông nghĩ đến việc một ngày đàn gà của mình có thể mắc thứ bệnh “gà chết không thể tả” này. Ông quả quyết rằng, đây chỉ là do ông không may, khi đàn gà phát bệnh ở 13 ngày tuổi, chưa đủ tuổi để tiêm phòng cúm gia cầm: “Mình mà làm vaccine đầy đủ cho nó là nó mạnh khỏe, bình thường à”.

Vaccine giống như một tấm bùa hộ mệnh cho những hộ chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam. Sau cú sốc của đợt dịch năm 2003, “Bây giờ là có vaccine người ta tiêm người ta mới nuôi chứ không người ta đâu dám nuôi” – anh Thịnh chia sẻ. Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025 của Việt Nam cũng đề cao tiêm phòng. Một trong những mục tiêu của kế hoạch là: “Tổ chức tiêm phòng đạt tỉ lệ tối thiểu 80% tổng đàn thuộc diện tiêm”.     

Tuy nhiên, mối tương quan giữa tỉ lệ tiêm vaccine và số ổ dịch không phải là cách đánh giá tin cậy về chất lượng vaccine. Việt Nam dường như đang lạc lối trong việc đánh giá vaccine, không biết chính xác hiệu quả thực sự của nó với những chủng đang lưu hành. Còn thực tế, vaccine sẽ không chấm dứt mà còn kéo dài dịch bệnh. Liệu tiếp tục chính sách tiêm vaccine đại trà có phải là theo đuổi một niềm tin mù quáng?

Nếu Việt Nam không tự chủ được việc sản xuất và cập nhật vaccine thì vaccine nhập ngoại khó mà phù hợp với virus lưu hành trong nước và như vậy, hệ thống đánh giá hiệu lực vaccine hằng năm có tốc độ và chính xác đến cỡ nào cũng không có mấy ý nghĩa.

Câu trả lời như một bước ngoặt trong câu chuyện, khiến người ta bối rối: “Vaccine là cách duy nhất để phòng chống mọi dịch bệnh bùng phát hoặc trở thành đại dịch ở Việt Nam” – TS. Ken Inui khẳng định trong cuối buổi trò chuyện với tôi. Thời điểm tôi đang thực hiện bài viết này là lúc các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang vật lộn với dịch tả lợn châu Phi (ASF). Căn bệnh này xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2019 và đến nay vẫn chưa có vaccine. Vào năm 2019, từ lúc phát hiện ổ dịch đầu tiên, chỉ sau năm tháng, đã lan ra 62/63 tỉnh thành và làm hao hụt hơn 20% tổng số lợn trên cả nước. “Dịch tả lợn châu Phi là một ví dụ rõ ràng rằng Việt Nam phụ thuộc vào vaccine đến mức nào. Dịch bệnh này đã càn quét khắp cả nước, kể cả những trang trại sản xuất lớn và những trang trại ở thành phố (được coi là có mức an toàn sinh học cao)” – ông nói thêm.

Những nước đã thanh toán dịch cúm gia cầm và không sử dụng vaccine vì họ có điều kiện mà Việt Nam chưa đạt được: an toàn sinh học và loại bỏ tất cả các ổ dịch. Theo một báo cáo của FAO vào năm 2016, 50% gia cầm ở Việt Nam thuộc về những hộ nuôi dưới 50 con. Giờ đây, có lẽ thực tế đó không có nhiều thay đổi. “Phần lớn người dân nông thôn ở khu vực Nam Bộ là nuôi thả lang, chuồng trại tạm bợ.” – Ông Nguyễn Quốc Vinh kể. Những cán bộ thú y trên địa bàn của ông cùng chủ nhà vẫn thường xuyên phải vật lộn để bắt những con gà đang ngủ trên cây xuống để tiêm. Những con gia cầm được thả lang ngoài ruộng, vườn mở ra nguy cơ nhiễm virus môi trường bên ngoài, từ những trại khác và chim hoang dã.   

Cách nuôi đó không thể đáp ứng an toàn sinh học – ba không gian từ ngoài trại đi vào, trong trại, từ trong trại đi ra đều phải được kiểm soát mầm bệnh và tiêu độc khử trùng đúng quy cách đồng thời. Nhưng không chỉ vậy, các hộ đó cũng không có nhiều động cơ để báo với cơ quan chức năng mỗi khi có dịch bệnh. Mỗi năm, Cục Thú y thống kê trung bình có khoảng 50 ổ dịch cúm gia cầm trên cả nước. “Số ổ dịch trên thực tế có thể cao hơn rất nhiều do người nuôi không nhận biết bệnh hoặc không báo cáo đến cơ quan thú y” – TS. Nguyễn Thanh Lãm nói. 

Vào tháng 10/2022 vừa qua, lần đầu tiên trong tám năm, Việt Nam lại có người mắc cúm gia cầm. Trước đó, thấy gà, vịt bị ốm bệnh, gia đình người này đã đem ra giết mổ để ăn. TS. Ken Inui không ngạc nhiên: “Tôi khá chắc là rất nhiều người, có thể họ không ăn gà chết, nhưng vẫn tiêu thụ gà ốm”.  Đứng trước lựa chọn báo cho chính quyền hay gọi cho thương lái để bán rẻ đàn gà, nhiều hộ nuôi sẽ chọn phương án hai. Với phương án một, toàn bộ đàn gia cầm sẽ bị tiêu hủy và phải chờ đợi không biết đến bao giờ tiền đền bù mới đến tay họ, nhưng với phương án hai, họ sẽ lấy lại được một phần vốn đầu tư ngay lập tức.

Nếu việc kiểm soát dịch bệnh cần hai điều cốt lõi: năng lực của cơ quan chức năng và hành động của các hộ chăn nuôi, thì trong hai mươi năm qua, theo TS. Ken Inui, yếu tố đầu tiên ngày càng trở nên chuyên nghiệp một cách nhanh chóng, từ trung ương đến địa phương, từ việc tầm soát, xét nghiệm cho đến xử lý ổ dịch nhưng yếu tố còn lại thì dậm chân tại chỗ. “Có lẽ chúng ta phải chờ đợi đến khi mặt bằng kinh tế và xã hội của tất cả người dân trên cả nước cao hơn. Nếu người ta cần tiền ngay để sống qua ngày thì người ta không thể nghĩ nhiều cho cộng đồng được” – ông nói. 

Nhưng không chỉ có người chủ nuôi, còn có thương lái và những người bán buôn ở chợ. TS. Nguyễn Thanh Lãm từng lấy mẫu gia cầm sống ở các chợ một số tỉnh phía Bắc và phía Nam, cho thấy có khoảng 20-30% mẫu nhiễm cúm gia cầm độc lực thấp (H9N2 – nhưng có thể lây sang người) và khoảng 5-10% nhiễm cúm gia cầm độc lực cao (ví dụ H5N1, H5N6), chủ yếu ở thủy cầm. Dù đã có nhiều quy định cấm giết mổ gà tại nơi đông dân cư, nhưng việc bắt gặp người chở gà sống đi giữa phố phường, gà vịt ngan ngỗng nhốt chung không phải là chuyện hiếm gặp. Thay vì đi thẳng từ hộ chăn nuôi vào lò mổ, virus được thể “chu du” từ hộ chăn nuôi này đến hộ chăn nuôi khác, vào chợ, bám trên xe, trên người của thương lái, tiểu thương… Và nếu gia cầm hôm trước vẫn chưa bán hết, thì hôm sau lại được nhốt chung những con mới, “virus” lại tiếp tục lại có một chuyến “chu du” khác.  “Vào năm 2004, chúng tôi xác định chợ là một trong những nguồn lây virus từ gà sang người và cố gắng để thay đổi các thực hành ở chợ, từ chợ đầu mối cho đến chợ bán lẻ. Nhưng giờ đây khi ra chợ, tôi thấy chính xác những gì diễn ra vào năm 2004. Cơ sở vật chất có thể hiện đại hơn nhiều nhưng hành vi của con người vẫn y hệt”. – TS. Ken Inui cho biết.

Chướng ngại vật

Nếu quả thật vaccine là lựa chọn duy nhất của Việt Nam, thì ngoài việc nâng cấp quy trình đánh giá vaccine hằng năm, còn một chướng ngại vật không hề đơn giản mà Việt Nam phải vượt qua: cập nhật vaccine nhanh nhất có thể. TS. Ken Inui cho biết: “Một vấn đề lớn hiện nay là không có một vaccine tương ứng hoàn hảo với dòng virus cúm gia cầm đang lưu hành ở Việt Nam”.

Hai nguồn vaccine chính của Việt Nam là từ Trung Quốc và từ Công ty Navetco, một doanh nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp. Vaccine thế hệ đầu tiên của Trung Quốc, gọi là RE-1, ra đời vào năm 2003. Hiện nay, nước này đã cập nhật đến RE-14 vào năm 2021. Mặc dù có sự “trao đổi” nhưng virus ở Trung Quốc không trùng với Việt Nam. Việt Nam hiện chủ yếu sử dụng RE-6, và sắp tới sẽ nhập khẩu RE-7 và 8 – những lựa chọn khả dĩ gần nhất với dòng virus cúm gia cầm đang lưu hành hiện tại trong nước. Còn vaccine của Navetco ra đời vào năm 2009 và đến năm 2020 vừa qua mới cập nhật lần thứ nhất.

“Trái tim” của vaccine cúm gia cầm là một giống virus được bất hoạt. Nhưng đây không phải là virus cúm trong tự nhiên mà là một virus “nhân tạo” từ kĩ thuật “chuyển gene ngược”. Gene H và N của virus cúm A, sau khi được loại bỏ các đoạn mã độc sao cho không gây hại nhưng vẫn đủ kích thích phản ứng miễn dịch ở vật chủ, được chuyển vào một bộ khung của virus khác có cấu trúc gene ổn định, ít thay đổi hơn (thường là virus Puerto Rico).

Đây không phải là một kĩ thuật mới mà đã được phát minh cách đây hơn 20 năm bởi Bệnh viện Nhi St. Jude, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, năm 2016, trong một nhiệm vụ “Nghiên cứu tạo giống gốc để sản xuất vaccine cúm A/H5N1”, một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ, mới có cơ hội sang đây để học kĩ thuật chuyển gene ngược. Đến nay, đây vẫn là nhóm duy nhất của Việt Nam có thể chuyển gene ngược thành công. Kết quả của nhóm – giống virus vaccine cúm gia cầm, tạo ra dựa trên một biến chủng phổ biến năm 2016, đã được chuyển giao cho Navetco. Tuy nhiên, vaccine mới nhất của Navetco, thay vì sử dụng kết quả này, lại sử dụng chủng virus của CDC Hoa Kỳ, được tạo ra dựa trên gene H và N của virus cúm gia cầm đã lưu hành từ năm 2010! (trong công bố kết quả bảo hộ về vaccine này, nhà sản xuất chỉ tiết lộ clade và chủng của virus mà không tiết lộ genotype). Cũng nên nói thêm rằng, vaccine của Navetco mới chỉ phòng ngừa virus H5N1, H5N6 nhưng ở Việt Nam đã tồn tại các chủng H5 khác và dĩ nhiên có khả năng lây sang người. 

Quá trình cập nhật vaccine của Việt Nam là một dây chuyền mà các mắt xích của nó đang…tách rời nhau. Theo TS. Nguyễn Trung Nam, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, cũng là người đứng đầu nhiệm vụ nghiên cứu năm 2016, quá trình tạo ra giống virus mới để làm vaccine có thể kéo dài từ ba đến sáu tháng, thậm chí lâu hơn. “Nếu virus biến đổi quá nhiều thì coi như mình nghiên cứu từ đầu” – Anh nói. Tuy nhiên, nhóm của anh không thể nào tạo ra giống virus nếu Cục Thú y – nơi duy nhất có cơ sở thí nghiệm đủ điều kiện an toàn sinh học để nuôi cấy virus cúm gia cầm, không thông báo và gửi bộ gene (hay ít nhất là gene H và N) của những virus đang lưu hành. Và kể cả sau khi đã sàng lọc và tuyển chọn được một giống virus tốt trong phòng thí nghiệm, nó cũng sẽ chỉ dừng lại ở đó nếu Navetco hoặc công ty khác sản xuất vaccine trong nước không sẵn lòng tiếp nhận để sản xuất và thử nghiệm trên thực địa. Tia Sáng đã liên hệ với Navetco nhưng không nhận được phản hồi.

Nếu Việt Nam không tự chủ được việc sản xuất và cập nhật vaccine thì vaccine nhập ngoại khó mà phù hợp với virus lưu hành trong nước và như vậy, hệ thống đánh giá hiệu lực vaccine hằng năm có tốc độ và chính xác đến cỡ nào cũng không có mấy ý nghĩa. Điều này đã xảy ra trong thực tế. Vào năm 2011, 2012, kết quả đánh giá cho thấy vaccine hiện tại không có tác dụng trên dòng virus đang lưu hành. 100% gà đã tiêm vaccine sau khi bị công cường độc trong phòng thí nghiệm đều chết. Không còn cách nào khác, Việt Nam đã ngừng chương trình tiêm phòng cúm gia cầm trên hàng chục tỉnh thành (trừ Đồng bằng sông Cửu Long). 

***

Dù lựa chọn tiêm hay không tiêm thì Việt Nam cũng vẫn đang đứng trước những ngã ba đường. Nếu dừng tiêm, Việt Nam có cơ hội thanh toán dịch bệnh. Tuy nhiên, để làm việc đó, Việt Nam liệu có thể thay đổi toàn bộ diện mạo ngành chăn nuôi, đảm bảo tất cả các trang trại đáp ứng an toàn sinh học? Nếu tiếp tục tiêm như chính sách hiện nay tức là sẽ chấp nhận sống chung với dịch bệnh. Nhưng như vậy, Việt Nam có thể giảm thiệt hại nhỏ nhất cho hộ nuôi bằng cách tự sản xuất, cập nhật và đánh giá vaccine trong vòng một năm? □

—–

*Bài viết có sự hỗ trợ của dự án STOP Spillover 2022, đứng dầu bởi USAID (https://earthjournalism.net/opportunities/stop-spillover-media-grants-2022)

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)