Tổng thống Lincoln chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội từ Marx?

Ai ngưỡng mộ Karl Marx? Thật bất ngờ, không phải một là dân biểu thuộc tổ chức Những nhà xã hội dân chủ Mỹ, mà người đó lại là vị Tổng thống vĩ đại Abraham Lincoln.

 



Karl Marx (trái) năm 1867 và Tổng thống Abraham Lincohn năm 1865. 



Tháng 12 năm 1861, vào một buổi chiều thứ Ba, Tổng thống Abraham Lincoln gửi bài diễn văn đầu tiên — sau này trở thành Thông điệp Liên bang — đến lưỡng viện Hoa Kỳ. Ngày hôm sau, tất cả 7.000 từ của bản thảo đã được các báo công bố rộng rãi khắp cả nước, kể cả ở lãnh thổ thuộc Liên minh miền Nam. Kể từ sau diễn văn nhậm chức vào tháng 4 năm 1861, Lincoln mới có cơ hội truyền đi một thông điệp dài như thế. Ông lên án những “công dân phản bội” đang nổi loạn chống lại Nhà nước Liên bang, phô trương sức mạnh lục quân và hải quân, đồng thời cập nhật tình hình ngân sách cho Quốc hội. Để diễn văn gần gũi hơn với công chúng, ông bỏ qua lối độc thoại ngợi ca đoàn kết hay tự do mà thay bằng những dòng cảm nghĩ 800 chữ, được tờ Chicago Tribune đặt tiêu đề là “Tư bản so với công nhân”.

“Công nhân là tiền đề và không phụ thuộc vào Tư bản”, vị Tổng thống thứ 16 của Hòa Kỳ nói. “Tư bản hưởng thành quả của công nhân, và không thể tồn tại nếu trước đó không có công nhân. Công nhân có vị thế cao hơn Tư bản, và xứng đáng được ưu ái hơn”. 

Nếu bạn thấy những lời này có vẻ giống những gì Karl Marx viết, thì cũng không có gì khó hiểu, vì Lincoln thường xuyên đọc Marx.

Dĩ nhiên, Lincoln không phải là người theo chủ nghĩa xã hội, cũng không cộng sản, cũng không marxist. Nhưng Lincoln và Marx — chỉ hơn kém nhau 9 tuổi — thuộc cùng thế hệ. Họ có nhiều bạn chung, đọc tác phẩm của nhau, và năm 1865, có thư từ qua lại.

Khi đang phục vụ nhiệm kỳ duy nhất ở Quốc hội vào cuối thập niên 1840, người luật sư trẻ tuổi Lincoln từ tiểu bang Illinois kết thân với Horace Greeley, một thành viên đảng Whig – người cũng có chân trong Quốc hội một thời gian ngắn. Greeley được biết đến nhiều hơn với tư cách là người sáng lập New York Tribune, tờ báo đóng vai trò to lớn trong việc truyền tải lý tưởng và ý tưởng thành lập Đảng Cộng hòa vào năm 1854. 

Vậy những lý tưởng và ý định đó cụ thể là gì? Chính là chống lại chế độ nô lệ, bảo vệ công nhân và thỉnh thoảng công khai ủng hộ chủ nghĩa xã hội, theo John Nichols, tác giả cuốn sách “Chữ ‘S’: Lịch sử tóm gọn của một truyền thống Mỹ…Chủ nghĩa Xã hội.” Tờ New York Tribune đấu tranh cho quá trình tái phân phối đất đai ở miền Tây cho người nghèo và giải phóng nô lệ. “Greeley phản đối lại những người coi trọng thị trường tự do hơn là quyền lợi của người lao động – tầng lớp mà ông coi là tập hợp của những nô lệ bị áp bức ở miền Nam lẫn những công nhân công nghiệp thấp hèn ở miền Bắc,” Nochols viết.





Đội ngũ biên tập của tờ New York Tribune trong khoảng thập niên 1850. Horace Greeley ngồi thứ 3 từ trái sang. Charles a. Dana đứng ở giữa. (Mathew Brady/Library of Congress).

Còn bên kia bờ Đại Tây Dương, một người đàn ông khác đang kết nối số phận của những nô lệ và giai cấp công nhân cùng khổ: chính là Marx. Khi xuất bản “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” cùng Friedrich Engels năm 1848, nhà triết học Đức đã tìm nơi ẩn náu ở London sau cuộc nổi dậy thất bại trong Liên minh các Nghiệp đoàn của Đức (German Confederation). Hàng trăm ngàn người Đức cấp tiến nhập cư vào Hoa Kỳ trong giai đoạn này, lấp đầy các xí nghiệp ở miền Bắc và tham gia các nhóm chống chế độ nô lệ. Marx từng một lần có ý định đến miền Tây Hoa Kỳ, đến Texas, theo phát hiện của sử gia Robin Blackburn trong cuốn sách “Một cuộc cách mạng chưa hoàn thành: Karl Marx và Abraham Lincoln.”

Marx rất quan tâm đến tình cảnh của những nô lệ Mỹ. Vào tháng 1 năm 1860, ông nói với Engels rằng hai điều lớn nhất đang diễn ra trên thế giới  “một mặt là phong trào của những nô lệ ở Mỹ khởi đầu từ cái chết của John Brown (nhà lãnh đạo chống chế độ nô lệ – BT), mặt khác là phong trào của những nông nô ở Nga.”

Ông đánh đồng những chủ nô ở miền Nam Hoa Kỳ với quý tộc châu Âu, và nghĩ rằng chấm dứt chế độ nô lệ sẽ “không thể đánh đổ chủ nghĩa Tư bản, nhưng nó sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hình thành tổ chức và nâng cao nhận thức của cần lao, dù người da trắng hay da đen.”

Marx cũng là bạn của Charles A. Dana, một nhà xã hội Mỹ thông thạo tiếng Đức, người từng là biên tập viên chính của New York Tribune. Năm 1852, Dana thuê Marx làm ký giả thường trú ở Anh cho tờ báo. Trong thập niên tiếp theo, Marx đã viết gần 500 bài cho tờ báo này. Nhiều bài trong số đó được đăng lên trang nhất như bài xã luận thể hiện quan điểm chính thức của tờ báo. Marx sau đó, được tự do mượn các bài viết trên New York Tribune là tư liệu cho cuốn “Tư bản luận” huyền thoại, theo Nichols.

Giống như nhiều nhà Cộng hòa non trẻ khác, Lincoln là độc giả nhiệt thành của Tribune. Điều này gần như đảm bảo rằng, trong thập niên 1850, Lincoln thường xuyên đọc bài của Marx. 

Năm 1860, có hai yếu tố giúp thúc đẩy Lincoln — trước đó chỉ là dân biểu một nhiệm kỳ và là luật sư vùng nông thôn được biết đến nhiều nhất vì thua cuộc trong cuộc đua vào Thượng viện — trở thành người được phe Cộng hòa đề cử cho chức vụ Tổng thống. Thứ nhất là những người ủng hộ cách mạng Đức trước đây trở thành những người nắm vai trò chủ chốt trong Đảng Cộng hòa, và thứ hai là sự hỗ trợ từ báo chí của Đảng này, tờ Tribune.





Cuốn sách “Một cuộc cách mạng chưa thành” viết về ảnh hưởng của cuộc nội chiến Hoa Kỳ lên Marx và ảnh hưởng của tư tưởng Marx lên Lincoln.

Khi Lincoln đã đắc cử, liên minh của ông và những nhà xã hội chủ nghĩa vẫn không dừng lại ở đó. Dana rời tờ Tribune để trở thành tai mắt của Lincoln ở Bộ Chiến tranh, dõi theo các phong trào của binh lính và nêu nhận xét về các vị tướng. Còn Greeley tiếp tục thúc giục Lincoln thể hiện đường lối cứng rắn hơn với chế độ nô lệ, để cuộc nội chiến không chỉ nhằm bảo vệ phe Liên bang mà còn nhằm giải phóng nô lệ. Marx cũng làm điều tương tự trên các trang báo Tribune. Năm 1862, họ đã đạt được nguyện vọng khi Lincoln công bố Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ.

Tháng 1 năm 1865, nhân danh Quốc tế thứ nhất, Marx viết thư cho Lincoln: “chúc mừng nhân dân Mỹ vì ngài được tái đắc cử”. Ông nói “một tập đoàn đầu sỏ của 300,000 chủ nô” làm ô uế nền cộng hòa và điều đó khiến cho những người lao động ở châu Âu cảm thấy chắc chắn rằng, giống như cách mà cuộc chiến giành độc lập cho Hoa Kỳ đã mở đầu kỷ nguyên mới của sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu, cuộc chiến giải phóng nô lệ (Nội chiến Hoa Kỳ) cũng đã làm điều đó cho tầng lớp lao động.”

Vài tuần sau đó, Lincoln đã gửi hồi đáp thông qua Charles Francis, con trai của cựu Tổng thống John Quincy Adams, cháu nội của cựu Tổng thống John Adams và đang giữ chức đại sứ Mỹ ở Anh dưới thời Lincoln. Lincoln nói với Marx rằng ông đã nhận được thư “với lòng chân thành và lo lắng rằng mình chưa xứng đáng với sự tán dương của đồng bào mình và của nhiều bè bạn nhân văn và tiến bộ khắp thế giới.” Đáng chú ý, Adams ngụ ý rằng Lincoln coi Marx và cộng sự là “những người bạn”. Ông tiếp tục nói rằng “Liên bang (Hoa Kỳ) tìm ra nguồn khích lệ mới để kiên trì đứng về phía những người lao động ở châu Âu.” Cả hai lá thư, nhờ báo chí, lan truyền khắp nước Anh và Mỹ. Marx rất phấn khởi, nói với Engels rằng mình cảm giác như “giai cấp tư sản” ngồi ở các câu lạc bộ bí mật hẳn đang “lắc đầu nguây nguẩy vì điều này”.

Lincoln cũng gặp chi hội New York của Quốc tế thứ nhất, nói với các thành viên ở đây vào năm 1864 rằng: “Sự cảm thông giữa người với người, không kể đến quan hệ huyết thống gia đình, chính là sự gắn kết mạnh mẽ nhất – sẽ liên hiệp người lao động, bất kể quốc gia, tiếng nói và gốc gác.” Đó có lẽ một phiên bản hùng hồn hơn cho lời hiệu triệu nổi tiếng của Marx: “Vô sản thế giới, đoàn kết lại!”

Lincoln không bao giờ đi theo chủ nghĩa xã hội. Ông tin vào hệ thống lao động trả lương kể cả khi đề xuất phải cải cách nó; còn Marx lại đả kích nó như một dạng thức khai thác nô lệ. Nhưng Lincoln chắc chắn đã coi những người theo chủ nghĩa xã hội là đồng minh, Nichols viết: “đó là bằng chứng không thể chối cãi rằng Đảng Cộng hòa ngay từ lúc khai sinh đã mang trong mình tính thiên tả.”

Mặc dù ngày nay, những sự thật này có thể được ít được biết đến, nhưng nó chưa từng bị che giấu trong lịch sử Hoa Kỳ trước đây. Khi nhà hùng biện xã hội chủ nghĩa và người thường xuyên ứng cử Tổng thống là Eugene V. Debs tổ chức một điểm vận động ở Springfield, tiểu bang Illinois năm 1908, ông nói trước đám đông: “Đảng Cộng hòa đã từng nhuốm sắc đỏ, Lincoln là nhà cách mạng.”

Điều này cũng được ghi nhận bởi Mục sư Martin Luther King. Tháng 2 năm 1968, ở khán phòng Carnegie, New York, trong buổi tôn vinh thành tựu trọn đời của W.E.B. Du Bois – nhà xã hội học, nhà hoạt động nhân quyền, người đồng sáng lập của Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP), Luther King nói rằng W.E.B. Du Bois đã  trở thành một nhà cộng sản trong những năm cuối đời. “Và thật là phi lý,” Luther King nói, “Abraham Lincoln nồng nhiệt hoan nghênh sự ủng hộ của Karl Marx trong Nội chiến Hoa Kỳ và trao đổi thư từ với ông ấy một cách tự do…Vậy mà ám ảnh chống cộng đến mức phi lý dẫn chúng ta sa vào vũng lầy mà cứ bấu víu như thể đó là một lối tư duy khoa học.” □

Cao Hồng Chiến lược dịch

Nguồn: https://www.washingtonpost.com/history/2019/07/27/you-know-who-was-into-karl-marx-no-not-aoc-abraham-lincoln/?utm_term=.d22d1eea8ef6

Tác giả

(Visited 37 times, 1 visits today)