Trái tim biết kể của Frédéric Chopin

Trái tim Frédéric Chopin, nhà soạn nhạc Ba Lan thời kỳ Lãng mạn vẫn còn lưu giữ nhiều bí ẩn, cho dù các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu về nó.

Cột đá trong nhà thờ Thánh Giá ở Warsaw lưu giữ trái tim Chopin.

Chúng ta đều biết nhà văn Mỹ Edgar Allen Poe (1809-1849) là bậc thầy của truyện kinh dị. Tác phẩm ông sáng tác năm 1843, The Tell-Tale Heart (tạm dịch Trái tim kể tội), là một chuyện kể mang màu sắc Gothic kinh dị cổ điển với những tội lỗi và sợ hãi: một kẻ giết người bị ám ảnh bởi tiếng tim đập tưởng tượng của nạn nhân bị gã cắt rời thân thể.

Các tác phẩm piano của Frédéric Chopin (1810-1849), người sống cùng thời kỳ với Edgar Allen Poe, cũng có xu hướng đem lại những ám ảnh cuốn hút cho người nghe. Tuy nhiên, những chuyện diễn ra sau khi nhà soạn nhạc qua đời lại khiến người ta cảm thấy bất ngờ và thậm chí, các chuyên gia cũng phải bối rối suốt hơn một thế kỷ. Mới đây, các nhà khoa học Ba Lan đã tuyên bố là giải quyết được “huyền thoại” này trong một báo cáo vốn được nhiều người mong đợi: giáo sư Michał Witt, làm việc tại Viện nghiên cứu Gene người, Viện Hàn lâm KH Ba Lan (IHG PAS) ở Poznan và cộng sự công bố “Một cái nhìn gần hơn về trường hợp cái chết của Chopin” (A Closer Look at Frederic Chopin’s Cause of Death) trên tạp chí The American Journal of Medicine (hiện có trên trang http://doi.org/cfpt). Theo nghiên cứu, nhà soạn nhạc hầu như qua đời vì biến chứng của bệnh lao. Bằng chứng ư? Các nhà khoa học đã nghiên cứu “trái tim biết kể” của chính Chopin.

Chuyện hậu sự kinh dị của Chopin bắt đầu với những dòng chữ cuối cùng của ông được ghi lại: “Hãy thề là để họ cắt tôi thành khúc, để tôi không bị chôn sống”. Đúng như tên gọi của mình, Taphephobia là chứng ám ảnh về nỗi sợ bị chôn sống được phát hiện vào thế kỷ 19 (Alfred Nobel và nhiều người khác cũng mắc hội chứng này), một số quan tài đã được lắp thêm chuông để có thể “báo động” khi có cử động bên trong – dấu hiệu cho thấy có thể sự sống trở lại. Ludwika Jędrzejewicz, chị gái Chopin, đã tìm cách lấy trái tim khỏi thi hài ông. Vì dẫu cho thi thể người em trai nổi tiếng của mình nằm trong nghĩa trang Lachaise tại Paris, thành phố nơi ông qua đời, bà đã cất trái tim ông vào một cái bình rượu (hầu như chắc chắn như vậy) và mang trở lại Warsaw, gần với Żelazowa Wola, nơi sinh của ông nhất.

Điều này không có gì quá đặc biệt. Việc lấy trái tim khỏi thi hài là một cách làm khá phổ biến, bởi vì thật khó để đưa thi hài của các bậc vua chúa hồi hương khi họ qua đời ở nước ngoài. (Trái tim của nhà văn Anh Thomas Hardy vẫn được cho là chôn cất tại vùng Dorset yêu dấu của ông ở Anh dẫu chonhững câu chuyện đồn đại kinh khủng là trái tim ông đã bị một con mèo… xơi mất, và con vật bất kính đó được chôn thế tại đó). Nhưng Chopin là danh nhân Ba Lan nên người ta muốn chắc chắn rằng trái tim của nhà soạn nhạc vẫn yên bình. Chị gái nhà soạn nhạc đã bí mật mang trái tim ông qua biên giới Nga để vào Ba Lan và sau đó cất giữ trong cột đá nhà thờ Thánh Giá ở Warsaw. Nhiều thập kỷ trôi qua, trong suốt thời gian diễn ra chiến tranh thế giới thứ hai, trái tim Chopin được một sĩ quan SS yêu nhạc ông bảo vệ. Kết thúc chiến tranh, trái tim đã được trao trả về nhà thờ này vào năm 2014.

Sau đó, các nhà khoa học được mời tới dự một buổi kiểm tra chính thức chiếc bình và những gì chứa đựng trong đó. Buổi kiểm tra của họ tập trung vào việc tìm hiểu nhà soạn nhạc chết như thế nào và kết quả được thông báo một cách vắn tắt tới các nhà báo vài tháng sau. Những ghi chép về cuộc phẫu thuật lấy tim ban đầu này đã bị mất, và gần như một “viện hàn lâm” gồm nhiều lĩnh vực đã được thành lập chỉ để thảo luận là liệu Chopin bị lao hay vì loại bệnh hiếm gặp nào đó, có lẽ là một trường hợp sớm của bệnh xơ nang (cystic fibrosis). Bài báo xuất bản trên tạp chí The American Journal of Medicine đã mô tả khá chi tiết tình trạng của trái tim Chopin.

Cuộc phẫu thuật mà chị gái Chopin thực hiện là nguyên nhân dẫn đến sự tổn thương nghiêm trọng ở cả hai tâm nhĩ nhưng bài báo cho biết “với xác suất cao” là phần còn lại chứng tỏ rằng Chopin bị lao mãn tính, và nguyên nhân trực tiếp của cái chết là biến chứng nguy hiểm có tên gọi pericarditis – viêm màng ngoài tim.

Chopin không chỉ là “bóng ma” duy nhất mang theo nhiều bí mật từ quá khứ và trở thành trường hợp cho các nhà khoa học khám phá. Mộ họa sỹ Salvador Dalí mới được đào lên vào tháng 7 vừa qua, bộ râu nổi tiếng của ông được kể lại là không bị ảnh hưởng, để lấy mẫu kiểm chứng cho việc xác định mối quan hệ cha con (ông không có con); vào năm 2015, các nhà khoa học đã thực hiện nhiều kiểm chứng xương của nhà thơ giành giải Nobel văn chương năm 1971 Pablo Neruda để tìm chứng cứ cho giả thuyết ông bị nhà độc tài Chile Augusto Pinochet đầu độc vào năm 1973.

Hiện có một hướng mới trong câu chuyện trái tim của Chopin. Một vài học giả dường như chưa chắc chắn rằng trái tim người ta vẫn cất giữ thực sự là của nhà soạn nhạc, đề xuất xét nghiệm DNA để kiểm tra bệnh xơ nang cũng bị từ chối. Các nhà khoa học không được phép chứng kiến cuộc mở bình vào năm 2014 và giáo sư Michał Witt xác nhận, họ không muốn cho các nhà khoa học tiếp cận trái tim nhà soạn nhạc. Cơ hội tiếp theo sẽ là 50 năm sau ở lượt kiểm tra trái tim một lần nữa. Witt không chắc là mình sẽ có mặt để theo dõi sự kiện này nhưng ông vẫn cố gắng làm hơn những gì được ấn định: nhóm nghiên cứu được phép chụp ảnh trái tim và dẫu cho không được phép công bố chúng thì ông cũng dự định đưa các bức ảnh đó vào bản thảo cuối cùng. Do đó, toàn bộ câu chuyện về trái tim Chopin vẫn còn bỏ ngỏ.

Thanh Nhàn dịch

Nguồn: http://www.nature.com/news/fr%C3%A9d%C3%A9ric-chopin-s-telltale-heart-1.22915

Tác giả