Tranh cãi toàn cầu quanh Gạo vàng

Tranh cãi về “Gạo vàng” (Golden Rice), loại gạo được biến đổi gene để chứa beta-carotene là tiền tố của vitamin A, bắt đầu từ một cuộc thảo luận vào năm 1984, khi ngành công nghệ sinh học còn trong giai đoạn trứng nước, chưa hề có ngũ cốc biến đổi gene. Các nhà khoa học chỉ mới cố tìm kiếm cách phát hiện các gene và di chuyển gene giữa các sinh thể khác nhau.

Một số người làm việc tại Quỹ Rockefeller nghĩ rằng những kỹ thuật này may ra có thể giúp cho nông dân ở các nước nghèo một vụ thu hoạch lớn hơn. Vì vậy, họ tổ chức một cuộc họp tại Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) ở Philippines để thảo luận về ý tưởng này.

Gary Toenniessen, người phụ trách chương trình công nghệ sinh học của Quỹ Rockefeller vào thời điểm đó, kể lại, rất nhiều người tham gia cuộc họp đều rất hoài nghi về công nghệ sinh học. Họ là những nhà chọn giống, bậc thầy về cải tạo cây lúa theo cách truyền thống.
“Một tối nọ, sau phiên họp chính thức, một nhóm các nhà nhân giống tụ tập nhau tại nhà khách IRRI, nhâm nhi một vài cốc bia,” Toenniessen kể. Sau khi nghe chán những lời chê bai, hoài nghi, Toenniessen bèn lên tiếng rằng giả như công nghệ này tiến triển được, và nếu người ta có thể cấy bất kỳ gene nào người ta muốn vào gạo, thì “Các ông sẽ thích cấy gene gì vào gạo?” Người thì nói gene chống bệnh, kẻ thì đề nghị gene chịu hạn. Họ hỏi đến ý kiến của nhà lai tạo Peter Jennings, một nhân vật huyền thoại trong nhóm tạo giống mới. Ông từng tạo ra giống lúa IR8, có lẽ là giống lúa nổi tiếng nhất trong lịch sử trồng lúa, tạo ra cuộc cách mạng xanh trong trồng lúa nước châu Á trong những năm 1960. Jennings đề xuất: “Gạo ruột vàng”. Toenniessen nhớ lại: “Ý kiến đó làm tất cả mọi người ngạc nhiên. Vì vậy, tôi hỏi ngay tại sao?”

Jennings giải thích rằng ruột gạo màu vàng là dấu hiệu sự hiện diện của beta-carotene – tiền tố của vitamin A. Jennings cho biết, ông đã mất nhiều năm để tìm kiếm giống gạo này nhưng thất bại. Loại gạo trắng thông thường không có chất dinh dưỡng quan trọng đó, và đó là một vấn đề lớn.

“Khi trẻ em cai sữa, họ thường thay sữa bằng cháo gạo. Và nếu thiếu beta-carotene hoặc vitamin A trong thời gian cai sữa, thì trẻ sẽ bị ảnh hưởng suốt đời.” Toenniessen kể lại và thừa nhận đã bị thuyết phục. Quỹ Rockefeller bắt đầu một chương trình nhằm mục đích tạo ra, thông qua công nghệ, những gì Jennings đã không thể tìm thấy trong tự nhiên. Một mạng lưới toàn cầu của các nhà khoa học tại nhiều viện nghiên cứu phi lợi nhuận cũng khởi sự với đề tài này.

Bước đột phá thực sự đầu tiên là vào năm 1999. Các nhà khoa học ở Thụy Sĩ đã chèn được hai gene để lúa tạo ra được beta-carotene. Một vài năm sau, các nhà nghiên cứu khác đã tạo ra một phiên bản mới còn tốt hơn nữa.

Chỉ cần ăn một bát cháo Gạo vàng này là đủ 60% nhu cầu hằng ngày của trẻ em về vitamin A.

Toenniessen, nay là giám đốc quản lý Quỹ Rockefeller nói: “Đó là một sản phẩm tuyệt vời! Và hơn nữa, nó rất đẹp. Nó trông vàng óng giống như nghệ tây.“ Tuy nhiên không phải ai cũng đồng tình như vậy. Chẳng hạn, chỉ một vài tháng trước đây đã xảy ra một sự kiện ầm ĩ. Nguyên do, một số nhà nghiên cứu do Mỹ tài trợ đã công bố kết quả của một nghiên cứu dinh dưỡng cho thấy cơ thể của con người dễ dàng hấp thụ beta-carotene trong cơm Gạo vàng. Kết quả này thu được từ những thí nghiệm của họ trên trẻ em Trung Quốc. Thông tin này tưởng rằng sẽ được đón nhận một cách nồng nhiệt. Thế nhưng, các nhóm môi trường Greenpeace (Hòa bình Xanh) ngay lập tức lên án, đây là một vụ bê bối.

“Mọi người đều tức giận, thực sự tức giận về những thử nghiệm này. Họ đã sử dụng trẻ em Trung Quốc như những con lợn sữa!“, ông Wang Jing, một nhà vận động cho tổ chức Hòa bình Xanh của Trung Quốc tuyên bố. Ngay lập tức Chính phủ Trung Quốc đã phản ứng. Họ trừng phạt ba nhà khoa học Trung Quốc là đồng tác giả của nghiên cứu, đuổi việc ngay lập tức ba người này.

Trong một thông báo, nhà chức trách Trung Quốc nói rằng các nhà nghiên cứu đã không làm đầy đủ thủ tục để được cấp phép trước khi thực hiện thử nghiệm nghiên cứu. Hơn nữa, các nhà khoa học chỉ nói với các em và cha mẹ của các em, rằng đây là một loại gạo đặc biệt có hàm lượng beta-carotene cao, nhưng họ không nói rằng gạo này đã được biến đổi gene.

Ông Wang lên án: “Họ đã che giấu sự thật rằng Gạo vàng là một loại ngũ cốc biến đổi gene.”

Một số người cho rằng đây chỉ là vấn đề của các ý kiến khác nhau về sản phẩm biến đổi gene trên thế giới mà thôi. Nhưng sự thật, lý do mà Gạo vàng trở thành nguyên do tranh cãi ầm ĩ nhất thế giới về ngũ cốc biến đổi gene thời gian gần đây lại nằm ở chỗ khác. Đó là chuyện hạt Gạo vàng sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho ai.

Bà Neth Dano đang làm việc cho Tập đoàn ETC ở Philippines, đại diện cho nhóm chủ trang trại nhỏ, cho rằng mục đích chính của ngũ cốc biến đổi gene là để kiếm lời chứ không phải để trợ giúp con người.

“Một nhóm công ty đã gặt hái được hàng tỷ USD lợi nhuận nhờ bán hạt giống biến đổi gene và thuốc bảo vệ thực vật độc quyền ở các nước đang phát triển… Tôi không có ý nói tạo ra Gạo vàng chỉ để tuyên truyền trong công chúng. Phải thừa nhận là Gạo vàng nhằm mục đích và thực sự hỗ trợ được cho những người bị suy dinh dưỡng – nhưng đó không phải là một cách hỗ trợ tốt nhất. Nó tốn kém và ít hiệu quả hơn so với các chương trình dinh dưỡng truyền thống. Gạo này vì vậy hiện nay chỉ có tác dụng chủ yếu là để đánh bóng hình ảnh của công nghệ sinh học mà thôi,” bà Neth Dano khẳng định.

Bà Dano lo lắng cũng có lý của nó, vì gạo là loại ngũ cốc có sản lượng lớn nhất trên thế giới, và hiển nhiên tác động và lợi nhuận mang lại là khổng lồ nếu ai khống chế được hạt giống.

Nói cho cùng thì có hai động cơ thúc đẩy cho nỗ lực tạo ra Gạo vàng: một là để Hỗ trợ nhân loại và hai là để tạo động lực phát triển công nghệ sinh học. Nhìn vào tiểu sử của người đàn ông hiện đang lãnh đạo dự án tạo ra Gạo vàng chúng ta sẽ thấy rõ sự kết hợp cả hai động lực. Đó là TS Gerard Barry, người gốc Ireland, đã dành hơn 20 năm tại St. Louis làm việc cho Monsanto, công ty đi tiên phong trong các cây trồng biến đổi gene. Ông là tác giả số một của những bằng sáng chế có giá trị nhất của Monsanto. Ông đã tìm ra gene cây trồng chống chịu với thuốc diệt cỏ. Gene này đã được cấy vào ngô, đậu tương và bông và đang được gieo trồng trên hàng trăm triệu hecta. Trên đường tìm tòi, Barry cũng để ý đến cây lúa.

Mười năm trước, Barry đã rời bỏ Công ty Monsanto và chuyển đến IRRI. Công việc của ông bây giờ là chăm sóc việc đưa Gạo vàng từ phòng thí nghiệm ra cánh đồng đại trà. Nhưng trước khi nông dân có thể chạm tay vào Gạo vàng, các chính phủ ở mỗi quốc gia cần phải chuẩn thuận rằng nó an toàn. Cuối năm nay, mạng lưới quốc tế các nhà nghiên cứu Gạo vàng sẽ đệ đơn xin chấp thuận của Chính phủ Philippines, sau đó đến lượt Bangladesh.

Tuy nhiên, đó chỉ mới là bước đầu tiên. Họ sẽ phải tung ra một chiến dịch tiếp thị cho Gạo vàng, và chiến dịch tiếp thị này cần phải đến được những người nghèo nhất trong những ngôi làng xa xôi nhất.

“Gạo vàng tốt cho tất cả mọi người, nhưng có một số người [người nghèo] thì cần nó hơn,” Barry nói. “Công việc của chúng tôi là phải bảo đảm rằng những người đã tiếp xúc với Gạo vàng hiểu được giá trị của Gạo vàng, và yêu cầu phải có Gạo vàng.”

Cuộc tranh cãi chung quanh Gạo vàng sẽ còn rất gay gắt, vì cho đến nay những giống chuyển gene trồng đại trà chủ yếu chỉ dành cho chăn nuôi và cho công nghiệp. Bây giờ mới động đến lúa gạo, thức ăn chủ lực của con người. Chưa biết kết quả sẽ ra sao, chúng ta hãy chờ xem!

        XH lược thuật theo IRRI Viện Lúa Quốc Tế và NPR

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)