Trẻ biết cảm thông từ 10 tháng tuổi

Lòng trắc ẩn là kết quả của giáo dục hay là phẩm chất bẩm sinh của con người? Các nhà nghiên cứu Nhật Bản mới đây đã tìm ra câu trả lời đáng ngạc nhiên cho vấn đề này thông qua hàng loạt cuộc thí nghiệm với trẻ sơ sinh.

Con người phát triển lòng trắc ẩn từ khá sớm. Nhưng tình cảm này phát triển chính xác từ khi nào và như thế nào thì chưa có câu trả lời thật rõ ràng. Tuy nhiên, ngay trẻ sơ sinh cũng đã biểu hiện sự đồng cảm với người bị tấn công cũng như lòng trắc ẩn với những kẻ khốn khó. Trên tạp chí chuyên ngành trực tuyến “Plos One”, nhà tâm lý học Yasuhiro Kanakogi và các cộng sự của ông ở Trường Đại học Tổng hợp Kyoto và Trường Đại học Công nghệ Toyohashi viết rằng, các em bé mới mười tháng tuổi đã cho thấy sự đồng cảm của chúng với những người trong tình trạng nguy hiểm mà không dùng lời nói nào.

Trẻ em trong độ tuổi này có thể nhận biết các mục tiêu và các hình khối hình học. Vì thế, các nhà nghiên cứu đã dùng phim hoạt hình để kiểm tra phản ứng của trẻ em đối với hành vi tấn công.

Các nhà nghiên cứu cho các em thấy một tình huống va chạm giữa một quả bóng xanh và một viên xúc xắc màu vàng. Quả bóng lăn về phía con xúc xắc và đâm vào nó một cách cố ý.  Sau đó, nếu chỉ cho các em bé các vật chơi như là vật thể thực thụ, thì các em hầu hết sẽ giơ tay về phía nạn nhân, mà không giơ tay về phía kẻ tấn công.

Quan sát ở loài linh trưởng cũng cho thấy những hành vi tương tự: “Khi bạn cảm thấy sự đau đớn ở người khác, hãy đến và chia sẻ.”

Năng lực cảm thông chỉ phát triển toàn diện từ tuổi thứ hai

Hành vi của trẻ vẫn giữ nguyên khi vai trò và hình dạng của nhân vật thí nghiệm được hoán đổi. Ngay cả khi chúng phải quyết định chọn giữa nhân vật trung lập, không gây sự (vô hại) và nạn nhân hoặc kẻ tấn công để loại trừ hành vi tấn công, thì đa số trẻ chọn kẻ tấn công hoặc nhân vật trung lập. Các nhà nghiên cứu từ đó đưa ra quan điểm rằng, các em bé quyết định như vậy không chỉ để bảo vệ nạn nhân mà còn bởi vì chúng sợ kẻ tấn công.

Ngay cả trẻ sơ sinh cũng phản ứng trước những tình huống cùng cực của người khác, bằng cách chúng bắt chước theo – chẳng hạn như chúng khóc, khi người khác khóc.

Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu, cũng xuất phát từ quan sát, kết luận rằng, trẻ em chỉ từ 18 tháng trở lên mới thực sự quan tâm đến người khác. Theo đó, các phản ứng cảm thông thực sự chỉ bắt đầu từ năm thứ hai của cuộc đời, khi trẻ có khả năng phân biệt mình với người khác. Ở tuổi lên ba, thậm chí trẻ có thể đứng ra bảo vệ người khác trước kẻ tấn công.

Nguyễn Diệu Hoa dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)