Trở thành thiên tài toán học sau chấn thương não

Tạp chí Lives Science mới đây đưa tin: Sau lần bị côn đồ đánh vào đầu dẫn đến chấn thương nặng vào năm 2002, Jason Padgett - một người buôn bán đồ gỗ ở Tacoma, bang Washington, Mỹ - vốn không quan tâm gì tới toán học, bắt đầu nhìn thấy ở mọi vật một cấu trúc toán học nào đó.

“Tôi nhìn mọi hình thù và góc cạnh ở mọi nơi một cách sống động – từ hình học của cầu vồng cho đến các fractal [tạm dịch: hình các mảnh vụn bất quy tắc không được thể hiện trong môn hình học] trong dòng nước chảy theo hình xoắn ốc xuống con mương, Padgett kể. “Cảnh tượng thật sự đẹp làm sao!”

Cộng tác với Maureen Seaberg, mới đây Jason Padgett đã xuất bản cuốn hồi ký có tên Struck by Genius. Anh là một trong số ít người hiếm có mắc hội chứng bác học (savant syndrome), tức hội chứng một người bình thường sau khi bị thương nặng hoặc sau một cơn ốm nặng bỗng dưng có được năng lực siêu phàm trong một lĩnh vực nào đó. Giờ đây các nhà nghiên cứu đã hiểu được những bộ phận nào trong bộ não con người được tái cơ cấu để cho phép có kỹ năng của nhà bác học; và những khám phá đó gợi ý rằng trong não của tất cả mọi người, các kỹ năng ấy ở vào trạng thái không hoạt động.

Sau khi bị thương không lâu, Padgett phát hiện thấy trong mắt anh tất cả mọi thứ đều thay đổi. Kèm theo thị giác, đó là năng lực hội họa toán học kỳ lạ bỗng dưng anh có được. Những hình tròn anh vẽ ra đều gồm nhiều hình tam giác chồng lên nhau – điều đó đã giúp anh hiểu rõ khái niệm số Pi. Giờ đây Padgett là sinh viên năm thứ hai say mê nghiên cứu lý thuyết toán học. Khả năng kỳ diệu của anh đã thu hút sự quan tâm từ các nhà khoa học thần kinh, họ muốn tìm hiểu vì sao anh có được khả năng ấy.

Bà Berit Brogaard, một giáo sư triết học hiện làm việc tại Đại học Miami, bang Florida, cùng đồng nghiệp đã dùng máy cộng hưởng từ chức năng (fMRI) tiến hành quét (scan) bộ não của Jason Padgett để tìm hiểu xem vì sao anh có được kỹ năng bác học và tìm hiểu về hiện tượng liên thông giác quan (tạm dịch từ synesthesia, là hiện tượng một giác quan này liên thông với giác quan khác; ở Việt Nam có người dịch là cảm giác kèm) cho phép anh nhận thức các công thức toán học như là những hình kỷ hà.

Biện pháp chụp cộng hưởng từ đo được biến đổi trong máu và việc sử dụng ô-xi đi qua não. Kết quả scan cho thấy bán cầu não trái của Padgett hoạt động rất năng nổ, mà chúng ta đều biết năng lực tư duy toán học của con người tồn tại trong bán cầu này. Vỏ não đỉnh trái của anh năng nổ nhất, đây là vùng có tác dụng điều chỉnh tổng hợp các thông tin của mọi giác quan khác nhau. Ngoài ra còn thấy thùy thái dương (temporal lobe; vùng phụ trách ký ức thị giác, xử lý cảm giác và tình cảm) và thùy trán (frontal lobe; vùng phụ trách thực hành chức năng, khả năng quy hoạch và sức chú ý) của Padgett cũng bị kích hoạt một phần.

“Hiện tượng mắc hội chứng bác học rất hiếm thấy,” Broaard nói, và cho biết thêm là từ xưa tới nay, y học chỉ mới mô tả được từ 15 đến 25 ca như vậy.

Các nhà khoa học còn chưa rõ những thay đổi trong bộ não của Padgett có tính vĩnh cửu hay không, song giả sử xảy ra biến đổi có tính cơ cấu thì rất có thể các khả năng mới của anh sẽ được lưu giữ lại.

Thế nhưng để có được những khả năng siêu phàm ấy thì bao giờ cũng phải trả giá: sau lần bị tổn thương nặng kể trên, Padgett mắc chứng tự kỷ, giờ đây anh không thích giao tiếp với người khác.

Nguyễn Hải Hoành dịch

Nguồn: http://www.livescience.com/45349-brain-injury-turns-man-into-math-genius.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)