Trồng cây phục vụ sứ mệnh đến sao Hỏa

Trồng rau trên vũ trụ luôn là vấn đề mà NASA quan tâm bởi nó không chỉ tạo ra nguồn thực phẩm tươi cho các nhà du hành khi ở trên trạm không gian, mà còn là vấn đề sau này khi con người đến được hành tinh Đỏ.


Các phi hành gia Scott Kelly, Kjell Lindgren và Kimiya Yui thuộc Đoàn thám hiểm 44/45
đã được phép ăn rau diếp trồng từ phòng thí nghiệm của họ.

Khi trở về Trái đất, thứ mà nữ phi hành gia người Ý Samatha Cristoforetti thèm nhất là một đĩa salad to. Thực tế, khi cô ở trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) từ tháng 11/2014 đến tháng 6/2015 thì rau diếp đã được trồng ở đó, nhưng cô và các đồng nghiệp trong Đoàn thám hiểm 42/43 chưa được phép ăn. Phải đến khi việc kiểm tra an toàn thực phẩm được tiến hành đối với những cây rau đầu tiên thì NASA mới c hấp thụận cho phi hành đoàn kế tiếp sử dụng.

Hạt rau diếp đã được gửi lên ISS từ tháng 4/2014 kèm theo một thiết bị trồng cây có tên là “Veggie” bao gồm một tấm phẳng có đèn LED xanh lam, đỏ, và xanh lục cùng các thiết bị giúp cây sinh trưởng trong môi trường không trọng lực. Thực tế, các cây chỉ  hấp thụ quang phổ của đèn màu xanh lam và đỏ, còn đèn màu xanh lục được đưa vào chỉ đơn giản khiến cho những cây rau trông đẹp mắt hơn. Nhưng trồng cây nào thì NASA không có đủ thời gian để kiểm nghiệm và chọn giữa hàng nghìn loại cây, bởi vậy cơ quan này phải nhờ đến sự giúp đỡ của các em học sinh. Khoảng 115 trường học ở Miami và các vùng lân cận đã được trao những thiết bị trồng cây tương tự như Veggie, sau đó các trường sẽ báo cáo kết quả của họ cho NASA qua tài khoản GrowBeyondEarth trên Twiter.

Đất trồng cũng là một bài toán khác cần giải quyết. Theo Ralph Fritsche, giám đốc cao cấp của dự án sản xuất thực phẩm tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy thuộc NASA, sao Hỏa không có đất. Hành tinh này chỉ có “đá bị phong hóa” – đá núi lửa bị nát vụn chứa những chất hóa học độc hại và không có thành phần hữu cơ. Do vậy Trung tâm Vũ trụ Kennedy đã chọn đất từ Hawaii để mô phỏng đất trên sao Hỏa, dựa vào dữ liệu quang phổ từ sao Hỏa cho thấy đá và bụi ở đó được tạo ra từ những gì.

Họ đã trồng rau diếp trong ba điều kiện: tương tự như trên sao Hỏa, tương tự như trên sao Hỏa nhưng bổ sung chất dinh dưỡng, và trồng bằng loại đất đóng bao vẫn được bày bán. Rau diếp “trồng trên đất sao Hỏa” có mùi vị tương tự như rau trồng trên đất thông thường nhưng có rễ yếu hơn và hạt nảy mầm lâu hơn. Tiếp theo sẽ là củ cải, cải xoăn, đậu tuyết, ớt lùn và cà chua được trồng thử nghiệm.

Vậy còn những kim loại nặng như chì, cadmium và đồng? Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại họcWageningen, Hà Lan, nơi cũng theo đuổi dự án trồng cây trên Mặt trăng, đã chứng tỏ cây rau có thể sinh trưởng trên “đất” sao Hỏa mô phỏng, dù độ kim loại cao. Các phân tích sơ bộ đối với củ cải, đậu, lúa mạch đen và cà chua cho thấy chúng đều ăn được.

Sắp tới, nhóm nghiên cứu sẽ xem xét hàm lượng vitamin và flavonoid – chất chuyển hóa quyết định mùi vị, cũng như alkaloid – một loại amin có có thể gây ngộ độc. Tuy nhiên họ vẫn chưa rõ liệu trong điều kiện trọng lực thấp như trên sao Hỏa và Mặt trăng thì cây trồng có hấp thụ các độc tố trong đất như trong điều kiện trên Trái đất không. Và theo họ, câu hỏi này chỉ tìm được lời giải qua các thí nghiệm “tại chỗ”.

Vũ Thanh Nhàn lược dịch

Nguồn:
http://www.dw.com/en/sowing-the-seeds-for-a-mission-to-mars/a-36055738

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)