Trọng dụng hơn là trọng đãi

Cần có chính sách đối xử thể hiện sự trọng dụng hơn trọng đãi khi thu hút trí thức Việt Kiều về nước làm việc. Tiến sĩ Trần Hà Anh, chủ tịch câu lạc bộ khoa học kỹ thuật Việt kiều của TPHCM cho biết, trong bài phát biểu tại một cuộc hội thảo để phát huy hơn nữa chất xám Việt kiều diễn ra ở TPHCM.

Thu hút chung chung
“Chỉ có 7 Việt kiều tham gia giảng dạy tại Đại học Bách Khoa TPHCM, trong đó tính cả giáo sư Nguyễn Đăng Hưng” – tiến sĩ hàng không Nguyễn Thiện Tống cho biết. Nêu lên con số ít ỏi đó, tiến sĩ Tống chỉ ra trên thực tế đã có những rào cản vô hình hay hữu hình, từ văn bản đến thực thi ở cấp cơ sở, khiến khả năng huy động nguồn lực chất xám Việt kiều vẫn khó thực thi. Nhà khoa học và là nhà giáo này trưng ra đề án đổi mới giáo dục đại học, trong đó có chưa tới 5 từ nhắc tới trí thức Việt kiều, mà theo ông, khả năng chung tay thực hiện của Việt kiều là hoàn toàn khả thi.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình, khái niệm trọng dụng ở đây nên được hiểu là “Dùng người đúng việc đúng chỗ và họ có khả năng làm được”. Ông Bình giải thích, nếu đưa đầu bài xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp cho một vùng mà chỉ nói chuyện với chuyên gia thì họ chỉ có thể phác thảo chung chung. “Để có được bài giải, chúng ta phải thuê họ làm chủ nhiệm đề tài. Phải trao cho họ trọng trách, để họ nghiên cứu, tổng hợp rồi mới có đề xuất sát với thực tế”- ông nói.
Ở một địa bàn năng động về kinh tế và cũng là trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ như TP Hồ Chí Minh, trong mấy năm nay, người ta biết nhiều đến tên tuổi của hai trí thức Việt Kiều. Một là tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê, giám đốc trung tâm nghiên cứu của khu công nghệ cao và hai là tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình, phó giám đốc trung tâm công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh. Theo nhận xét của một vị lãnh đạo cơ quan nghiên cứu của TP, Việt kiều có về làm việc nếu có giữ chức vụ, cũng nên làm phó. Tiếp sau nhận xét này là một lời giải thích liên quan nhiều đến cơ chế làm việc, bất cập trong quản lý và những thủ tục hành chính nhiêu khê, rườm rà. Môi trường làm việc như vậy gây “dị ứng” với Việt kiều, những người đã quen với môi trường làm việc hoàn toàn khác. Một khi các nhà khoa học trong nước vẫn còn kêu khổ với thủ tục giấy tờ về tài chính khi thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, thì Việt kiều về nước làm công tác nghiên cứu cũng khó tránh khỏi nỗi khổ trên. “Ở các nước, cơ chế quản lý tương đối thoáng, chỉ quan tâm tới hiệu quả hơn là các thủ tục” – một nhà khoa học cho biết.
Đằng sau những vướng mắc về thủ tục hành chính còn ẩn chứa sự khác biệt về tư duy quản lý. Viện trưởng một viện nghiên cứu do nhóm trí thức trong nước lập ra nói thẳng: “Chúng tôi còn chưa làm được, sao trí thức Việt kiều làm được”. Ông minh chứng về những hợp đồng nghiên cứu và chuyển giao mà viện ông thực hiện cho điện lực một tỉnh phía nam. Trong đó định mức tiền lương của chuyên gia phải tính theo thang lương của nhà nước, một thước đo giá trị lao động đã lỗi thời và đang là đối tượng được điều chỉnh trong những năm tới. Câu chuyện của ông còn chỉ ra lối nghĩ đơn giản của các đơn vị nhà nước hiện nay. Một hợp đồng nghiên cứu chuyển giao tưởng như sắp được ký lại phải dừng vì lý do đơn giản. “Vấn đề này đã có một viện nghiên cứu chiến lược ở cấp trung ương, sao lại đặt hàng viện khác” – ông cho biết.
 
Thay đổi chiến thuật
Nghịch lý nhất trong thời đại thông tin này là nhà nghiên cứu và các cơ sở vẫn thiếu thông tin ví như Việt kiều về nước làm gì, cần gì ở đội ngũ chuyên gia? – ông Bình nêu lên thực trạng. Tiến sĩ Trần Hà Anh xác nhận thực trạng này bằng dẫn chứng thuyết phục về đơn đặt hàng cho câu lạc bộ khoa học và kỹ thuật Việt kiều của TP Hồ Chí Minh chẳng có ai tìm đến. Ông Nguyễn Bách Phúc, Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học đề xuất, cần có những dự án cụ thể và mời các chuyên gia, trí thức Việt kiều tham gia, chứ không thể kêu gọi chung chung. Đây cũng là câu trả lời cho câu chuyện do bà Tôn Nữ Thị Ninh (Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) kể. Một giáo sư Việt kiều đã nói thẳng rằng ông không có thời gian, nên phải nói cụ thể cần ông giúp những gì.
Trong tổng kết ý kiến đóng góp của Việt kiều về phát huy chất xám, theo tiến sĩ Trần Hà Anh, có luồng ý kiến nhắc đến chuyện lương bổng. Ông Nguyễn Quốc Bình lý giải: “Chúng ta xưa nay lôi cuốn được sự giúp đỡ, ủng hộ của hội Việt kiều các nước chủ yếu nhờ vào lòng yêu nước của họ. Bây giờ các thế hệ Việt kiều đó thường đã đến tuổi về hưu, họ có thời gian và nhiệt huyết để giúp đất nước. Song nếu chúng ta muốn phát huy hơn nữa những người xưa nay chưa làm việc với Việt Nam thì chúng ta phải thay đổi chính sách lương bổng cho các chuyên gia Việt kiều này. Những người có kinh nghiệm hay được đào tạo chính quy muốn làm việc ở Việt Nam thì ít ra chúng ta phải trả đủ lương cho họ sống một cách chính thức. Lối nghĩ này theo một số chuyên gia trí thức Việt kiều cũng như trong nước, sẽ phù hợp với thế hệ thứ hai, thế hệ thứ ba của Việt kiều. “Ngay cả chuyện đi học mà chúng ta còn không muốn con em chúng ta theo học trong nước thì họ (Việt kiều) sao có thể về sinh sống và làm việc và để con họ theo học” – cựu giảng viên một trường đại học lớn ở TPHCM nói.
Cũng tán đồng phải thay đổi cách làm, bà Tôn Nữ Thị Ninh  cho biết: “Vấn đề không phải là luật pháp mà là thực thi pháp luật”. Bà Ninh nhấn mạnh đến việc chọn các chương trình, dự án phù hợp và làm thí điểm. Tư duy này được sự đồng tình của nhiều chuyên gia, nhà quản lý có mặt tại Hội thảo. Và ông Nguyễn Chơn Trung, chủ tịch Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài của TP Hồ Chí Minh đề xuất cơ chế thí điểm áp dụng cho TP, sau đó tổng kết, nhân rộng ra cả nước. “Trong quý ba năm nay TP sẽ trình đề nghị trên, trong đó quan tâm chính là cơ chế một cửa” – ông Trung tiết lộ.

Thụy Vũ

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)