Trung Hoa: Một tù nhân của địa lý

Nếu là lãnh đạo Trung Hoa, ngắm nhìn đất nước của mình từ cửa sổ Trung Nam Hải, bạn thấy gì? Bạn thấy ba vạn quân Mỹ án ngữ bán đảo Triều Tiên. Căn cứ quân sự và hạm đội Mỹ trải dài trên quần đảo Nhật Bản. Cách bờ biển Phúc Kiến 160 km là Đài Loan, một vùng đất tuyên bố chủ quyền, xuôi về phía Nam là Philippines, một đồng minh hiệp ước của Mỹ. Hạm đội 7 khống chế vùng Tây Thái Bình Dương bao gồm cả eo biển Malacca và quần đảo Indonesia. Bạn thấy phía Bắc là khu tự trị Nội Mông, phía Tây là khu vực Hồi giáo bất ổn Tân Cương, phía Tây Nam là Tây Tạng, phía Nam là khu tự trị Zhoang. Tất cả đều án ngữ các vùng cao, kiểm soát đầu nguồn các nguồn nước, và họ không phải là người Hán. Nói cách khác, bạn nhìn thấy Trung Quốc bị giam hãm bởi địa lý và địa chính trị.


Một góc kênh đào Đại Vận Hà, một trong những công trình vĩ đại nhất ở Trung Quốc cổ đại. Ngày nay Đại Vận Hà được UNESCO công nhận di sản và thu hút khách du lịch. Ảnh: BCC. 

Đây là câu chuyện về Trung Hoa: đế chế, nền văn minh và quốc gia dân tộc với tư cách là một tù nhân của địa lý. 
Trung Hoa trong lịch sử là một tập hợp của các nền văn minh và các đế chế. Điều đặc biệt nhất của diễn trình này là ở chỗ: khác với tất cả sự chuyển dịch quyền lực ở châu Âu, thay đổi đế chế gắn với thay đổi trung tâm quyền lực: từ Hy Lạp đến Rome, từ Paris, Vienna, đến Constantinople, các đế chế Trung Hoa đóng đô ở trên vùng Trung Nguyên (vùng đồng bằng giữa sông Hoàng Hà và Trường Giang). Ngay cả những tộc người/ thể chế hùng mạnh ở vùng biên như Kim, Mông Cổ, Mãn Châu, dù hưng khởi ở nơi khác, đều hướng về vùng trung tâm này để xác lập vương triều và đế quốc. 
Bài viết này lí giải cách thức địa lý định hình “số mệnh” dân tộc Trung Hoa bằng cách chỉ ra sự tương tác đặc biệt giữa địa lý, tài nguyên, tộc người và quyền lực. Chưa bao giờ các cư dân ở vùng trung tâm (giàu có và đông đúc) thành công trong việc bảo vệ mình trước cuộc tấn công lớn của các nhóm du mục (dưới 300,000 quân). Hướng tiếp cận của quyền lực trên lãnh thổ Trung Hoa từ Bắc xuống Nam. Chỉ một lần duy nhất, một đạo quân từ phía Nam đánh lên Bắc và giành được quyền thống nhất đế chế: Chu Nguyên Chương (1368). Chưa bao giờ Trung Hoa thành công trong việc bảo vệ cùng lúc hai mặt trận: duyên hải và vùng biên cương phía Tây và phía Bắc. Cũng chưa bao giờ trong lịch sử, kể cả những lúc hùng mạnh nhất, Trung Hoa hết “lo lắng” về các mối đe dọa từ vùng biên. Trung Hoa luôn bị cầm tù bởi địa lý. 

Trung Hoa luôn trong tình thế bị bao vây

Trung Hoa được ưu đãi về điều kiện tự nhiên. Vùng đất trải dài từ vĩ độ 50 xuống vùng cận nhiệt và nhiệt đới với tất cả các mùa, các dạng địa hình và hệ sinh thái. Châu thổ Hoàng Hà và Trường Giang là những vùng đất màu mỡ nhất trên Trái đất, nhờ đó mà các nhà nước ra đời sớm, và cung cấp khả năng nuôi dưỡng một lượng cư dân khổng lồ. Phía Nam Trung Hoa là một trong những trung tâm đầu tiên canh tác lúa nước. Tuy nhiên việc đặt các vùng châu thổ và cư dân này vào toàn bộ cấu trúc địa lý lớn hơn từ thảo nguyên Nội Mông đến Vân Nam, từ Tân Cương đến bán đảo Triều Tiên, cho chúng ta một cái nhìn khác về sự tương tác giữa con người và địa lý trong khung cảnh rộng lớn hơn. 

Trung tâm quyền lực đế chế Trung Hoa đặt trên một vùng đồng bằng rộng mà các cửa của nó đều mở toang. Giống như vùng đồng bằng rộng lớn, giàu có phía Tây nước Nga trong 500 năm qua mời gọi quân Thụy Điển, Phần Lan, Ba Lan, Phổ, Pháp, Đức… vùng trung tâm giàu có và đông đúc của đế chế Trung Hoa bị đe dọa từ bốn phía. Không phải ngẫu nhiên mà người Hán chưa chiến thắng trước bất cứ cuộc xâm lược quy mô lớn nào từ thảo nguyên vào Trung Nguyên dù họ đánh bại cướp biển Nhật Bản và các đế chế nhỏ hơn ở Tây Tạng và Nam Chiếu. Trung Hoa cũng chưa bao giờ thành công khi cùng lúc đối phó với đe dọa từ biển phía Đông và đất liền ở phía Bắc và Tây. Nhà Minh là một ví dụ, với việc các nhóm Mông Cổ tiếp tục gây sức ép ở phía Bắc và cướp biển Nhật Bản ở phía Đông, họ đã phải loay hoay dịch chuyển kinh đô, xây mới tường thành, và sau cùng là hủy bỏ dự án mở rộng ảnh hưởng đường biển của Trịnh Hòa để tập trung cho phía Bắc.


Xây dựng Trường Thành, đóng lại mối giao lưu với các tộc người du mục ở phía Bắc nhưng cũng giúp định hướng cho Trung Quốc tiến về phía Nam. 

Lịch sử hơn 2000 năm của Trường Thành chính là bằng chứng cho tình thế bị bao vây này. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng chỉ cần nhiệt độ, lượng mưa trên thảo nguyên thay đổi là dẫn đến việc hàng trăm nghìn quân du mục tràn qua Trường Thành (Di Cosmo, 2014; Pederson, et al, 2014). Vì thế, Trung Nguyên luôn nằm trong tình thế bị đe dọa và luôn phải sẵn sàng nếu như có bất cứ sự biến động nào trên thảo nguyên. 
Các vùng cao nguyên xung quanh còn nắm giữ sức mạnh mà người Hán lệ thuộc vào để phát triển đế quốc của mình. Ngựa là một ví dụ. Những lúc Trung Hoa mạnh nhất là khi họ chiếm được nguồn ngựa trên các vùng thảo nguyên và cao nguyên. Nhà Tần phát triển từ phía Tây của Trung Nguyên, trên đồng bằng sông Vị và liên hệ chặt chẽ với các nhóm du mục trên vùng cao nguyên. Nhà Hán, nhà Đường, và nhà Thanh có nguồn ngựa dồi dào. Không phải ngẫu nhiên mà đây cũng là các triều đại bành trướng quy mô nhất trong lịch sử. 
Ngược lại, nhà Tống là một bi kịch về mặt quân sự. Bên cạnh việc thúc đẩy hệ thống văn quan trong nền hành chính và quân sự, việc để mất toàn bộ vùng biên vào tay Tây Hạ, Liêu, Kim, Mông Cổ… làm cho quân đội suy yếu vì hầu như không có nguồn lực cho kỵ binh. Đó là một thảm họa khi vương triều này gánh chịu sự o ép từ bên ngoài nhiều nhất trong lịch sử trước khi sụp đổ.
Nhân sâm là một ví dụ khác. Chính nó đã “giết chết” nhà Minh giàu có. Người Mãn kiểm soát hệ thống khai thác nhân sâm trên núi Trường Bạch và vùng Quan Đông, hằng năm buôn bán vào Trung Quốc với số lượng lớn. Hệ thống này làm chảy máu lượng bạc khổng lồ. Theo tính toán của Richard von Glahn và Nicolas Di Cosmo, từ 1606-1610, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 68 tấn bạc mỗi năm. 1/4 lượng bạc này (16 tấn/ năm) đã chuyển ra  khỏi Trung Quốc chỉ để đổi lấy nhân sâm. Điều nghịch lí là người Mãn đã lấy số bạc này mua thuốc súng và súng mới nhất của người Bồ Đào Nha để bắn vào Trường Thành. Nói cách khác, khi người dân Nam Kinh, Bắc Kinh uống nhân sâm hằng ngày, họ đang gặm nhấm chính đế chế của mình. 
Cho đến ngày nay, tình thế “lệ thuộc” và bị “bao vây” của người Hán vẫn chưa có nhiều thay đổi. Tất cả các cao nguyên xung quanh vùng Trung Nguyên đều bị “chiếm giữ” bởi các nhóm dân tộc không phải người Hán. Nội Mông, Tân Cương, Thanh Hải, Tây Tạng, Vân Nam, Quảng Tây… là nơi cung cấp nguyên liệu, đất kiếm, kim loại… cho vùng công nghiệp phía đông. Tất cả các nguồn nước và đầu nguồn các con sông đều bắt đầu từ đây. Điều này lí giải sự “nhạy cảm” của vấn đề dân tộc và li khai tại Trung Quốc, vì có bất cứ bất ổn nào đối với các vùng đất này, gần tỉ người dọc theo duyên hải phía đông sẽ gặp vấn đề. 
Tóm lại, nhìn về cấu trúc của nền văn minh và đến chế Trung Hoa từ góc độ địa lý cho thấy đế quốc này hùng mạnh, nhưng dễ bị tổn thương hơn chúng ta nghĩ. Thành công của nó nằm ở vị trí địa lý, nhưng những trang sử đen tối nhất cũng có thể được giải thích từ vị trí địa lý. 

Cai trị Trung Hoa và việc giải lời nguyền địa lý 

Địa lý không chỉ can dự vào diễn trình lịch sử Trung Hoa mà còn quyết định tương lai của Trung Quốc như một cường quốc khu vực hay siêu cường thế giới. Một phần của điều này phụ thuộc mạnh mẽ vào cách thức Bắc Kinh vận hành không gian địa lý và điều phối vùng miền. 
Thách thức lớn nhất của bất cứ vương triều nào ở Trung Hoa là kiếm đủ lương thực cho một dân số khổng lồ. Nạn đói là nguyên nhân chủ đạo của các hội kín, phong trào tôn giáo, nổi dậy, lật đổ vương triều, hỗn loạn, bạo lực xã hội… vì thế, mỗi khi nước Hoàng Hà tràn bờ là lúc xuất hiện nguy cơ hỗn loạn xã hội. Điều này càng làm cho các nhân tố địa lý trở thành vấn đề trầm trọng đối với nền chính trị quốc gia. Trận động đất ngày 28/7/1976 (Đường Sơn, Hà Bắc) chẳng hạn, khi xảy ra, Chính phủ Trung Quốc không dám công bố con số nạn nhân thiệt hại cũng như các tư liệu liên quan vì sợ làm ảnh hưởng đến tinh thần của người dân; trong khi báo chí phương Tây dự báo thiệt hại nhân mạng từ 240,000 đến 750,000 người (Walter Sullivan 1979).
Giảm thiểu ảnh hưởng của tự nhiên, giải lời nguyền địa lý là sự nghiệp tiêu tốn phần lớn sức lực của người Trung Hoa trong suốt lịch sử. Từ Trường Thành, Đại Vận Hà, Tam Hiệp, đường cao tốc Thượng Hải-Bắc Kinh, hay đường sắt Thanh Hải-Tây Tạng là những dự án của  hàng triệu người nhằm giải quyết những vấn đề sống còn của hàng trăm triệu cư dân. Đó chính là các nỗ lực của Trung Hoa tìm cách thoát ra khỏi tình thế bị bao vây và đe dọa. Tất cả các dự án lớn nhất nhằm giải quyết điểm yếu địa chính trị và quân sự của họ. Trường Thành được kỳ vọng là giúp giải thoát họ khỏi nỗi ám ảnh của dân du mục, trong khi kênh Đại Vận Hà giúp giải cứu vùng phía Bắc lệ thuộc nhiều vào lúa mì và kê bằng việc kết nối với hệ thống lúa gạo ở lưu vực Trường Giang. 
Tổ chức canh gác Trường Thành, vận chuyển lương thực từ Giang Nam lên Bắc Kinh, hay tổ chức mạng lưới trao đổi muối, tơ lụa… là nỗi ám ảnh của người cai trị vì chỉ cần một sự ngưng trệ của hệ thống này là lập tức sẽ có hàng triệu người nổi dậy (xem ví dụ về Khang Hy và việc quản lí lúa gạo, tơ lụa (Spence, 1966)). Chính vì thế, người cầm quyền ở Trung Hoa luôn luôn hoài nghi dân chúng và lo sợ dân chúng. Tâm lý này không chỉ Tần Thủy Hoàng, Hán Cao Tổ hay Đường Thái Tông, Minh Thái Tổ, mà còn in dấu trong tâm lí của những người cầm quyền Trung Hoa hiện đại. Các nỗ lực của nhà nước vì thế tập trung vào xây dựng các công trình quy mô nhằm khống chế tự nhiên, hạn chế việc bị địa lý bao vây, kết nối các khu dân cư, nguồn tài nguyên, và vùng chiến lược… nhằm tránh rủi ro với hàng trăm triệu người Hán dọc duyên hải. 
Thực hành chế độ tự trị, ràng buộc lỏng lẻo, chế độ thổ ti, cử quân đội thường trực tại các vùng biên, tiến hành ngoại giao hôn nhân với thủ lĩnh địa phương, chế độ triều cống, sách phong… tất cả những biện pháp đó không gì khác hơn là  một Trung Hoa muốn được yên ổn ở các vùng biên. Với tư cách là một siêu cường kinh tế, Trung Quốc hiện tại có thêm các công cụ để giải quyết nỗi ám ảnh địa lý này, mà mới nhất chính là dự án “Một vành đai, một con đường”. 

 “Một vành đai, một con đường”, bên cạnh việc mở ra thị trường mới, phục vụ sự chuyển dịch của nền kinh tế, và tham vọng chạy đua quyền lực toàn cầu, thực ra chỉ là trang tiếp theo của Bắc Kinh nhằm thoát khỏi thế bao vây về địa lý và địa chính trị mà họ đang gặp phải. Họ nhìn sang phía Đông, toàn bộ các bán đảo và quần đảo từ Triều Tiên đến eo Malacca đều có căn cứ quân sự của Mỹ. Bên ngoài là hạm đội 7 yểm trợ. Hải quân Trung Hoa không có đường ra Thái Bình Dương. Họ nhìn tới các cao nguyên xung quanh, từ Nội Mông, Thanh Hải, Tây Tạng, Tân Cương, Vân Nam, Quảng Tây… là nguồn cung cấp nguyên liệu chiến lược cho hệ thống công nghiệp phía Đông, đều có nguy cơ gặp phải những vấn đề như li khai, xung đột tộc người, tôn giáo. Xa hơn nữa là dãy Himalaya và các hoang mạc ngăn cản họ giao thương về phía Tây. 
Một vành đai một con đường, mở cảng nước sâu ở Ấn Độ Dương, bành trướng ở Biển Đông, tranh chấp các quần đảo với Nhật Bản chính là cách Trung Hoa tìm đường ra bên ngoài, phá vỡ thế bao vây này. Thực chất của các dự án nói trên, vượt qua các toan tính địa chính trị toàn cầu hay nỗ lực thúc đẩy giao thương và đẩy mạnh thị trường cho nền sản xuất Trung Quốc, chính là một nỗ lực nhằm giải cứu Trung Hoa ra khỏi nỗi ám ảnh địa lý và tình thế bị bao vây. Việc tăng cường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy dịch chuyển dân cư… không chỉ giúp giải quyết tình trạng dân số quá tập trung ở vùng duyên hải, khuyến khích di cư về phía Tây, mà còn thúc đẩy pha trộn văn hóa, tăng sự hiện diện của người Hán, và gia tăng ảnh hưởng tại các khu vực vốn được coi là nghèo nàn, nạn nhân của sự phát triển, và không thân thiện với người Hán. 
Tham vọng chính trị và quân sự của dự án này là rõ ràng. Nó đưa quyền lực nhà nước Trung Quốc đến những nơi được coi là “điểm yếu”, đặc biệt là Tân Cương, Tây Tạng, là hai đầu nguồn của Hoàng Hà và Trường Giang, và kết nối Trung Hoa với các đồng minh mới Pakistan hay các nước trung và tây Á. Nhiều khu vực đã chứng kiến sự “thoái lui” của Mỹ, và đây rõ ràng là một cơ hội cho Bắc Kinh thế chân. Như vậy, thay vì bị địa lý bao vây, Bắc Kinh dùng dự án này để “bao vây” và khống chế các khu vực được cho là trọng yếu đối với nền kinh tế, quân sự của họ, và mở đường cho những hiện diện chiến lược dài hạn. 
Cuối cùng, bài viết này không nhằm chỉ ra Trung Hoa là duy nhất trong các mối tương tác với địa lý. Cũng không phải đổ lỗi cho những thăng trầm của đế chế này là từ địa lý, hay coi địa lý là yếu tố quyết định mọi biến động của nền văn minh Trung Hoa. Nhiều đế chế và quốc gia trải qua những diễn trình lịch sử tương tự. Bài viết chỉ hướng đến tìm kiếm mối liên hệ giữa tương tác địa lý, tộc người và thăng trầm lịch sử của một trong những đế chế lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Đồng thời đưa thêm vào một cách hiểu, một góc nhìn khác đa chiều về vai trò của  địa lý với tư cách là một nhân tố định hình văn hóa, văn minh. Điều đặc biệt là lịch sử Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ từ biểu đồ lên xuống của quyền lực vùng Trung Nguyên. Vì thế, bất cứ hiểu biết nào từ phía “Nam” về tình hình phía “Bắc” cũng là quý giá nhằm tìm kiếm cách thức chủ động đối phó với người láng giềng và siêu cường này. □
——
Tham khảo
Dardess, J. W. (2013). A political life in Ming China: a grand secretary and his times. Lanham: Rowman & Littlefield Publishers, Inc.
Di Cosmo, N. (2014). Climate Change and the Rise of an Empire | Institute for Advanced Study. Retriev
October 12, 2018, from https://www.ias.edu/ideas/2014/dicosmo-mongol-climate
Kaplan, R. D. (2012). The revenge of geography : what the map tells us about coming conflicts and the battle against fate. New York: Random House.
Kaplan, R. D. (2014). Asia’s cauldron: the South China Sea and the end of a stable Pacific (1. ed.). New York: Random House.
Kuhn, P. A. (1990). Soulstealers : the Chinese sorcery scare of 1768. Cambridge, Mass. [u.a.]: Harvard University Press.
Marshall, T. (2015). Prisoners of geography: ten maps that tell you everything you need to know about global politics. London: Elliot and Thompson Limited.
Pederson, N., Hessl, A. E., Baatarbileg, N., Anchukaitis, K. J., & Di Cosmo, N. (2014). Pluvials, droughts, the Mongol Empire, and modern Mongolia. Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America, 111(12), 4375–9. http://doi.org/10.1073/pnas.1318677111
Spence, J. D. (1966). Tsʻao Yin and the Kʻang-hsi Emperor ; bondservant and master. New Haven: Yale University Press.
Walter Sullivan. 1979. Catastrophic Scope of 1976 China Earthquake Is Revealed, https://www.nytimes.com/1979/06/11/archives/catastrophic-scope-of-1976-china-earthquake-is-revealed-10000.html (accessed on 10/10/2018).

 

Tác giả

(Visited 89 times, 1 visits today)