Trung Quốc có số lượng người chết do ô nhiễm không khí cao nhất thế giới

Trung Quốc đứng đầu danh sách những nước có số lượng người chết do không khí ô nhiễm cao trên thế giới, theo một báo cáo mới đây của tổ chức Y tế thế giới (WHO)

Người dân Bắc Kinh đạp xe trong bầu trời đầy bụi. Nguồn: Gettyimages

Theo báo cáo có sử dụng dữ liệu thống kê từ 184 nước này của WHO, ba nước đứng đầu danh sách là Trung Quốc với khoảng 1 triệu người đã chết vì không khí ô nhiễm, Ấn Độ có khoảng 600.000 người và Nga có 140.000 người. Các quốc gia phát triển cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự, mặc dù cấp độ nhẹ hơn. Chẳng hạn như, Anh có 16.355 người tử vong vì không khí ô nhiễm, hoặc Đức có tới 26.160 người, thậm chí nước Mỹ có 38.043 người được cho là đã chết do nguyên nhân trực tiếp từ không khí ô nhiễm. Các quốc gia ở Thái Bình Dương như Brunei, Fiji và Vanuatu có số lượng người tử vong vì ô nhiễm không khí thấp nhất. Trong một thông báo vào năm 2014, WHO cũng đã cảnh báo rằng, không khí ô nhiễm phát thải từ các xe hơi, nhà máy điện và các nguồn khác đang giết chết tới ba triệu người trên toàn thế giới mỗi năm.

16 nhà khoa học đến từ tám tổ chức quốc tế khác đã cùng với WHO phân tích, thu thập dữ liệu từ 3.000 địa điểm, sử dụng các thiết bị theo dõi ô nhiễm trên mặt đất và phân tích. Các kết quả phân tích cho thấy, những hạt bụi nhỏ có kích cỡ 2.5 micromet (gọi là bụi PM2.5s) có thể thâm nhập vào phổi và làm tăng nguy cơ tử vong. Shaddick, nhà nghiên cứu tại Đại học Bath cho biết: “Những hạt bụi PM2.5s thực sự có khả năng thâm nhập vào màng phổi và vào hệ thống tuần hoàn máu”.

Hầu hết những nguồn gây ô nhiễm không khí đều do con người gây ra như khí thải giao thông, nhà máy đốt than, đốt chất thải… Tuy nhiên, các nguyên nhân tự nhiên cũng góp phần làm tăng nặng tình trạng ô nhiễm không khí. Ví dụ như bão bụi sa mạc là một trong 16 nguyên nhân gây ra tử vong nhiều nhất ở Iran.

Đến nay, các quốc gia phát triển như Canada và các nước Scandinavia được WHO đánh giá là rất thành công trong việc bảo vệ môi trường sống, kiềm chế ô nhiễm không khí. Một số thủ đô, như Paris cũng được đánh giá là có những biện pháp tích cực trong bảo vệ môi trường sống cho người dân và vẫn tiếp tục những nỗ lực không ngừng đó. Thứ hai vừa qua, thành phố này đã cấm ô tô chạy dọc theo sông Seine để cắt giảm ô nhiễm do khí thải ô tô gây ra. Anne Hidalgo, thị trưởng mới của Paris cho biết, “cần ưu tiên khắc phục ô nhiễm không khí. Đây là vấn đề y tế công cộng rất quan trọng mà chính quyền phải quan tâm, vì không thể chần chừ trước nguy cơ với sức khỏe người dân thành phố”.

Bảo Như lược dịch.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)