Trung Quốc đối mặt với vấn nạn môi trường nghiêm trọng

Tình hình phát triển kinh tế ồ ạt trong ba thập niên vừa qua tại Trung Quốc đã khiến quốc gia này phải đối mặt với vấn nạn môi trường rất nghiêm trọng, cho dù Chính phủ đang bắt đầu từ bỏ chiến lược phát triển bằng mọi giá.

Theo ông Lý Can Kiệt, Thứ trưởng Bộ Bảo vệ Môi trường (BVMT) Trung Quốc: “sự đa dạng sinh học đang ngày càng suy giảm kèm theo tình trạng tổn thất và suy thoái kéo dài của các nguồn gene sinh vật”. Ông cho biết thêm rằng khu vực nông thôn ngày càng trở nên ô nhiễm hơn, nguyên nhân là do sự di dời các nhà máy ô nhiễm từ thành thị ra nông thôn. Vì vậy, việc thay đổi hoàn toàn tình trạng suy thoái tại nông thôn là trọng tâm chính trong kế hoạch 5 năm tiếp theo của Bộ.

Tìm hiểu năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã đặt vấn đề phát triển là một ưu tiên hàng đầu, với lo ngại rằng tình trạng thất nghiệp sẽ dẫn đến tình hình bất ổn kéo dài.

Tuy nhiên, các dấu hiệu ngày càng gia tăng lại cho thấy tình trạng tắc trách về vấn đề môi trường lại là nguyên dân gây ra bất ổn. Các cuộc chống đối tại đặc khu Nội Mông vào tuần qua sở dĩ xảy ra một phần là do sự lo ngại của người dân về tình trạng các ngành công nghiệp như khai thác than và quặng mỏ – với thành phần người dân tộc thiểu số Trung Quốc chiếm đa số – đang hủy hoại những đồng cỏ vốn được người Mông Cổ bản địa sử dụng để chăn gia súc. Những xung đột tương tự đã bùng phát tại những khu vực nhạy cảm về vấn đề sắc tộc như Tây Tạng và Tân Cương.

Theo báo cáo thường niên của Bộ BVMT Trung Quốc, hơn 1/5 diện tích đất đai được dành cho bảo tồn thiên nhiên đã bị các công ty sử dụng để phục vụ phát triển một cách phi pháp, và thường là có sự thông đồng của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, theo ông Lý, Bộ Bảo vệ Môi trường đã phóng một vệ tinh có thể phát hiện những khu vực phát triển phi pháp và sẽ gây áp lực lên chính quyền địa phương để chấm dứt những hoạt động đó. Nếu không làm được điều này, theo ông Lý nói, thì Bộ vẫn còn quyền tác động trực tiếp lên cơ hội thăng tiến của các viên chức, bởi vì hiện nay tiêu chí tuân thủ vấn đề môi trường là một phần trong cơ chế đánh giá năng lực của các cán bộ Nhà nước. Những quan sát viên độc lập cho biết đây là một phần trong tiến trình thay đổi từng bước nhằm trao thêm quyền cho Bộ Bảo vệ Môi trường.

Theo ông Lý, năm 2010, Bộ đã bác bỏ không phê duyệt 59 dự án trong đó có một dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc. Trước đây, một số Bộ có “quan hệ rộng” đã từng qua mặt được Bộ Bảo vệ Môi trường, thế nhưng hiện nay, Bộ BVMT đã dựng lên được một “bức tường lửa” bất khả xâm phạm nhằm ngăn chặn triệt để những dự án mang nhiều nguy hại.
 
KIM KHÔI lược dịch
(New York Times, online ngày 03/06/2011)
Nguồn: http://www.nytimes.com/ 2011/06/04/world/asia/04china.html?_r=1&ref=science

Tác giả