Trung Quốc nghiên cứu công nghệ tấn công vệ tinh Mỹ
Trang mạng freebeacon.com mới đây đăng bài “Trung Quốc tiếp tục tiến hành vũ khí hóa không gian vũ trụ bằng các vụ thử bắn tên lửa chống vệ tinh mới nhất”.
Đô đốc Cecil D. Haney, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, nói ông rất lo ngại chuyện này, bởi lẽ Mỹ cũng như tất cả mọi quốc gia khác đều vô cùng phụ thuộc vào năng lực không gian vũ trụ; Mỹ muốn giữ không gian vũ trụ ở trong môi trường hòa bình; vụ thử này của Trung Quốc đã thúc đẩy tiến trình vũ khí hóa không gian vũ trụ.
Bài báo điểm lại các vụ thử vũ khí chống vệ tinh của Trung Quốc. Vụ đầu tiến hành vào tháng 1/2007, dùng phương thức phá hủy mục tiêu: tên lửa chống vệ tinh đã bắn trúng một vệ tinh thời tiết hết hạn sử dụng của Trung Quốc. Tướng bốn sao Haney nhấn mạnh, vụ thử này đã sinh ra nhiều mảnh vụn cho tới nay vẫn còn đe dọa các khí cụ bay có người lái hoặc không người lái, phát sinh ảnh hưởng tiêu cực lớn, sẽ “đe dọa an toàn lâu dài của môi trường vũ trụ”.
Tháng 5/2013, Trung Quốc tuyên bố đã tiến hành một thí nghiệm thăm dò khoa học trên không gian tầng cao tại Tây Xương. Nhưng Brian Weeden, cựu phân tích gia chính sách không gian của Không quân Mỹ, không đồng ý như vậy. Ông nói, thí nghiệm khoa học gì mà lại phóng tên lửa vào ban đêm, hơn nữa, lại sử dụng một tên lửa mạnh phóng từ bệ phóng đặt trên xe cơ động… những điều ấy là rất không bình thường đối với một dự án nghiên cứu khoa học.
Trong báo cáo gửi Quỹ An ninh thế giới (Secure World Foundation), Weeden khẳng định có khả năng đó là Trung Quốc tiến hành thử loại tên lửa di động, thứ vũ khí chống vệ tinh nhằm bắn hạ các mục tiêu ở quỹ đạo địa tĩnh cách mặt đất 22.236 dặm. Quỹ đạo đó là lãnh địa quan trọng mà các khí cụ bay đắt tiền của Mỹ đang thực thi sứ mệnh, như phát hiện nhiệt thoát ra từ giai đoạn đầu khi phóng tên lửa, phối hợp điều khiển các nhóm máy bay không người lái v.v…
Các nhà phân tích của Mỹ và Nhật cho biết, Trung Quốc có kế hoạch tấn công vệ tinh hung hăng nhất thế giới. Trong chín năm qua, ít nhất họ đã tiến hành sáu thí nghiệm như vậy. Minoru Terada Phó Tổng Thư ký đảng Dân chủ Tự do Nhật (đảng cầm quyền LDP) cho rằng đây là một phần của chính sách bá quyền của Trung Quốc, không những chỉ tìm cách kiểm soát các vùng biển mà còn kiểm soát bầu trời, kể cả không gian vũ trụ.
Ngoài thí nghiệm tên lửa đạn đạo đánh chặn và tiêu diệt vệ tinh, Trung Quốc cũng đang phát triển công nghệ can nhiễu phá hoại thông tin vệ tinh.
Lance Gatling, Giám đốc cơ quan tư vấn Nexial Research ở Tokyo, cho hay, Trung Quốc đang nghiên cứu vũ khí laser đặt ở mặt đất có thể phá hỏng các tấm pin mặt trời của vệ tinh, và sử dụng cánh tay máy lắp trên vệ tinh để phá hoại các khí cụ không gian của Mỹ.
Nhằm tránh các cuộc tấn công kể trên, hai nước Mỹ, Nhật đang bước đầu sửa đổi các chương trình không gian và coi đó là một phần của chính sách nâng cấp phòng vệ. Tháng 5/2014, Mỹ, Nhật đã bàn với nhau về việc triển khai hợp tác hệ thống GPS nhằm theo dõi tình hình không gian vũ trụ và tình hình trên biển.
Mỹ dễ bị Trung Quốc tấn công hơn cả, vì theo báo cáo của Hội Quan hệ đối ngoại Mỹ, 43% tổng số vệ tinh nhân tạo hiện có mặt trên quỹ đạo là vệ tinh của quân đội hoặc các công ty Mỹ. Nước này hiện có khoảng 30 vệ tinh do thám đang ở trên quỹ đạo. Về phía Nhật, ngoài bốn vệ tinh do thám đang làm việc ra, một tập đoàn tài chính gồm nhiều công ty Nhật đang chế tạo hai vệ tinh thông tin chuyên dùng cho thông tin mật.
Mỹ và Nhật đang đầu tư hàng tỷ USD vào dự án xây dựng hệ thống phòng ngự tên lửa đạn đạo tiên tiến, trên mức độ nào đó có phụ thuộc vào các vệ tinh do thám của Mỹ. Các chiến lược gia quân sự Trung Quốc đang hăng hái viết bài phân tích nhằm làm suy yếu ý nghĩa chiến lược giành quyền kiểm soát không gian vũ trụ của Mỹ. Yue Gang, một cựu đại tá Quân Giải phóng, nói: “Mỹ đã thực hiện được bao nhiêu cuộc thí nghiệm phòng ngự tên lửa đạn đạo? Trung Quốc mới chỉ tiến hành vài cuộc thí nghiệm mà người Mỹ đã đứng ngồi không yên rồi.”
Weeden nói, Mỹ đang tìm kiếm các phương thức khác để giảm nhẹ cảm giác bị đe dọa từ phía Trung Quốc, kể cả việc bố trí các loại vệ tinh nhỏ di chuyển được, khó bị đối phương phát hiện và phá hoại. Gatling cho rằng sử dụng công nghệ nhanh chóng nhảy tần số cho bộ phát tín hiệu của vệ tinh cũng là một cách có thể hóa giải mối đe dọa can nhiễu từ phía Trung Quốc.
Nguyễn Hải Hoành tổng hợp
Nguồn:
http://freebeacon.com/national-security/stratcom-china-continuing-to-weaponize-space-with-latest-anti-satellite-missile-shot/ Stratcom: China Continuing to Weaponize Space with Latest Anti-Satellite Missile Shot
http://www.businessweek.com/articles/2014-07-17/u-dot-s-dot-japan-prepare-to-defend-satellites-from-chinese-attack. As China Stalks Satellites, U.S. and Japan Prepare to Defend Them