Trung Quốc thúc đẩy điện hạt nhân dù cung vượt cầu

Theo tin từ các báo Trung Quốc, hiện nay nguồn cung điện năng ở nước này đã vượt cầu, vì thế ngay cả điện hạt nhân (ĐHN) – một nguồn năng lượng có ưu thế sạch, ổn định, hiệu suất cao – cũng đang đứng trước khó khăn về tiêu thụ.


Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành

Ngày 18/5/2016, người phát ngôn của Tập đoàn ĐHN Trung Quốc (China General Nuclear Power Group, CGN) cho biết, mấy năm nay kinh tế Trung Quốc đã được tiến hành điều chỉnh cơ cấu, chuyển tốc độ phát triển kinh tế từ mức cao xuống mức trung cao, điều đó đã có ảnh hưởng nhất định tới tiêu thụ điện ở Trung Quốc. Tuy nói cung vượt cầu nhưng thực ra hiện nay mức dùng điện bình quân đầu người ở Trung Quốc chỉ là 3400 KWH, bằng 1/5 mức của Canada, 1/4 của Mỹ, chưa đến 1/2 của Nhật, cũng thấp nhiều so với mức 8000 KWH của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế [OECD, hiện có 34 nước]. Như vậy về lâu dài, ngành sản xuất điện ở Trung Quốc vẫn còn có không gian phát triển lớn. Trong 15 năm tới, số tổ máy ĐHN của nước này sẽ tăng thêm 100-120 triệu KW.

Cuối tháng 3, Ủy ban Phát triển và Cải cách nhà nước (National Development and Reform Commission) thông báo hủy bỏ một số dự án nhiệt điện than không đạt yêu cầu xét duyệt, tạm hoãn việc xét duyệt một số dự án nhiệt điện than của các tỉnh hiện đang thừa điện. Từ 2014 tới nay, vùng Đông Bắc xuất hiện hiện tượng ứ đọng điện, nhu cầu dùng điện tăng chậm mà điện gió lại phát triển nhanh. Do đó Ủy ban này yêu cầu hoãn các dự án phát triển điện gió ở vùng Đông Bắc và Nội Mông Cổ. Điều này tạo thuận lợi cho sự phát triển ĐHN ở Trung Quốc.

Website của CGN ngày 25/5/2016 cho biết, tổ máy ĐHN số 2 của nhà máy ĐHN cảng Phòng Thành đã hoàn thành nạp nhiên liệu hạt nhân cho lò đầu tiên, đánh dấu một bước tiến quan trọng trên con đường thực hiện khai thác thương mại nhà máy này.

Năm 2015, Nhà nước nới rộng việc xét duyệt các dự án ĐHN mới: hai tổ máy ĐHN Phúc Thanh (Phúc Kiến), tổ máy số 2 ĐHN Cảng Phòng Thành (Quảng Tây), đợt 2 ĐHN Hồng Duyên Hà (Liêu Ninh) lần lượt được duyệt.

Nhà máy ĐHN do CGN xây dựng tại cảng Phòng Thành gồm 6 tổ máy cỡ 1 triệu KW, trong đó ngày 30/7/2010 khởi công xây dựng tổ máy số 1, ngày 25/10/2010 phát điện lên lưới, ngày 1/1/2016 chính thức khai thác thương mại. Tổ máy số 2 ngày 24/12/2015 bắt đầu chạy thử nghiệm.

Mô hình lò phản ứng sử dụng công nghệ Hualong One

Hiện Trung Quốc đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ Hoa Long Một (Hualong One, Hua-long Pressurized Reactor, HPR1000) dùng cho lò phản ứng nước áp lực cỡ triệu KW.

Thông thường việc thực hiện một dự án ĐHN cần tới 5 năm, 18 tháng sau ngày khởi công, phần lớn thiết bị chủ yếu phải bắt đầu lần lượt đi vào chu kỳ bàn giao.

Năm 2015, Trung Quốc khởi công lắp đặt 6 tổ máy ĐHN, trong năm 2016 sẽ khởi công lắp 8 tổ nữa, 6 tháng cuối năm 2016 sẽ đưa một phần thiết bị vào bàn giao.

Tính đến cuối năm 2015, Trung Quốc đã có gần 30 tổ máy ĐHN đang vận hành với tổng công suất lắp đặt là 28,31 triệu KW; ngoài ra còn 24 tổ máy đang xây dựng với tổng công suất 26,72 triệu KW.

Như vậy Trung Quốc đứng thứ nhất thế giới về số lượng tổ máy ĐHN đang lắp đặt, thứ ba về số lượng tổ máy.

Quy hoạch phát triển dài hạn ĐHN của Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2020 tổng công suất ĐHN đã lắp đặt sẽ lên tới 58 triệu KW, công suất đang lắp đặt khoảng 30 triệu KW. Dự kiến trong 5 năm tới, số tổ máy ĐHN vận hành sẽ tăng thêm ít nhất 30 tổ, số tổ máy ĐHN đang lắp đặt sẽ tăng thêm ít nhất 14 tổ. Dự kiến đến 2020, tổng đầu tư vào thiết bị ĐHN sẽ đạt mức 360 tỷ CNY (tức Nhân dân tệ, 1 CNY = 0,1519 USD).

Việc tăng tốc phát triển ĐHN và tăng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị ĐHN sẽ tạo ra thị trường vài trăm tỷ CNY cho các doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ ĐHN, hai năm gần đây đã ký được các hợp đồng cung cấp ĐHN trị giá 260 tỷ CNY cho nước ngoài. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là tổ máy phát ĐHN Hoa Long 1 do Trung Quốc tự thiết kế, dựa vào kinh nghiệm hơn 30 năm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, xây dựng và vận hành ĐHN, có tham khảo các ý tưởng công nghệ tiên tiến về ĐHN thế hệ III của thế giới. Tổ máy này có tính an toàn, tính tiên tiến và tính kinh tế, tỷ lệ nội địa hóa đạt hơn 85%, tỷ suất khả dụng vào nhà  máy ĐHN đạt 90%, thuộc lại công nghệ tiên tiến. Đã huy động hơn 200 doanh nghiệp tham gia chế tạo và xây dựng Hoa Long 1, qua đó tạo ra 150.000 việc làm. Nếu xét cả tới việc cung ứng nhiên liệu hạt nhân và các dịch vụ tiếp theo thì mỗi một tổ máy ĐHN có thể tạo ra giá trị bằng 100 tỷ CNY.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)