Trung Quốc xây dựng “siêu bộ Khoa học”

Mới đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thông báo kế hoạch tăng thêm quyền cho Bộ KH&CN (MOST) để cơ quan này tiếp tục giám sát những chính sách khoa học và những dự án khoa học lớn nhưng cũng sẽ phải chấp nhận có thêm nhiều trách nhiệm với những khoản đầu tư cho nghiên cứu. Những cải cách này sẽ khiến cho việc thực thi các biện pháp thúc đẩy khoa học của chính phủ hiệu quả hơn, tuy vậy một số chuyên gia về chính sách khoa học lại lo ngại rằng những thay đổi này có thể làm giảm đi sự hỗ trợ cho nghiên cứu cơ bản.

Nghiên cứu y dược ở trường đại học Y Hồ Bắc. Nguồn: hebeinorthuniversityofmedicine.com

Những thông tin này được đưa ra tại kỳ họp của Quốc hội Trung Quốc vừa qua, khi chính phủ thông qua phương án cải tổ bộ máy với hơn 15 cơ quan chính phủ được sáp nhập, tái cấu trúc hoặc xóa bỏ. Quỹ KHTN Trung Quốc (NSFC), tổ chức chịu trách nhiệm cấp kinh phí cho nghiên cứu lớn chính của quốc gia này, sẽ không còn chịu sự quản lý của Quốc vụ ViệnTrung Quốc mà sẽ do Bộ Khoa học quản lý.

Những cơ quan khác thay đổi theo hướng tăng cường bộ máy như văn phòng sở hữu trí tuệ, hay thiết lập một bộ mới như Bộ Tài nguyên sinh thái để giám sát tình trạng ô nhiễm môi trường và tăng cường hiệu quả của luật bảo vệ môi trường, và thành lập một cơ quan bảo tồn để bảo vệ những loài đang gặp nguy hiểm như linh dương Przewalski (Procapra przewalskii).

Chuyển động đáng ngạc nhiên

Với các nhà nghiên cứu, các kế hoạch để tăng thêm quyền lực cho Bộ Khoa học sẽ đem lại tác động lớn – và khiến nhiều nhà khoa học Trung Quốc ngạc nhiên, trong đó có nhiều quan chức của Bộ Khoa học. Quỹ NSFC cung cấp những khoản tài trợ khiêm tốn cho những nhà điều tra nghiên cứu độc lập tiến hành. Trong năm 2016, ngân sách dành cho Quỹ là 26,8 tỷ NDT (tương đương 3,9 tỷ USD), chiếm gần 1/3 kinh phí dành cho nghiên cứu cơ bản của Trung Quốc, và hỗ trợ cho 44.000 dự án nghiên cứu.

Ngược lại, Bộ Khoa học Trung Quốc quản lý những dự án lớn nhằm hướng tới những mục tiêu ở tầm quốc gia. Các nhà khoa học thường phàn nàn Bộ Khoa học về các dự án hỗ trợ trên cơ sở những mối quan hệ về chính trị và cá nhân hơn là dựa vào ý kiến của các chuyên gia. Cao Cong, một nhà nghiên cứu về chính sách tại trường đại học Nottingham ở Ningbo, Trung Quốc, nói“Việc đặt NSFC dưới sự lãnh đạo của MOST rất có thể làm rối thêm cho các nhiệm vụ này”. Ông đã gặp các đồng nghiệp ở Bộ Khoa học  vào tuần trước, và phản hồi rằng nhiều người dường như không biết gì về việc cải cách này. “Thông tin về tái cơ cấu đã được giữ bí mật đến phút chót”, ông nhận xét.

Cao  cho biết việc cải cách có thể là một dấu hiệu cho thấy lãnh đạo Trung Quốc không hài lòng với quá trình tái cơ cấu về khoa học gần đây nhất vào năm 2014 trongnỗ lực gia tăng hiệu quả của việc đầu tư cho nghiên cứu.

Cao nhận xét, tác động của cuộc cải cách gần nhất sẽ cần thời gian để có thể đánh giá kết quả. Nhưng một kịch bản được dự báo là dần dần Quỹ Khoa học Trung Quốc sẽ mất đi quyền kiểm soát và ảnh hưởng trong việc tài trợ cho nghiên cứu cơ bản. “Nếu vậy thì toàn bộ cộng đồng khoa học sẽ rất tiếc nuối”, ông cho biết. Việc tài trợ cho khoa học của Quỹ khoa học Trung Quốc được các nhà khoa học hết sức quan tâm bởi họ tài trợ thông qua bình duyệt và ít nhấn mạnh đến những quan hệ mang tính cá nhân – thường được gọi là “guanxi”. Đây cũng là một trong số rất ít những nguồn đầu tư (vốn rất ít ỏi) tài trợ cho các nghiên cứu sinh. 

Nhiều nhà nghiên cứu xuất sắc của Trung Quốc cho rằng việc đầu tư cho nghiên cứu cơ bản của Trung Quốc vẫn đang thấp hơn so với những quốc gia đang thúc đẩy đầu tư cho khoa học. Vào năm 2017, Trung Quốc đầu tư 92 tỷ NDT cho nghiên cứu cơ bản, tương đương với 0,1% GDP trong khi với Mỹ là 0,2% GDP.

Lãnh đạo NSFC, ông Li Jinghai, người mới đảm nhiệm trách nhiệm vào tháng trước, đã nói với Nature những chi tiết về sáp nhập giữa Bộ Khoa học và Quỹ “cần thiết được thảo luận và làm rõ trong những tháng tới”. Nhưng ông cũng cho biết rằng Quốc vụ Viện đã hứa sẽ dành nhiều tiền cho nghiên cứu cơ bản trong một văn bản mới công bố vào tháng 1 vừa qua. “Tôi chắc chắc rằng khoa học cơ bản của Trung Quốc sẽ được gia tăng sức mạnh”, ông nói. 

Wang Yifang, Viện trưởng viện Vật lý năng lượng cao tại Bắc Kinh và là một đại biểu tham gia Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, lại đặt nhiều hy vọng vàosự sáp nhập này. Ông từng được biết đến là người chỉ trích vào quá trình tuyển chọn các dự án khoa học lớn của Trung Quốc khi cho rằng nhiều người trong hội đồng tuyển chọn không phải là những chuyên gia trong lĩnh vực mà họ thẩm định. Wang muốn Trung Quốc chấp nhận một hệ thống quản lý như ở Mỹ, nơi trao quyền cho một nhóm các chuyên gia đánh giá chất lượng của các dự án. Ông cũng cho rằng điều đó có thể xảy ra trong cơ quan sáp nhập này “nếu cả Bộ Khoa học và Quỹ Khoa học đều hành xử một cách đúng đắn”. 

Thúc đẩy bảo vệ môi trường

Các nhà bảo tồn môi trường tỏ ra vui mừng trước việc Bộ Môi trường sinh thái được thành lập. Họ cho biết cơ cấu được chỉnh trang lại này có thể làm giảm bớt những xung đột giữa các bộ có những phạm vi trách nhiệm tương đương nhau. Ví dụ, với cơ cấu hiện nay, những vùng đồng cỏ rộng lớn của đất nước thuộc quyền quản lý của Bộ Nôn g nghiệp trong khi bất cứ khu vực hoang dã tự nhiên nào cũng thuộc trách nhiệm của Cơ quan quản lý Lâm nghiệp quốc gia. Kết quả là tại Thanh Hải ở miền Trung Trung Quốc, trong lúc Cơ quan quản lý Lâm nghiệp quốc gia đã cố gắng loại bỏ những rào chắn khu vực có cỏ để loài linh dương Przewalski có thể kiếm ăn thì bộ Nông nghiệp lại chi tiền cho việc xây dựng các rào chắn mới. “Đây là một hệ sinh thái. Cần phảigiải quyết vấn đề một cách tổng thể”, Zhang Li, một nhà sinh học bảo tồn ở đại học Sư phạm Bắc Kinh nhận xét.

Zhang cho biết việc thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan cũng dẫn đến danh sách các loài đang cần bảo vệ khẩn cấp ở Trung Quốc vẫn chưa được cập nhật trong vòng 10 năm nay. Ví dụ danh sách hiện nay của loài tê tê Trung Quốc (Manis pentadactyla) – một loài động vật có vú mang vẩy – và loài cá heo không vây Yangtze (Neophocaena asiaeorientalis asiaeorientalis) đang ở tình trạng nguy cấp. Nhưng số lượng tê tê đã bị giảm sút bởi nạn săn lùng nguyên liệu cho Đông dược.  Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế hiện đang đưa loài tê tê Trung Quốc vào danh sách nguy hiểm. Theo Zhang, việc bảo vệ loài cá heo không vây – loài này cũng có mặt trong danh sách của Liên minh, cũng cần được bảo vệ gắt gao bởi số lượng đang giảm xuống còn 1.200 cá thể.             

Ông hy vọng cơ quan quản lý mới sẽ cập nhật danh sách các loài gặp nguy hiểm trong tương lai gần.

Anh Vũ dịch

Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-018-03246-w

 

Tác giả