Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam: 15 năm xây dựng niềm tin trong cộng đồng khoa học

Sau 15 năm thành lập, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM) đã trở thành một địa chỉ tin cậy để các nhà khoa học gửi trao hiện vật nghiên cứu khoa học, được đông đảo giới khoa học trong nước tin cậy, được các nhà quản lý quan tâm và công chúng biết tới.

Ra đời trong bối cảnh chưa từng có một công trình nào tìm hiểu toàn diện về lịch sử khoa học Việt Nam và trong quy hoạch của nhà nước về hệ thống bảo tàng cũng chưa đề cập đến việc xây dựng một bảo tàng về khoa học và các nhà khoa học Việt Nam, Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM) đã thuyết phục cộng đồng khoa học và công chúng vào giá trị của một loại hình trung tâm lưu trữ di sản các nhà khoa học.
GS. Nguyễn Anh Trí – Chủ tịch hội đồng cố vấn MEDGROUP tham quan trưng bày “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam” của MEDDOM.
Từ chỗ chưa được cộng đồng tin tưởng, tới nay Meddom đã trở thành một địa chỉ tin cậy để các nhà khoa học gửi trao hiện vật nghiên cứu khoa học, được đông đảo giới khoa học trong nước tin cậy, được các nhà quản lý quan tâm và công chúng biết tới. Để gửi trao những kỷ vật gắn với cuộc đời hoạt động khoa học của mình, một phần ký ức, máu thịt của mình là không đơn giản, như GS.TS Mạch Quang Thắng, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập MEDDOM (2007-2022) ngày 12-9-2022. Cũng như các nhà khoa học khác, khi ông “gửi đến Trung tâm Di sản các nhà khoa học một số hiện vật ghi dấu gần 50 năm hoạt động khoa học của bản thân tôi, trong đó có những sản phẩm đã được công bố ở trong và ngoài nước, đó là sách và các bài đăng trong nhiều tạp chí khoa học” là thực sự tin tưởng vào Trung tâm di sản, coi đây như ngôi nhà chung của giới khoa học.
Chia sẻ của GS. Mạch Quang Thắng cũng là những chia sẻ chung của gần 3.000 nhà khoa học ở tất cả các chuyên ngành, lĩnh vực khoa học đã gửi gắm gần 1 triệu tài liệu hiện vật, hàng trăm ngàn phút ghi âm, ghi hình ký ức, câu chuyện làm khoa học. Đối với MEDDOM, niềm tin đó là những “tài sản quý báu nhất mà MEDDOM có được” sau 15 năm, như chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn của MEDDOM. Nhờ niềm tin đó mà MEDDOM lưu trữ, và sẽ trưng bày, phát huy khối di sản khổng lồ có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử cuộc đời các nhà khoa học, lịch sử các ngành/lĩnh vực khoa học, lịch sử giáo dục, chính trị-xã hội…
Công tác nghiên cứu, phát huy di sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm bên cạnh việc sưu tầm, lưu trữ và bảo tồn di sản. Sau 15 năm, MEDDOM đã xuất bản hàng chục ấn phẩm liên quan đến các nhà khoa học, như bộ sách “Di sản ký ức của nhà khoa học” (8 tập), “Những câu chuyện hiện vật” (5 tập), “Hồ sơ những hạt giống bí mật”, “Muôn nẻo đường đến thành công”… Hàng chục trưng bày, triển lãm được thực hiện trong thời gian qua như: “Khát vọng học hỏi và sáng tạo”, “Thẳm sâu trong từng kỷ vật”, “Chuyện nghề địa chất”, “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam”… đã thu hút công chúng và đặc biệt là tạo môi trường học tập, trải nghiệm cho thế hệ trẻ.

Bà Hoàng Châu Thanh – con gái GS Hoàng Phê – trao tặng hiện vật của cha mình cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Bảo tàng không chỉ có ý nghĩa giới hạn trong cộng đồng khoa học, mà còn là một phần di sản về văn hóa. Đối với nhà khoa học có nhiều năm nghiên cứu về di sản văn hóa như PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, “sự ra đời của MEDDOM đã đánh dấu một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản vật thể và phi vật thể của các nhà khoa học Việt Nam. Sự tham gia của Meddom vào câu chuyện bảo tồn di sản văn hóa, ở một loại hình di sản đặc biệt – di sản của các nhà khoa học Việt Nam đã khiến chúng ta có những nhận thức, quan niệm mới, phương pháp tiếp cận mới, cách thức nghiên cứu và phát huy mới về di sản.”
Bên cạnh việc đẩy mạnh các nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, phát huy di sản, Tập đoàn MED-GROUP đã đầu tư cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, kiến trúc cho Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam ở Cao Phong, Hoà Bình. Từ năm 2016, mỗi năm Công viên thu hút hàng vạn lượt khách tham quan, trở thành điểm đến ưa thích của nhiều du khách trong cả nước. Đây là mô hình công viên di sản-văn hoá độc đáo trên cả nước, với giá trị lõi là di sản của các nhà khoa học. Tháng 11-2021, Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam được cấp phép hoạt động, trở thành bảo tàng ngoài công lập đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản của các nhà khoa học Việt Nam.
Tại lễ kỷ niệm, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã đón nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch và của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)