TS Lê Văn Tri – nhà khoa học tự tin trên thương trường

Trụ sở của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học nằm trong một con ngõ nhỏ trên đường Láng, Hà Nội, gần như lẫn vào những ngôi nhà dân ở chung quanh. Nhưng công ty có bề ngoài khiêm nhường này lại đang làm ra những chế phẩm được sử dụng rộng rãi, có thể giúp tăng năng suất và chất lượng nông sản tăng từ 10 – 20%.

Chúng tôi có cuộc trò chuyện với vị Tổng Giám đốc công ty – TS Lê Văn Tri – người đã tạo dựng và đưa Công ty đến những thành công đáng nể trong khoa học và cả trên thương trường, về những sáng chế và con đường kinh doanh của ông.

Trước tiên xin được chúc mừng ông và Công ty mới đây vừa giành cú đúp Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) và giải thưởng của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO cho chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR xử lý rơm rạ tại ruộng thành phân bón hữu cơ – chế phẩm do ông làm chủ nhiệm đề tài. Xin ông cho biết, từ đâu ông nảy ra ý tưởng xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ?

Lúa gạo cung cấp nguồn lương thực chính cho nhu cầu tiêu dùng của người dân và xuất khẩu. Tuy nhiên ngoài sản phẩm chính là thóc, rơm rạ còn chiếm đến 50% trọng lượng của cây lúa do vậy sản xuất lúa còn tạo ra lượng rơm rạ khổng lồ. Những năm gần đây cơ giới hóa khâu làm đất phát triển, số lượng trâu, bò nuôi giảm mạnh, việc sử dụng rơm làm thức ăn cho trâu, bò cũng giảm theo, rơm, rạ cũng không còn được sử dụng làm chất đốt. Mặt khác, rơm rạ sau khi thu hoạch không thể vùi trực tiếp vào trong đất vì tỉ số C/N của chúng rất cao, trong điều kiện ngập nước sẽ sản sinh ra khí độc gây ra hiện tượng vàng lá nghẹt rễ, cây trồng sẽ không phát triển được hoặc chết và đất đai ngày càng suy giảm độ phì nhiêu. Nguồn rơm, rạ dư thừa sau mỗi vụ thu hoạch không tìm được cách sử dụng hợp lý nên đã được nông dân tự xử lý bằng biện pháp đốt cháy ngay tại đồng ruộng. Hậu quả là phá vỡ sự cân bằng tự nhiên, ô nhiễm không khí.

Trước đây, đã có mộ̣t vài nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước về vấn đề này tuy nhiên các công trình này còn tồn tại nhiều hạn chế như: lượng chế phẩm dùng nhiều, giá thành chế phẩm cao, thời gian phân hủy chậm, quy trình ủ phức tạp và hiệu quả kinh tế đem lại thấp.

Trong bối cảnh đó chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học ra đời đã giải quyết những khó khăn trên cho nông nghiệp nước nhà

So với các loại phân bón cùng loại, phân bón hữu cơ từ rơm, rạ có ưu điểm gì?

Chỉ cần 0,6-0,8kg thóc giống gieo trên sáu khay mạ kích thước 60x30cm là đủ cung cấp mạ cho một sào ruộng, trong khi gieo sạ thì tốn 1,5 kg thóc giống/sào và chất lượng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Tuy nhiên, theo TS Tri, nếu không nghĩ ra được công nghệ rau mầm thì công nghệ mạ khay của ông cũng không thể phát triển được vì các cơ sở sản xuất mạ có nguy cơ rỗi việc tám tháng mỗi năm. Triệt để và thực tế, đó là cách TS Tri giải quyết bất kỳ vấn đề nảy sinh nào. Công ty ông đã bắt đầu nghiên cứu và bán thí điểm rau mầm để thăm dò khách hàng, mỗi gói hàng nhỏ lại đi kèm một tờ giới thiệu mười món ăn ngon với rau mầm, gợi cảm giác sản phẩm được chăm chút chu đáo.

Đây là loại phân bón có chất lượng cao, không chứa các tác nhân gây bệnh cho cây trồng do được ủ từ rơm, rạ so với các loại phân bón có nguồn gốc từ phân chuồng và phân vô cơ. Đồng thời có tác dụng cải tạo và nâng cao độ phì nhiêu cho đất mà các loại phân vô cơ không có được, đặc biệt là hàm lượng các chủng vi sinh vật có lợi rất cao như chủng phân giải hữu cơ, cố định đạm, phân giải lân.

Theo tính toán, trong 1 tấn phân bón hữu cơ từ rơm, rạ có 10kg đạm; 9,5kg lân; và 21kg kali – như vậy cứ sử dụng 1 tấn phân bón này, người nông dân đã tiết kiệm được một lượng phân NPK tương đương gần 500 nghìn đồng. Nếu xử lý 50% lượng rơm rạ cả nước trong một năm sẽ tương đương việc xây dựng một nhà máy sản xuất đạm công suất 100.000 tấn/năm, một nhà máy sản xuất lân với công suất 95.000 tấn/năm, một nhà máy sản xuất kali với công suất 210.000 tấn/năm. Lợi nhuận thu được ước đạt 5.300 tỷ đồng/năm.

Nhưng liệu người nông dân có chịu bỏ tiền ra mua chế phẩm xử lý rơm rạ của ông hay không, khi việc xử lý rơm rạ bằng một mồi lửa là quá đơn giản và lại chẳng “tốn kém” gì?

Thực tế cho thấy khi nhà nước có chủ trương và người nông dân được truyền thông đầy đủ về lợi ích của việc xử lý rơm rạ thì họ sẽ bị thuyết phục và tự giác mong muốn xử lý rơm rạ thay vì đốt.

Hiện nay, người nông dân có thể tiếp cận những phát minh sáng chế của chúng tôi qua nhiều hình thức như truy cập vào website: www.biogroup. com.vn của công ty; hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Các Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, Trung tâm Khuyến nông, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… cũng mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật các công nghệ cho người dân. Công ty còn kết hợp với Sở KH&CN, Sở NN&PTNT tại các địa phương xây dựng các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng các phát minh, công nghệ vào điều kiện thực tế của địa phương.

Những phát minh, sáng chế của ông và Công ty đóng góp như thế nào cho ngành nông nghiệp Việt Nam?

Nếu tính theo lý thuyết thì những phát minh sáng chế sẽ đem lại lợi ích rất nhiều, nhưng thực tế phải  ứng dụng càng rộng thì hiệu quả đem lại mới càng cao. Ví dụ như chế phẩm tăng năng suất cây trồng của chúng tôi có thể làm tăng năng suất và chất lượng nông sản tăng từ 10 – 20%; hay phân bón Phức hợp hữu cơ vi sinh Fitohoocmon cũng làm tăng năng suất cho cây cao su, cà phê, mía đường và nhiều cây trồng khác nữa ít nhất từ 10 – 15%.

Là người sở hữu nhiều phát minh sáng chế, vậy trong số đó, phát minh sáng chế nào ông cảm thấy tâm đắc nhất?

Trong suốt 40 năm nghiên cứu khoa học, tôi luôn tập trung cho một hướng nghiên cứu “phát triển nền nông nghiệp bền vững”. Với sự kiên trì từ đó, đến ngày 27/10/2012 Tổ chức Xác lập kỷ lục Việt Nam đã xác nhận “Tiến sĩ Lê Văn Tri – Người có nhiều bằng sáng chế trong lĩnh vực công nghệ sinh học nhất”. Từ 16 bằng độc quyền sáng chế, để chọn cái nào tâm đắc nhất, nói thật là rất khó, bởi vì mỗi sáng chế giải quyết một vấn đề cụ thể trong từng giai đoạn cụ thể. Bằng sáng chế được cấp đầu tiên vào năm 1991 và bằng gần đây nhất là tháng 10/2012. Nhưng để chọn những sáng chế tâm đắc nhất tôi xin nêu ba sáng chế:

– Quy trình sản xuất phân phức hợp hữu cơ vi sinh Fitohoocmon. Công nghệ này đã được chuyển giao ổn định cho hơn 60 nhà máy sản xuất phân bón sinh học trong cả nước.

 – Công nghệ sản xuất phụ gia bê tông BiFi bằng Công nghệ sinh học: là nền tảng để hình thành Công ty cổ phần sản xuất phụ gia BiFi. Sản phẩm đã cung ứng cho các công trình xây dựng lớn của đất nước.

 – Công nghệ xử lý rơm rạ sau thu hoạch làm phân bón hữu cơ tại ruộng bằng chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR hiện nay đang được triển khai rộng ở hầu hết các tỉnh thành.

Sắp tới ông và các cộng sự sẽ tập trung vào hướng nghiên cứu nào?

Từ kết quả đạt được của công nghệ xử lý rơm rạ bằng chế phẩm Fito-Biomix RR, sắp tới Công ty chúng tôi sẽ tập trung vào hai hướng nghiên cứu mới đó là sản xuất giá thể mạ khay công nghiệp và giá thể sản xuất rau mầm từ mùn rơm rạ.

Đối với giá thể mạ khay, bước đầu chúng tôi đã triển khai mô hình sản xuất mạ khay công nghiệp từ mùn rơm rạ tại một số địa phương như: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định… Việc áp dụng công nghệ này giảm 30% chi phí sản xuất mạ, giá thể mạ khay sản xuất từ rơm rạ và đất tại địa phương vì vậy đây có thể coi là một bước đột phá trong sản xuất mạ khay công nghiệp và mạ trên nền đất cứng phục vụ cho cấy máy và cấy tay nhằm hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

Vấn đề đặt ra ở đây là, một cơ sở sản xuất mạ khay chỉ cần hoạt động bốn tháng theo mùa vụ, vậy tám tháng còn lại chẳng lẽ đóng cửa và cho công nhân nghỉ việc? Câu hỏi này đã dẫn tôi tới lời giải: trong thời gian không sản xuất mạ, cơ sở đó hoàn toàn có thể tận dụng khay để sản xuất rau mầm, một loại rau sạch và dinh dưỡng cao. Chúng tôi đã sẵn sàng cung cấp công nghệ cho người nông dân và thậm chí dám nhận luôn trách nhiệm về đầu ra. Tôi đã nghĩ đến cả khả năng tán rau mầm thành bột để làm thành viên nang trong trường hợp rau tươi không kịp tiêu thụ.

Việc sản xuất rau mầm từ mùn rơm rạ tại Công ty đến nay đã cho kết quả tốt. Áp dụng công nghệ này sẽ giải quyết được vấn đề khó khăn về nguồn cung cấp giá thể. Người dân ai cũng có thể tự sản xuất trồng rau mầm tại nhà với quy trình đơn giản, dễ làm và giá thành hạ (2.000đ/kg, thấp hơn 5 lần so với mua giá thể trên thị trường). Đây có thể coi là một bước đột phá trong sản xuất rau mầm công nghiệp, trong tương lai có thể xuất khẩu công nghệ này.

Là một nhà khoa học chuyển sang làm kinh doanh khá sớm, từ năm 1991, lúc đó ông có cảm thấy tự tin trên thương trường không?

Có chứ, tôi rất tự tin vì tôi biết mình có sản phẩm tốt và có địa bàn ứng dụng rộng. Tôi luôn xác định doanh nghiệp của mình phải đặt khoa học làm nền tảng. Đối với tôi, lấy khoa học làm nền tảng, nếu sản phẩm này thất bại lại có thể nghiên cứu một sản phẩm khác, vì vốn khoa học vẫn còn đó.

Các nhà khoa học thường thừa nhận họ kém ở khâu thương mại hóa sản phẩm. Vậy công ty của ông có cần đến sự cố vấn của các chuyên gia kinh tế không?

Nói như thế cũng chưa hoàn toàn đúng, bởi vì có nhiều nhà khoa học đã thành công lớn trong lĩnh vực kinh doanh. Tất nhiên trong lĩnh vực sinh học và nông nghiệp thì khó khăn hơn vì lĩnh vực này mang tính rủi ro cao và lợi nhuận thu được trên đơn vị lại thấp. Việc hợp tác với các nhà kinh tế đôi khi cũng gặp khó khăn, vì các nhà kinh tế thuần túy thì luôn đặt lợi nhuận lên hàng đầu, trong khi các sản phẩm sinh học nhiều lúc cho không mà nông dân vẫn không dùng. Vì thế chúng tôi phải tự cố gắng và mày mò thôi. Với mỗi sản phẩm, tất nhiên chúng tôi phải tìm cách trả lời cho được các câu hỏi như: khả năng ứng dụng và nhân rộng thế nào, các sản phẩm cùng loại trong nước và trên thế giới đã đi xa đến đâu, và chúng tôi có thể làm gì hơn. Cuối cùng, để cho sản phẩm thực sự chào đời, chúng tôi phải vượt qua những chỗ tắc về khoa học và thực tế. Nếu sản phẩm của chúng tôi ưu việt hơn, chắc chắn chúng sẽ được chấp nhận, chỉ cần chúng tôi kiên trì và biết tổ chức tốt. Chẳng hạn, chúng tôi không phải là người đầu tiên đưa ra ý tưởng sử dụng vi sinh vật để xử lý xenluloza (thành phần của rơm rạ), nhưng lại là người đầu tiên đưa ra chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ có hiệu quả nhất. Chính vì thế chúng tôi mới được cấp bằng độc quyền Giải pháp hữu ích. Sản phẩm của chúng tôi ưu việt hơn sản phẩm của nước ngoài và các sản phẩm khác ở chỗ thời gian xử lý ngắn hơn, số lượng chế phẩm dùng ít hơn, giá thành rẻ hơn, và quy trình công nghệ đơn giản hơn. Tuy vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu và đã đưa ra sản phẩm xử lý tại mặt ruộng, chỉ việc phun lên gốc rạ, thay vì phải thu gom rồi mới xử lý. Hướng này được người nông dân rất ủng hộ.

Bận rộn với công việc quản lý công ty, ông có còn thời gian vào phòng thí nghiệm nữa không?

Là một nhà khoa học, phòng thí nghiệm luôn là nơi mà tôi yêu thích. Với các sản phẩm xuất phát từ ý tưởng của mình, dù bận rộn đến mấy tôi vẫn trực tiếp làm những thí nghiệm quan trọng, Phòng thí nghiệm của Công ty tuy không lớn nhưng đầy đủ các thiết bị hiện đại để đáp ứng yêu cầu thực hiện các dự án cấp Bộ và cấp Nhà nước. Trên thực tế, tôi đã là chủ nhiệm và Công ty đã là đơn vị triển khai hàng chục đề tài cấp Bộ và cấp Nhà nước. Việc bố trí thời gian giữa nghiên cứu khoa học, tổ chức triển khai và kinh doanh sản phẩm một cách rạch ròi là rất khó nhưng việc nào cũng phải cố làm thì mới mong có thành công trọn vẹn.

Xin cảm ơn ông!

                            
PV thực hiện

Tác giả