TS Nguyễn Việt: Mở lối độc đạo để vẽ quá khứ

Con đường nghiên cứu vi tư liệu của TS Nguyễn Việt đã góp phần đem lại những mảnh ghép giúp bức tranh khảo cổ học tiền sơ sử của Việt Nam thêm các đường nét cụ thể và sinh động hơn.


TS Nguyễn Việt bên các trống đồng và hiện vật Đông Sơn mà ông sưu tập được. Nhiều lần phát hiện ra các nhóm đào trộm cổ vật vứt lại những mảnh hiện vật vỡ, nát, ông phải xin lại để phục chế. Ảnh: Bảo Như.

Vi tư liệu giúp hoàn chỉnh các mảnh ghép khảo cổ

Kể từ khi nhà khảo cổ học M. Colani phát hiện các di chỉ khảo cổ học đầu tiên thuộc về chủ nhân người Hòa Bình và đặt một khái niệm mới “Văn hóa Hòa Bình” lên bản đồ tiến hóa của thế giới vào năm 1932, đến ngày nay, các nhà khoa học vẫn tiếp tục hành trình tìm hiểu về tổ tiên của chúng ta cách đây 20.000 năm cũng như xác định mối liên hệ với các nền văn hóa khảo cổ như Đông Sơn, Đồng Đậu, Phùng Nguyên… TS Nguyễn Việt (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á) là một người trong số họ. Ông đã dành cả đời mình, cần mẫn lặn lội khắp các di chỉ nằm trong hang động của người Hòa Bình cho tới các di chỉ đã hình thành làng mạc của người Đông Sơn, qua đó giúp tìm ra những mảnh ghép cho bức tranh thời tiền sơ sử. 

Nghiên cứu về quá khứ không chỉ trả lời các vấn đề lớn như “ta là ai”, “từ đâu tới”, có “cấu trúc xã hội” như thế nào mà còn phải giải đáp hàng loạt các câu hỏi cụ thể như chế độ dinh dưỡng thời ấy là gì, họ mặc trang phục như thế nào, những di cốt được tìm thấy chết vì nguyên nhân gì…bằng khảo cổ vi tư liệu. Trong khoảng 10-20 năm trở lại đây, ngành cổ nhân học liên tục có các phát hiện mới dựa vào vi khảo cổ để trả lời câu hỏi chi tiết đó nhằm giúp hình dung đầy đủ, hoặc thậm chí nhận thức lại về xã hội loài người trong quá khứ (trong đó điển hình như năm 2019, việc đào xới lại hàng nghìn mẩu đất đá ở hang Denisova (biên giới Nga) kể từ lần khai quật những năm 1980 đã giúp tìm và khôi phục mẫu vật, giải trình tự gene con lai đầu tiên, chứng minh mối quan hệ giữa hai chủng người Neanderthal và Denisova). Nhưng ở Việt Nam, các câu hỏi tưởng như “nhỏ nhoi” kia hầu như chưa được quan tâm đúng mức. “Chính vì thế tôi theo đuổi hướng nghiên cứu khảo cổ học vi tư liệu, hay nói cách khác, tôi làm những gì mà Viện Khảo cổ học, các trường đại học, các bảo tàng trong nước không làm hoặc chưa làm”, TS. Nguyễn Việt lý giải vì sao ông lại chọn một hướng đi khác với các cơ quan nghiên cứu nhà nước. 

TS Nguyễn Việt thực thà bộc bạch rằng điều ông vừa nói có thể làm cho những đồng nghiệp trong các cơ quan nghiên cứu nhà nước phật lòng nhưng nó xuất phát từ một thực tế mà ông giải thích cặn kẽ là trong một thời gian dài, các viện đã “không đi vào những điều rất cụ thể như quần áo, dinh dưỡng, nghề làm nông… để người dân hiểu được hiện tượng tiền sử của Việt Nam sinh sống như thế nào”. Vì thế nên ông “phải làm kỹ hơn, sâu hơn để tạo nên bức tranh tiền sử, hỏi đến lúa thì tôi không chỉ biết đó là lúa gì, giống nào, mà còn hiểu lông của lúa, gai của lúa ra làm sao, chu trình sinh học của nó thời ấy như thế nào” để cho ngành khảo cổ học trong nước không bị khuyết thiếu những thông tin sinh động đó. “Nếu mình tự lập một trung tâm nghiên cứu riêng mà lại làm trùng nội dung với các viện nhà nước thì rõ ràng làm một việc không cần thiết”, ông nói.

Do đó, thay vì chỉ tập trung đào xới tìm các hiện vật được cho là quan trọng như di cốt người, công cụ, trang sức… thì ông còn phải sàng lọc cả xe đất đá không bỏ sót thứ gì trong khu khai quật, tìm con ốc trong hang để có thể xác định vòng sinh học và ngày chết, soi từng vết mòn trên trống đồng, thạp đồng. Những chi tiết lẩn khuất một cách bí ẩn trong mỗi di vật nhỏ nhỏ như thế thật dễ bị bỏ qua nhưng lại không thoát khỏi cặp mắt tinh nghề của ông. Nhặt nhạnh từng chi tiết một, ông đã phát hiện ra hàng nghìn mẫu vật vải có thể giúp hình dung ra người thời Đông Sơn đã biết mặc vải lanh, vải gai, tìm ra hàng trăm hạt giống khác nhau, từ lúa gạo cho tới hạt tiêu, hạt chè… Các mẫu vật tưởng chừng vô giá trị ấy, dưới sự bóc tách của TS Nguyễn Việt, một chuyên gia hội tụ đủ hiểu biết và sự tỉ mỉ cần thiết, đã hé lộ những mảnh ghép về tổ chức kinh tế xã hội tiền sử.

Không ngần ngại “nhặt nhạnh” và kiên trì làm việc mà không bị những thúc ép về mặt hành chính, ông đã khám phá từng vết nứt trên các công cụ đá của người tiền sử lộ ra những vết tích của thức ăn, từ đó hình dung thêm về chế độ dinh dưỡng của người cổ. Lại chính ông chứ không phải ai khác đã thấy các cách đánh trống khác nhau từ các vết mòn trên trống đồng Đông Sơn để trả lời câu hỏi mà giới khảo cổ học tìm kiếm bấy nay, ví dụ có thể đặt thẳng như trong mô tả trên trống hoặc ôm ngang người, hoặc treo lên để đánh. Với những hiểu biết đó, ông đã có những công bố trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành mà cái tiêu đề đã đủ nói lên tính hấp dẫn của thông tin “Cái chết của người đàn bà Xóm Rền cách ngày nay 3500 năm”, “Vải sợi trong văn hóa Đông Sơn”, “Lương thực của người Việt cổ”… Các nghiên cứu vi tư liệu của ông giúp vẽ chi tiết bức tranh về lịch sử hình thành vết tích con người thời đại đồ đá ở vùng Hà Nội cổ, những cư dân trồng lúa đầu tiên ở ven vịnh Hà Nội, biến thoái, sự hình thành vựa lúa đầu tiên ở hạ lưu sông Hồng, những vùng kinh tế – văn hóa Đông Sơn trên nền vựa lúa vịnh Hà Nội cổ…

Chính vì thế, ông được các nhà khảo cổ học nước ngoài nghiên cứu về Việt Nam đánh giá là một trong những người có phương pháp luận tốt nhất hiện nay. Giáo sư Trần Quốc Vượng, trong bài viết nhân ngày mất của PGS Trịnh Cao Tưởng đã nhận xét về học trò mình: “Khảo cổ học vi tư liệu phải nói đến Nguyễn Việt”. TS Nishimura (nhà nghiên cứu về văn hóa Hòa Bình và Sơn Vi, đã tham gia đào tạo cán bộ trẻ cho Viện Khảo cổ học trong nhiều năm) từng nói “nếu Đăng muốn trở thành nhà khảo cổ học thực sự giỏi thì hãy tìm đến học Nguyễn Việt”, TS Lê Hải Đăng, Phòng Nghiên cứu thực nghiệm, Viện Khảo cổ học kể và sau đó anh đã đến Trung tâm để học cùng TS Nguyễn Việt. Còn GS Peter Bellwood, nhà khảo cổ học từ Đại học Quốc gia Úc, Tổng Thư ký Hội Tiền sử châu Á – Thái Bình Dương đã tìm đến TS Nguyễn Việt để nghiên cứu hang Xóm Trại (di chỉ thuộc Văn hóa Hòa Bình) cũng như công bố chung về nghiên cứu vải của thời Đông Sơn, thuyền cổ của người Việt Nam từng nhận xét “Việt có kinh nghiệm và kiến thức về Việt Nam tỉ mỉ hơn tôi”. 

Tự vẽ con đường nhưng không có nghĩa là ông lặng lẽ làm một mình, trái lại ông kết nối chặt chẽ với các nhà khảo cổ học, các viện nghiên cứu thuộc nhiều chuyên ngành khác từ Đức (nơi ông được đào tạo và nghiên cứu suốt 10 năm trước khi trở về Việt Nam cuối những năm 1990) cho đến Úc, Nhật. Bởi vì khảo cổ học vi tư liệu cần tới những công cụ, phương pháp tiên tiến từ các ngành khoa học tự nhiên khác… Những mẫu vật được ông gửi đi khắp các phòng thí nghiệm của Viện khảo cổ Đức, Nhật, mang đi mời các nhà chuyên môn ở các ngành khác như nông nghiệp, sinh học, nghiên cứu gene cùng ngồi phân tích. Ông không chỉ lặn lội tìm đến từ thế hệ các nhà nông học hàng đầu như cố GS Đào Thế Tuấn (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp) cho tới các nhà khoa học trẻ như TS Hoàng Hà (Trung tâm giải mã gene hài cốt liệt sĩ, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) để giải mã các hiện vật bằng các kỹ thuật hiện đại mà còn thường tìm dự các khóa hội thảo của từng ngành để có cái nhìn đa chiều, đa ngành về những gì mình đang làm. “Tôi vô tình gặp TS Nguyễn Việt trong một cuộc hội thảo của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tổ chức, nghe ông đặt ra một số câu hỏi và quyết tâm phải lên Trung tâm của ông lấy mẫu về phân tích và tìm hiểu gene”, TS Hoàng Hà kể. Nhờ đó hai bên đã tiến hành một đề tài nghiên cứu về gene người cổ dựa trên các mẫu vật khai quật được, và rất có thể tới đây TS Hoàng Hà và TS Nguyễn Việt có thể trả lời cho nguyên nhân cái chết của người cổ từ cách đây cả nghìn năm cũng như hé mở ra các giả thiết khác về bệnh học của người Đông Sơn. 

Một tay xoay sở

Nhìn vào khối lượng công bố hàng trăm bài viết trên các tạp chí trong nước và quốc tế, các hội thảo khảo cổ học thế giới về các văn hóa tiền sơ sử ở Việt Nam và Đông Nam Á về khảo cổ học tiền sơ sử, người ta dễ lầm tưởng rằng đằng sau đó là cả một ekip với bộ máy hoàn chỉnh. Nhưng thực ra suốt 20 năm nay, kể từ ngày thành lập Trung tâm, chỉ có duy nhất một tay ông lo liệu, ngoài ra chỉ có một cộng sự là nhà nghiên cứu Tạ Đức chuyên khảo sát về dân tộc học cùng một số nhân viên giúp việc để thực hiện các phần việc đơn giản trong xử lý và bảo quản hiện vật. Nhịp sống hằng ngày của ông gắn liền cùng một nhịp với nghiên cứu: không gian nghiên cứu, nơi chứa đựng hàng vạn mẫu vật này cũng chính là nhà của ông. Ngoài căn hầm riêng để chứa hiện vật, ông phân chia khu nhà này thành hai nửa: một nửa để ở, một nửa để tiếp các đoàn khách nghiên cứu nhưng đôi khi thật khó phân biệt ông thuộc về nửa nào, bởi ông vẫn thường lụi cụi giữa ngổn ngang những gốm, xương, hiện vật vỡ và ngồi bên kính hiển vi đến cạn ngày. 


Nghiên cứu viên trong đoàn nghiên cứu khảo cổ học Ba Lan sang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á vào tháng 12/2019. Ảnh: Bảo Như.

Cách làm việc xoay sở một mình của ông “không dễ hợp tác với người khác trong khu vực công”, như chính ông cho biết và các nhà nghiên cứu khác cũng có cùng cảm nhận. Bằng chứng là tất cả đề tài nghiên cứu của ông đều có nguồn tài trợ từ ngân sách bằng… không. Không phải vì ông không cần tới tiền tài trợ cho nghiên cứu, mà vì ông đã từng kinh qua trong hệ thống nhà nước từ những năm 1970-1980 nên hiểu rõ ràng buộc khắt khe về hành chính, độ trễ về tài chính, ngân sách. Có lẽ ông là người đi tiên phong, từ nghiên cứu vi tư liệu cho đến muốn xin thành lập một nhóm nghiên cứu mạnh (gồm ông và một số cán bộ trẻ khi đó như  PGS Hà Hữu Nga, PGS Tống Trung Tín) để trở thành một tổ chuyên môn tương đương với trình độ của thế giới trong bối cảnh nghiên cứu khảo cổ học những năm ấy còn rất đơn sơ và chưa theo thông lệ quốc tế … nên bất thành. Cung cách quản lý cũ kỹ của những ngày đó còn khiến ông muốn xin một chiếc ô tô chở máy phát điện lên hang Xóm Trại (Hòa Bình) nhưng không nổi, tới mức GS Phạm Huy Thông phải đích thân đi lên Xóm Trại đọc sách để “tạo điều kiện” riêng cho ông có máy nổ trong hai ngày. Ngày đó ông hiểu rằng để tìm kiếm một con đường riêng của mình và tận tụy với nó thì nên thành lập một trung tâm nghiên cứu độc lập. 

Nhưng chọn một lối đi riêng thì “anh làm thế nào để nuôi được trung tâm?”. Khi nhận được câu hỏi của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, ông thực thà kể rằng “khi có trong tay một khoản tiền dự định dành cho nghiên cứu mà chưa dùng tới, em mua một căn nhà để đó rồi lúc được giá thì lại bán. Nhưng nếu là nhà nước thì chắc đến anh cũng khó làm được điều như vậy!”. Đó chính là cách mà ông vận hành Trung tâm: sử dụng nguồn tiền có được từ những năm tháng đi học tập, nghiên cứu và lăn lộn gửi hàng từ Đức về Việt Nam để bán, sau khi lo đủ cho gia đình theo nguyên tắc chia ba (một phần nuôi vợ con, một phần nuôi bản thân và phần thứ ba cho đam mê nghiên cứu), ông dành dụm được 100.000 USD và quyết định sẽ quay vòng số tiền này dành cho công việc nghiên cứu. Ông luôn tính toán cực kỳ chi tiết là làm gì, tiêu cái gì, bởi vì chỉ sai một bước thì trung tâm sẽ không có kinh phí hoạt động. Ngoài việc nộp hồ sơ xin tài trợ nghiên cứu từ các quỹ của thế giới cho từng đề tài và đi hội thảo quốc tế hằng năm cũng như có tiền cho thực tập sinh ăn ở đây miễn phí, ông thu vén để có thêm tiền mua trang thiết bị hiện đại cho Trung tâm bằng cách mua nhà đất thanh lý rồi đợi được giá bán đi, mua đất đồi ở Hòa Bình để vừa xây dựng trạm nghiên cứu thứ hai vừa… trồng dổi để thế hệ kế cận trung tâm này có vốn làm nghiên cứu tiếp. Ông tự tay phác thảo quy hoạch, thiết kế kiến trúc, vật liệu rồi gọi thợ người địa phương và tự trông coi giám sát việc xây dựng trung tâm trong suốt 2 năm để xây dựng trụ sở. Khi các chuyên gia và GS Trần Đức Lương tới thăm Trung tâm, vẫn còn xoàng xĩnh “tan hoang”, ông bảo “bọn em tay không bắt giặc thế này thôi nhưng đảm bảo nội dung khoa học đầy đủ”.


GS Peter Bellwood (bìa trái) cùng TS Nguyễn Việt xem xét những con thuyền độc mộc mà TS Nguyễn Việt khai quật, lưu giữ. Ảnh: NVCC.

Cái khó thứ hai là những trung tâm độc lập như của TS Nguyễn Việt, dù có năng lực chuyên môn nhưng rất ít khi có cơ hội tham gia bảo tồn các hiện vật quý, ngay cả khi nó đang trên bờ vực bị tan thành từng mảnh theo nghĩa đen bởi có nhiều ràng buộc chỉ các cơ quan nhà nước mới có thể thực thi. Nên ông cũng tự nhận xét “mô hình nghiên cứu độc lập như của tôi có lẽ chưa chín muồi khi nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam”. Ông kể, vào năm 2001, khi ông cùng người dân tìm ra mộ thân cây khoét rỗng ở Hưng Yên, đã báo ngay cho Bảo tàng tỉnh cử người xuống để cùng dân xem xét, Sở Văn hóa Hưng Yên làm ngay công văn gửi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xin phép phối hợp với Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á khai quật chữa cháy. Mặt khác, ông cùng GS Cao Xuân Phổ, TS Ngô Thế Phong, TS Ngô Văn Doanh đến gặp Cục Di sản để xin xác minh năng lực của Trung tâm. Cục Di sản cử cán bộ xuống Trung tâm để xác minh có đủ năng lực thực hiện khai quật nhưng người của Cục chưa ra khỏi cửa thì có điện thoại nói là lãnh đạo bộ không đồng ý cho Trung tâm khai quật vì “các anh không có tóc để nắm” – Cục không có trách nhiệm để cấp phép cho một tổ chức phi chính phủ để khai quật. Sau đó, “Sở Văn hóa tỉnh Hưng Yên vẫn quyết mời tôi xuống khai quật không cần giấy phép của Cục Di sản. Đó là bài học rất cụ thể mà mỗi lần thảo luận tôi hay nói, các cơ quan quản lý di sản sẽ chịu trách nhiệm trước rất nhiều thứ di sản đang dần mất mát đi như thế”, ông nói.

Chưa kể, một trung tâm phi chính phủ, dù được đánh giá là đủ tốt để liên kết nghiên cứu với bất kỳ nhóm khảo cổ nào trên thế giới, vẫn sẽ không đủ kinh phí để tham gia bảo tồn, bảo quản những hiện vật đòi hỏi đầu tư lớn và dài hạn. Ví dụ như hiện nay, ông đã cùng người dân khai quật và đang giữ 20 con thuyền, trong đó có 6 thuyền từ thời Đông Sơn “đẹp mới đến mức Peter Bellwood sang nhìn thấy chỉ muốn ôm lấy nó” nhưng không đủ kinh phí để mua hóa chất PEG ngâm giữ. Sức của ông chỉ có thể ngâm những con thuyền này trong bể bơi để chống co ngót, hằng tuần lại phải hút nước lên, đưa nước vào, trong khi có một con thuyền đã bị tan nát đến độ đáng thương mà không đủ kinh phí phục chế hay ngâm giữ. Ông đang kêu gọi và xin tiền để bảo quản những hiện vật quý giá này, nhưng chưa rõ tới đây sẽ xin được hay không. Tương tự với hàng ngàn hiện vật vải, ông chỉ có thể bảo quản và ngâm giữ 5% số hiện vật vải mà ông sưu tập được, còn lại phải để trong kho. Nhưng ông vẫn giữ lại ở đó như một phần của “bảo tàng của sự bất lực”, để những người làm di sản biết và sau này tránh lặp lại.□

TS Nguyễn Việt cùng 14 nhà khoa học thành lập Trung tâm nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á từ năm 1999. Ngoài việc nghiên cứu ông còn thành lập Quỹ Phạm Huy Thông theo tên người thầy định hướng nghiên cứu cho ông nhằm hỗ trợ đào tạo các nhà nghiên cứu trẻ khi đến làm việc, thực tập ở Trung tâm cũng như góp phần thu thập hiện vật, cấp cứu một số hiện vật khảo cổ học đang xuống cấp.
Trong suốt 20 năm qua, ông tự xây dựng hai trạm nghiên cứu khảo cổ và bảo tàng học ở Quảng Ninh và Hòa Bình và lưu giữ hàng vạn hiện vật, tiêu bản; Đầu tư và tham gia khai quật và gìn giữ hiệu quả ba di tích khảo cổ học có giá trị: Hang Xóm Trại, Mái đá Đú Sáng (thuộc văn hóa Hòa Bình) và hầm mộ Hố Của (hầm mộ gạch đầu công nguyên, tại Yên Hưng, Quảng Ninh); Chủ trì và tham gia thực hiện thành công trên 20 đề tài nghiên cứu, biên dịch, xuất bản, hội thảo khoa học trong và ngoài nước với cả trăm bài nghiên cứu đã được công bố trong các tạp chí và Hội nghị khảo cổ học quốc tế thường niên; Hợp tác và tiếp đón hơn 30 đoàn, cá nhân nghiên cứu từ các nước Úc, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Ba Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Malaysia, Lào, Campuchia… nghiên cứu tại Trung tâm.

Tác giả