Từ 200 năm đến 700 năm: Singapore viết lại lịch sử quốc gia

Năm 2019 là năm kỷ niệm 200 năm sự kiện Sir Stamford Raffles sáng lập thuộc địa Singapore cho Đế quốc Anh. Sự kiện trên một thời được coi là khởi đầu của lịch sử đảo quốc, giờ đây trở thành bộ phận của một dòng tự sự lịch sử rộng lớn hơn nhiều – đây là một dự án nhằm kiến tạo lại bản sắc quốc gia “dân tộc” do chính phủ và các học giả Singapore chủ động thực hiện.

 



Bìa cuốn sách “Bảy trăm năm”: Một Lịch sử Singapore mới được xuất bản tháng 5 năm nay. Cuốn sách này, cùng một website bổ trợ, mới được Chính phủ Singapore công nhận làm tài liệu tham khảo chính cho chương trình giáo dục lịch sử bậc phổ thông, được đưa vào giảng dạy từ năm 2014. Nguồn: Wardah Books.

Bên bờ sông Singapore với khu phố cổ và những tòa nhà chọc trời làm nền, bức tượng Ngài Thomas Stamford Raffles đứng hiên ngang tại điểm nơi ông cùng tùy tùng lần đầu đặt chân lên hòn đảo – nơi sau đó sẽ trở thành một thuộc địa giàu có bậc nhất của Đế chế Anh ở Viễn Đông. Dòng chữ trên bệ tượng, tạc vào năm 1972, viết: “Tại địa điểm lịch sử này, Sir Thomas Stamford Raffles lần đầu đặt chân lên Singapore vào ngày 28 tháng 1 năm 1819, với trí tuệ và tầm nhìn đã thay đổi vận mệnh của Singapore từ một làng chài vô danh trở thành một hải cảng to lớn và đô thị hiện đại.”

Trong năm nay, một chuỗi sự kiện hoành tráng được tổ chức để kỷ niệm sự kiện này. Thế nhưng, một quyết định bất ngờ được đưa ra từ phía chính quyền Singapore: Chương trình kỷ niệm sẽ không tôn vinh cả sự kiện lẫn nhân vật chính, thay vào đó sẽ được dùng để tôn vinh “700 năm lịch sử” của đảo quốc, giờ đây được tính từ năm 1299, trước khi Raffles xuất hiện tới 500 năm.

Để minh họa, trước ngày kỷ niệm vài tuần, chính quyền “bất ngờ” thuê họa sĩ tô lại tượng Raffles cho lẫn màu với nhà cửa xung quanh. Sáu ngày sau, người ta đặt thêm tượng bốn nhân vật lịch sử khác của đảo quốc xung quanh tượng chính: một quân vương thế kỷ 14, một học giả người Malay, một thương nhân người Ấn và một thương nhân người Hoa.

Hôm 30/5, một chương trình biểu diễn và triển lãm đặc biệt mang tên “Trải nghiệm 200 năm” được khai trương trên đồi Pháo đài Canning (Fort Canning Hill) lịch sử ở trung tâm thành phố với sự tham dự của Tổng thống Singapore Halimah Yacob cùng học giả và quan chức. Mở cửa liên tục đến tháng 9, chương trình được thiết kế công phu – gồm một sân khấu trải nghiệm trong nhà mang tên “Nhà du hành thời gian”, một triển lãm ngoài trời với tám phần riêng biệt và trình chiếu về đêm – giúp khán giả được “chứng kiến” câu chuyện lịch sử với gần 30 nhân vật lịch sử khác nhau “làm nên dân tộc Singapore”. Trong ngày khai mạc, bà Halimah cũng cho ra mắt bản in cuốn sách lịch sử mới, mang tiêu đề “Bảy trăm năm: Một Lịch sử Singapore” được các nhà sử học trong và ngoài nước biên soạn bằng nguồn tài trợ chính phủ. “Cuốn sách mới này đã phá bỏ sự ngộ nhận rằng Singapore trước khi Raffles đến đây chỉ là một làng chài mơ ngủ, vô danh – hơn kém một chút so với ‘chỗ ẩn náu theo mùa của cướp biển’, như một số người từng nói”, bà Tổng thống nói.

Điểm xuất phát trung tính

Những biểu hiện trên có gì đáng chú ý? Thực tế là khái niệm và mô tả về “700 năm lịch sử” mới được chính quyền Singapore chính thức sử dụng trong khoảng 5 năm trở lại đây. Bản thân sự kiện kỷ niệm – trước khi được thay đổi – cũng chỉ muốn tập trung vào 200 năm lịch sử theo đúng tên gọi ban đầu, theo ông Tan Tai Yong, chủ tịch Phân viện Đại học Yale-NUS và thành viên ban cố vấn sự kiện, trả lời SCMP.

Lịch sử “chính thống” của Singapore, được sử dụng trên truyền thông, trong chính trị và giảng dạy tại các trường học, xoay quanh ý tưởng về “Câu chuyện Singapore” (the Singapore story). Khái niệm trên, được đặt ra trong truyền thông đại chúng và trên diễn đàn chính trị lần đầu bởi Thủ tướng Lý Hiển Long vào năm 1997, mô tả lịch sử của quốc đảo như là “con đường tới thành công” – từ nền tảng ban đầu được gây dựng bởi nền thực dân Anh và cộng đồng dân di cư, trong đó nhấn mạnh vào ảnh hưởng và vai trò của Hoa Kiều, với mốc khởi đầu là cuộc đổ bộ của Raffles năm 1819. Về mặt học thuật, tự sự lịch sử này được xây dựng từ công trình sử học “Lịch sử Singapore”, 1819 – 1975 do Mary Turnbull, giáo sư Đại học Quốc gia Singapore biên soạn (bà là người được coi là “bà mẹ của sử học Singapore”), và sau đó được chính quyền Lý Quang Diệu tiếp thu nhiệt tình từ những năm 1980-1990 với vai trò trung tâm của Ngoại trưởng Singapore, khi đó là S. Rajapatnam.

Tuy nhiên, phát triển của nghiên cứu sử học tại Singapore trong khoảng 50 năm qua đã thúc đẩy cho sự thay đổi. Các bằng chứng từ sử học và khảo cổ học, đặc biệt là cuộc khai quật tại đồi pháo đài Canning do GS. John Miksic thực hiện năm 1984, cho thấy Singapore đã có người định cư từ thế kỷ 14, và trong thế kỷ 15 và 16 trở thành một trung tâm chính trị – thương mại khu vực. “Với những bằng chứng đang có về Singapore tiền thuộc địa, giờ mà nói rằng lịch sử nước ta bắt đầu từ năm 1819 sẽ là không thể chấp nhận được,” ông Tan giải thích: “Thực tế mà nói, điều đó hoàn toàn sai về cơ bản.”

Lịch sử mới giờ đây lấy sự ra đời của Singapore từ sự kiện năm 1299, khi hoàng tử Sang Nila Utama (khoảng 1200-1347) từ Palembang (nay ở Indonesia) thành lập vương quốc Singapura trên hòn đảo khi đó gọi là Temasek. Tới trước khi trở thành thuộc địa Anh, Singapore được mô tả là trung tâm tranh giành ảnh hưởng của các đế chế lớn trong lịch sử Đông Nam Á, từ Srivijaya, Majapahit, đến Ayutthaya và Hồi quốc Melaka và Johor-Riau.

Cách diễn đạt nhấn mạnh vào nguồn gốc thế giới Mã Lai của Singapore do đó, không chỉ làm giảm bớt giá trị của sự kiện được coi là thành lập Singapore năm 1819, mà còn giúp thay đổi cách nhìn nhận tiêu cực trước nay về người Malay tại Singapore, theo TS. Nazry Bahrawi (Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore), chuyên gia về văn tự Hồi giáo. Ông nói: “Định kiến về người Malay là những “người bản địa lười nhác” có nguồn gốc từ thời kỳ thực dân Anh. Và chính cách nhìn nhận Singapore trước Raffles là một ngôi làng Mã Lai vô danh càng giúp củng cố định kiến đó.”

Thay đổi định kiến này rất quan trọng, bởi xung đột sắc tộc từng là chủ đề nhạy cảm cho “lịch sử quốc gia” Singapore. Xung đột giữa người Hoa và người Malay thường được nhấn mạnh là nguyên nhân chính khiến Lý Quang Diệu và Đảng Nhân dân Hành động (PAP) của ông tách Singapore độc lập khỏi Liên bang Malaysia năm 1965. “Chính phủ Singapore cảm thấy rằng nếu như người dân nhìn nhận bản quán của mình là Trung Quốc, Ấn Độ hay quần đảo Mã Lai như đúng nguồn gốc của họ, thì sẽ tạo nên một lịch sử bị chia rẽ”, TS. Nazry nói, chỉ ra rằng lựa chọn sự kiện 1819 và Raffles được coi là điểm xuất phát trung tính ở thời điểm đó.

Nhưng không phải ai cũng đồng ý với phương pháp viết lại lịch sử quốc gia này ở Singapore. Một số ý kiến phản đối cho rằng đó chỉ là một biện pháp cải lương nửa vời của chính quyền Singapore muốn “nói thay” tiếng nói của người dân. “Thay vì lối tiếp cận từ trên xuống thời Rajapatnam (theo kiểu ‘đây là quá khứ và chúng tôi nói thế’), lối kể chuyện chính thống tạo ra một ảo ảnh về sự tham gia dân chủ và vị trí bình đẳng của các tiếng nói trong xã hội,” cây bút Nien Yuan Cheng bình luận trên trang New Mandala. Thêm vào đó, việc lựa chọn thời điểm cũng bị cho là có ý đồ chính trị, xét việc cuộc tổng tuyển cử Singapore sẽ diễn ra vào cuối năm nay và đảng PAP cầm quyền đang cần thu hút thêm cử tri từ các nhóm cộng đồng khác nhau.





Tượng đài Raffles phải “chia sẻ” vị trí với các nhân vật lịch sử khác, một cách để Chính phủ Singapore minh họa cho tự sự lịch sử mới “700 năm” của mình. Nguồn: IAVC

Giải thực dân thành công

Mục tiêu khác mà chính quyền Singapore hướng đến với tự sự lịch sử mới là việc xác định rõ hơn vị trí thuộc về “Đông Nam Á” của quốc gia. Giới tinh hoa tại Singapore từ lâu vẫn cho rằng sự phát triển của quốc gia đến từ việc nước này đã chủ động tách khỏi liên hệ khu vực để kết nối với các trung tâm kinh tế và quyền lực thế giới, như Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu. Sự tách biệt này đã thành công, theo GS. Wang Gungwu (ĐHQG Singapore), chuyên gia hàng đầu về lịch sử người Hoa, vì nó giúp Singapore xây dựng bản sắc độc lập của mình, khác với Hồng Kông, một cảng thị thuộc địa khác của Anh đến nay vẫn vật lộn với ảnh hưởng của Trung Quốc.

Thế nhưng, điều đó không hẳn là một lợi thế, theo GS. Wang: “Hai thế kỷ tách biệt đã tạo ra một lối nghĩ rằng sẽ dễ hơn cho Singapore nếu muốn kết nối đến những nơi xa – càng xa càng tốt – trong khi kết nối gần thì lại gượng gạo.” Nhà sử học Chua Ai Lin (Hiệp hội Di sản Singapore) cũng đồng ý với điều đó, cho rằng Singapore tự nhận việc chưa làm tốt trong việc nhận thức rằng bao nhiêu phần của mình thuộc về Đông Nam Á.

Mặt khác, việc lịch sử mới hạ thấp vị trí của sự kiện 1819 cũng được xem là cơ hội để Singapore hoàn thành “giải thực dân” quá khứ của mình. Nỗ lực này là cách để chương trình kỷ niệm vượt qua các chỉ trích về diễn đạt trước đây rằng “Singapore là thuộc địa cũ cuối của Đế chế Anh còn tôn vinh di sản thực dân của mình”. Ban tổ chức chương trình kỷ niệm được khuyến cáo từ đầu phải tránh sử dụng từ ngữ như “chúc mừng” cho sự kiện 1819. Thay vào đó, người ta tập trung vào yếu tố “cộng đồng”, như cách quảng bá việc tập hợp nhiều “nhóm cộng đồng” cùng xây dựng “chân dung lịch sử” về các lớp cư dân sinh sống tại Singapore trước và sau 1819. “Nhiều nhóm dân tộc và cộng đồng khác nhau đã cùng tham gia ‘hành trình Singapore’ ở những thời điểm khác nhau, và chúng tôi muốn tìm lại chỗ đứng của họ trong lịch sử dài hơn của mình cũng như của những người đã từng để lại dấu ấn của mình lên Singapore,” người phát ngôn chương trình nói.

Theo PGS. Goh Geok Yian (ĐH Nanyang), chuyên gia về khảo cổ và sơ sử Đông Nam Á, đây là cơ hội để nhìn lại, và thấu hiểu nhiều chiều cạnh của những gì đã diễn ra, và được trải nghiệm: “Đây không phải là một sự ủng hộ hay chấp thuận mù quáng, mà là một lời kêu gọi người ta cùng suy nghĩ về lịch sử và vì sao chúng đã diễn ra như thế,” bà nói.

Cân bằng kết nối với Đông Nam Á
Từ ngày 1-2/10, một hội thảo kỷ niệm Hai trăm năm đã được tổ chức tại Trung tâm hội nghị Raffles City với sự tham gia của giới chức và đông đảo học giả nổi tiếng tại Singapore. Nhằm “nhìn lại những thành tựu của 700 năm lịch sử và con đường tương lai” của đảo quốc, thảo luận được chú ý ở hội thảo xoay quanh vấn đề “tách biệt” hay “kết nối” giữa Singapore với khu vực.
Đối mặt với một thế giới ngày càng bất ổn và sự nổi lên của Trung Quốc như một siêu cường khu vực, Đông Nam Á ngày càng trở nên quan trọng với Singapore. Điều này dường như đối lập với hình dung của đa số người Singapore về khu vực: “Tôi hơi bối rối vì thực tế là chúng ta nói về Đông Nam Á như thể nó ở ngoài kia. Không phải chúng ta ở Đông Nam Á, và Đông Nam Á ở đây với chúng ta sao?” GS. Brenda Yeoh (ĐHQG Singapore) đặt câu hỏi, chỉ ra cách đối xử hiện tại của Singapore với lao động nhập cư phản ánh một thái độ “thực dân” tồn tại với các nhóm thiểu số trong nước. Một giải pháp, theo GS. Farish Ahmad-Noor (Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajapatnam) cho rằng Singapore cần phải tiếp thu một bản sắc khu vực Asean và chấp nhận sự đa dạng và phức tạp của quốc gia.
Tuy vậy, theo GS. Wang Gungwu (ĐHQG Singapore), việc kết nối lại không phải là không thể, nhưng đó là một thách thức trong bối cảnh phức tạp hiện nay: “Thách thức này đòi hỏi Singapore phải đồng thời vừa kết nối xa để tồn tại về kinh tế, chính trị và an ninh, vừa kết nối lại với nước láng giềng – điều mà nếu không làm được, Singapore sẽ gặp nhiều khó khăn lớn hơn trong hai thập niên tới.” Nguồn: The Strait Times.
 
Tuấn Quang tổng hợp (Theo South China Morning Post, The Strait Times, Today, The Independent, New Mandala)

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)