Từng bước áp dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp

Mở đầu cuộc trao đổi với Tia Sáng, PGS.TS Trần Đức Viên - Hiệu trưởng trường ĐHNN I bảo nên coi đây chỉ là cuộc nói “chuyện phiếm”. Nhưng những điều ông nói thực sự là mối quan tâm, ưu tư trăn trở của một nhà quản lý, một nhà khoa học tâm huyết với sự phát triển nông nghiệp và nông thôn.


Nhiều năm qua, các nhà quản lý và cả một số nhà khoa học nông nghiệp cho rằng: khoa học công nghệ (KHCN) đóng vai trò rất quan trọng vào sự phát triển nông nghiệp và nông thôn (NN&NT). Còn ông, căn cứ vào đâu mà tại cuộc Tọa đàm vừa qua ở Bộ KH&CN, lại cho rằng KH&CN đóng góp không đáng bao nhiêu?
Trong suốt mấy chục năm qua, kinh tế nông nghiệp phát triển phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố chính sách và thể chế chứ không phải là KH&CN. Ai cũng biết thời kỳ chống Mỹ các HTX đều thành lập các đội khoa học – kỹ thuật, làm bèo dâu, giống mới… nhưng năng suất đì đẹt, tăng không đáng là bao. Nhưng khi có Khoán 10, năng suất, sản lượng tăng vọt. Theo tôi, đúng là đội quân KHKT nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh sản lượng, lương thực, phát triển chăn nuôi, ứng dụng KHCN vào sản xuất, nhờ mạng lưới khuyến nông. Còn các nhà khoa học tạo ra được bao nhiêu giá trị cho kinh tế nông nghiệp thì cho đến nay chưa có ai điều tra, tìm hiểu cụ thể về nó. Có lẽ Bộ KH&CN nên có một đề tài khoa học cấp Nhà nước về vấn đề này.
Ông nói vậy nhưng người ta đã kể ra nhiều giống cây con chất lượng cao do chúng ta làm ra.
Có thể thấy các giống lúa mới do nước ta tạo ra, có tuổi thọ trên các cánh đồng kéo dài trên 5 năm không nhiều. Có lẽ chỉ có một giống lúa vô định, kéo dài 30-40 năm nay là giống Việt Nam 10 của ông Trần Lương Nguyện – nguyên Trưởng Bộ môn Di truyền và chọn giống của Trường ĐHNN I. Các giống có tuổi thọ cỡ 10 năm, thì có khoảng vài ba chục giống. Thường thường, các giống của Việt Nam tạo ra chỉ tồn tại trong sản xuất 3 – 5 năm, rồi người ta quên lãng nó đi. Còn đa số nông dân ĐBSH và ĐBSCL dùng giống có nguồn gốc từ Trung Quốc hay Viện Giống Quốc tế.
Như vậy, hiệu quả nghiên cứu – triển khai trong nông nghiệp còn thấp nhiều so với đầu tư và mong đợi của Nhà nước. Theo ông chủ yếu là do đâu?
Có lẽ phần lớn do chính sách và cách tổ chức. Tôi xin lấy một ví dụ: Hằng năm Nhà nước dành tới 2% vốn ngân sách (tương đương 400 triệu USD) cho nghiên cứu KHCN. Nhưng số tiền này bị phân tán, xé nhỏ, chia cho các Bộ, ban ngành, địa phương (thậm chí các hội như hội nuôi ong, hội làm vườn cũng có), dường như để không muốn mất lòng ai. Đúng ra, ngân sách đó phải tập trung đầu tư cho các nhiệm vụ KHCN Quốc gia, ngành… do một Ủy ban Quốc gia về KHCN xét duyệt một cách nghiêm túc, vô tư từ các đề tài nghiên cứu của các viện, trường, nhà khoa học… đề xuất chứ không phải các hội đồng xét duyệt và nghiệm thu đề tài KH&CN ở các cấp hiện nay với nhiều bất cập mà trên diễn đàn Tia Sáng đã nói đến nhiều.
Việc phân kinh phí KH&CN như vậy còn tạo ra kẽ hở nảy sinh tiêu cực mà bất cứ nhà khoa học nào cũng có thể nhìn thấy. Chỉ có điều để yên thân, để có tiền phục vụ nghiên cứu khoa học cho đơn vị của họ, người ta không muốn hoặc buộc phải không nói ra. Thực tế, đã có những nhà khoa học không dám nhận đấu thầu đề tài nghiên cứu của địa phương, ngành không phải vì thiếu năng lực, mà chỉ vì ngại những câu chuyện “đáng xấu hổ” đằng sau đề tài.
Nhưng cách tuyển chọn đề tài một cách công khai (thường được gọi là đấu thầu) được không ít nhà khoa học đồng tình.
Cách đấu thầu đề tài hiện nay đúng là có góp phần chọn được người xứng đáng, hạn chế được tiêu cực, nhưng về lâu dài đó là kiểu khoa học ăn đong, trái với bản chất của nghiên cứu khoa học. Ví dụ trong nông nghiệp, muốn tạo được giống có năng suất cao, chống chịu bệnh bạc lá, có khả năng chịu rét…, các nhà khoa học phải giải quyết từng vấn đề cụ thể, để sau 5 năm, 10 năm thậm chí lâu hơn đất nước có một giống lúa tốt. Chỉ có như vậy mới hình thành được các trường phái khoa học. 
Cũng cần phải nói thêm, để tạo trường phái khoa học thì một điều hết sức quan trọng là tạo ra các bộ môn mà ở đó duy trì một không khí học thuật có tính kế thừa giữa những thế hệ khoa học nối tiếp làm việc với nhau, chứ không phải tiền. Tôi rất nhớ câu nói nổi tiếng của Newton khi người ta hỏi ông tại sao ông trở thành người vĩ đại như vậy, thì ông nói “do tôi biết cách đứng trên vai những người khổng lồ”.
Trong dự thảo Luật Công nghệ cao chỉ đề cập đến nền công nghiệp CNC, không có nền nông nghiệp CNC. Ông có đồng tình với quan điểm này?
Có thể là do những người dự thảo Luật chưa đánh giá được đúng vai trò của kinh tế nông nghiệp  trong quá trình CNH và HĐH đất nước. Nếu chỉ nhìn những tiến bộ của công nghệ thông tin, tự động hóa… ứng dụng trong chăn nuôi gia súc, trồng rau an toàn… thì hết sức phiến diện vì những công nghệ đó không thể tạo ra các giống cây, con có năng suất cao, có khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt, đề kháng tốt với bệnh tật… Bài học từ Đài Loan, Israel… đã chỉ rõ ràng họ có nền nông nghiệp công nghệ cao (NN CNC) danh giá không kém công nghiệp công nghệ cao (CN CNC).

Để các viện sống bằng đúng tiềm lực khoa học công nghệ của mình thì phải áp dụng Nghị định 115. Nhưng tại sao người nông dân đón nhận Khoán 10, tạo ra một sinh khí mới trong sản xuất nông nghiệp mà Nghị định 115, được người ta ví như Khoán 10, lại chẳng được những nhà khoa học hồ hởi đón nhận. Tại sao vậy? Những người làm quản lý nên xem xét lại Nghị định này có điều gì chưa phù hợp?
 

Theo tôi Việt Nam muốn hoàn thành nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn thì phải từng bước ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Ví dụ: muốn có một cánh đồng cà chua 300-400tấn/ha/năm mà vẫn sử dụng kỹ thuật nông nghiệp truyền thống thì không thể có được.
Hiện nay trên thị trường, sản phẩm nông nghiệp nước ngoài tràn vào Việt Nam rất nhiều, trong khi đó sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam lại yếu; sản xuất nông nghiệp manh mún, đất lại bị suy thoái bởi sử dụng quá nhiều hóa chất, rừng lại bị tàn phá, dịch bệnh ngày càng nhiều, cần sử dụng CNC có một kỹ thuật thân thiện với môi trường và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên. Ngoài ra với thực trạng biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay cứ tiếp tục diễn biến xấu thì chúng ta có thể mất tới 1/3 đất canh tác, nếu sử dụng công nghệ cao thì sẽ vẫn đủ đất sản xuất nông nghiệp. Chúng ta đã báo động nhiều về thực phẩm không an toàn. Nhưng nếu vẫn sản xuất như hiện nay, không áp dụng CNC thì khó có thực phẩm an toàn.
Tôi được biết NN CNC của nước ta đang được triển khai ở 9 địa phương bao gồm 20 khu nhưng chỉ có HasFarm ở Đà Lạt thành công còn hầu như đang bị thua lỗ. Theo ông vì sao?

ĐHNN I có một khu CNC sản xuất rau trong qui mô thí nghiệm. Nhiều lãnh đạo công ty, tổng công ty đã tìm đến ký với chúng tôi nhiều biên bản ghi nhớ trong các Techmart, nhưng đến nay chỉ duy nhất có một công ty ký hợp đồng để sản xuất rau (trong đó có rau mầm trên qui mô 3ha), với hy vọng sau vài ba năm người Hà Nội quen với các sản phẩm rau CNC rồi mới tính chuyện thuê tiếp đất ở Bắc Ninh mở rộng sản xuất.

Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do hiện nay nhiều địa phương phát triển CNC trong nông nghiệp theo kiểu phong trào, và vẫn còn tư tưởng về sản xuất lớn, trong khi đó CNC trong nông nghiệp phải áp dụng cho sản xuất tập trung để sản xuất ra một sản lượng đủ lớn. Đặc biệt là thiếu quan tâm đến thị trường (nhất là thị trường xuất khẩu), giá cả lại quá đắt, thiếu sức cạnh tranh và quá sức chịu đựng của người có thu nhập bình thường do gần như 100% thiết bị là nhập ngoại (đáng ra ta có thể sản xuất được một phần). Nếu cứ dùng ngân sách Nhà nước tiếp tục làm như vậy, sẽ thua lỗ dài dài…
Vậy theo ông, chúng ta phải làm thế nào để phát triển  NN CNC?
Một yếu tố hết sức quan trọng để phát triển NN CNC là vốn lớn và thị trường. Trong bối cảnh kinh tế hộ nông dân hiện nay vẫn chỉ loay hoay miếng cơm manh áo, và thị trường chưa đủ lớn, theo tôi nền NN CNC của Việt Nam chỉ có thể từng bước phát triển được khi có các doanh nghiệp tiềm lực kinh tế mạnh vào cuộc với sự hỗ trợ của Nhà nước. Trước mắt chúng ta chỉ nên áp dụng những công nghệ đầu tư vốn ít, dùng nhiều công để tránh tạo ra thất nghiệp gây áp lực về mặt xã hội; địa điểm của các khu NN CNC nên ở các vùng ven đô, gần với thị trường tiêu thụ; các lĩnh vực áp dụng CNC tập trung vào hoa (HasFarm rất thành công, thu được 71 triệu USD); Rau an toàn; Cây ăn trái; Thủy sản (cá tằm, cá hồi, chế biến thức ăn…); chăn nuôi – thú y (sản xuất vắc-xin).
Chúng ta nên chọn nước nào có nền NN CNC phát triển để hợp tác?
Công nghệ mà hoàn hảo thì của Israel, nhưng giá thành quá đắt so với ta. Còn ở Trung Quốc có tới hàng ngàn khu trình diễn CNC, giá thành công nghệ, thiết bị không lớn vì làm bằng vật liệu sẵn có trong nước. Có lẽ chúng ta nên nhập CNC của Trung Quốc và Thái Lan đồng thời với việc tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Trong khi cửa cho NN CNC phát triển còn rất hẹp, trước mắt nên tập trung nghiên cứu- triển khai lĩnh vực gì để phát triển NN&NT?
Hiện nay nạn đói và nhu cầu lương thực đang là vấn đề toàn cầu. Đa số người dân chấp nhận chất lượng lương thực vừa phải chứ họ chưa đòi hỏi lương thực chất lượng cao nên hướng đầu tư nghiên cứu triển khai sắp tới là các giống cây có năng suất cao, chất lượng chấp nhận được, có khả năng chống chịu: bạc lá trong vụ mùa, khô hạn, phèn mặn, rét…; còn trong gia súc, tạo ra vắc-xin phòng các loại dịch, nghiên cứu cơ bản nguyên nhân phát sinh ra các ổ bệnh, biện pháp phòng trừ các loại dịch hại trong NN (cả trồng trọt và chăn nuôi). Ngoài ra tập trung nghiên cứu phát triển thủy sản nội đồng, để tăng nguồn thu và cải thiện bữa ăn cho nông dân. Việc này không có ý nghĩa nhiều trong việc xuất khẩu nhưng có ý nghĩa rất lớn trong việc tích lũy vốn, đặc biệt là ở ĐBSH. Việt Nam cũng cần phát triển mạnh nghiên cứu về rau, hoa, cây cảnh. Gạo có giá trị rất lớn trong việc an sinh xã hội nhưng hoa mang lại giá trị thặng dư cao hơn rất nhiều, khi so sánh thu nhập trên đơn vị diện tích, trên đồng vốn đầu tư.
Những biến đổi lớn trong đời sống xã hội ở nông thôn cũng là vấn đề mà theo tôi, chúng ta cần đặc biệt quan tâm. Ví dụ khá điển hình là trước đây người nông dân sẵn sàng theo cách mạng giành chính quyền để có ruộng đất nhưng giờ đây lại người nông dân lại chán ruộng? Khi nông dân đã chán ruộng tức là có chuyện. Giờ đây, hầu như làng quê nào cũng có nhà hai tầng, có ti vi màu, điện thoại… thế mà về nông thôn lại thấy làng quê buồn hơn xưa… Nếu muốn nông nghiệp và nông thôn phát triển bền vững thì không thể không quan tâm nghiên cứu vấn đề này.
Xin cảm ơn ông.


P.V thực hiện

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)