Tương lai của những tế bào gốc

Các tế bào gốc là gì? Những triển vọng về tế bào gốc sẽ thành hiện thực? Bạn có nên đầu tư vào các công ty công nghệ sinh học đang nghiên cứu tế bào gốc? Các nhà hoạch định chính sách, các bác sỹ có thể trông đợi điều gì? Những hình thức điều trị bằng tế bào gốc sẽ có tác động thế nào tới nền công nghiệp dược? Điều trị bằng tế bào gốc tốn kém cỡ nào? Thế còn về lệnh cấm nghiên cứu tế bào gốc dạng phôi ở một số nước thì sao?

Những tế bào gốc dạng phôi
Tế bào gốc là loại tế bào tương đối nguyên thuỷ, có khả năng phân chia nhanh chóng để tạo thành các tế bào có chức năng đặc trưng. Những tế bào gốc trong phôi thai có khả năng tạo nên một số rất lớn các loại mô khác nhau. Loại tế bào sinh sản nhanh này đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, với tế bào gốc dạng phôi của con người thì đây lại là một vấn đề nghiêm trọng. Nếu bạn muốn có được chúng, hoặc là bạn phải vi phạm luật pháp ở một số nước, hoặc là phải tuân theo những điều khoản phức tạp ở những nước khác.

 

Tế bào gốc dạng phôi

Các tế bào gốc dạng phôi cũng khó điều khiển và nuôi cấy theo một phương pháp đáng được coi là tin cậy. Chúng thường không ổn định và hay gây ra những kết quả không mong đợi khi phân chia, thậm chí còn làm tăng sự phát triển của ung thư. Các tế bào gốc dạng phôi của con người thường gây ra một phản ứng miễn dịch khi được cấy ghép vào cơ thể. Điều này có nghĩa là, nếu không được bảo vệ (bằng thuốc – có thể gây nguy hiểm) thì chúng sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt bởi hệ miễn dịch của cơ thể.      
Một lý do khiến người ta quan tâm mạnh mẽ đến công nghệ nhân bản người chính là cái gọi là nhân bản y học. Điều này liên quan đến việc gắn kết một tế bào người trưởng thành với một trứng người đã loại bỏ nhân. Kết quả thu được là một phôi người đang phân chia nhanh chóng và có khả năng trở thành một cặp song sinh tương đồng với người được nhân bản. Nếu được cấy vào tử cung, những phôi như vậy có khả năng sẽ cho ra những đứa trẻ được nhân bản, mặc dù chúng có thể sẽ gặp phải sự dị dạng hoặc sự lão hoá nhanh như đã thấy ở các loài vật (cừu Dolly chẳng hạn).
Trên lý thuyết, nhân bản y học có thể cho phép các nhà khoa học lấy các tế bào gốc dạng phôi từ phôi được nhân bản, bỏ phần còn lại của phôi đi và sử dụng các tế bào gốc để tạo ra mô mới, tương đồng về gen với người được nhân bản. Trên thực tế, phương pháp này đứng trước nhiều thách thức kỹ thuật cũng như các vấn đề về đạo đức và luật pháp.
Một cách khác là việc tạo ra một ngân hàng mô khổng lồ với hàng vạn mẫu tế bào phôi. Bằng việc tách ra các tế bào gốc từ một số lượng lớn các phôi khác nhau như vậy, bất cứ ai cần điều trị cũng gần như có thể tìm được kiểu mô thích hợp từ một mẫu tế bào đang có. Nhưng ngay cả khi đạt được điều này thì những vấn đề về điều khiển và biến chứng ung thư vẫn còn. Và một lần nữa, luôn có những xem xét đạo đức đối với bất cứ khoa học nào sử dụng phôi người. Tuy lĩnh vực khoa học này mới phát triển nhưng nó liên quan mật thiết đến sự tồn tại của loài người, đó chính là lý do tại sao nhiều nước đã cấm.
Con đường khác để sử dụng các tế bào gốc dạng phôi
Gần đây, người ta mới dạy cho các sinh viên trong tất cả các trường y rằng, các tế bào trong phôi có thể sinh ra bất cứ loại mô nào, nhưng khi sinh ra thì khả năng này mất đi vĩnh viễn. Đã có lý do để hầu hết các nghiên cứu tập trung vào các tế bào gốc dạng phôi cho đến thời điểm cách đây vài năm. Tuy nhiên, thực tiễn đã cho chúng ta thấy nhìn nhận đó là phi lý. Thực ra, người ta đã phát hiện ra rằng, rất nhiều tế bào của cả trẻ em và người lớn đều có khả năng bất thường để sinh ra hoặc kích thích sự tăng trưởng của một số lớn các loại mô, nếu được tác động theo đúng cách.


Tế bào gốc trưởng thành

Chúng ta hãy lấy một ví dụ về nghiên cứu của giáo sư Jonathan Slack ở Đại học Bath. Ông đã chỉ ra làm thế thế nào mà các tế bào gan của người lớn có thể được biến đổi tương đối dễ dàng thành các tế bào tạo insulin, chẳng hạn như các tế bào được tìm thấy trong tuyến tụy. Một nghiên cứu của những người khác đã sử dụng những tế bào tuỷ xương để chữa những chấn thương não và dây cột sống ở loài chuột, và bây giờ người ta cũng đang làm một công việc tương tự như vậy để chữa cơ tim ở người. 
Tại sao điều này lại đáng ngạc nhiên? Bạn nên biết rằng, hầu hết các tế bào trong cơ thể bạn  đều chứa toàn bộ hệ gien của bạn. Nó là một quyển sách của sự sống, có đủ thông tin để làm một bản sao giống hệt như bạn. Như vậy, về nguyên tắc, mọi tế bào đều có thể tạo nên bất kỳ mô nào mà bạn cần. Tuy nhiên, có một thực tế là, hầu hết các gien trong hầu hết các tế bào của bạn đều bị tắt – không hoạt động. Và vấn đề là chúng chỉ bị tắt thôi chứ không phải là vĩnh viễn không thể hoạt động như chúng ta vẫn tưởng. 
Nếu bạn lấy các tế bào da của mình và kết hợp nó với một trứng chưa được thụ tinh, môi trường hoá học bên trong trứng sẽ kích hoạt tất cả các gien đang bị tắt và thực thể được tạo thành có khả năng tạo ra một con người mới.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể tìm ra cách tái kích hoạt chỉ một số gien nhất định và cùng lúc làm tắt một số gien khác? Chúng ta có thể tìm được một chất hoá học mà có vai trò kích hoạt giống như những gì xảy ra trong phôi hay không, tức có khả năng biến một tế bào từ kiểu này sang kiểu khác? Có, chúng ta có thể. Jonathan Slack và một số người khác đã làm được như vậy.
Chúng ta có thể lấy một tế bào trưởng thành và buộc nó trở về trạng thái phôi ban đầu hay không?. Có, chúng ta có thể. Bây giờ, người ta có khả năng tạo ra nhiều loại tế bào khác nhau từ những mô trưởng thành. Bí mật là ở chỗ, phải tìm đúng các tác nhân kích hoạt gien để đưa vào nhân tế bào, song có lẽ điều này không quá khó như chúng ta nghĩ.

Các tế bào gốc và tương lai của y học
Y học tế bào gốc không phải là một phương pháp điều trị chính thống sử dụng tác nhân bên ngoài cho nên sự phát triển trong 15 năm của nó đã không hướng tới những sản phẩm y dược mới. Thực ra, khoảng cách giữa những kết quả nghiên cứu tế bào gốc trên động vật và những thử nghiệm đầu tiên đối với con người chỉ ngắn cỡ 15 ngày thôi.
Giả sử ai đó bị bệnh tim. Một bác sỹ chuyên khoa sẽ nói với người đó về việc sử dụng chính các tế bào gốc của anh ta trong một điều trị thử nghiệm. Bạn đồng ý. Một mẫu tuỷ xương cuả người này được lấy ra và được xử lý bằng các phương tiện vẫn thường thấy trong pháp đồ điều trị bạch cầu ở các trung tâm ung thư. Kết quả thu được là một số các tế bào tuỷ xương đặc biệt, chúng được tiêm ngược trở lại cơ thể người bệnh.
Bác sỹ đang trả lại những tế bào gốc cho người bệnh, những tế bào này là sở hữu hợp pháp của anh ta. Bạn cũng đang có những tế bào gốc trưởng thành của chính bạn. Không có xưởng sản xuất hay công ty kinh doanh y dược nào liên quan ở đây cả. Không còn những vấn đề nghiêm trong về đạo đức (không giống trường hợp các tế bào gốc dạng phôi), không còn nguy hiểm từ phản  ứng của các mô, không sợ nguy cơ ung thư.
Bây giờ chúng ta bắt đầu xem tại sao những đầu tư nghiên cứu đang chuyển nhanh từ nghiên cứu tế bào gốc dạng phôi sang tế bào gốc trưởng thành. Trường Y Havard cũng đang nghiên cứu mạnh về các tế bào gốc trưởng thành. Các thử nghiệm đã cho thấy phần nào sự phục hồi thị giác ở những con vật có võng mạc bị huỷ hoại. Người ta hy vọng trong vòng 5 năm các thử nghiệm lâm sàng có thể cho phép sử dụng các tế bào gốc để điều trị bệnh mù loà do thoái hoá ở người cao tuổi – một nguyên nhân gây mù loà phổ biến nhất ở Mỹ. Hy vọng trong vòng 10 năm, mọi người có thể được điều trị một cách thông thường bằng những tế bào gốc của chính họ với một quá trình điều trị chỉ hai giờ đồng hồ.

Nếu bạn muốn một bằng chứng cụ thể hơn về sự chuyển mối quan tâm từ tế bào gốc dạng phôi sang tế bào gốc trưởng thành, hãy nhìn vào những người đã tạo ra con cừu Dolly. Viện Rosslyn ở Scotland là những người đi tiên phong trong công nghệ nhân bản. Họ và những nhóm khác đã vận động được quốc hội vương quốc Anh (UK) cho việc sử dụng hợp pháp công nghệ này đối với các phôi người (với mục đích nhân bản y học chứ không phải nhân bản con người). Nhưng ba năm sau đó, họ thậm chí chẳng buồn bận tâm đến sự cho phép này nữa. Tại sao vậy? Vì các nhà nghiên cứu lo ngại rằng họ sẽ ném tiền qua cửa sổ và phải chịu đựng những sức ép về đạo đức cũng như danh tiếng. Đại học Newcastle đã có được giấy phép đầu tiên để nghiên cứu nhân bản phôi người – nhưng câu chuyện thực là, không biết tại sao mà một viện nghiên cứu ở UK lại phải mất quá nhiều thời gian để chính thức đi vào hoạt động. Câu trả lời là: họ mất thời gian để bỏ lại đằng sau những nhà nhân bản người “phục vụ y học” và tiếp tục với những nghiên cứu y dược khác.
Các tế bào gốc có thực sự chữa được các mô không?
Các tế bào gốc trưởng thành có thực sự chữa được các mô hay không? Người ta đã tranh luận vấn đề này trên các tạp chí khoa học trong suốt mấy năm trời.
Các cuộc tranh luận thường tập trung vào các vấn đề kỹ thuật và ngữ nghĩa hơn là tính thực tế của các kết quả. Hãy lấy ví dụ về việc chữa bệnh tim. Chúng ta biết rằng, những tế bào tuỷ xương có thể chữa được những tổn thưởng ở tim. Khó có thể biết chắc được có bao nhiều phần trong quá trình này là do các chất kích thích được giải phóng ra từ các tế bào tuỷ xương, hay là do các tế bào này thực sự tạo nên sự khác biệt trong các mô tim.
Đó vẫn là một bức tranh rối rắm. Trong phòng thí nghiệm, các tế bào dường như tạo nên sự thay đổi sâu sắc, nhưng trong các điều trị thử nghiệm, các hiệu ứng của nhiều tế bào gốc lại có vẻ như là sự kích thích. Nhưng ai dám khẳng định được vấn đề? Các bác sỹ tất nhiên là sẽ vui mừng khi việc tiêm các tế bào tuỷ xương khiến bệnh nhân của họ đi lại được chỉ sau đó ba tháng, nhưng mọi chuyện sẽ là bi kịch nếu người bệnh phải ngồi trên xe lăn trong suốt quãng đời còn lại. Hiện giờ, chưa ai có thể nói về vấn đề này một cách chính xác và toàn diện.

Tương lai của những tế bào gốc
Nói tóm lại là chúng ta đang có những quá trình gia tăng nghiên cứu về tế bào gốc trưởng thành và và giảm bớt nghiên cứu về tế bào gốc dạng phôi. Công nghệ tế bào gốc dạng phôi đang được xem là của thế kỷ trước, nhân bản y học cũng vậy. Lịch sử sẽ cho thấy rằng, đến 2020, chúng ta sẽ có khả năng tạo ra một số lớn các loại mô sử dụng các tế bào gốc trưởng thành. Trong một số trường hợp, những tế bào gốc này sẽ thực sự tham gia mật thiết vào những quá trình chữa trị mới. Trong những trường hợp khác, chúng sẽ có đóng góp nhất thời cho những quá trình sửa chữa cục bộ của cơ thể.
Chúng ta cũng sẽ thấy sự ra đời của một số sản phẩm y dược mới, có khả năng thực hiện những thủ thuật điều trị mà không cần lấy bất cứ một tế bào gốc nào ra khỏi cơ thể. Chẳng hạn, những loại thuốc này sẽ kích hoạt tế bào tuỷ xương và thúc đẩy chúng di chuyển đến các phần của cơ thể, những nơi cần sự sửa chữa.   
Việc sử dụng những phôi thai luôn luôn gây ra những vấn đề nghiêm trong hơn là sử dụng các mô trưởng thành, hoặc có lẽ là các tế bào lấy từ dây rốn sau khi sinh. Và các nhà nghiên cứu sẽ muốn giảm bớt những nguy hiểm không cần thiết đối với cả sự đầu tư tài chính cũng như các tổ chức của họ. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể trông đợi rằng việc tiếp tục nghiên cứu các tế bào gốc ở một số nước sẽ có được những đột phá khoa học đem lại lợi ích cho con người.

Tác giả