Tương lai năng lượng Nhật Bản

Chính phủ Nhật Bản quyết định ngừng mở rộng sử dụng năng lượng hạt nhân

Sau 2 tháng gần như im lặng, Chính phủ Nhật có vẻ đã tỉnh ngủ và thể hiện cố gắng kiểm soát thiệt hại. Hôm 10/5, Thủ tướng Naoto Kan – người đứng đầu Chính phủ Nhật vốn bị phê phán cho phản ứng chậm chạp và mù mờ trong cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Fukushima, đã đưa ra hai tuyên bố. Thứ nhất ông sẽ không lĩnh lương Thủ tướng chừng nào khủng hoảng tại nhà máy gặp sự cố chưa được giải quyết; thứ hai, các kế hoạch mở rộng năng lượng hạt nhân của Nhật nay chính thức bị loại bỏ.

Tuyên bố trên là sự nối tiếp chỉ thị của ông Kan vào tuần trước đó yêu cầu Công ty Năng lượng Điện Chubu cho ngừng hoạt động nhà máy điện hạt nhân Hamaoka – sau một trận động đất mạnh, cho tới khi có các biện pháp đảm bảo an toàn. (Chubu nhất trí với yêu cầu này vào hôm 9 tháng 5.) Trước Tháng 3 năm 2011, năng lượng hạt nhân gần như là câu trả lời duy nhất cho các vấn đề về năng lượng của Nhật. Nhật hiện có 54 lò phản ứng hạt nhân, đóng góp tổng cộng 30% sản lượng điện quốc gia. Năm ngoái, Chính phủ của ông Kan công bố kế hoạch xây dựng 14 lò phản ứng mới để tăng tổng sản điện hạt nhân thành 50% tổng sản lượng điện quốc gia.

Nhật là quốc gia tiêu thụ điện đứng thứ 3 trên thế giới – đồng thời là nhà nhập khẩu lớn nhất đối với khí gas tự nhiên hóa lỏng, than, cũng là nhà nhập khẩu lớn thứ 3 về dầu lửa – và từ lâu đã dựa vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu cho đa số hoạt động sản xuất điện. Là một quốc đảo thiếu không gian và thiếu các nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng hạt nhân dường như là con đường đúng giúp Nhật hạn chế ảnh hưởng bởi các biến động của thị trường dầu lửa và đạt được cam kết tới năm 2020 giảm khí nhà kính 25% so với mức 1990. 

Chính phủ vẫn chưa hủy bỏ mục tiêu trên đây, nhưng chắc chắn đó sẽ là một trong những vấn đề gây tranh luận khi xây dựng một chính sách năng lượng hoàn toàn mới. Kan, trong một diễn văn sau đó được Bộ trưởng Bộ Môi trường Ryu Matsumoto nhắc lại, nói rằng đường lối phát triển mới sẽ tập trung vào những nguồn tái sinh như gió, Mặt trời, thủy điện, địa nhiệt, và tiết kiệm năng lượng.

Nhưng do Nhật từ lâu chỉ chú tâm đặc biệt cho phát triển năng lượng hạt nhân kể từ cuộc khủng hoảng dầu lửa hồi thập kỷ 1970, nên lĩnh vực năng lượng tái sinh còn kém phát triển một cách đáng ngạc nhiên, so với điều kiện của một quốc gia có trình độ chuyên gia về năng lượng tái sinh là rất cao, nơi mỗi trạm xăng có khoảng 24 loại thùng rác tái chế khác nhau. Ít hơn 1% năng lượng của Nhật là từ gió, Mặt trời, địa nhiệt, và nhiên liệu sinh học. Khoảng 8% khác đến từ các nguồn thủy điện. Do thủy điện đã được phát huy ở ngưỡng công suất tối đa, kế hoạch mở rộng [sử dụng năng lượng tái sinh] mà Kan và Matsumoto đang nêu ra (giả sử như kế hoạch này sẽ được Chính phủ tiếp theo duy trì) sẽ chủ yếu phải đến từ năng lượng Mặt trời, gió, và địa nhiệt.     

Dưới đây là tóm tắt thực trạng các lĩnh vực này ở Nhật trong hiện tại

Năng lượng Mặt trời

Về khía cạnh kỹ thuật, năng lượng Mặt trời khởi phát khá nhanh và sớm hồi thập kỷ 1980, nhưng sau đó tụt lại so với châu Âu. Nhật hiện nay đã lắp đặt hệ thống thu năng lượng Mặt trời có công suất lớn thứ 3 trên thế giới, tạo ra lượng điện năng nhiều hơn một chút so với năng lượng địa nhiệt, nhưng chỉ đứng thứ 5 trên thế giới theo tiêu chí công suất lắp đặt tính trên đầu người. Vào năm 2008, theo Reuters, Nhật sản xuất được 1,92 triệu kilowatt điện Mặt trời, trong đó 80% là từ các hộ gia đình.  

Tuy nhiên, trong các nguồn năng lượng tái sinh ngoài hạt nhân và thủy điện, năng lượng Mặt trời được tập trung chú ý nhiều nhất từ Chính phủ Nhật. Tuy Chính phủ giảm lưu tâm tới nguồn năng lượng này vào 2006, việc trợ cấp cho các hộ gia đình lắp đặt bảng thu điện Mặt trời được tái tiếp tục kể từ năm 2009, nhằm đạt mục tiêu đề ra là vào năm 2030 sản lượng điện Mặt trời sẽ gấp 40 lần so với 2005. Kết quả là, vào năm 2010, doanh thu bán các bảng điện Mặt trời lên cao kỷ lục. Chính phủ cũng bảo đảm mức giá mua điện ưu đãi cho các hộ gia đình và doanh nghiệp bán điện vào lưới.

Trong khi đó, các công ty Nhật bao gồm Mitsubishi và Toshiba cũng mở rộng sản xuất các sản phẩm công nghệ điện Mặt trời để phục vụ nhu cầu gia tăng của thế giới đối với năng lượng tái sinh. Theo Tổ chức Năng lượng Quang điện Nhật, xuất khẩu bảng điện Mặt trời sang Mỹ tăng 21% vào 2009, trong khi doanh thu xuất khẩu sang châu Âu giảm 4,3%.

Điện gió
Việc lắp đặt điện gió ở Nhật tăng đột biến trong giai đoạn từ 2000 tới 2010, từ 139 MW lên 2.304 MW, nhưng sau đó đà tăng suy giảm. Tuy Bộ trưởng Môi trường của Nhật hôm 10/5 nói rằng bờ biển Thái Bình Dương phía Đông Bắc của Nhật phù hợp cho lắp đặt các trạm điện gió, thậm chí có thể tạo ra nhiều năng lượng hơn tổng sản lượng các nhà máy hạt nhân hiện hành, nhưng thời tiết khắc nghiệt, những hạn chế của lưới điện, và suy giảm kinh tế là những yếu tố gây trì hoãn phát triển ngành này.

Vấn đề lưới điện – có lẽ đây là trở ngại lớn nhất thay vì yếu tố địa lý – là như sau, căn cứ theo nhận định của Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu:

Hạ tầng lưới điện tiếp tục là thách thức cho việc phát triển điện gió của Nhật. Các vùng dẫn đầu về phát triển điện gió ở Nhật là Tohoku và Hokkaido ở phía Bắc đất nước và Kyushu ở phía Nam. Như vậy, nhu cầu điện lớn nhất tập trung ở khu vực trung tâm của Nhật, trong khi các địa điểm tiềm năng nhất cho điện gió nằm ở những khu vực cách ly, nơi công suất của lưới là tương đối nhỏ. Giới hạn truyền tải của lưới, và sự độc quyền trên lưới điện của các công ty điện địa phương, những đối tượng viện nhiều lý do khác nhau để không chịu đầu tư tăng công suất, đã làm trì hoãn sự phát triển thị trường năng lượng gió.

Địa nhiệt
Nhật có tiềm năng địa nhiệt đứng thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Indonesia. Nhưng trên phương diện làm chủ nguồn nhiệt này để chuyển hóa thành năng lượng, Nhật chỉ đứng thứ 8, sau những quốc gia có quy mô dân số nhỏ hơn nhiều, như Iceland và New Zealand. Ngày nay, Nhật chỉ sản xuất khoảng 0,1% sản lượng điện là từ địa nhiệt, từ 19 nhà máy năng lượng địa nhiệt, trong đó nhiều nhà máy tập trung ở vùng Tohoku nơi có nhà máy hạt nhân Fukushima.

Các nhà máy địa nhiệt, một khi đi vào vận hành, sẽ cung cấp được nguồn năng lượng vô cùng rẻ, ô nhiễm rất ít. Nhưng ngành này cũng gặp những thách thức nghiêm trọng, bao gồm cả việc thu hút nhà đầu tư. Chi phí đầu vào khi đầu tư cho địa nhiệt là rất cao, trong đó đáng kể là chi phí khảo sát các địa điểm tiềm năng. Khoan khảo sát không phải khi nào cũng thành công, trong khi nhiều người lo ngại rằng việc khoan ở các vùng giếng sâu – là nơi cho nhiều địa nhiệt, sẽ tạo ra bất ổn về địa chất. Những người dân sống ở vùng có tiềm năng địa nhiệt cũng là nơi có nguy cơ động đất cao, không muốn các mũi khoan thăm dò trên khu vực địa phương mình. Ngoài ra, các nhà máy địa nhiệt thường là không mấy ưa nhìn. Chúng xả ra rất nhiều khói hơi nước lên trời, và đòi hỏi lắp đặt hệ thống nhiều đường ống nổi trên mặt đất. Vấn đề này tương đối trầm trọng ở Nhật, nơi mà khu vực có nhiều tiềm năng địa nhiệt cũng là nơi có các thắng cảnh tự nhiên và các onsen (nhà tắm) lâu đời hàng thế kỷ. Có gần 8000 resort tắm hơi ở Nhật, thu hút lượng người tắm lên tới 140 triệu hằng năm. Trong những năm gần đây, một số thành viên của ngành công nghiệp onsen cho rằng các nhà máy địa nhiệt gây tác động xấu tới các nhà tắm, và phản đối kêu gọi của Chính phủ vận động các địa phương xây dựng những nhà máy địa nhiệt quy mô nhỏ.

Tuy Nhật chưa phát huy hết tiềm năng địa nhiệt trong nước, các tập đoàn như Mitsubishi, Toshiba và Fuji Electric đều là các nhà sản xuất lớn trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất thiết bị địa nhiệt. Tổng cộng họ cung cấp khoảng 70% tuốc bin hơi nước và các thiết bị khác sử dụng trong ngành công nghiệp địa nhiệt. Các công ty này sẽ được lợi lớn nếu địa nhiệt phát triển mạnh trong nước.

(Krista Mahr, Time)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)