Úc tiếp tục không có chính sách ứng phó biến đổi khí hậu

Thủ tướng tân nhiệm của Úc đã bỏ qua chính sách quốc gia về cắt giảm khí thải nhà kính. Các nhà khoa học khí hậu nói rằng động thái này chứng tỏ chính phủ đã hoàn toàn bỏ qua các cam kết trong Thỏa thuận Paris về khí hậu đến năm 2015.


Úc mới phải chịu cảnh hạn hán trên diện rộng. Nguồn: Nature.

“Họ lặng lẽ từ bỏ Thỏa thuận Paris với hi vọng không ai chú ý đến điều đó,” Lesley Hughes, một nhà khoa học về biến đổi khí hậu tại Đại học Macquarie, Sydney, nói. Theo bà, không có chính sách về cắt giảm lượng carbon dioxide ô nhiễm, chính phủ sẽ không thực hiện được cam kết quốc tế của mình.

Úc hiện trở thành nền kinh tế lớn thứ hai sau Mỹ bỏ qua các chính sách giảm phát thải từ hội nghị khí hậu Paris năm 2015. Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh loại bỏ các điều luật về khí hậu vào tháng 3/2017, sau đó đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris vào tháng 6/2017.

Việc Úc hoàn toàn từ bỏ Thỏa thuận Paris có thể diễn ra vào cuối tháng 8, khi Đảng Tự do đang cầm quyền đưa ông Scott Morrison lên làm Thủ tướng, thay thế ông Malcolm Turnbull. Sự thay đổi này diễn ra sau phản đối của một số thành viên Đảng Tự do đối với chính sách yêu cầu các công ty điện phải đáp ứng các mục tiêu về phát thải. Ngay sau đó, ông Morrison cho biết, sẽ từ bỏ chính sách Đảm bảo Năng lượng quốc gia (National Energy Guarantee – NEG) để tập trung vào giảm giá thành năng lượng cho cộng đồng.

Như vậy, NEG là chính sách quốc gia thứ tư về khí hậu bị chính quyền bảo thủ Úc bác bỏ kể từ sau cuộc bầu cử năm 2013, dẫn đến việc phần lớn đất nước đang phải chịu ảnh hưởng từ sự nóng lên toàn cầu – đợt hạn hán dữ dội làm tê liệt các bang miền đông, dẫn đến việc xảy ra hàng chục vụ cháy rừng thường xuyên.

Một vài thành viên chính phủ đã đề xuất ý kiến Úc có thể tham gia cùng chính quyền ông Trump trong việc chính thức rút khỏi Thỏa thuận Paris. Phản đối đề xuất này, ông Morrison cho rằng Úc đang dần đạt được mục tiêu công bố trong hội nghị Paris: giảm lượng khí thải xuống 26 – 28% thấp hơn mức năm 2005 vào năm 2030.

Tuy nhiên rất ít bằng chứng cho thấy Chính phủ Úc có khả năng đạt được mục tiêu này mà không có những chính sách mới. Vào tháng 8, các cố vấn chính phủ cho biết có vẻ lĩnh vực sản xuất điện, ngành gây ra 1/3 lượng phát thải của Úc, sẽ không thể giảm mức phát thải xuống 26% nếu không có chính sách mới thúc đẩy phát triển năng lượng sạch trong hơn thập kỷ tới.

Lượng phát thải quốc gia gia tăng mỗi năm từ năm 2014, khi chính phủ thay thế các luật yêu cầu các tổ chức công nghiệp lớn phải trả phí cho lượng phát thải của họ. Cũng không có chính sách đặc biệt nào quy định việc giảm thải những nguồn ô nhiễm khác, như trong giao thông, nông nghiệp, công nghiệp nặng và khai khoáng, tổng cộng chiếm 2/3 lượng phát thải carbon của Úc.

Hughes cho biết quyết định dừng chính sách NEG cũng đi ngược lại sự ủng hộ của công chúng trong hoạt động biến đổi khí hậu. Một cuộc thăm dò ý kiến do Viện nghiên cứu Úc thực hiện trên 1.756 người vào ngày 12/9/2018 cho thấy, 73% người bỏ phiếu quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu và 68% muốn các mục tiêu về khí hậu quốc gia phù hợp với cam kết trong Thỏa thuận Paris.  

Nhưng việc thiếu chính sách khí hậu của Úc có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Một cuộc bầu cử quốc gia sẽ được tổ chức vào tháng 5/2019, và Đảng Lao động cho biết họ sẽ đặt ra một mục tiêu cắt giảm phát thải mới với mức 45% vào năm 2030, mặc dù cách thức thực hiện để đạt mục tiêu này chưa được tiết lộ. Trong khi đó, một số tiểu bang đã bắt buộc đặt ra các mục tiêu năng lượng tái tạo đầy tham vọng, và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng gia tăng đầu tư vào năng lượng sạch là lựa chọn rẻ nhất.

Cẩm Tú dịch
Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-018-06675-9

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)