Ứng dụng Nobel Y học 2012 trong khôi phục võng mạc

Những tế bào gốc từ da của chuột đã giúp Shinya Yamanaka giành giải Nobel Y học năm nay. Giờ đây các nhà nghiên cứu Nhật Bản đang tìm cách ứng dụng thành tựu nghiên cứu này của ông cho một mục tiêu đầy tham vọng: khôi phục thị giác.

Mới đây, Yamanaka cho biết rằng các nhà khoa học tại Trung tâm Sinh học Phát triển Riken ở Kobe đang có kế hoạch sử dụng cái gọi là tế bào vạn năng cho một thử nghiệm trên các bệnh nhân bị thoái hóa điểm vàng, một căn bệnh gây tổn hại võng mạc và làm mất thị lực.

Các công ty như Pfizer Inc. (PFE) hiện đã lên kế hoạch thử nghiệm với tế bào gốc lấy từ phôi thai người. Nghiên cứu của Nhật Bản là nghiên cứu đầu tiên dùng công nghệ mô phỏng theo khả năng của tế bào phôi thai, trong khi vẫn tránh được những tranh cãi về đạo đức liên quan tới vấn đề này.

“Hoạt động trong lĩnh vực này đang rất hứa hẹn”, John B. Gurdon, vị giáo sư 79 tuổi của Đại học Cambridge, người cùng chia sẻ giải Nobel năm nay với Yamanaka, cho biết trong một bài phỏng vấn ở London. Yamanaka và Gurdon sẽ cùng chia sẻ giải thưởng trị giá 8 triệu kronor Thụy Điển (1,2 triệu USD), là sự ghi nhận cho thành quả của họ từ những thí nghiệm thực hiện tại những thời điểm cách nhau tới 50 năm, qua đó cho thấy những tế bào khi già đi vẫn giếp tục giữ lại trong dạng thức tiềm tàng của chúng tất cả những DNA mà chúng từng có khi còn là tế bào non, và chúng có thể trở lại với trạng thái ban đầu. Phát hiện này đem lại tiềm năng cho một thế hệ những liệu pháp mới chống lại những căn bệnh khó điều trị, ví dụ như bệnh thoái hóa điểm vàng.

Công nghệ mới cũng có thể giúp dẫn tới những liệu pháp trị các căn bệnh như Parkinson, bằng cách cung cấp các tế bào thay thế.

“Ý nghĩa ứng dụng trong y học tái tạo là rất rõ ràng”, nhận định từ Sanders Williams, chủ tịch Viện Gladstone ở San Francisco, nơi Yamanaka tham gia với tư cách là chuyên gia cao cấp. “Các tế bào da có thể được chuyển thành bất kỳ tế bào nào bạn muốn – từ tế bào da chuyển thành tế bào não, hay từ tế bào da thành tế bào tim, hay thành tế bào sản xuất insulin”, Williams nói.

Tuy nhiên, mặc dù thành quả nghiên cứu Gurdon và Yamanaka có vai trò đột phá cách mạng, những ứng dụng trị liệu trên tế bào vạn năng vẫn “còn ở rất xa”, theo nhận định của Juleen Zierath, phó chủ tịch hội đồng giải Nobel, khi trả lời các phóng viên Stockholm hôm qua.
Các nhà khoa học phải tìm cách đảm bảo rằng các tế bào được an toàn, Yamanaka nói từ Nhật Bản qua một video truyền tại San Francisco trong cuộc họp báo do Gladstone tổ chức. Điều cần quan tâm ở đây là các tế bào gốc có thể sinh trưởng vượt ra ngoài kiểm soát, và dẫn tới bệnh ung thư.

Thanh Xuân lược dịch
Nguồn: http://www.bloomberg.com/news/2012-10-08/nobel-winner-s-stem-cells-to-be-tested-in-eye-disease-next-year.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)