Ứng dụng tế bào gốc trong y học tại Việt Nam:
Chưa dễ đi vào cuộc sống

Một giáo sư về huyết học người Nhật Bản trong cuộc hội thảo quốc gia “Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong y học”, tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội mới đây, có lẽ vì phép lịch sự ngoại giao đã hết lời khen ngợi các nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc (TBG) tại Việt Nam: “Đạt được các kết quả khá ấn tượng dù điều kiện nghiên cứu còn khó khăn”. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận: “Những nghiên cứu ứng dụng TBG trong y học ở Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn ban đầu, kết quả thu được còn khiêm tốn bởi thiếu định hướng chiến lược và đầu tư thích đáng…”




Tản mác

Theo tài liệu của Bộ Y tế tại hội thảo, những nghiên cứu đầu tiên về TBG tại Việt Nam được tiến hành khá sớm, cách đây cỡ khoảng 20 năm. Năm 1995, Bệnh viện Truyền máu-Huyết học TP.HCM đã tiến hành ca ghép TBG tạo máu đầu tiên để điều trị cho bệnh nhân bị bệnh máu.

Cho đến nay, nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc tạo máu trong lĩnh vực huyết học đã được triển khai tại nhiều bệnh viện lớn trên cả nước. Bên cạnh đó là các nghiên cứu nuôi cấy tinh tử, tế bào sợi và tế bào sừng ứng dụng trong điều trị các bệnh nan y, nghiên cứu về TBG và nhân bản vô tính trên động vật (sao la, bò, chuột nhắt)… Theo báo cáo về hiện trạng nghiên cứu, ứng dụng TBG tại Việt Nam của hai tác giả Phạm Mạnh Hùng và Lê Văn Đông: “Nghiên cứu TBG tại Việt Nam hình thành 3 mảng lớn là: tạo nguồn TBG (phân lập và lưu trữ), biệt hóa TBG thành các tế bào chuyên biệt và ứng dụng TBG”.

Tế bào gốc là gì?
Tế bào gốc (TBG) là những tế bào có khả năng biệt hóa thành các tế bào khác nhau để thay thế cho các tế bào bị mất đi do già hoặc chết tự nhiên, hay do chấn thương vì các nguyên nhân khác nhau. Chính vì vậy, các nhà khoa học và các bác sĩ có thể sử dụng tế bào gốc để tạo ra các tế bào mới thay thế cho các tế bào già hay bị tổn thương, bị mất chức năng, đem lại nhiều triển vọng trong điều trị bệnh.

Mặc dầu vậy, những nghiên cứu về tế bào gốc tại Việt Nam, theo đánh giá của một số chuyên gia trong lĩnh vực này, vẫn còn khá tản mác và chưa có tính liên thông cao.

TS Lê Văn Đông (Học viện Quân Y), một thành viên của Ban điều phối Nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước về TBG Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thừa nhận: “Cách thức hiện nay chúng ta tổ chức nghiên cứu theo kiểu ra đầu bài, mỗi đề tài lại do một đơn vị thực hiện, các đơn vị lại phân bố cả trong Nam và ngoài Bắc cho nên tạo ra sự tản mác”.

PGS. TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cũng cảnh báo cần tránh hiện tượng “trăm hoa đua nở” trong nghiên cứu, ứng dụng TBG, bởi điều này dẫn tới tình trạng trùng lặp, lãng phí cả tiền bạc và thời gian. “Nước mình ở đâu cũng đầu tư, vô cùng lãng phí. Hoạt động nghiên cứu và ứng dụng TBG cần phải được thống nhất”, ông nói.

Cho đến nay, các nghiên cứu về TBG được Nhà nước tài trợ thông qua hai đầu mối chính là Bộ Y tế và Bộ KH&CN. Chính điều này một phần cũng khiến sự quản lý nghiên cứu và ứng dụng TBG chưa được tập trung, khiến các đề tài nghiên cứu được tiến hành rải rác khắp nơi

Sơ khai

Vẫn theo TS Lê Văn Đông, biệt hóa TBG thành một số loại tế bào giống như tế bào cơ tim, tế bào thần kinh, tế bào da, tế bào xương, sụn, mỡ… tại Việt Nam được coi là hướng nghiên cứu song hành với các nước trên thế giới. “Nhưng các kết quả chúng ta đạt được còn tương đối khiêm tốn”, ông nói. Ngoại trừ nghiên cứu của Phòng thí nghiệm TBG của Đại học khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM) đã một lần tạo ra được tế bào cơ tim có khả năng co bóp từ TBG phôi chuột nhắt, “các nghiên cứu của chúng ta vẫn ở giai đoạn sơ khai, thậm chí một số nghiên cứu mới chỉ bắt đầu”.

Cũng như vậy, PGS. TS Nguyễn Anh Trí cho biết Viện vừa được Bộ Y tế cho phép thành lập Trung tâm TBG hình thành từ Khoa ghép TBG hoạt động từ năm 2005 đến nay. Đây sẽ là nơi tiến hành nghiên cứu và ứng dụng TBG của Viện, nhưng “vì mới thành lập cho nên hiện cũng chưa có gì”.

Một số doanh nghiệp cũng đã nhanh nhạy đầu tư vào lĩnh vực TBG khi nhận thấy tiềm năng ứng dụng trong lĩnh vực này. Thí dụ như công ty cổ phần hóa mỹ phẩm Mekophar đã bỏ 1 triệu USD cho Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng Ngân hàng TBG tư nhân đầu tiên tại Việt Nam có tên MekoStem, nơi có khả năng thu thập và bảo quản TBG màng dây rốn theo công nghệ của công ty CordLabs (Singapore) chuyển giao. Tập đoàn FPT cũng tham gia lĩnh vực TBG với Dự án thành lập công ty cổ phần về y học tái tạo (FBM).

Ứng dụng tế bào gốc
trong y học
TBG hiện có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực điều trị y tế tại Việt Nam như trong huyết học và truyền máu (một số bệnh như Lơxêmi/bệnh máu trắng, hội chứng rối loạn sinh tủy, hội chứng tăng sinh tủy, đa u tủy xương, Ulympho ác tính, suy tủy xương, thalassemia…); trong tim mạch và mắt (điều trị phục hồi cơ tim cho các bệnh suy tim, hoại tử tế bào cơ tim, các bệnh về mạch máu, chữa tổn thương giác mạc, hội chứng Steven Johnson và pemphigoid nhãn cầu, bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già…); trong điều trị các bệnh về da, da liễu và một số bệnh về vú  (như bỏng, điều trị xạm da, rám má, bớt sắc tố, loét da mãn tính, viêm da cơ địa, sẹo lõm do trứng cá, rụng tóc, ung thư vú ác tính…) và một số lĩnh vực khác như xương, răng…

Trong lĩnh vực ngân hàng TBG, bên cạnh MekoStem, Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP.HCM cũng đã xây dựng được một ngân hàng thu thập, xử lý và bảo quản dài hạn các TBG lấy từ dây rốn. Tuy nhiên, cả hai ngân hàng này mới chỉ làm chủ được công nghệ thu thập và lưu trữ TBG máu hay màng dây rốn ở một qui mô nhỏ. “Ngân hàng TBG của Bệnh viện hiện lưu trữ được khoảng 2.000 mẫu, trong khi đó MekoStem mới thu thập được 264 dây rốn và sau khi sàng lọc chỉ có 153 mẫu đạt tiêu chuẩn để lưu trữ và bảo quản”, T.S Lê Văn Đông cho biết. Trong khi đó, số lượng mẫu TBG cần thiết tại các ngân hàng phải lên tới hàng chục nghìn mới có khả năng đáp ứng yêu cầu điều trị cho bệnh nhân vì: “trong 1.000 người thì chỉ có 4-6 người có khả năng tương thích về TBG”, TS Đông nhấn mạnh.

 

Thiếu kinh phí

Kinh phí cho nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, theo PGS. TS Đỗ Như Hơn, Viện trưởng Viện Mắt Trung ương, “thực sự là vấn đề lớn”. Một số căn bệnh về mắt nếu không sử dụng công nghệ tế bào gốc thì “thực sự thua và bác sĩ phải khoanh tay” vì cho đến nay vẫn chưa thể chữa trị được bằng các cách khác, thí dụ như “Hội chứng suy giảm tế bào gốc”, “Các tổn thương giác mạc, loét giác mạc chậm liền sẹo”, các bệnh lý thoái hóa, loạn dưỡng ở mắt trên thế giới. Còn ở Việt Nam thì tế bào gốc có thể được ứng dụng trong việc tái tạo lại tổn thương bề mặt nhãn cầu hay bệnh thoái hóa hoàng điểm ở tuổi già…

TS Đinh Văn Hân (Viện Bỏng Quốc gia): khoảng cách từ nghiên cứu tới ứng dụng là rất dài. Điều quan trọng nhất trong nghiên cứu là có ra được sản phẩm hay không. “Khó khăn trong điều trị thì nhiều nhưng khó khăn trong nghiên cứu thì còn nhiều hơn bởi chủ yếu là thiếu kinh phí”, ông nói.

Theo PGS. TS Nguyễn Anh Trí, để nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc tại Việt Nam thực sự hiệu quả, điều quan trọng là cần phải đảm bảo mức kinh phí tài trợ cho các nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực này cần phải hợp lý và bền vững. Nhưng ông cũng chia sẻ với ý kiến của PGS.TS Phan Toàn Thắng (Đại học Quốc gia Singapore) rằng: “Các sản phẩm nghiên cứu cần phải thương mại hóa được”. Đây cũng là vấn đề TS Lê Minh Sắt, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN các ngành kinh tế-kỹ thuật (Bộ KH&CN) băn khoăn: “Mục đích cuối cùng của nghiên cứu, tức là ra được sản phẩm là cực kỳ khó khăn bởi TBG hiện chưa được xác định là thuốc hay không?”.

TS Trương Việt Dũng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo (Bộ Y tế) thì cho rằng kinh phí của nhà nước hiện cho các nghiên cứu TBG là rất lớn, nhưng không phải là vô tận. Theo ông, các đơn vị nghiên cứu TBG cần coi nguồn kinh phí của Nhà nước như là nguồn kinh phí khởi động ban đầu và cần tạo ra các sản phẩm ứng dụng để có thể có nguồn thu từ bệnh nhân, khách hàng. Bên cạnh đó cũng cần có sự tham gia, đầu tư của khu vực tư nhân, như trường hợp của MekoPhar đối với ngân hàng TBG MekoStem.

 

Và không dễ đi vào cuộc sống

Đối với bất cứ nghiên cứu nào, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, ứng dụng thực tế luôn là mục đích tối thượng. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ y sinh trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong thời gian gần đây đã đem lại nhiều hy vọng trong việc chữa trị các bệnh nan y. Sử dụng tế bào trị liệu, trong đó có TBG là liệu pháp điều trị đã đươc ứng dụng để điều trị các bệnh hiểm nghèo về máu, tim mạch, nhãn khoa, da liễu, bỏng, xương… Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất trong việc ứng dụng các nghiên cứu TBG chính là giá thành còn quá cao.

Chỉ riêng việc lưu trữ, bảo quản TBG để sử dụng cho nhu cầu cá nhân đã đòi hỏi một chi phí khá lớn, thí dụ như ở MekoStern, theo các chuyên gia tại hội thảo thì vào khoảng cỡ 1.000 USD (gần 20 triệu đồng). Nhưng PGS.TS Phan Toàn Thắng (ĐH Quốc gia Singapore) cho biết mức phí này ở Việt Nam còn rất rẻ, ở Singapore mức phí tương tự sẽ vào khoảng 70 triệu đồng. Ông cũng cho biết trên thế giới đã có nhiều công ty ứng dụng các nghiên cứu TBG để sản xuất ra da nhân tạo, nhưng một miếng da nhỏ đã có giá đến 2.500 USD. “Bệnh nhân Việt Nam nghèo, không có tiền, bảo hiểm lại chưa chi trả cho các điều trị TBG thì làm sao có thể sử dụng các sản phẩm cao cấp này được”, TS Thắng nói. GS Roger Beuerman (ĐH Quốc gia Singapore) cũng cho rằng ngay cả ở Mỹ, nước có thu nhập đầu người rất cao và nền y học phát triển thì TBG vẫn chưa được sử dụng nhiều vì lý do giá thành.

Không chỉ vấn đề giá thành, việc thiếu người cho và người nhận TBG cũng đang đặt ra các vấn đề rất nan giải cho ứng dụng TBG tại Việt Nam. TS Đinh Văn Hân (Viện Bỏng Quốc gia) cho biết có một bệnh nhân dân tộc bị bỏng nặng, Viện đề nghị chữa bằng phương pháp sử dụng TBG nhưng cho biết sẽ để lại di chứng là sẹo và có tài trợ (bệnh nhân không mất tiền). Tuy nhiên, do tâm lý sợ bị sẹo sau này về dân làng sẽ dị nghị cho nên bệnh nhân này đòi về để chờ chết, nhất định không chữa. Tương tự như vậy, do tâm lý và dân trí ở Việt Nam hiện còn thấp, hiện hầu như chưa có ai tự nguyện hiến TBG. “Hiến máu cứu người thì chúng tôi có thể vận động được chứ hiến TBG thì chưa”, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương Nguyễn Anh Trí nói.

Nhưng vướng mắc lớn nhất đối với ứng dụng các thành quả nghiên cứu TBG trong y học tại Việt Nam chính là thiếu hành lang pháp lý và vấn đề y đức. Hiện Quốc hội Việt Nam mới thông qua Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và Luật hiến, lấy xác, còn TBG là một chuyện rất mới và cần phải có thời gian để xây dựng các văn bản pháp lý.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận trong nghiên cứu và ứng dụng TBG trong y tế: “Chúng ta còn thiếu nhiều thứ, từ cơ sở vật chất đến hành lang pháp lý, rồi vấn đề bảo hiểm chưa thanh toán, thuốc và các sản phẩm điều trị chưa có, nguồn tài chính còn hạn hẹp”. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng thành công của cuộc hội thảo quốc gia đầu tiên về TBG sẽ giúp các nhà quản lý xây dựng được đề án nghiên cứu, ứng dụng TBG trong vòng 5-10 năm tới. Dự kiến, chiến lược về nghiên cứu, ứng dụng TBG trong y học giai đoạn 2010-2010 sẽ được đưa vào Chương trình công nghệ sinh học y tế quốc gia, trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới./.

 

Tiến sĩ Lê Văn Đông-Học viện Quân Y:
Việt Nam cần mạnh dạn trong ứng dụng TBG

Về mặt tổng thể thì Ban điều phối tế bào gốc (TBG) cũng đã có một kế hoạch tổng thể trình cho Bộ Khoa học và Công nghệ các hướng phát triển chính, các mục tiêu, sản phẩm cụ thể. Để xóa bỏ được sự tản mạn trong nghiên cứu TBG, cần có sự liên thông giữa các đơn vị để cùng thực hiện các nghiên cứu theo định hướng có sẵn. Nếu chúng ta có hẳn một viện nghiên cứu tế bào gốc, một trung tâm ứng dụng tế bào gốc và tập trung nhân lực vào những chỗ đó thì sẽ không còn tản mạn nữa.

Đầu những năm 2000, các nhà nghiên cứu tế bào gốc ở Việt Nam chỉ được đếm trên đầu ngón tay. Trong trong vòng 10 năm vừa rồi, có rất nhiều anh chị em được đào tạo trong và ngoài nước. Số nhân lực được đào tạo cho nghiên cứu tế bào gốc ở Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Nhưng theo quan điểm của tôi, Việt Nam vẫn thiếu các nhà khoa học tầm cỡ, có khả năng đóng vai trò đầu tàu như một nhạc trưởng. Chúng ta mới có nhạc trưởng trong lĩnh vực quản lý, nhưng chưa phải là trong lĩnh vực chuyên môn khoa học.

Chúng ta có thể khắc phục điều này bằng nhiều cách. Cách thứ nhất là có thể mời các nhà khoa học đã thành danh ở nước ngoài về làm việc. Cách thứ hai là phải làm việc tập thể. Trong điều kiện của Việt Nam, chúng ta chưa có một nhà khoa học tầm cỡ làm nhạc trưởng thì chúng ta cần có một nhóm các nhà khoa học ngồi với nhau, nhóm đó đóng vai trò như một nhạc trưởng.

Nếu chúng ta muốn đi tắt đón đầu trong lĩnh vực TBG thì chúng ta phải đi tiên phong trong các ứng dụng, chứ nếu cứ thận trọng thì Việt Nam sẽ mãi là nước đi sau. Khi Việt Nam mạnh dạn trong việc ứng dụng các nghiên cứu, công nghệ mới trong lĩnh vực tế bào gốc thì nước ta sẽ là một địa điểm hấp dẫn đối với các trung tâm nghiên cứu tế bào gốc trên thế giới.

 
PGS. TS Nguyễn Anh Trí, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương

Nên hình thành các trung tâm tế bào gốc lớn

Theo tôi, Việt Nam chỉ nên hình thành khoảng 3-4 trung tâm sản xuất TBG là đủ (1 trung tâm ở Hà Nội, 1 trung tâm ở Huế và 1-2 trung tâm ở TP HCM). Các trung tâm tế bào gốc này sẽ sản xuất và lưu trữ TBG phục vụ nhu cầu của tất cả các bệnh viện, viện điều trị trong việc điều trị các bệnh lý khác nhau. Tất nhiên để làm được điều đó thì các trung tâm này phải có quan hệ mật thiết với các bệnh viện và viện chuyên khoa khác. Nên tránh việc bệnh viện nào cũng thực hiện các công việc từ A đến Z, tức là từ nghiên cứu, sản xuất tới ứng dụng bởi điều này gây lãng phí cả nhân lực và vật lực, nhất là trong điều kiện nguồn lực về con người và trang thiết bị ở Việt Nam hiện còn chưa thật dồi dào. Bên cạnh đó nếu mạnh ai nấy làm sẽ khó phát triển nhanh, mạnh và bền vững được.

Còn các trung tâm ứng dụng TBG thì có thể nhiều hơn, nằm tại các bệnh viện, viện và trung tâm y khoa khác nhau, điều trị bệnh lý theo từng chuyên khoa khác nhau. Các trung tâm ứng dụng có thể là một chuyên khoa, nhưng cần phải có nhiều bệnh nhân và có uy tín để các nơi có thể gửi bệnh nhân đến điều trị.

 

Tác giả