Vaccine Covid-19: Nhiều hi vọng hơn lo âu

Trong bối cảnh một cuộc chạy đua vaccine đang diễn ra rất gay gắt, nhiều nhà khoa học cảm thấy “lạc quan một cách thận trọng” trước những thông tin về các kết quả thử nghiệm lâm sàng của các vaccine. Nhưng, ông Đỗ Tuấn Đạt lại cảm thấy hi vọng nhiều hơn là nghi ngờ, nhất là khi Vabiotech cũng đang ở giai đoạn tiền lâm sàng (thử nghiệm trên động vật) cho vaccine Covid-19 của họ theo công nghệ mới.


Ông Đỗ Tuấn Đạt.

Ánh sáng cuối đường hầm

Tuần nào ông Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) cũng có ít nhất một lần họp trực tuyến về chuyên môn với gần 100 nhà phát triển vaccine Covid-19 trên thế giới thông qua các nhóm làm việc của WHO hay dự án Covax. Covax do Liên minh vaccine toàn cầu Gavi sáng lập như một cầu nối để các nước có tiềm lực tài chính hỗ trợ các công nghệ sản xuất vaccine, đưa ra cơ chế đặt mua trước, đồng thời tài trợ cho các nước thu nhập thấp mua kịp các vaccine Covid-19 ngay khi được cấp phép nhằm càng nhiều người tiếp cận với vaccine càng nhanh càng tốt. 

Trong tuần vừa qua, các thông tin về vaccine diễn ra dồn dập. Khi tôi phỏng vấn ông Đỗ Tuấn Đạt cũng là lúc vaccine của Đại học Oxford kết hợp với hãng dược phẩm Astra-Seneza vừa tuyên bố hiệu lực vaccine của họ đạt 70%. Mấy ngày sau, vaccine Pfizer/BioNTech đã được Chính phủ Anh cấp phép tiêm rộng rãi và mua luôn 40 triệu liều ưu tiên cho những người có rủi ro cao ở quốc gia này như người ở khu dưỡng lão, người có bệnh nền và các nhân viên y tế. Vaccine của hãng dược phẩm Moderna cũng đang xin giấy phép lưu hành khẩn cấp tại Mỹ và châu Âu. Cả hai Vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna đều tuyên bố vaccine của họ có hiệu lực là 95%. Các nước đó “họ cực kì nóng ruột, họ từng ngày từng giờ, họ nhìn thấy vaccine hiệu quả thế rồi, an toàn thế rồi thì người dân phải được tiêm” – ông Đạt nói

Còn một điều nữa chúng ta chưa biết về các vaccine sắp tung ra thị trường đó là người được tiêm có thể duy trì được đáp ứng miễn dịch như thế nào, trong bao lâu? Nếu thời gian đó dưới sáu tháng thì sẽ thêm phần khó khăn cho công tác triển khai tiêm chủng trên diện rộng. Tuy nhiên, các nhà khoa học có quyền lạc quan về câu trả lời cho vấn đề này bởi các trường hợp nhiễm tự nhiên đều được ghi nhận là có trí nhớ miễn dịch đối với Sars-Cov-2 ít nhất là sáu tháng. Tức là trong vòng sau tháng sau khi nhiễm bệnh lần đầu tiên, họ không bị tái nhiễm hoặc nếu bị tái nhiễm thì cũng có những biểu hiện bệnh nhẹ hơn so với lần trước đó.

Nhiều vaccine đang dẫn đầu cuộc đua như Pfizer/BioNTech, Moderna và Đại học Oxford/Actra-Seneza đều chỉ tập trung vào một bộ phận của Sars-CoV-2 là các protein gai trên bề mặt virus. Các vaccine này sẽ tìm cách an toàn đưa hoặc biểu hiện protein trong cơ thể con người sao cho phản ứng miễn dịch xảy ra. Trong đó, vaccine theo công nghệ mRNA của Pfizer/BioNTech khi vào cơ thể sẽ “hướng dẫn” các tế bào tạo ra protein gai để rồi hệ thống miễn dịch của người tiêu diệt nó. Vaccine sử dụng virus vector của Moderna và Oxford/Astra-Seneza sẽ cài đoạn protein gai của Sars-CoV-2 vào một loại virus vô hại và tiêm vào cơ thể người. Ngoài ra, còn vaccine dựa trên protein của một số công ty đang thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn III hoạt động theo cơ chế chỉ đưa protein gai cộng với một số chất bổ trợ vào trong cơ thể để kích thích phản ứng miễn dịch. 

Ba công nghệ trên đều là công nghệ sản xuất vaccine mới trên thế giới. Ngoại trừ công nghệ dựa trên protein đã có một vài vaccine được sử dụng rộng rãi (chẳng hạn như vaccine viêm gan B, vaccine phòng ngừa ung thư cổ tử cung do HPV, vaccine cúm mùa) thì các công nghệ khác thậm chí còn chưa có vaccine nào được cấp phép trước đây. Đến thời điểm hiện nay, công nghệ vaccine phổ biến trên thế giới vẫn là tiêm toàn bộ cả virus (bất hoạt hoặc sống giảm động lực) và tất cả các đơn vị sản xuất vaccine Covid-19 của Trung Quốc cũng lựa chọn con đường “an toàn” này. Vì vậy, không ai dám chắc liệu vaccine chỉ dùng một đoạn gene của virus, đặc biệt là một virus mới mà ta còn chưa kịp hiểu hết về nó thì có khả thi? 

Các con số về hiệu lực vaccine rõ rệt của Pfizer/BioNTech, Moderna, Đại học Oxford/Astra-Seneza giống như ánh sáng cuối đường hầm cho các nhà sản xuất vaccine Covid-19 theo những công nghệ mới, nhất là khi từ trước đến nay trên thế giới chưa có một vaccine thương mại nào đối với các chủng virus corona. Những con số này chứng minh được rằng: Thứ nhất, protein gai đúng là vùng kháng nguyên sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch ở người, đúng như những nghiên cứu trước đó đã chỉ ra. Thứ hai, công nghệ vaccine chỉ đưa một phần gene của virus (protein gai) thay vì đưa cả virus vào cơ thể người là an toàn và có hiệu quả. “Bọn tôi hiện nay không còn nghĩ lăn tăn gì về lựa chọn vùng kháng nguyên làm miễn dịch nữa. Các tranh luận đấy không còn nữa” – ông Đỗ Tuấn Đạt khẳng định.  


Vaccine của Pfizer trở thành vaccine Covid 19 đầu tiên được cấp phép sử dụng trên diện rộng. Đây cũng là vaccine đầu tiên trên thế giới được sản xuất theo công nghệ mRNA. 

Nếu có gì còn lăn tăn, thì đó là việc chờ số liệu cụ thể liên quan đến các con số về hiệu lực vaccine vừa công bố. Trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III trên hàng chục ngàn người, một số người sẽ được tiêm vaccine và một số người sẽ được tiêm giả dược. Sau đó, người ta chờ xem có ai bị nhiễm bệnh trong số người tham gia thử nghiệm. Chẳng hạn, trong hơn 40 nghìn người tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III của vaccine Pfizer/BioNtech, chỉ có 170 người về sau bị nhiễm virus, trong đó 162 người được tiêm giả dược và 8 người được tiêm vaccine trước đó. Hiệu lực vaccine chính là tương quan giữa tỉ lệ người nhiễm virus trong nhóm được tiêm giả dược và nhóm được tiêm vaccine. 

Hiệu lực không phải là hiệu quả của vaccine. Vaccine Pfizer/BioNTech có hiệu lực là 95% không có nghĩa là sau khi triển khai, cứ 100 người tiêm thì 95 người trong đó sẽ miễn dịch với virus Sars-Cov-2. Hiệu quả của vaccine trong thực tế đến đâu phụ thuộc nhiều vào tính đại diện của 170 người bị nhiễm trong cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine này. Những người này chỉ bao gồm các bệnh nhân bị nặng, các bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng hay cả những người không có triệu chứng – người lành mang virus – nguyên nhân chính dẫn đến tốc độ lây lan khủng khiếp như hiện nay? 

Theo ông Đỗ Tuấn Đạt, khả năng cao số người bị nhiễm virus trong cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III của các vaccine tung ra thị trường đầu tiên chỉ là những người có triệu chứng. Những cuộc thử nghiệm này có lẽ đã chưa tập trung vào theo dõi và đánh giá những người lành mang virus để tính vào hiệu lực vaccine. Nếu vậy, vaccine mới chỉ bảo vệ những người có nguy cơ mắc bệnh nặng còn chưa thể phòng bệnh lây truyền. 

Hiệu quả của vaccine cũng phụ thuộc vào việc triển khai tiêm chủng trên diện rộng. Nếu triển khai tốt, trong kịch bản lạc quan, kể cả với vaccine như trên cũng có thể tạo ra miễn dịch cộng đồng, đủ làm chậm dần quá trình lây lan của virus. Tuy nhiên, các vaccine sắp tung ra thị trường như Pfizer/BioNTech, Moderna theo công nghệ mRNA đều phải bảo quản trong nhiệt độ đông băng (-700C và -200C), hoàn toàn không tương thích với hệ thống tiêm chủng thường quy trên thế giới từ trước đến nay vốn được thiết kế để lưu trữ vaccine trong khoảng 2-80C.  Liệu có khi nào, chỉ những nước mạnh về tài chính mới có khả năng chi trả cho một hệ thống hậu cần chuyên chở và lưu trữ vaccine có điều kiện bảo quản ngặt nghèo này? “Tôi nghĩ là mức độ công bằng về tiếp cận vaccine hiện nay vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ”. – ông Đạt cho biết.


Vabiotech thử nghiệm vaccine Covid-19 của họ trên chuột vào tháng 5/2020 và thấy chuột có đáp ứng miễn dịch. 

Vaccine Covid-19 của Việt Nam: thành công là con đường, không phải là đích đến

Khoảng hai năm trước, Vabiotech khởi động một dự án hợp tác với trường Đại học Bristol, Anh để sản xuất vaccine phòng bệnh cúm H5N1 và bệnh dại theo công nghệ virus vector. Lúc đó, ông Đỗ Tuấn Đạt tuyên bố với báo chí rằng sẽ mất khoảng ba năm để công ty có thể làm chủ công nghệ này. 

Vào tháng 2/2020, khi một nhóm nghiên cứu của Vabiotech sang Đại học Bristol để nghiên cứu về vaccine cúm dại thì dịch bệnh Covid 19 bùng phát ở Anh. Nhóm này đã đề xuất chuyển sang vaccine Covid-19. Công nghệ virus vector của Vabiotech kết hợp với Đại học Bristol lựa chọn baculovirus làm vector để cài đặt vùng gene protein gai của Sars-CoV-2. Baculovirus là loại virus gây bệnh trên côn trùng nhưng vô hại với người. Chỉ có hai tuần trước khi về trên chuyến bay thương mại cuối cùng từ Anh về Việt Nam, nhóm nghiên cứu của vabiotech đã phát triển sơ bộ được chủng vaccine để mang về nhân nuôi. Vào tháng 5, nhóm đã thử nghiệm tiền lâm sàng vaccine trên chuột và thấy rằng chuột có đáp ứng miễn dịch với vaccine. Tháng 10 vừa qua, Vabiotech tiếp tục triển khai thử nghiệm vaccine của họ trên khỉ và các kết quả hiện thu được về đáp ứng miễn dịch trên khỉ được như kì vọng. “Kì vọng tức là cũng tương đương với các nghiên cứu khác của thế giới” – ông Đạt nói. 

Vabiotech nghiên cứu vaccine Covid-19 nhờ vào kinh phí tài trợ từ Quỹ VinIF (Quỹ Đổi mới Sáng tạo của tập đoàn Vingroup) và từ dự án hợp tác với Đại học Bristol, chỉ chiếm một phần nhỏ trong khuôn khổ một chương trình trị giá 300 tỉ đồng từ Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh nhằm nghiên cứu phát triển các loại vaccine mới có chi phí phù hợp với điều kiện ở các quốc gia thu nhập thấp hoặc trung bình. Mặc dù Bộ Khoa học và Công nghệ tỏ ý ủng hộ “sẽ cố gắng hỗ trợ tối đa” cho các dự án R&D về vaccine Covid-19 nhưng ông Đỗ Tuấn Đạt chưa đăng ký xin tài trợ từ phía nhà nước do e ngại về thời gian và thủ tục phê duyệt kéo dài và những rủi ro nếu làm vaccine không thành công. “Tôi muốn giữa mình và nhà nước cũng phải giảm thiểu bớt các rủi ro cho nhau” – Ông Đỗ Tuấn Đạt nói.

Tin tức vaccine Covid-19 trên thế giới cập nhật từng ngày trên truyền thông và nhiều người có lẽ cảm thấy tự hào khi Việt Nam có thể dự phần vào cuộc đua vaccine giữa các quốc gia đang trở nên ngày càng nóng bóng. “Bao giờ Việt Nam có vaccine?” là câu hỏi mà Vabiotech nhận được nhiều tới mức người phụ trách quan hệ công chúng của Vabiotech phải “cảnh báo” phóng viên là đừng hỏi câu nhàm chán đó nữa. Và trước khi bắt đầu buổi phỏng vấn, ông Đỗ Tuấn Đạt cũng nhắc lại điều đó.

Mặc dù công nghệ mRNA, virus vector và công nghệ dựa trên protein trong sản xuất vaccine rất mới trên thế giới, nhưng những công ty dẫn dầu trong cuộc đua vaccine này đã có 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển chúng. Dịch Covid – 19 là điều kiện để họ “tung” ra một công nghệ đã chuẩn bị sẵn từ trước, thậm chí có công ty đã đến bước thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I trên người cho một số loại vaccine và sinh phẩm dựa trên các công nghệ này. 

Vabiotech đang phát triển vaccine với tốc độ họ chưa từng nghĩ đến. Khối lượng công việc họ làm trong mấy tháng qua tương đương với những gì trước kia họ làm trong vài năm. Tuy nhiên, giới hạn của Vabiotech là không sở hữu và phát triển công nghệ. Họ học từ đầu. “Đây là cơ hội để bọn tôi xây móng (nhà)” – ông Đỗ Tuấn Đạt nói. Hiện nay, Vabiotech vẫn đang tìm cách tối ưu quy trình sản xuất và tiêm vaccine để tiết kiệm kháng nguyên (virus) và đạt năng suất cao nhất.    

Mỗi bước thay đổi trong quy trình sản xuất vaccine, Vabiotech đa số đều cần tư vấn hay chờ đối tác từ Anh gửi vật liệu sang để kiểm thử. Hơn nữa, tất cả nguyên liệu làm vaccine Covid-19 của Vabiotech lần này đều phải nhập khẩu từ Mỹ, mà theo ông Đạt, “rất nhiều nhà sản xuất (khác) cũng cần các nguyên liệu này, mình cũng ở trong cái bức tranh đấy thì mình cũng phải chờ đợi”.

Nếu Vabiotech có mẫu gửi sang nước ngoài để thử nghiệm cũng phải “xin thủ tục khá là khó khăn” ở các quốc gia đó. Hiện nay, với giai đoạn thử nghiệm trên khỉ, Vabiotech chỉ có thể đánh giá được đáp ứng miễn dịch mà không có cơ sở vật chất đáp ứng đủ điều kiện an toàn sinh học để theo dõi và đánh giá độc lực và độ an toàn của vaccine trên hơn 12 con khỉ. Chính vì vậy, họ phải gửi mẫu vaccine sang Mỹ để thực hiện các đánh giá này và… chờ đợi. 

Vabiotech còn gặp nhiều thách thức đặc trưng của người làm vaccine ở Việt Nam mà một trong số đó là chỉ có một nhóm duy nhất phải tự “mày mò” từ nghiên cứu và sản xuất vaccine từ đầu đến cuối trong khi các hãng dược lớn trên thế giới có một đội ngũ khổng lồ, mỗi bộ phận phụ trách một khâu. Kể cả với một nước tiềm lực kinh tế trung bình như Cuba, để có được vaccine Covid-19 đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên người vừa qua là quốc gia này phải huy động cả cộng đồng khoa học, chia nhau mỗi người một việc.

Cộng đồng khoa học trên thế giới cho rằng, cần nhiều hơn một vaccine để thế giới vượt qua đại dịch và vaccine đầu tiên ra thị trường không cần thiết phải là vaccine tốt nhất. Điều đó cũng có nghĩa là các vaccine thế hệ sau phải bị đặt dưới áp lực phải có hiệu quả tốt hơn vaccine trước. Vabiotech đặt mục tiêu vaccine của họ phải phòng được lây truyền. Mặc dù khả quan ở bước tiền lâm sàng nhưng họ còn một chặng đường dài trước mắt để khẳng định hiệu quả đó trên người.  
 


Việt Nam sẽ mua vaccine của Nga?

Nga là quốc gia duy nhất ngoài Mỹ và Anh phát triển thành công vaccine dựa trên công nghệ virus vector với vaccine Sputnik-V. Sputnik-V có hiệu lực là 92%. Tuy nhiên, mặc dù có 40.000 người tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba của vaccine này nhưng chỉ có 20 người nhiễm virus Sars-Cov-2 trong số đó. Cộng đồng khoa học thế giới cho rằng con số này quá thấp, không đủ tính đại diện để tin tưởng vào hiệu quả của vaccine trong thực tế. Vào tháng 8 vừa qua, Bộ Y tế đã đề xuất đặt mua vaccine này. Tuy nhiên, ông Đỗ Tuấn Đạt cho rằng công suất vaccine của Nga sẽ khó đáp ứng đủ số lượng cho nhu cầu xuất khẩu. Hơn nữa, kể cả được đặt mua, Sputnik V cũng sẽ phải thử nghiệm lâm sàng một lần nữa trên người Việt Nam với kết quả tin cậy mới được cấp phép sử dụng tại Việt Nam – điều chưa chắc họ đã sẵn sàng.

Khi nói về câu chuyện làm vaccine Covid-19, ông Đỗ Tuấn Đạt say sưa nói nhiều về cơ hội hơn là thách thức của mình. Cuộc chạy đua vaccine trên thế giới có thể ẩn chứa những cạnh tranh về mặt chính trị và kinh tế, nhưng góc nhìn của ông Đạt, nó kết nối cộng đồng làm khoa học trên khắp thế giới chặt chẽ hơn. Các hãng vaccine trên thế giới chưa bao giờ có tiền lệ công bố các số liệu về thử nghiệm vaccine tiền lâm sàng trên động vật hay lâm sàng trên người nhưng giờ đây họ công bố ngay lập tức. Họ cũng công khai chia sẻ, cập nhật liên tục quá trình nghiên cứu và làm vaccine, chủ động hỗ trợ nhau qua các buổi họp trực tuyến hằng tuần. Các bài báo khoa học giờ đây còn được khuyến khích đăng tải trước cả khi được bình duyệt. Vabiotech tiến tới việc làm chủ một công nghệ sản xuất vaccine mới trong thời gian ngắn chưa từng có. “Thật sự đây là một thời điểm rất tốt cho mình, chưa bao giờ mình có thể tiếp cận ngay các trao đổi đấy” – ông Đạt cho biết, “Kể cả không [phát triển vaccine] thành công, thì đây cũng là cơ hội để tận dụng có được kinh nghiệm cho mình”. 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)