Vacxin bại liệt và cuộc họp hy hữu

Trong phòng làm việc trên gác hai của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, GS Hoàng Thủy Nguyên kể lại những ngày cả thế giới run sợ trước bệnh bại liệt cách đây 40 năm, cũng như bây giờ thế giới hoảng hốt trước virút H5N1). Các chính phủ được kêu gọi hành động quyết liệt ngăn chặn dịch bênh lây lan, các nhà khoa học vùi đầu trong phòng thí nghiệm hòng tìm ra loại vacxin hữu hiệu.Việt Nam cũng không thoát khỏi sự tấn công của virut bại liệt. “Nhưng chúng ta đã nhanh chóng có được loại vacxin đặc hiệu để ngăn chặn dịch. Đó là công rất lớn của cố Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch” – GS Hoàng Thuỷ Nguyên bảo thế

Cơn ác mộng bại liệt.

Sau Thế chiến II, có một khoảng thời gian được mệnh danh là thời kỳ bùng nổ sinh xuất, những đứa trẻ liên tiếp ra đời như để bù lại những tháng ngày lo âu triền miên và không biết tương lai sẽ ra sao dưới bom rơi, đạn nổ. Nhưng virut bại liệt đã làm hỏng ước mong đẹp đẽ ấy. Virut bại liệt xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hoá, xâm nhập vào tuỷ sống, làm tổn thương hệ thần kinh và cuối cùng là giết chết bệnh nhân hoặc khiến bệnh nhân bại liệt. Các bệnh viện đầy ắp thanh thiếu niên theo đuổi quy trình vật lý trị liệu nhằm phục hồi phần nào chức năng các khớp và bắp thịt. Những người bị nặng hơn, không thể thở được thì phải nhờ đến phổi nhân tạo – một thiết bị giúp con người thở nhân tạo bằng cách dùng bơm cơ học.

Các nhà khoa học ở các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới lao vào nghiên cứu chế tạo vacxin bại liệt. Albert Sabin, một nhà khoa học người Mỹ gốc Ba Lan đã chọn lọc ngoài tự nhiên các giống virut bại liệt không còn độc lực để dùng sản xuất vacxin. Albert Sabin cho rằng do quá trình chọn lọc tự nhiên, ngoài một số virut xâm nhập cơ thể con người qua đường tiêu hóa, nhân lên và gây tổn thương thần kinh trung ương, còn có các virut không có độc lực, không gây bệnh và bị thải vào môi trường tự nhiên. Virut bại liệt có ba typ 1, 2, 3 thì Sabin cũng tìm được cả 3 giống virut tương ứng trong tự nhiên không còn độc lực. Từ các giống virut này, Sabin tiến hành sản xuất vacxin bại liệt.
Cũng thời gian đấy, virut bại liệt cũng tấn công Việt Nam. Trong ba vụ dịch liên tiếp năm 1957, 1958, 1959, bệnh bại liệt gây ra tổn thất rất lớn. Năm 1959, virut bại liệt khiến cho 6000 trẻ em bị liệt, tỷ lệ tử vong là 45 trẻ em trong số 100 nghìn ca nhiễm virut. Dịch bệnh lan nhanh khắp các tỉnh miền Bắc.

Trước đó, năm 1954, bác sỹ quân y Hoàng Thuỷ Nguyên từ Điện Biên Phủ về Hà Nội tham gia tiếp quản thủ đô. Sau đó, ông được cử đi học về vacxin virut ở Đức. Cuối năm 1958, bác sỹ Nguyên về nước với học vị Tiến sỹ khoa học. Năm đó cũng là vụ dịch bại liệt thứ hai ở miền Bắc nước ta.
“Bấy giờ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng liên hệ với phía Liên Xô nhờ phía bạn giúp ta vacxin bại liệt đồng thời “chuyển giao công nghệ” làm vacxin bại liệt cho Việt Nam” – GS Hoàng Thuỷ Nguyên kể. Trong hai năm 1960 và 1961 Liên Xô giúp chúng ta mỗi năm 2 triệu liều vacxin bại liệt, đủ cho 2 triệu trẻ em dưới 3 tuổi. Nhờ vậy, trong hai năm đó, nước ta không còn xảy ra dịch bệnh nặng nề. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tự sản xuất được vacxin bại liệt để chủ động phòng chống dịch. “Còn nhớ, khi phía Liên Xô đồng ý giúp mình làm vacxin (năm 1959 ) thì Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch gọi tôi lên và bảo: “Cậu đã được đào tạo cơ bản về vacxin virut rồi nên cậu đi thôi”. Thế là tôi lên đường sang Liên Xô”. Chỉ 3 tháng sau, TSKH Hoàng Thuỷ Nguyên quay trở lại Việt Nam. Trong thời gian đó, ông đã gặp Sabin và Sabin trao cho ông 3 giống virut không độc lực và đồng ý để ông sử dụng sản xuất vacxin.

Cuộc họp hy hữu

Về nước, bác sỹ Nguyên mới nhận thấy ngoài 3 giống virut của Sabin và khối kiến thức đã học được trong đầu ông hoàn toàn tay trắng: không hóa chất, không cơ sở, không thiết bị. Nhưng thiếu trang thiết bị, nhà xưởng, hóa chất chưa phải là vấn đề quan trọng nhất mà quan trọng nhất là thiếu người. Đất nước mới giải phóng, cán bộ còn rất thiếu, nhất là cán bộ y tế. Phải có người biết làm. Có người ắt sẽ huy động được nhà xưởng, thiết bị, hóa chất. “Cũng như chúng tôi đang nghiên cứu vacxin H5N1 bây giờ vậy, cũng tự nguyện, tự huy động tất cả những gì cần thiết” – GS Nguyên so sánh.

Khi đó, đất nước còn nghèo, tiền không có nhưng Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cấp riêng cho bác sỹ Nguyên một khoản kinh phí đặc biệt 2000 bảng Anh mỗi năm để nghiên cứu sản xuất vacxin bại liệt. 2000 bảng Anh lúc đó là khoản tiền rất lớn với đất nước và với bản thân ông. “Số tiền đó tôi dùng để đặt mua hoá chất và dụng cụ ở Hồng Kông. Tôi chi tiêu chặt chẽ lắm. Mỗi năm tôi để dành một số tiền và sau vài năm tôi đủ tiền mua thêm một chiếc máy đông khô của Tây Đức trị giá 2000 bảng”.


Phòng bệnh bại liệt ở trẻ em.

Trong hai năm sau đó, nhóm nghiên cứu vừa làm, vừa dạy cho nhau dưới sự “lãnh đạo” của bác sỹ Nguyên. Trụ sở làm việc là mấy phòng ở của các nữ sinh tại số 5 phố Quang Trung. Nhà này nằm ngay sau trường Saint Marie (giờ là bệnh viện Việt Nam – Cu ba) và được dùng làm nơi ở cho các nữ sinh học thành nữ tu. Trong căn nhà ấy, vacxin bại liệt dần hình thành từ việc nhân giống chủng virut trên tế bào thận kỉ tiên phát, thử nghiệm trên động vật… Cuối cùng, còn một khâu quan trọng nhất để khẳng định liệu vacxin của ta làm ra có hiệu quả hay không: Đó là thử nghiệm trên thực địa -tức là thử nghiệm trên người.


Virut bại liệt, nguồn gốc sự tàn phế của hàng triệu thanh thiếu nên trên toàn thế giới

Tuy nhiên, việc thử nghiệm đã không được tiến hành dễ dàng. Sabin là một nhà khoa học nổi tiếng, với nhiều công trình quan trọng. Chumakov -người tiếp nhận công nghệ  từ Sabin, tiến hành sản xuất rộng rãi và chứng minh trên thực địa vacxin của Sabin an toàn– cũng là một Viện sỹ nổi tiếng của Viện Hàn lâm khoa học Nga. Nếu đem so sánh với Sabin và Chumakov thì không ai tin bác sỹ Nguyên có thể làm được loại vacxin hiện đại đó -một loại vacxin làm trên cơ sở nuôi tế bào, là vacxin sống, dựa trên virut đã giảm độc lực. GS Nguyên nói bằng giọng bình thản: “Người ta bảo vacxin do tôi làm ra là vacxin rởm. Dù tôi có bằng cấp, được đào tạo cơ bản, họ cũng không tin tôi có thể làm được”. Những dư luận đó phần nhiều xuất phát từ các cán bộ y tế và Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đương nhiên cũng biết.

GS Nguyên kể: “Một hôm, Bộ trưởng gọi điện cho tôi bảo: “Nguyên ơi, cậu mang lên đây 2 lọ vacxin, mỗi lọ một trăm liều”. Bấy giờ trụ sở Bộ Y tế nằm ở ngã tư Trần Hưng Đạo và Phan Huy Chú, vốn là bệnh viện tư của một bác sỹ người Pháp. Khi tôi mang 2 lọ vacxin lên, Bộ trưởng bảo tôi cầm 2 lọ vacxin đó đi theo ông lên Hội trường trên tầng 2. Thì ra Bộ trưởng đã cho triệu tập một cuộc họp gồm cán bộ chủ chốt của Bộ Y tế. Vào Hội trường, Bộ trưởng bảo: “Cậu mở một lọ ra”. Tôi mở ra, Bộ trưởng bảo tiếp: “Cậu uống đi”. Tôi uống luôn. Rồi Bộ trưởng cầm lọ thứ hai và uống nốt. Xong, ông bảo tôi cùng ông ra khỏi hội trường. Buổi họp hôm ấy coi như xong”.

Sau buổi họp đó, việc thử nghiệm vacxin bại liệt không ai còn bán tán thêm gì nữa. Việc thử nghiệm thực địa lâm sàng cho kết quả tốt. Năm 1962, Việt Nam tự sản xuất được 2 triệu liều vacxin bại liệt. Sau này (khoảng năm 96-97), chúng ta sản xuất tới 40 triệu liều, lượng lớn nhất từ trước đến nay. Đến nay, về cơ bản bệnh bại liệt đã được thanh toán.

P.V(ghi)

Hoàng Thuỷ Nguyên

Tác giả

(Visited 14 times, 1 visits today)