Vi Kim Ngọc: Người khởi tạo từ điển hình ảnh về muỗi

Trong những ngày hoàng kim của Bộ môn Ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội, dưới thời GS. Đặng Văn Ngữ, đã có một người nghệ sĩ minh họa khoa học, đó là bà Vi Kim Ngọc, là người phụ trách toàn bộ mảng kỹ thuật của nhóm Côn trùng – Tiết túc trong Bộ môn.

 



Bà Vi Kim Ngọc.



Hiếm có ai thời bấy giờ lại có một số phận vừa vặn với công việc này như bà Ngọc. Sinh ra trong một gia đình khá giả bậc nhất miền Bắc thời bấy giờ, là con gái của Tổng đốc Vi Văn Định, bà được dạy vẽ và nhạc từ nhỏ. Trong Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên (bà là vợ của cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên của Việt Nam Nguyễn Văn Huyên) vẫn còn lưu giữ những bức vẽ tĩnh vật đầy tinh tế của bà. Còn sau này, bà theo học khóa đào tạo chuyên ngành Ký sinh trùng học của trường Đại học Y và sau khi tốt nghiệp, được GS. Đặng Văn Ngữ bổ nhiệm tiếp tục làm việc tại trường. Vừa vẽ đẹp, vừa am hiểu chuyên môn khiến cho những bức vẽ của bà Ngọc không chỉ đầy tính thẩm mĩ mà còn chính xác và có giá trị tham khảo về mặt khoa học. Nhiều hình vẽ của bà đã được sử dụng trong sách giáo khoa sinh học thời đó.

Minh họa khoa học (science illustration) là một hoạt động quan trọng của ngành phân loại học sinh học. Hiện nay, công việc này vẫn được đào tạo trong các trường đại học hàng đầu thế giới như Đại học Yale (Mỹ) và các bảo tàng tự nhiên của nhiều quốc gia cũng có riêng những nghệ sĩ minh họa khoa học.

Công việc minh họa này vẫn cần thiết, kể cả trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, một máy ảnh kĩ thuật số thông thường cũng có thể có thể chụp phóng đại sự vật lên đến hàng chục, hàng trăm lần. Lí do quan trọng nhất đó là luôn luôn cần hình ảnh lưu trữ của một mẫu vật hoặc các loài động/thực vật. Trong nhiều trường hợp, loài động vật đó đã bị tuyệt chủng, hay rất khó thu thập, hoặc các mẫu vật thật được bảo quản trong dung dịch bị hỏng, bị biến dạng (điều đó rất dễ xảy ra vì trước kia người ta thường ngâm các mẫu vật trong cồn để bảo quản nên chúng đều bị mất màu) thì bản vẽ minh họa đó là thứ duy nhất để tái hiện lại sinh vật đó.

Quan trọng hơn, những minh họa khoa học sẽ thu hút sự chú ý của nhà khoa học đến những điểm giải phẫu đặc biệt trên cơ thể sinh vật, đặc biệt là với các sinh vật có kích thước nhỏ. Máy ảnh kỹ thuật số, dù có thể chụp phóng đại, vẫn không đạt đến độ chi tiết và toàn diện của những bức ảnh minh họa của các nghệ sĩ, đặc biệt là ở chỗ đốt chân, đốt râu, lông… Hơn nữa, một điều không thể chối cãi đó là nhìn vào những bức họa sống động và nghệ thuật, người ta cảm thấy hấp dẫn và thỏa mãn hơn nhiều so với ảnh chụp. Chính vì thế nên ngày nay trong những công bố khoa học, người ta vẫn ưa chuộng những hình minh họa.

Tuy nhiên, thời những năm 50 ở Việt Nam, người ta không nhận ra tầm quan trọng đến vậy của công việc minh họa khoa học. Thậm chí, có lẽ bà Ngọc đã làm công việc minh họa khoa học này một cách “bất đắc dĩ”, xuất phát từ lòng nhiệt thành với công việc giảng dạy, muốn kết nối lý thuyết với thực nghiệm. Phân môn Côn trùng – Tiết túc được đánh giá là khó nhất nhưng các buổi dạy do bà Vi Kim Ngọc hướng dẫn lại trở nên hấp dẫn và hiệu quả nhờ những tiêu bản thực hành mà bà vẽ, theo lời GS. Phạm Huy Dũng (nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế). Hơn nữa, là một nhà khoa học được đào tạo bài bản, bà Ngọc còn đi xa hơn cả việc tạo ra những bức vẽ đẹp. Cũng theo lời GS.Dũng, yêu cầu đối với hình minh họa như vậy, chẳng hạn như làm tiêu bản về muỗi Anophen, chỉ cần định loại tên, phân loại râu, thân…là đủ, nhưng bà còn trao đổi thêm về những nơi muỗi này trú ngụ, cách sinh sản và tác hại của chúng.

Thời kỳ đó, các giảng viên thường sử dụng các bức vẽ của bà Ngọc chia theo nhóm cho các sinh viên lần lượt quan sát và thảo luận. Hoặc các bức vẽ được phóng to để treo lên bảng minh họa cho bài giảng. Hầu như các buổi thực hành về muỗi đều phải sử dụng đến những bức vẽ này. PGS.TS Phạm Văn Thân, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội, một trong những học trò của bà, đã từng được bà Vi Kim Ngọc hướng dẫn cách vẽ tranh, cho biết: “Các bức vẽ của bà Ngọc tỉ mẩn đến mức chúng tôi sốt ruột không thể làm được. Chúng tôi chỉ vẽ mô tả chung về con muỗi chứ không vẽ tỉ mẩn chi tiết như bác Ngọc được.”



Hình muỗi Aedes do bà Kim Ngọc vẽ.

Hiện nay, các bức vẽ còn lại của bà Ngọc chủ yếu là về muỗi – đối tượng nghiên cứu đã làm nên tên tuổi của GS. Đặng Văn Ngữ. Để có những tiêu bản muỗi, bà Ngọc phải lên kế hoạch bắt muỗi để tiến hành làm các tiêu bản và vẽ phóng to các loại côn trùng. Để hoàn thiện một bức vẽ về muỗi, phải qua rất nhiều công đoạn, từ khâu chuẩn bị như xây dựng kế hoạch nghiên cứu, xác định đối tượng, tìm hiểu về đặc điểm, hình dáng, cũng như đời sống sinh hoạt của loại muỗi cần bắt. Tiếp đến là việc bắt muỗi ở các địa phương khác nhau. Bộ môn phải tổ chức thành kíp bắt muỗi, bà Ngọc có thể đi cùng sinh viên, hoặc đi cùng cán bộ kỹ thuật. Mỗi kíp sẽ có một người ở vị trí làm mồi cho muỗi, còn một người làm nhiệm vụ bắt muỗi. Người làm mồi phải chịu thiệt thòi để muỗi đốt sâu, ngứa nhưng không dám cử động vì sợ muỗi bay mất. Thậm chí, có những loại côn trùng sống trong chuồng trâu, chuồng bò, chuồng lợn… bà Ngọc cùng đồng nghiệp cũng phải tự đi bắt.

Việc xác định loại muỗi phải được tiến hành trong vòng 24h. Bà Ngọc phải sử dụng kính hiển vi trong quá trình vẽ, giấy vẽ được chia ô bằng bút chì. Các loại bút vẽ, bút chì phải là loại có ngòi nhỏ, thanh. Màu sắc cũng được bà chú ý lựa chọn để vừa chính xác về mặt khoa học vừa đảm bảo đẹp về mặt hình thức.

Các bức vẽ của bà chính xác đến từng đốm đen trên lưng muỗi, độ dài của chân, màu sắc từng bộ phận… Mỗi bức vẽ hoàn chỉnh, bà Ngọc đều ghi phụ đề chi tiết: tên loại muỗi, giới tính, địa điểm và thời gian bắt muỗi, thời gian vẽ muỗi.

Thông thường, để hoàn thiện một bức vẽ, bà Vi Kim Ngọc tập trung khoảng 1-2 tuần. Quan sát kỹ các bức vẽ sẽ thấy sự cẩn thận, tỉ mỉ của từng nét bút, với sự thể hiện rất sống động như chụp lại. Có lẽ, công đoạn mất nhiều thời gian nhất là việc tô màu cho từng chi tiết nhỏ trên mỗi bức vẽ. Mỗi loại muỗi như muỗi Aedes, Culese, Mansonia, Anophen… được bà Ngọc hoàn thiện, bộ sưu tập giống như một cuốn từ điển hình ảnh. Mỗi khi muỗi được bắt về, có thể soi muỗi trên kính hiển vi và so sánh với các bức vẽ để định loại muỗi.



Hình minh họa khoa học trong cuốn sách Lịch sử tự nhiên, tác giả Louis Renard, xuất bản tại Amsterdam năm 1754.

Một yêu cầu khác đối với bà Ngọc, là phải làm sao để tiêu bản đó có thể “bền đẹp” lâu nhất có thể, bởi vì phải mang đi mang lại trong thời buổi kháng chiến khó khăn. PGS. Phạm Văn Thân chia sẻ, công việc của bà Ngọc hết sức “cầu kì”, đặc biệt là các bức vẽ trên khổ giấy lớn. Bà Ngọc thường dán giấy lên tấm vải màn đã được quét hồ, làm như vậy bức vẽ sẽ không bị nhàu nát, sử dụng được lâu hơn. Có những bức vẽ được di chuyển nhiều trong các chuyến công tác, trong những lần đi sơ tán nhưng vẫn không bị rách.

Theo PGS.TS Phạm Văn Thân thì các bản vẽ của bà Vi Kim Ngọc không chỉ là những bức vẽ đơn thuần mà còn ẩn chứa tâm hồn của một nhà chuyên môn đầy tâm huyết. Đó cùng là lý do để những bức vẽ luôn được trân trọng và lưu giữ suốt thời gian qua. Đây còn là những tài liệu chuyên môn, được ông và cán bộ Bộ môn sử dụng liên tục trong suốt quá trình công tác.

Bộ sưu tập các bức vẽ về muỗi của bà Vi Kim Ngọc gồm 44 bức, kèm theo 3 bản chép tay về đặc điểm, cấu trúc của từng loại muỗi. Các bức vẽ được bà Ngọc vẽ trên chất liệu giấy bìa cứng và được cắt thành khổ A4. Mỗi bức vẽ được bọc cẩn thận bởi một tờ giấy A3 gập đôi. Tất cả được kẹp trong bìa màu xanh, mặt bìa có dòng chữ “Hình thể bên ngoài” do bà Vi Kim Ngọc viết. Trải 50 năm, những tấm bìa đã bị rách rìa, quăn góc; các bức vẽ đã ngả màu nhưng vẫn giữ nguyên được độ sắc nét, tinh tế.

Nguồn:http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/vi-kim-ngoc-nguoi-khoi-tao-tu-dien-hinh-anh-ve-muoi/20190822111150668p1c160.htm

 

Tác giả

(Visited 19 times, 1 visits today)