Viện iSEE: Mở và khoan dung với những khác biệt

Những năm gần đây, Viện Nghiên cứu Xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) đã thực hiện nhiều nghiên cứu rất quan trọng về các nhóm dân tộc thiểu số, cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT). Qua đó, iSEE góp phần giúp xã hội trở nên thấu hiểu, khoan dung hơn, giảm sự kỳ thị. iSEE có thể làm được những điều đó cũng nhờ vào triết lý xây dựng Viện dựa trên tính “mở” và tôn trọng khác biệt.


Ở iSEE, dễ dàng bắt gặp hình ảnh người lắng nghe là các nhà nghiên cứu, còn người trình bày ý tưởng là người dân – vốn bị cho rằng có ít tri thức. Nguồn: iSEE.

Sáu năm trước, lần đầu tiên tôi đến iSEE để dự một buổi chia sẻ ý tưởng nghiên cứu, cũng là lần đầu tiên tôi chứng kiến diễn giả là một bạn rất trẻ – Huỳnh Minh Thảo – chủ nhiệm diễn đàn của người đồng tính “Táo xanh”. Thảo say sưa nói về cách vận động xây dựng diễn đàn, về cách thức các thành viên trao đổi thông tin, chia sẻ cuộc sống và cảm xúc với nhau, những người lắng nghe chính là những nhà nghiên cứu kỳ cựu, những người làm phát triển cộng đồng lâu năm, để rồi sau này cùng Thảo lập kế hoạch cho hàng loạt nghiên cứu dài hơi và quan trọng, có tính quyết định đến cộng đồng LGBT ở Việt Nam.

Đến cuối năm 2017, trong lúc đang ngồi chờ đợi để trao đổi về bài viết này với viện trưởng iSEE, may mắn được lắng nghe buổi họp bàn kế hoạch “tác chiến” năm 2018 của Viện, tôi lại bắt gặp cảnh: sau khi cùng nhau xác định những vấn đề chính cần làm, viện trưởng hỏi xem ai sẽ xung phong tổng hợp báo cáo của từng nhóm và làm báo cáo chiến lược năm tới – một công việc mà thông thường đã được “mặc định” là lãnh đạo viện thực hiện. Hai hình ảnh đó rất lạ đối với nhiều tổ chức, nhưng lại là thường ngày ở iSEE, đã nói lên một triết lý ở iSEE, triết lý mở trong xây dựng các vấn đề nghiên cứu, xây dựng cộng đồng cũng như hỗ trợ can thiệp cho các nhóm thiểu số.

“Mở” để những người trong cuộc đóng góp ý tưởng

Từ lúc thành lập, tới nay đã 11 năm, iSEE chủ yếu theo đuổi nghiên cứu và can thiệp ở hai nhóm thiểu số rất đặc biệt trong xã hội: nhóm LGBT hầu hết ở tình trạng “ẩn” và không dám nói ra những vấn đề của cộng đồng mình do bị định kiến, kỳ thị và nhóm các dân tộc thiểu số, với hơn 11 triệu người, dù được nhà nước hỗ trợ nhiều nhưng chủ yếu là các chương trình mang tính cứu trợ. Để nghiên cứu và can thiệp, iSEE bắt đầu từ cộng đồng và “lăn lộn” với cộng đồng để tập trung vào những vấn đề cấp thiết nhất, những ý tưởng – xuất phát từ chính góc nhìn của những người trong cuộc (điều này có sự khác biệt với các nghiên cứu xã hội khác đang được tiến hành là các nhóm “bên ngoài” đi thực tế “ba cùng” tại cộng đồng, nhưng ý tưởng nghiên cứu và cách diễn giải kết quả là của nhà nghiên cứu chứ không phải của cộng đồng). Làm như vậy, iSEE đã tận dụng được tri thức của cộng đồng và nhắm tới những điều khó nói nhất, thường bị lảng tránh nhất ở trong các nhóm thiểu số.

iSEE đã phát triển các chương trình nghiên cứu photovoice (tiếng nói từ hình ảnh), co-research (đồng nghiên cứu), mà ở đó, thay vì nhà nghiên cứu đến cộng đồng để thực hiện nghiên cứu, thì họ chỉ đóng vai trò hướng dẫn, còn cộng đồng tự chọn chủ đề và tự tiến hành các nghiên cứu, tự công bố kết quả và cùng thảo luận về các giải pháp với các bên liên quan. “Khi iSEE bắt đầu đưa phương pháp đồng nghiên cứu vào cộng đồng, nhiều nhà nghiên cứu rất nghi ngờ tính khả thi, họ đều nghĩ làm nghiên cứu phải rất hàn lâm, còn những người dân, thậm chí không biết chữ thì làm nghiên cứu kiểu gì? Nhưng chúng tôi tin vào năng lực cộng đồng, họ sẽ có tri thức về những mảng mà mình không có, đặc biệt là hiểu biết về chính cộng đồng của họ. Đến nay, phương pháp đồng nghiên cứu đã được nhiều tổ chức phát triển ở Việt Nam áp dụng. Điều quan trọng là phương pháp này đã trao quyền cho người dân, làm thay đổi mối quan hệ quyền lực giữa người dân và nhà nghiên cứu, nhà phát triển, khiến họ đều bình đẳng”, chị Lương Minh Ngọc, viện trưởng iSEE nói. Và iSEE không dùng từ “người hưởng lợi” đối với các nhóm được can thiệp mà dùng từ “đối tác cộng đồng”, hay “đối tác địa phương” (chính quyền địa phương nơi can thiệp).

Song song với quá trình làm nghiên cứu về các cộng đồng thiểu số đó, iSEE làm một việc rất khác biệt so với nhiều cơ quan nghiên cứu và tổ chức phát triển khác, đó là cùng xây dựng cộng đồng. Theo anh Lê Quang Bình, người sáng lập và nguyên viện trưởng iSEE thì ngay từ khi mới thành lập Viện đã xác định mọi thay đổi đều phải dựa vào cộng đồng, người trong cộng đồng phải “cầm lái” tiến trình thay đổi. “Chúng tôi muốn xóa bỏ kỳ thị trong xã hội với người đồng tính, song tính và chuyển giới. Tuy nhiên, mười năm trước đây hầu như không có người LGBT nào công khai vì lo sợ bị phân biệt đối xử. Để thay đổi mà nhóm đối tượng ẩn đó không xuất hiện thì làm sao can thiệp được? Nếu cộng đồng LGBT không xuất hiện thì làm sao xã hội và nhà nước biết họ là ai để mà thay đổi? Chính vì vậy iSEE đặt mục tiêu phải kết nối với lãnh đạo của các nhóm LGBT lúc đó mới chỉ xuất hiện trên mạng và mời họ tham gia và cùng xây dựng cộng đồng. Theo tôi, phong trào LGBT có thể thành công là do cộng đồng tuy khác nhau nhưng đã cùng nhau kết nối vì một mục đích chung, cùng được  truyền cảm hứng để đóng góp vào tiến trình  thay đổi định kiến kỳ thị trong xã hội”, anh Lê Quang Bình chia sẻ thêm. 

Công việc vẫn chạy kể cả… không có lãnh đạo

Văn hoá mở và luôn đặt mình vào vị trí của người khác để san sẻ công việc chung, giá trị chung đó được thể hiện rõ ràng trong cách vận hành tổ chức của iSEE. Mặc dù cũng phân cấp nhân viên, cán bộ quản lý, viện trưởng, nhưng ranh giới giữa các vị trí này rất mờ và mọi thành viên của iSEE đều tin rằng mình bình đẳng. “Khi bạn làm điều phối một nhóm hay viện trưởng thì có thêm trách nhiệm và được trả lương thêm, nhưng điều đó không làm cho viện trưởng có giá trị về mặt con người hơn một bạn thực tập sinh hay trợ lý”, chị Lương Minh Ngọc nói. Ở iSEE, nhân viên đều có thể ứng tuyển làm thử điều phối, các điều phối đều có thể ứng tuyển làm thử viện trưởng theo chương trình “quyền lãnh đạo” (acting), qua đó tăng khả năng bao quát công việc và khả năng lãnh đạo. Khi đó, dù bất kỳ ai trong viện, kể cả… viện trưởng nghỉ thì công việc vẫn chạy trơn tru.

Năm 2015, iSEE thông báo thay đổi lãnh đạo, anh Lê Quang Bình xin nghỉ và chỉ làm cố vấn cho Viện. Giữa lúc các đối tác của iSEE khá ngỡ ngàng thì nội bộ iSEE đã sẵn sàng cho sự thay đổi này. “Trước đó, năm 2014 khi tôi tuyên bố sẽ nghỉ thì trong viện mọi người rất ngạc nhiên, nhiều người không tin tôi có thể nghỉ. Nhưng tôi đã dứt khoát đặt ra một ngày cụ thể là 31 tháng 7 năm 2015 dù có viện trưởng mới hay không tôi cũng sẽ bước ra khỏi văn phòng. Điều này làm tất cả phải tin và chủ động chuẩn bị cho việc chuyển giao lãnh đạo. Trong nhiều việc phải chuẩn bị như hệ thống, quy trình, văn hóa tổ chức thì việc giúp mọi người tự rèn luyện kỹ năng lãnh đạo được chú ý đặc biệt. Chúng tôi đặt ra chương trình thực tập làm lãnh đạo để ai muốn có thể làm quyền viện trưởng iSEE trong 3 tháng. Có chị Lương Minh Ngọc và chị Vũ Phương Thảo tình nguyện tham gia chương trình này và đã thay nhau làm quyền viện trưởng. Việc này rất hữu ích vì mọi người không chỉ học được việc lãnh đạo một tổ chức như thế nào mà còn làm quen với việc iSEE không có người sáng lập ngồi đó. Chính điều này làm cho iSEE như một tập thể độc lập hơn, tự tin hơn, và chuẩn bị tốt hơn cho việc chuyển giao lãnh đạo”. anh Lê Quang Bình nhớ lại.

Ngoài việc mở trong nội bộ tổ chức iSEE còn mở trong quan hệ với các đối tác bên ngoài. Triết lý này đã giúp iSEE “sống” và xây dựng nền tảng được từ những ngày đầu thành lập khi chưa có uy tín, chưa có nhiều  tài trợ. Khi là tổ chức “vô danh” việc thu hút được người giỏi rất khó. Nhưng với mục đích phải tạo ra các sản phẩm tốt, các nghiên cứu chất lượng nên iSEE đã thường xuyên hợp tác và chia sẻ ý tưởng nghiên cứu với các nhà  nghiên cứu hàng đầu về nhân học và xã hội. Điều đặc biệt, iSEE không coi các nhà  nghiên cứu này như các nhà tư vấn đơn thuần mà coi họ như những người bạn thân thiết, mời họ tham gia vào các hoạt động xây dựng chiến lược, góp ý cho các hoạt động  ngoài nghiên cứu. Sau 3 – 4 năm xây dựng nền tảng, thực hiện một số nghiên cứu tốt, iSEE đã gây dựng được uy tín và dần nhận được nhiều tài trợ nghiên cứu thông qua đấu thầu quốc tế, đồng thời có một đội ngũ nhân viên mạnh (luôn khá tinh gọn, chỉ dưới 20 người) – đều được đi học ở các nước phát triển, nhiều người đã từng làm cho các tổ chức quốc tế. Đây chính là nền tảng để iSEE có thể làm được nhiều việc có ích cho xã hội, cho những nhóm thiểu số trong hơn 10 năm qua.

Khó khăn của một viện nghiên cứu xã hội độc lập

Hiện tại, iSEE lại vấp phải một số trở ngại khác. Thứ nhất là tài trợ cho các nghiên cứu từ nguồn quốc tế đang giảm dần và chủ yếu theo xu hướng ngắn hạn. Khi xu hướng kêu gọi tài trợ nghiên cứu trong nước chưa khả thi (hầu như có ít các đơn vị quan tâm và tài trợ các nghiên cứu xã hội) thì iSEE vẫn phải tiếp tục nộp hồ sơ đấu thầu quốc tế xin các tài trợ ngắn hạn, nhưng lại vấp phải quá trình xét duyệt viện trợ còn phức tạp. Đây cũng là thách thức thứ hai cho các tổ chức nghiên cứu độc lập. Theo nghị định 93/2009/NĐ-CP, hồ sơ xin xét duyệt các nghiên cứu được viện trợ phi chính phủ do các tổ chức nghiên cứu độc lập nộp cho cơ quan chủ quản sẽ đươc phản hồi trong 20 ngày, nhưng thực tế thời gian thường kéo dài hơn nhiều. “Nhiều đơn vị tài trợ bây giờ chỉ cho thời gian khoảng 5-6 tháng để thực hiện nghiên cứu, mà lại chờ phê duyệt thì quay lại hết thời gian làm nghiên cứu rồi. Mình không thể nào nói với cơ quan tài trợ là tôi muốn nghiên cứu một vấn đề đang bức xúc trong xã hội nhưng phải đợi tới nửa năm sau mới làm được. Họ không thể đợi, mà sẽ tài trợ cho những chỗ khác”, chị Lương Minh Ngọc nói.

Ngoài ra, theo quy định hiện nay, việc tổ chức hội thảo có yếu tố nước ngoài, kể cả các tọa đàm nhỏ nhưng có người nước ngoài tham gia, thì các tổ chức nghiên cứu độc lập như iSEE đều phải lập đề án, xin phép ở các cấp có thẩm quyền trước ít nhất 20 ngày. “Tôi hiểu là phải quản lý, nhưng cần thoáng hơn. Ví dụ, khi chúng tôi tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu chẳng hạn, đăng lên facebook hoặc website của viện, thì ai cũng có thể đọc được, nhưng nếu chỉ cần có một người nước ngoài tới nghe thôi thì rất có thể là sẽ không được. Trong khi tri thức là thứ phải mở để mọi người cùng tiếp cận được. Nhìn về mặt giao lưu khoa học kỹ thuật, thì không nên có rào cản hành chính để cản trở sự giao lưu học thuật ấy. Việc chỉ tổ chức tọa đàm nhỏ mà cứ phải xin phép rồi chờ đợi sẽ rất là khó cho các viện nghiên cứu chứ không phải chỉ riêng iSEE”, chị Lương Minh Ngọc chia sẻ.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)