Việt Nam cần chuẩn bị lực lượng đủ khả năng đảm trách vấn đề nhiên liệu

Nhằm đảm bảo cho hoạt động của nhà máy điện hạt nhân được an toàn và hiệu quả, vấn đề nhiên liệu, Việt Nam cần một chương trình có tầm nhìn dài hạn, trong đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này phải được coi trọng đúng mức. Đó là quan điểm của TS. Cao Đình Thanh, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn của tạp chí Tia Sáng.

Thưa ông, trong lộ trình chuẩn bị cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 của Việt Nam, chúng ta đã đặt vấn đề đảm bảo nguồn nhiên liệu ổn định cho các lò phản ứng năng lượng chưa?

Nhiên liệu là một trong những vấn đề quan trọng trong công việc quản lý và vận hành lò phản ứng năng lượng của bất kỳ nhà máy điện hạt nhân nào trên thế giới. Hai nhà máy Ninh Thuận 1 và 2 của Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Để chuẩn bị cho dự án này, chúng ta đã có những bước đi khá cẩn trọng trên phương diện văn bản pháp luật, chính sách. Ví dụ trong Luật Năng lượng nguyên tử được Quốc hội thông qua và ban hành vào năm 2008 cũng như Quyết định số 906/QĐ-TTg về Phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030… cũng đề cập đến vấn đề nhiên liệu hạt nhân như một thành tố quan trọng của chương trình điện hạt nhân.

Bên cạnh đó, vấn đề nhiên liệu và cung cấp nhiên liệu cho hai nhà máy Ninh Thuận 1 và 2 cũng đã được chúng ta đề cập đến trong các văn bản thỏa thuận với các nhà cung cấp công nghệ, như Nga với Ninh Thuận 1 và Nhật Bản với Ninh Thuận 2. Theo cam kết với Nga và Nhật Bản, khi chuyển giao công nghệ lò phản ứng năng lượng cho Việt Nam, họ cũng phải đảm trách việc cung cấp nhiên liệu, đảm bảo đủ cho việc vận hành lò, ít nhất trong vòng đời của các lò phản ứng này.  Điều đó có nghĩa là trong khoảng 60 năm tồn tại theo giấy phép của một lò phản ứng, nhà cung cấp công nghệ sẽ phải thực hiện đúng theo cam kết đã ký trong hợp đồng là đáp ứng đủ nhiên liệu hoạt động theo công suất lò.

Tại sao vấn đề nhiên liệu lại được giao cho nhà cung cấp công nghệ? Liệu nó có dẫn đến việc chúng ta bị phụ thuộc quá nhiều vào một nhà cung cấp không?

Theo đặc thù kỹ thuật, mỗi loại lò phản ứng đều phải có thiết kế đồng bộ và tương thích với thanh nhiên liệu nhằm đảm bảo cho công việc vận hành lò được diễn ra an toàn. Vì vậy, nhà cung cấp công nghệ lò phản ứng đồng thời là nhà cung cấp nhiên liệu. Đây là lý do để chúng ta tiến hành nhập nhiên liệu từ Nga và Nhật cho các tổ lò phản ứng ở nhà máy Ninh Thuận 1, 2 như kế hoạch. 

Nếu không thực hiện theo quy trình này, tức là sử dụng lò phản ứng theo công nghệ của một nhà cung cấp và mua nhiên liệu của một nhà cung cấp khác sẽ dẫn đến sự thiếu tương thích cũng như thiếu an toàn trong vận hành lò phản ứng.

Nhìn ra thế giới, có nhiều quốc gia phát triển về điện hạt nhân nhưng chỉ có số ít tự sản xuất và cung cấp nhiên liệu hạt nhân. Phần lớn các quốc gia có nhà máy điện hạt nhân đều áp dụng chinh sách nhập nhiên liệu hạt nhân hoặc nếu có tiềm lực sản xuất thì cũng chỉ thực hiện một số khâu nhất định trong chu trinh nhiên liệu hạt nhân. Không có nhiều quốc gia đảm trách hoàn toàn mọi khâu từ A đến Z trong sản xuất nhiên liệu. Ví dụ riêng về nguyên liệu urani, một số quốc gia có nguồn urani tự nhiên sẵn có trong thiên nhiên thì tiến hành khai thác, chế biến và xuất khẩu sản phẩm urani kỹ thuật để cung ứng cho các quốc gia có nhu cầu, còn một số quốc gia khác nhập bột UO2 đã được làm giàu và tiến hành một số công đoạn tiếp theo chế tạo viên gốm nhiên liệu, lắp ráp thanh nhiên liệu và bó thanh nhiên liệu hoàn chỉnh phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại lò nhất định.

– Việt Nam đã có hơn 30 năm vận hành lò phản ứng nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Vậy kinh nghiệm về nhiên liệu và chu trình nhiên liệu trong quãng thời gian này giúp ích gì cho Việt Nam trong dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2?

– Quãng thời gian 30 năm tham gia vận hành lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt đem lại cho chúng ta rất nhiều kinh nghiệm quý báu về nhiên liệu, chu trình nhiên liệu. Tuy đây chỉ là một lò nghiên cứu quy mô nhỏ nhưng việc chuẩn bị thay đảo nhiên liệu, tối ưu thay đảo nhiên liệu cũng như quản lý lưu giữ nhiên liệu đã qua sử dụng… của đội ngũ vận hành và nghiên cứu tại đây cũng góp phần không nhỏ vào việc giúp chúng ta bớt bỡ ngỡ khi làm quen với lò phản ứng năng lượng. Ví dụ, một trong những công đoạn quan trọng của chu trình nhiên liệu là tối ưu thay đảo nhiên liệu đã được các cán bộ vận hành lò ở Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt học hỏi và thực hiện tốt. Theo định kỳ, tùy theo mức độ cháy của các thanh nhiên liệu ở từng vị trí mà họ phải tiến hành thay đảo các thanh nhiên liệu. Công việc này được thực hiện trên những phương pháp tính toán lý thuyết để tìm ra phương áp sắp xếp hợp lý. Ban đầu, việc thay đảo nhiên liệu này được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Nga nhưng sau đó, các cán bộ Việt Nam đã thành thạo và đủ khả năng tính toán để tự thực hiện. Vào năm 2011, chúng ta đã thực hiện thành công việc thay thế các thanh nhiên liệu có độ giàu cao (36%) sang nhiên liệu có độ giàu thấp (19%). Trước đây những công việc như thế này, chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài nhưng giờ đây, thay vì quan sát, chúng ta đã có thể tự mình thực hiện tốt.

Các chuyên gia của Cơ quan An toàn và An ninh hạt nhân Mỹ giám sát việc vận chuyển thùng chứa các thanh nhiên liệu có độ giàu cao từ lò nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, chuẩn bị đưa về Nga từ sân bay Biên Hòa. Nguồn: vnexpress.net

Những kinh nghiệm này quả thực đem lại cho chúng ta nhiều gợi ý và là cơ sở để tiếp tục thực hiện việc kiểm soát chu trình nhiên liệu trong các lò phản ứng năng lượng tại hai nhà máy điện Ninh Thuận 1 và 2.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi chu trình nhiên liệu trong lò phản ứng năng lượng sẽ có nhiều khác biệt trong cách thức thực hiện so với lò phản ứng nghiên cứu, trước hết ở quy mô của hệ thống lò. Vì vậy chúng ta sẽ tiếp tục học hỏi trên cơ sở hướng dẫn của chuyên gia quốc tế, đặc biệt là chuyên gia của nhà cung cấp công nghệ, để có được khả năng làm chủ và vận hành, xử lý các công đoạn về chu trình nhiên liệu ở lò có công suất cao.

Một trong những vấn đề công chúng quan tâm là việc xử lý các thanh nhiên liệu sau khi sử dụng. Vậy chúng ta sẽ triển khai vấn đề này như thế nào nhằm đảm bảo an toàn ở mức cao nhất?

Theo nguyên tắc, trải qua quãng thời gian ba năm trong lò phản ứng, các thanh nhiên liệu sẽ được thay ra. Khi được đưa ra khỏi lò, thanh nhiên liệu đã qua sử dụng có chứa các sản phẩm phân rã có hoạt độ phóng xạ cao, và lượng nhiệt dư khá lớn. Để đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường và con người, những thanh nhiên liệu đã qua sử dụng này sẽ được bảo quản trong các bể nước ngay trong nhà lò. Khi đó, nước vừa là chất làm mát vừa là thứ che chắn phóng xạ. Thời gian lưu giữ nhiên liệu qua sử dụng trong các bể nước này sẽ sẽ kéo dài khoảng năm năm. Tuy nhiên nhằm nâng cao tính an toàn, nhiều nước đã thiết kế tăng thời gian lưu giữ lên 10 năm. Sau khoảng thời gian này, các thanh nhiên liệu qua sử dụng đã được làm mát sẽ được chuyển sang các bể chứa khác ngoài lò, có thể là các container được thiết kế chuyên biệt.

Theo cam kết thì nhà cung cấp công nghệ sẽ còn đảm trách việc vận chuyển đưa số thanh nhiên liệu hạt nhân đã cháy ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Có một vấn đề mà chúng ta có thể yên tâm là mọi hoạt động vận chuyển, xuất nhập nhiên liệu, chất thải hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam sẽ được kiểm tra một cách chặt chẽ theo quy định của Luật Năng lượng nguyên tử, Thông tư hướng dẫn của Bộ KH&CN cũng như sự kiểm soát nghiêm ngặt của các đoàn chuyên gia thanh tra, thanh sát của IAEA. Khi chúng ta càng đảm bảo thực hiện theo các quy tắc này thì độ an toàn của các hoạt động càng được tăng lên. 

Vậy để có thể kiểm soát và thực hiện tốt các công đoạn trong chu trình nhiên liệu, chúng ta cần phải đào tạo nguồn nhân lực theo những yêu cầu nào?

– Tuy nhập nhiên liệu từ nhà cung cấp công nghệ nhưng về lâu dài đội ngũ cán bộ Việt Nam cũng cần phải có kiến thức sâu sắc về công nghệ chu trình nhiên liệu và hiểu biết thấu đáo về diễn biến trạng thái của nhiên liệu, vỏ thanh nhiên liệu trong quá trình vận hành của lò phản ứng. Đội ngũ cán bộ của chúng ta phải nắm vững kiến thức về tính toán thiết kế nhiên liệu, tính toán tối ưu thay đảo nhiên liệu, nắm vững các hiện tượng lý- hóa- cơ nhiệt- bức xạ ảnh hưởng đến nhiên liệu, vỏ thanh nhiên liệu, nắm vững các đặc tính an toàn của nhiên liệu hạt nhân. Để đáp ứng yêu cầu của chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam đã được xác định thì nhiệm vụ đào tạo đội ngũ đảm trách công việc liên quan trong lĩnh vực nhiên liệu này là hết sức cần thiết nhằm chuẩn bị cho kế hoạch dài hạn. Trước mắt Viện đang hình thành các nhóm chuyên môn trong lĩnh vực chu trình nhiên liệu, việc đào tạo kiến thức cơ bản được tiến hành trong nước, có mới chuyên gia nước ngoài giảng dạy. Để có được cán bộ có trình độ chuyên môn sâu, sau này có thể trở thành chuyên gia thì cần phải cử đi đào tạo nâng cao ở những nước có trình độ tiến tiến trong lĩnh vực nhiên liệu.

Một vấn đề nữa theo tôi, để chuẩn bị cho việc kiểm tra đánh giá các tiêu chuẩn chất lượng nhiên liệu khi nhập nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân cũng như trong quá trình vận hành, chúng ta cần chuẩn bị đào tạo nhân lực đánh giá những đặc tính an toàn của nhiên liệu, kiểm soát nhiên liệu và tiến tới có thể đủ năng lực trong công việc này. Hiện nay, chúng ta chưa có đội ngũ có đủ năng lực trong việc này, vì vậy khi tiến hành nhập nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, chúng ta buộc phải thuê nhà đánh giá độc lập là một công ty nước ngoài thực hiện công đoạn này.

Riêng về chính sách phát triển nhiên liệu, chúng tôi đang soạn thảo văn bản trình Thủ tướng Chính phủ. Khi được phê duyệt, văn bản này sẽ đóng vai trò định hướng cho chính sách phát triển nhiên liệu tại Việt Nam, khi đó vấn đề đào tạo nguồn nhân lực sẽ được xác định rõ ràng hơn.

Trân trọng cảm ơn ông

 Hảo Linh  thực hiện

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)