Việt Nam dưới góc nhìn của người Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX: Tư liệu gốc có mơ hồ?

Trong Tia sáng số 14 (20.7.2020), PGS Nguyễn Thị Hạnh (Học viện Ngoại giao) và NNC Vũ Đức Liêm  (trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đã cùng điểm lại các làn sóng tư liệu ghi chép của người Pháp phản ánh lịch sử, văn hóa, xã hội và con người Việt Nam trong cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Trong số này, hai nhà nghiên cứu sẽ cùng thảo luận sâu hơn về thao tác đánh giá các tư liệu lịch sử, nhằm giúp độc giả hiện đại tiếp cận với các nguồn tài liệu này có được cái nhìn phê phán cần thiết trước các sử liệu được coi là “gốc”.

Áp phích Đấu xảo thuộc địa Marseille 1922.

PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh: Trước khi bàn về thế nào là tư liệu “không mơ hồ” và tư liệu gốc có phải hoàn toàn chính xác và không chứa đựng sự “mơ hồ”, tôi muốn kể hai ví dụ cụ thể sau. 

Câu chuyện thứ nhất liên quan đến sự kiện năm 1816: Trong một buổi trình bày của sinh viên Đại học Sư phạm về đề tài nghiên cứu khoa học và nhắc tới vấn đề chủ quyền biển, có một sinh viên trình bày rất say sưa về câu chuyện cha ông ta đã từng khẳng định chủ quyền thế nào. Em ấy trích dẫn sự kiện mà Jean – Louis Taberd kể trong cuốn hành trình du ký của mình. Jean Louis Taberd kể: điều chúng tôi biết chắc là hoàng đế Gia Long đã chủ tâm thêm một đóa hoa kỳ lạ vào vương miện của ngài, vì vậy mà ngài xét thấy đúng lúc phải thân chinh vượt biển để tiếp thâu quần đảo Hoàng Sa. Vào năm 1816, ngài đã long trọng treo tại đó lá cờ của xứ Đàng trong. Sự thực là năm đó có treo cờ thật, nhưng tôi băn khoăn mỗi một điều, vua đủ sức khỏe để đi tới đó không, trong khi chúng ta đều biết mỗi khi hải đội Hoàng Sa cất quân là phải làm lễ tế thế, tức là xác định đi là chết. Vậy theo anh, vua có đi không? năm đó sức khỏe của ông thế nào?

NNC Vũ Đức Liêm: Các ông vua nhà Nguyễn, đặc biệt là Gia Long và Minh Mạng rất cẩn trọng với vận mệnh của mình khi đi ra bên ngoài. Mỗi lần đi Quảng Nam – nơi xa nhất mà vua Minh Mạng tới, thì luôn phải có một hệ thống thông tin chặt chẽ, quan lại cắt cử mấy chục nghìn lính đảm bảo an toàn và cử thái tử ở lại kinh đô. Hệ thống [bảo vệ] ấy cực kỳ chặt, và các vua nhà Nguyễn hầu như không có nhu cầu đi ra bên ngoài. 

Tôi nghĩ tất cả người Việt Nam đều biết một điều rằng vua đương nhiên không thể đi tới cái nơi nguy hiểm tới mức làm thuyền đắm nhiều như vậy. Thế nhưng Jean Louis Taberd đã viết như thế, mà ông ấy rất nổi tiếng, sách của ông ấy đã được nhiều người tin và trích, nếu tìm lại những sách chuyên khảo ở Việt Nam sẽ thấy có rất nhiều cuốn sử dụng tư liệu này của Taberd và có thể nó sẽ được dạy cho rất nhiều thế hệ sau này.

Công ước Pháp-Thanh năm 1887 về phân định biên giới Bắc Kỳ.​ Nguồn: Bộ Ngoại giao Pháp, Phòng Hiệp ước.

Còn về mặt tư liệu, những gì Taberd viết ra có thể được cho là tư liệu không mơ hồ, bởi vì đã xác định chắc chắn người viết là một nhà truyền giáo nổi tiếng nữa. Nhưng thực ra nó mơ hồ lắm. Bởi vì, tôi đã tìm được một văn bản vào năm sau đó, trong một tài liệu lưu trữ về toàn quyền đông dương, ông khâm sứ Trung Kỳ viết sự kiện đó một cách nhẹ nhàng hơn. Ông viết là: năm 1816, vua Gia Long đã khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa. Như vậy là trong báo cáo ấy, khâm sứ đã mập mờ rồi, không tin là vua có đi không bởi vì ông này chỉ nghe kể lại mà thôi, Jean Louis Taberd cũng nghe kể sau đó viết vào du hành ký của mình.

Và tôi đã phải tổ chức một buổi seminar của sinh viên, chỉ đề nói lại sự kiện này, rằng hãy bình tĩnh khi sử dụng tư liệu nước ngoài, và đừng coi tư liệu gốc là tư liệu không mơ hồ. Tôi rất lo sợ sinh viên học lịch sử rồi đây sẽ đi giảng dạy lịch sử cho bao thế hệ học trò khác nên phải nhắc ngay về vấn đề này rằng đừng thậm xưng. Chúng ta khẳng định [sự thật lịch sử về chủ quyền] là đúng, nhưng hãy đừng có nghĩ rằng chúng ta khẳng định mạnh hơn nữa thì chúng ta sẽ có lợi thế hơn. Và tôi nghĩ đó là một cách mà người trí thức phải đối diện với tri thức khi chúng ta nhìn nhận lại lịch sử.

Còn chuyện thứ hai, thưa bà?

Đó là về vấn đề Vịnh Bắc Bộ thời kỳ thuộc địa: Trong Công ước Pháp – Thanh vào năm 1887 có nội dung phân định ở Vịnh Bắc Bộ. Công ước Pháp – Thanh đã vạch ra một “đường phân định” trong Vịnh (được gọi là kinh tuyến Đông  Greenwich 108°03’E  hay còn gọi là đường kinh tuyến Paris). Đường phân định có được coi là “biên giới” trong Vịnh Bắc Bộ hay không đã trở thành một trong những vấn đề bất đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc khi diễn giải về nghĩa của các nội dung được ghi tron Công ước trong đàm phán phân định biên giới Vịnh Bắc Bộ sau này.

Chúng ta hãy cùng nhìn vào ảnh 2 ở bên sẽ thấy ở dòng thứ tư từ dưới lên có một chữ tiếng Pháp là “formant la frontière”, từ khóa là từ “frontière”. “Formant la frontière” nghĩa là “tạo thành đường biên giới”. Bám vào từ đó, giới học giả có cách nhìn nhận khác nhau. Những học giả Pháp trước đó đa phần cho rằng Vịnh Bắc Bộ phân định biên giới giữa Pháp và Trung Quốc. Sau này, khi tôi tiếp cận nghiên cứu vấn đề này thì bối cảnh đã khác rồi, lúc đó Việt Nam và Trung Quốc đã phân định Vịnh Bắc Bộ xong và không sử dụng công ước 1887 làm cơ sở để phân định, bởi vì cuối cùng Việt Nam và Trung Quốc đi đến thống nhất rằng [ở thời kỳ này] Vịnh Bắc Bộ chưa phân biên giới mà mới chỉ phân chia các đảo thôi.

Tuy nhiên, suốt thời gian dài trước đó, với giới nghiên cứu sử học, khi xem xét tư liệu này thì vẫn thấy rõ tính mơ hồ của sử liệu: Điểm khó khăn nhất là hiệp ước này có câu “những đảo thuộc phía Đông của đường kinh tuyến Paris 105, nó tạo thành một đường thẳng và tạo đường biên giới”. Câu đó đã tạo sự tranh cãi mà đến tận năm 1991 thì chúng ta mới có thể thống nhất với nhau quan điểm rằng, công ước này mới chỉ phân chia đảo trong Vịnh Bắc Bộ mà chưa phân định đường biên giới. Và hiệp ước phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một hiệp ước phân định không dựa vào công ước năm 1887 (không giống như hiệp ước phân định lại đất liền).

Tôi kể hai câu chuyện này để thấy, cùng nhìn vào một văn bản, có những mục đích khác nhau, cách nhìn khác, nhãn quan khác, cách tiếp cận khác nhau. Chắc anh biết là trong hiệp ước Paternôtre 1984 giữa Pháp ký với triều đình An Nam thì bao giờ cũng có một câu cuối viết thêm là: trong trường hợp có vấn đề gì không rõ thì sử dụng bản tiếng Pháp (các hiệp ước có hai bản tiếng Hán và tiếng Pháp). Và rất nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã tìm ra sự khác biệt về cách diễn ngôn trong những văn bản đó, cũng là một hiệp ước thôi, nhưng có cách diễn ngôn khác nhau. Trong buổi trao đổi hôm nay, tôi chỉ tạm thời chỉ ra hai trường hợp như vậy trong rất nhiều ví dụ có thể kể ra về cách diễn đạt các tư liệu “gốc” rất khác nhau.

Quay trở lại vấn đề tư liệu gốc, anh có nghĩ là có tư liệu không mơ hồ không? Tức là cứ có tư liệu gốc, chỉ cần dựa vào nó là tư liệu tốt thì sẽ không mơ hồ không?

Tôi nghĩ đây là một trong những câu hỏi lớn nhất với các nhà nghiên cứu lịch sử. Cái gì là sự thật và cái gì là chuẩn mực, là cơ sở để đưa ra làm ví dụ minh họa, thuyết minh cho cái lập luận của mình? Chúng ta có sự thật, ví dụ như tư liệu gốc là một văn bia ghi rằng trong làng có một ông cung tiến cho chùa 50 hecta ruộng. Vấn đề là [sau này] chúng ta kể câu chuyện về lịch sử, và lúc đó chi tiết 50 ha này trở thành một phần của câu chuyện, và chúng ta đặt 50 ha này vào chỗ nào của câu chuyện, chỗ nào của bức tranh [lịch sử làng] thì phụ thuộc vào kinh nghiệm, ý đồ của chúng ta. Và vì thế không có sự thật lịch sử nằm ngoài câu chuyện – có nghĩa là tất cả những chi tiết ấy chỉ tồn tại ở trong câu chuyện, trong diễn ngôn, trong cách mà chúng ta hình dung về sự vận hành của thế giới [mà chúng ta mô tả, phản ánh].

Về câu chuyện phân định biên giới, tôi muốn nói tới một khái niệm có liên quan đến câu chuyện hiệp ước này – đó là quan niệm về triều cống. Đây là vấn đề rất tranh cãi, vì đối với người Trung Quốc, họ định nghĩa trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng: “triều cống nghĩa là quan hệ quốc tế của thời kỳ tiền hiện đại được xác lập bởi Trung Hoa ở trung tâm và các quốc gia xung quanh”; và triều cống, thần phục được coi là sự vận hành trước khi người phương Tây sang và vì thế lúc ấy Việt Nam trở thành một bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc, là một phần trong đế chế thiên hạ của người Hán. Còn phương Tây diễn giải triều cống một cách khác: là quan hệ quốc tế bất bình đẳng của hai nước, một nước có thế mạnh và một nước ở thế yếu, nước thế yếu này dùng sự thần phục, dùng ngà voi, dùng sừng tê, dùng đồ vàng bạc để tạo ra một mối quan hệ bất bình đẳng nhưng hòa bình cùng chung sống. Còn triều cống kia là quan hệ giữa hai thể chế và chẳng có liên quan gì đến đường biên, chẳng có liên quan gì đến sự lệ thuộc cả.

Điểm thứ nhất như anh nói là tính mơ hồ nằm ở cách diễn dịch, hay nói cụ thể trong trường hợp các tư liệu Pháp này là anh chuyển ngữ khi sử dụng. “Formant la frontiere”: tôi muốn nói nó được phân định thì sẽ chuyển ngữ thành “phân định biên giới”, nhưng khi tôi không thích sử dụng nó thì tôi sẽ bám vào từ “île” – từ đảo này đến đảo khác và diễn đạt là phân chia đảo. Đó là các cách diễn dịch khác nhau bằng ngôn ngữ và từ đó gây tranh cãi dữ dội.

Điểm thứ hai anh có nhắc đến bức tranh mà người Pháp vẽ về Việt Nam thời kỳ này có đáng tin hay không? và người đọc có cách gì để kiểm chứng được nó? (xem lại kỳ 1 của cuộc thảo luận, trong Tia Sáng số 15), tôi xin khẳng định là tư liệu Pháp rất quý nhưng cũng chịu sự mất mát về mặt thực thể tư liệu. Tức là anh hình dung những tư liệu chúng ta đang bàn tới về thời thuộc địa đã rất cũ, viết trên giấy đen mà trước đây lại còn viết bằng bút, bằng ngôn ngữ cổ của Pháp ở thế kỷ 19, 20. Tôi phải nói thật là những ngày mới bắt đầu nghiên cứu ở Pháp, bao giờ tôi cũng phải chép lại đúng những chữ đó, về gặp một người Pháp khoảng 80 tuổi nhờ ông ấy chuyển ngữ hộ tôi là từ này viết là chữ T hay chữ H của ngày hôm nay. Trước hiện trạng đó, thì những người nghiên cứu, với trình độ ngôn ngữ khác nhau, có phông kiến thức và nhãn quan khác nhau, có thể sẽ diễn giải tư liệu đó khác xa nhau.

Cho nên cá nhân tôi cho rằng để hiểu một cách chân thực về lịch sử thì trước hết chúng ta phải hiểu những mặt hạn chế của tư liệu. Thực thể tư liệu bản thân nó đã mơ hồ và bị mất mát thiếu hụt rồi, nó sẽ lại càng bị tăng mức độ mơ hồ khi được chuyển ngữ, khi người tiếp cận hiểu khác nhau trên phông trình độ khác nhau và mục đích khác nhau. 

Mà câu chuyện về triều cống của anh làm tôi nhớ đến một số tư liệu gốc được đề cập trong cuốn “Bước khởi đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858-1897)”. TS Nguyễn Xuân Thọ chỉ ra rằng trong những báo cáo gửi về bộ ngoại giao Pháp, những người đại diện của Pháp tại Việt Nam rất thắc mắc rằng tại sao người Việt đã ký với Pháp hiệp ước đầu tiên rồi mà vẫn cứ đi triều cống của Trung Quốc, và từ đó họ suy diễn ra rất nhiều thứ.

Ảnh hát xẩm ở Bắc Kỳ/ bác sĩ Charles-Edouard Hocquard, xuất bản những năm 1883-1886. Nguồn : https://www.harvardartmuseums.org/art/314915

Bà vừa nói tới những báo cáo người Pháp ở Việt Nam gửi về chính quốc. Tư liệu gốc này có tính mơ hồ như thế nào?

Anh có biết những báo cáo của những người đại diện của Pháp ở Việt Nam, chẳng hạn như báo cáo Bộ Ngoại giao, mở đầu toàn viết theo kiểu “như báo cáo trước tôi đã nói”, tôi đảm bảo với anh là chỉ nhìn vào một báo cáo đó thì chắc chắn không hiểu báo cáo trước đã đề cập đến vấn đề gì cả. Do đó, khi xem xét tư liệu phải cảnh giác:

Thứ nhất là phải đối chiếu tư liệu. Thực tế cá nhân tôi đã phải đối chiếu rất nhiều loại tư liệu, rất nhiều phông khác nhau. Ví dụ như ông này viết “như báo cáo trước tôi đã viết gửi Bộ trưởng Thuộc địa”, thế là lập tức phải tìm kho của Bộ Thuộc địa, xem ông đấy ngày tháng năm này ông ấy viết cái gì. Phải làm rất cẩn thận bởi vì khi chúng ta đưa ra một luận điểm, ví dụ như về vấn đề biên giới, đó có thể gây ảnh hưởng vô cùng lớn. Mặt khác, việc đối chiếu cùng loại tư liệu, cùng một hệ thống tư liệu, cẩn trọng với tư liệu và bổ sung tư liệu suốt đời là một trong những yêu cầu bắt buộc. Bởi vì kho tư liệu lưu trữ sẽ mở dần dần theo quy định về tài liệu lưu trữ, có những tư liệu được giải mật sau 50 hoặc 100 năm, hoặc không bao giờ mở, và như vậy là chúng ta rõ ràng sẽ mãi mãi phải đi tìm chân lý tương đối của lịch sử.

Tôi nói điều này để truyền tải rằng cho dù sau này chúng ta có mở ra một làn sóng gọi là làn sóng thứ ba trong việc giới thiệu các sách dịch thì cũng nên nhớ là làn sóng đó chỉ mang tính chất tiếp tục gợi mở mà thôi.

Tôi và anh đã đề cập về các tư liệu của người Pháp được dịch ở Việt Nam và cho rằng đóng góp của sách dịch rất lớn, nó là một mảng không thể thiếu trong việc mở rộng tri thức ngày hôm nay. Nhưng tôi nghĩ cộng đồng tri thức ở Việt Nam quên đi một nhóm người thứ hai rất quan trọng, đó là những người Việt, bắt đầu từ thời mở cửa, đi học ở nước ngoài, đặc biệt đến Pháp, dùng quan điểm cách tiếp cận của mình, lòng say mê của mình để tiếp cận tư liệu lưu trữ của pháp và nhìn lại lịch sử Việt Nam trong lăng kính tham chiếu của họ. Tôi chưa nhìn thấy những tư liệu này được giới thiệu ở Việt Nam.

Nếu chúng ta chỉ giới thiệu những cuốn sách người Pháp viết về Việt Nam trên cơ sở họ đọc tư liệu của họ, cộng thêm một ít tư liệu của họ tự khảo sát mà lại khuyết đi những công trình nghiên cứu của những người Việt Nam thì tôi nghĩ mãi mãi không bao giờ có một bức tranh tương đối đầy đủ. Thực sự là những người Việt Nam hồi đó đã phải vượt qua định kiến, đã phải vượt qua những khó khăn vô cùng lớn để nhìn lại một góc nhìn lịch sử Việt Nam thời kỳ đó bằng tư liệu gốc của Pháp. Ở làn sóng này, chúng ta nên giới thiệu những cuốn sách dựa trên tư liệu lưu trữ, mặc dù sẽ bán được ít hơn, đọc cũng mệt hơn, nhưng nó sẽ giúp cho đối thoại lịch sử của chúng ta từ cảm tính đi dần tới một trong những cơ sở khoa học tương đối mà chúng ta mong muốn.

Xin cảm ơn bà!

Tác giả

(Visited 16 times, 1 visits today)