Việt Nam và Hàn Quốc: Những điểm gặp gỡ trong quỹ đạo lịch sử

Nhìn vào lịch sử từ thời kỳ xây dựng nhà nước độc lập tự chủ đầu tiên cho đến cận đại thì Việt Nam chia sẻ rất nhiều điểm chung về văn hóa, tư tưởng với các nước Đông Á. Phân tích của GS sử học Hồ Tài Huệ Tâm (ĐH Harvard) về đối sánh Việt Nam với Hàn Quốc dưới đây cho thấy, dù cách núi ngăn sông nhưng quỹ đạo lịch sử của hai nước có rất nhiều điểm gặp gỡ.


 GS Hồ Tài Huệ Tâm. Nguồn: Báo Dân sinh.

Chữ viết

Năm 1597, khi đi sứ Trung Quốc, Phùng Khắc Khoan (1528-1613) đã có một cuộc trao đổi thơ văn với sứ thần Hàn Quốc Lý Túy Quang [Yi Su Gwang] (1563-1628). Ông viết trong một bài thơ: “Bỉ thử tuy thù sơn hải vực. Uyên nguyên đồng nhất thánh hiền thư” [tôi – ông tuy rằng sông núi khác, nguồn chung cùng một sách thánh hiền]”. Nguồn ông nói đến là Trung Quốc và sách vở thánh hiền là Nho giáo (Tống Nho).

Vào thời điểm hai sứ thần gặp nhau ở Bắc Kinh, chữ viết bản địa đã trở nên phổ biến ở cả hai nước. Ở Hàn Quốc, đó là Hangul [Hàn tự], do vua Triều Tiên Thế Tông [Sejong] (sinh năm 1397, trị vì 1418 – 1450) xây dựng vào năm 1443. Chữ Nôm ra đời ở Đại Việt có phần phức tạp hơn, bắt đầu manh nha từ thế kỷ thứ IX [thành hình vào thế kỷ XII-XIII], nhưng hoàn thiện vào thế kỷ XV, gắn với vai trò của Nguyễn Trãi (1380-1442), một học giả và nhà ngoại giao khi ông sáng tác rất nhiều thơ Nôm và đem lại nguồn cảm hứng để Lê Thánh Tông (sinh 1442, trị vì 1460-1497) và các bề tôi sáng tác bộ “Hồng Đức Quốc âm thi tập”. Do vậy ta thấy các hệ thống chữ viết dân tộc đã nổi lên cùng lúc ở cả Hàn Quốc và Việt Nam và cùng nhận được sự ủng hộ của hai vương triều.

Tuy nhiên, chữ Hán vẫn là chữ viết phổ biến thống trị ở cả hai nước. Nếu tôi có thể nhìn từ quan điểm giới, thì những chữ Quốc ngữ này thể hiện khía cạnh ẩn ngầm về văn hóa, chiều cạnh “nữ tính” – trong khi chữ Hán là biểu hiện công khai và “nam tính”. Trên thực tế, khi Sejong ban hành chỉ dụ về chữ Hangul thì đã có ghi nhận rằng “trước đó phụ nữ và tầng lớp thấp hơn đã sử dụng Hangul để viết thư từ và tiểu thuyết”. Ở Đại Việt, việc sử dụng chữ Nôm rộng rãi nhất trong thế kỷ XVIII, khi mà tỷ lệ biết chữ của nữ giới cũng là cao nhất. Chúng ta thường nhớ đến bản Nôm của “Chinh phụ ngâm khúc” chứ không phải là bản gốc chữ Hán của Đặng Trần Côn. Mặc dù phiên bản chữ Nôm bây giờ được cho là của Phan Huy Ích, thực tế việc trong một thời gian dài nó được cho là của Đoàn Thị Điểm là một chỉ dấu cho thấy khuynh hướng chấp nhận việc nữ giới biết chữ. 

Nhưng chữ Nôm, cũng như các chữ viết dân tộc vẫn bị giới hạn chỉ trong thơ và tiểu thuyết, vốn bị coi là văn chương giải trí không nghiêm túc, cho đến khi chúng được các nhà cải cách như Lương Khải Siêu cổ động vì giá trị trong xây dựng nhận thức về chủ nghĩa dân tộc (như bài viết của ông năm 1902: “Luận về quan hệ giữa tiểu thuyết với quản trị xã hội”/論小說與群治之關係). Chữ Hán vẫn là ngôn ngữ viết của giới tinh hoa Hàn Quốc và Việt Nam cho đến thế kỷ XX vì đây là ngôn ngữ của hệ thống giáo dục và cụ thể hơn là các kỳ thi tuyển chọn quan lại. Các kỳ thi này đã tồn tại cho đến khi bị bãi bỏ vào năm 1894 tại Hàn Quốc, ở Trung Quốc gần một thập kỷ sau, trong khi duy trì ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam cho tới năm 1915. 

Làm thế nào ta có thể đánh giá được vai trò của Triều Tiên Thế Tông và Lê Thánh Tông trong việc thúc đẩy việc sử dụng cả chữ viết dân tộc lẫn chữ Hán? Tôi cho rằng vì cả hai loại văn tự này đều hữu ích cho dự án vương triều nhằm củng cố mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa một bên là nhà nước với xã hội và một bên là giữa chính quyền với bộ máy quan lại. Nhiều khả năng, ở mỗi vương quốc, thông tin phải được truyền đi qua vai trò của giới tinh hoa được giáo dục hoàn toàn bằng chữ Hán – cùng tư tưởng Nho giáo, khiến cho tầng lớp này đóng vai trò như cầu nối giữa nhà nước và dân chúng trong các liên kết xã hội theo chiều dọc, thay vì là chiều ngang. Một phần nguyên nhân đến từ việc sự nổi lên của chữ viết dân tộc tại Hàn Quốc và Việt Nam đã không đi kèm với sự phát triển của xuất bản quy mô lớn. 

Cũng chính giới tinh hoa đóng vai trò kết dính xã hội Hàn Quốc và Việt Nam. Là tầng lớp xã hội đạt tầm nhà nước thực sự và duy nhất, giới tinh hoa được rèn nên bởi một hệ thống giáo dục với một hệ giá trị chung. Được cắt đặt để làm việc ở xa bản quán, các vị quan kiêm học giả thay mặt cho vương quyền duy trì vương quốc, thực hiện các chính sách của nhà nước ở tầm địa phương. Những chính sách này không chỉ liên quan đến vấn đề quản trị mà còn liên quan đến văn hóa, đặc biệt là các giá trị Tống Nho nhằm chi phối hành vi của tất cả mọi người, từ người cai trị đến nông dân. Bộ luật Hồng Đức năm 1483 là sự kết hợp của các quy tắc và luật hành chính nhằm điều chỉnh hành vi hàng ngày theo nguyên tắc Nho giáo. Tại Hàn Quốc, Bộ luật Gyeongguk daejeon [Kinh Quốc Đại điển] ban hành hai năm sau đó vào năm 1485 cũng quy định về gia đình và thực hành lễ nghi tương tự.

Không chỉ mang tính cách quốc gia (hoặc tiền-quốc gia), giới tinh hoa Đông Á còn mang tính cách liên quốc gia. Dù không nói cùng ngôn ngữ, họ viết cùng một loại văn tự – một sự chia sẻ vốn dần mất đi theo sau sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc ở thời cận đại. Đó chính là điều mà Phùng Khắc Khoan và Lý Túy Quang đã cùng ca ngợi vào cuối thế kỷ XVI.

Nho giáo

Như tôi đã viết, cả Lê Thánh Tông và Sejong đều có ảnh hưởng tới sự phát triển của Tống Nho tại Triều Tiên và Đại Việt. Trước tiên, hãy cùng nhìn lại lịch sử một cách khái lược. Mặc dù tách biệt về mặt địa lý, nhưng quỹ đạo lịch sử của Hàn Quốc và Đại Việt trong lịch sử trung đại và cận hiện đại có những điểm tương đồng ấn tượng. Vương triều Goryeo [Cao Ly] được thành lập vào năm 918, sau khi triều đại nhà Đường kết thúc vào năm 907. Đây cũng là lúc người Việt Nam tìm cách thoát khỏi ách Bắc Thuộc, và mất vài thập kỷ để ổn định với sự thành lập triều đại Lý vào năm 1009. Triều đại đó đã được nhà Trần tiếp tục nắm quyền cho đến năm 1400, trong khi Vương triều Goryeo bị nhà Choson [Triều Tiên] phế truất vào năm 1392.


Trích tranh “Văn quan vinh quy đồ” (đền Độc Lôi, Nghệ An) hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. 

Dưới thời nhà Đường, tôn giáo chủ yếu ở Hàn Quốc, Việt Nam cũng như Trung Hoa là Phật giáo. Phật giáo đến Giao Chỉ đầu tiên dưới thời cai trị của Sĩ Nhiếp. Nhà sư Khương Tăng Hội (mất năm 280 SCN) sinh ở Luy Lâu được cho là người đầu tiên truyền bá giáo lý Phật giáo vào Trung Quốc. Phật giáo sau đó đến Hàn Quốc vào năm 338 SCN, hơn một thế kỷ sau khi xuất hiện ở Giao Chỉ.

Bắt đầu từ thế kỷ thứ VIII, các nhà Nho tại Trung Quốc nỗ lực tái khẳng định uy quyền của mình – đầu tiên là với Hàn Dũ (năm 715) và sau đó là một loạt các biện pháp trấn áp Phật giáo trong thế kỷ tiếp theo. Đến thế kỷ XI, Tam giáo kết hợp các yếu tố của Đạo giáo, Phật giáo và Nho giáo đã chiếm ưu thế ở Trung Quốc và đã mở đường cho tư tưởng Tân Nho giáo – còn gọi là Tống Nho. 

Các biện pháp trấn áp Phật giáo ở Trung Quốc đã có tác dụng đẩy nhiều nhà sư đến Việt Nam, do đó dưới triều đại Lý và Trần (1009-1400), Phật giáo duy trì vị thế quốc giáo. Nhưng cũng vào năm 1070, đền thờ Khổng Tử được xây dựng ở Thăng Long, nối tiếp bởi việc thành lập Quốc Tử Giám. Ở Hàn Quốc, dưới triều đại Cao Ly (918-1392), hệ thống khoa cử được thiết lập ra dưới thời vua Gwangong [Cao Tông] (949-975) và trường Gukjagam được thành lập dưới triều vua Seongjong [Thành Tông] (1083-1094), do đó gần như song song với sự phát triển ở Việt Nam. Nhưng từ đây, lịch sử hai vương quốc bắt đầu có những dị biệt.

Năm 1392, triều Goryeo bị thay thế bởi nhà Choson. Triều đại mới được thành lập bởi các thành phần thân Minh trong khi phái đối nghịch lại ủng hộ duy trì liên kết với nhà Nguyên. Tại Việt Nam, nhà Trần dù đánh thắng ba cuộc xâm lược của nhà Nguyên vào thế kỷ thứ XIII, sau đó đã bị suy yếu nghiêm trọng [vào cuối thế kỷ XIV]. Hồ Quý Ly đã phế truất các vua Trần vào năm 1400, tạo tiền đề khiến Đại Việt bị nhà Minh xâm lược và chiếm đóng từ năm 1407 đến 1428. Do đó, khác với nhà Triều Tiên, nhà Lê ra đời với cuộc khởi nghĩa chống quân Minh của Lê Lợi.

Tuy nhiên, nhiều điểm tương đồng thú vị có thể rút ra từ sự nghiệp của vua Triều Tiên Thế Tông [Sejong] (sinh năm 1398, trị vì 1418-1450) và của Lê Thánh Tông (sinh năm 1442, trị vì 1460-1497). Cùng là hai nhân vật có ảnh hưởng rất lớn trong thời đại này, họ đã trị vì trong một thời gian dài: Sejong 32 năm, Lê Thánh Tông 37 năm. Sejong lên ngôi vương vào năm 1418 ở tuổi 22, khi triều đại vẫn còn non trẻ. Trong 32 năm trị vì của mình, ông đã củng cố quyền lực nhà nước bằng cách đưa Tống Nho thành hệ tư tưởng chính thống. Cụ thể, ông tiếp thu ảnh hưởng của các nguyên tắc Tống Nho về nhân nghĩa, theo đuổi tri thức và cải thiện xã hội. Lê Thánh Tông thậm chí còn trẻ hơn Sejong khi ông lên ngôi hoàng đế (17 tuổi). Ông cũng nắm quyền trong hoàn cảnh bấp bênh hơn nhiều: khác với triều Choson, 20 năm cai trị kéo dài của nhà Minh đã phá hủy mọi tài liệu dùng làm cơ sở để một triều đại ngoại tộc mới lên như triều Lê có thể cai trị đất nước. Hệ quả ngược kéo theo là sau khi giành được sự ổn định, triều Lê Thánh Tông lại trở nên phụ thuộc hơn bao giờ hết vào mô hình Trung Hoa. 

Mặt khác, Lê Thánh Tông cũng phải trung hòa giữa quyền lợi của giới quân sự muốn có quyền lợi cát cứ với một triều đình trung ương tập quyền và thống nhất. Mặt khác, sau khi tiến đánh Champa và thâu nạp thêm lãnh thổ mới vào đế chế của mình, ông cần xây dựng một bộ máy hành chính hiệu quả. Bộ luật Hồng Đức không chỉ cung cấp một kế hoạch chi tiết về cách thức quản trị, nó còn có các hướng dẫn chi tiết về ứng xử hằng ngày trong xã hội. Những chỉ dẫn này nhằm vào cả người Việt và nhóm người Champa mới bị khuất phục.


Trích tranh “Hưởng Yến đồ” mô tả tiệc mừng Quan Giám ty đạo Bình An trên sông Taedong (Bình Nhưỡng ngày nay). Tranh Kim Hongdo (khoảng 1745-1806). Nguồn tranh: Bảo tàng Lịch sử Hàn Quốc. 

Ta thấy, cả Sejong và Lê Thánh Tông đều sử dụng các nguyên tắc chính trị của Nho giáo và dựa vào hệ thống tuyển chọn quan lại làm phương thức để đảm bảo vận hành bộ máy. Điều này củng cố tầm quan trọng của tầng lớp trí thức, được gọi là Yangban [lưỡng ban] ở Hàn Quốc và Sĩ phu ở Việt Nam.

Tân Nho giáo

Chúng ta cũng cần tránh đẩy đối sánh lịch sử đi quá xa. Lịch sử của Triều Tiên và Việt Nam cũng đi theo những quỹ đạo khác nhau vốn cũng ảnh hưởng lên sự phát triển Nho giáo của cả hai nước. Do đó tôi muốn đề cập tới một số khác biệt cơ bản giữa Nho giáo Hàn Quốc và Việt Nam.

Đến năm 1597, Tống Nho đã là hệ tư tưởng chính thống tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Đại Việt. Thế nhưng ở mỗi nước nó lại có những đặc điểm khác nhau. Keith Taylor đã lập luận rằng nửa phía Bắc của Việt Nam, được gọi là Bắc Hà hoặc Đàng Ngoài nên được coi là một phần của Đông Á, trong khi nửa phía Nam, gọi là Đàng Trong hay Nam Hà thuộc về thế giới Đông Nam Á. Vũ Đức Liêm cho rằng miền Nam Việt Nam đúng hơn là một “vùng xám” vì nơi đây không chỉ là một khu vực gặp gỡ giữa văn minh Trung Hoa với Đông Nam Á mà còn là nơi văn hóa xã hội được định hình bởi nhiều ảnh hưởng đa dạng.

Có lẽ vì vậy, việc so sánh giữa Nho giáo Việt Nam và Hàn Quốc nên được giới hạn ở miền Bắc Việt Nam. 

Ngoài vấn đề giới hạn, có một số yếu tố khác biệt nữa. Hàn Quốc được hưởng nhiều thế kỷ ổn định suốt từ 1392 đến năm 1910. Điều này đã hạn chế vai trò của giới quân sự và cho phép nhà nước bổ sung quan lại thông qua khoa cử mà không bị gián đoạn. Qua đó, chúng củng cố vị trí của Yangban cũng như của tư tưởng Tống Nho. Ngược lại, giới Sĩ phu ở miền Bắc Việt Nam nhỏ hơn, lại thường bị thu hẹp ảnh hưởng do các cuộc nổi loạn và chiến tranh liên tục. 

Trên thực tế, từ đầu thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII, Đại Việt luôn ở thế giằng co giữa các cuộc nổi loạn và sau đó là chiến tranh giữa các lực lượng Trịnh-Lê, Nguyễn và nhà Mạc. Dù Việt Nam sản sinh ra một số học giả lừng lẫy như Lê Quý Đôn, những dòng dõi tinh hoa truyền đời lại rất ít và thường bị cuốn vào tình trạng hỗn loạn của thời đại. Chúng ta không thấy sự xuất hiện của các trường phái Nho học khác nhau như phái Vương Dương Minh (1472-1529), phong trào Đông Lâm thời Minh hay tư tưởng Silhak [Thực học] ở Hàn Quốc cùng thời kỳ. Nếu như từ cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII, các chúa Trịnh đã có thể tự duy trì quyền lực ở Đàng Ngoài thì vào những năm 1770, đất nước lại bị tàn phá bởi nội loạn. Bắt đầu ở phía Nam, phong trào Tây Sơn lan rộng lên phía Bắc và chấm dứt chế độ chúa Trịnh. Các cuộc xung đột làm chia rẽ giới sĩ phu đồng bằng, và những ảnh hưởng còn lại tiếp tục bị suy giảm khi kinh đô chuyển từ Thăng Long vào Huế dưới triều Nguyễn.

Ưu tiên hàng đầu của nhà Nguyễn sau khi thống nhất đất nước là khôi phục sản xuất nông nghiệp ở phía Bắc, nơi diễn ra hầu hết các cuộc giao tranh. Ngoài ra, nhu cầu nhân viên cho một bộ máy hành chính mở rộng đã thu hút hầu hết những người có học thức. Không còn không gian xã hội cho các học giả độc lập như Cao Bá Quát hay cho các cộng đồng trí thức đa dạng phát triển.

Ngược lại, tầng lớp Yangban Hàn Quốc có không gian phát triển lớn hơn, không chỉ nhờ ổn định chính trị mà còn do tiềm lực kinh tế, đặc biệt nhờ thiết chế nô tì. Xã hội Đại Việt cũng từng có nô tì, chẳng hạn, Hoàng đế Lê Thánh Tông mang về những nô lệ người Chăm từ các cuộc chiến năm 1471; nhưng họ bị giới hạn trong những ngôi làng riêng biệt và không làm lao dịch cho các gia đình sĩ phu. Trong khi đó, chế độ nô tì cho phép Yangban tự duy trì kinh tế và do đó mang lại cho con cháu họ giáo dục tốt nhất. Lý Túy Quang có dòng dõi quý tộc trong khi Phùng Khắc Khoan chỉ có một nền tảng khiêm tốn hơn nhiều. Sự ổn định kinh tế và chính trị cũng cho phép Yangban tạo ra các trường phái Nho học cạnh tranh.

Có những khác biệt lớn đáng chú ý khác trong cấu trúc xã hội tương ứng của hai vương quốc. Ở Hàn Quốc, có bốn tầng lớp: quý tộc Yangban có địa vị cai trị dù chiếm 10% dân số; Chungin [Trung nhân] bao gồm một nhóm nhỏ các quan chức thấp và người có chuyên môn hành chính và kỹ thuật; Tsangmin [Thường dân] là nông dân, người lao động, ngư dân, một số thợ thủ công và thương nhân; và Cheonmin [Tiện dân] là những người bị ruồng bỏ ở dưới đáy. Nô tì có địa vị thấp kém nhất.

Dù Việt Nam cũng phân chia theo các nhóm: sĩ, nông, công, thương – thực tế chỉ hai giai cấp tồn tại mà thôi: văn thân và nông dân. Ngoại trừ một vài làng nghề truyền thống, phần lớn các nghề thủ công chỉ là công việc phụ; thương nghiệp thường chỉ có quy mô nhỏ, đảm nhiệm bởi nữ giới vốn bị giới hạn bởi nguồn lực ít ỏi và thiếu khả năng di động; thương mại quy mô lớn hơn thường được thương nhân người Hoa hoặc phương Tây nắm. Việt Nam cũng như Hàn Quốc, cũng có lớp người bị khinh rẻ nhưng họ không được coi là một nhóm xã hội riêng biệt; trong khi nô lệ chỉ đến từ tù nhân chiến tranh. 

Xét trên các điểm nhìn khác nhau về cấu trúc xã hội của hai quốc gia, sẽ rất thú vị khi ta tìm hiểu vai trò của các tầng lớp hoặc nhóm khác nhau và tại sao cách dán nhãn giai cấp xã hội từ Nho giáo lại không có ý nghĩa với các nhóm hay tầng lớp đó. □
(Còn tiếp)

Thu Quỳnh – Tuấn Quang dịch

Tác giả

(Visited 111 times, 2 visits today)