VTRS: Công cụ nền tảng cho bảo lãnh công nghệ ở VN

Việc xây dựng hệ thống đánh giá công nghệ VTRS sẽ giúp định giá công nghệ chính xác, khách quan hơn, đồng thời đặt ra nền tảng đầu tiên phục vụ xây dựng quy trình bảo lãnh công nghệ - bước đi rất quan trọng để các doanh nghiệp có thể làm hồ sơ xin Nhà nước bảo lãnh vay tín dụng đổi mới công nghệ mà không cần thế chấp tài sản.

Công nhân làm việc trong nhà máy của Vinaxuki. Ảnh: http://nld.com.vn.

Năm 2012, Vinaxuki là doanh nghiệp nội đầu tiên công bố sẽ sản xuất chiếc xe ô tô VG150 bằng công nghệ “Made in Vietnam” với tỉ lệ nội địa hoá lên tới 58%. Nhưng năm năm nay, Vinaxuki đã tìm cách xin vay vốn khắp nơi mà không được, dù lãnh đạo công ty nhiều lần cầu cứu các bộ, ngành và cả Thủ tướng Chính phủ. Trong bức thư gửi Thủ tướng Chính phủ vào năm 2014, ông Bùi Ngọc Huyên, chủ tịch Hội đồng quản trị của Vinaxuki, cho biết: “Thiếu nhất là vốn đầu tư và vốn lưu động1”. Mặc dù có dây chuyền sản xuất công nghệ cao nhưng Vinaxuki không thể lấy đó để thế chấp vay vốn vì hiện nay các ngân hàng nhận xét kế hoạch của công ty này là phiêu lưu, không khả thi. Và khi giấc mơ xe Việt vẫn còn dang dở, Vinaxuki đã phải tuyên bố bán nhà máy sản xuất để trả nợ.

Lâu nay các tổ chức tài chính như ngân hàng, quỹ đầu tư đều yêu cầu mọi doanh nghiệp phải tuân thủ theo các quy định tài chính về tài sản thế chấp và khả năng trả nợ dựa trên các hoạt động tài chính đã có. Điều này gây khó khăn cho một doanh nghiệp lớn như Vinaxuki khi cần vay vốn để đầu tư cho công nghệ, dễ hình dung rằng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp vừa không có tài sản thế chấp, vừa không có lịch sử tín dụng, thì khó khăn lại càng lớn nhường nào.

Trong thời gian qua, vấn đề Nhà nước đứng ra xem xét bảo lãnh công nghệ cho doanh nghiệp đã được nêu ra rải rác đây đó, nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Một trong những trở ngại cơ bản là bảo lãnh công nghệ cần dựa trên một quy trình thẩm định công nghệ và đánh giá rủi ro chặt chẽ, trong khi quy trình thẩm định công nghệ hiện nay của Việt Nam còn khá hạn chế, “các tiêu chí và cách cho điểm chưa đánh giá hết được vai trò và mối tương quan của công nghệ cần đánh giá trong dự án. Việc xây dựng các chỉ tiêu và các trọng số thể hiện trong các phiếu đánh giá còn mang tính chủ quan theo ý kiến chuyên gia và thường cố định trong một thời gian dài với mọi lĩnh vực công nghệ khác nhau2”.
Vì vậy, việc nghiên cứu và đưa ra một hệ thống đánh giá công nghệ hữu hiệu nhằm xác định giá trị công nghệ cho doanh nghiệp một cách chính xác và khoa học là việc làm cần thiết và càng cấp bách hơn trong bối cảnh các chương trình quốc gia về KH&CN như Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình Sản phẩm quốc gia, Chương trình quốc gia Phát triển công nghệ cao, các quỹ hỗ trợ như Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia được đưa vào triển khai đều rất cần có quy trình chính xác trong đánh giá công nghệ.

Tại Hàn Quốc, những trường hợp như Vinaxuki hoặc các SME có thể tìm tới Tổng công ty Tài chính công nghệ Hàn Quốc (KOTEC) đề nghị đánh giá công nghệ và bảo lãnh để vay vốn ngân hàng. Để bảo lãnh được cho doanh nghiệp, KOTEC thẩm định công nghệ dựa vào hệ thống đánh giá KTRS (Kibo Technology Rating System) và quy trình đánh giá rủi ro. Mô hình thẩm định công nghệ của KOTEC được đánh giá “hoàn thiện, chi tiết, và định lượng tới một trình độ mà nhiều nước châu Âu cũng khó đạt được3.” (Hình 1).

Hình 1: Hệ thống đánh giá công nghệ của KOTEC. Nguồn: TS. Nguyễn Đức Hoàng, Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ.

Bộ tiêu chí VTRS

Để đánh giá khả năng ứng dụng của KTRS vào thẩm định công nghệ ở Việt Nam cũng như quá trình bảo lãnh công nghệ sau này, từ năm 2014, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, Quỹ Đổi mới công nghệ thuộc Bộ KH&CN đã hợp tác trao đổi kinh nghiệm với KOTEC để nghiên cứu và xây dựng hệ thống đánh giá công nghệ VTRS. Tại hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng hệ thống đánh giá và bảo lãnh công nghệ” ngày 22/11 vừa qua tại Hà Nội, đại diện Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã công bố bộ tiêu chí đánh giá công nghệ VTRS của Việt Nam.

VTRS tham khảo bộ tiêu chí đánh giá 34 chỉ số của KTRS nhưng có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện ở Việt Nam và rút lại thành 23 chỉ số đánh giá, trong số đó có tám chỉ số đánh giá khách quan và có thể đo lường được, sáu chỉ số đánh giá khách quan nhưng không đo lường được và chín chỉ số đánh giá chủ quan phụ thuộc vào quan điểm của người đánh gia. Ví dụ: chỉ số “thành tựu phát triển công nghệ” là chỉ số đánh giá có thể đo lường được bằng cách xem xét các sáng chế đã được công nhận của doanh nghiệp; chỉ số đánh giá một cách khách quan về “vòng đời và sự khác biệt công nghệ” được kiểm tra thông qua đánh giá về mặt chi phí, thời gian nghiên cứu, quyền sở hữu trí tuệ đã đăng ký; còn chỉ số về “tính hoàn thiện công nghệ và khả năng mở rộng” được đánh giá chủ quan trên các phương diện khả năng sản xuất hàng loạt, khả năng phát triển sản phẩm hay mới chỉ đang trong giai đoạn ý tưởng…

Với 23 chỉ số này, VTRS đánh giá doanh nghiệp chủ yếu trên các khía cạnh: Năng lực quản trị (năng lực của CEO, năng lực quản lý, môi trường phát triển công nghệ), năng lực công nghệ (thông tin phát triển công nghệ, tính hoàn thiện và khả năng phát triển công nghệ, vòng đời và sự khác biệt công nghệ), tính khả thi trong kinh doanh (tính thị trường, năng lực sản xuất, dự báo lợi nhuận) (Hình 2). Các chuyên gia đánh giá công nghệ sẽ sử dụng bộ tiêu chí VTRS này để chấm điểm doanh nghiệp (có thang điểm từ A đến E, trong đó đạt điểm A là đáp ứng tốt nhất từng mục đề ra). Sau đó, các kết quả thu thập được này sẽ được phân tích bằng mô hình phân tích thứ bậc AHP.


Hình 2: Cấu trúc thành phần của VTRS. Nguồn: TS. Nguyễn Đức Hoàng, Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ.

Trao đổi với Tia Sáng, TS Nguyễn Đức Hoàng, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN, một thành viên của tổ xây dựng VTRS, khẳng định rằng bộ tiêu chí VTRS đã được đưa vào thử nghiệm tại một số doanh nghiệp và cho thấy “đảm bảo tính khách quan khi đánh giá mức độ công nghệ của doanh nghiệp, giúp giảm tối đa tính chủ quan của người đánh giá.” Ông cho biết tổ xây dựng VTRS đã thử nghiệm cho ba chuyên gia cùng sử dụng bộ tiêu chí này để đánh giá công nghệ của một doanh nghiệp, và kết quả cho ra là tương đối giống nhau (cùng ở mức BBB và điểm số dao động từ 79,5 đến 81,9 điểm)”. Cũng tại hội thảo trên, TS Nguyễn Đình Bình, Giám đốc điều hành Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, cho biết, sẽ xem xét và phối hợp với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ sử dụng VTRS để đánh giá thử nghiệm thêm ở một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau vào năm 2017.

Đánh giá về nguồn nhân lực để thực hiện VTRS, TS Kim Jonghyun, trưởng ban hợp tác quốc tế của KOTEC, nhận định: “Việt Nam đã hoàn thành việc xây dựng bộ chỉ tiêu cho VTRS. Các bạn hoàn toàn có khả năng tự đào tạo nguồn nhân lực của mình để tiến hành đánh giá doanh nghiệp dựa trên bộ chỉ tiêu này”.

Những thách thức phía trước

Tuy nhiên, để tiến tới xây dựng hệ thống bảo lãnh công nghệ như của Hàn Quốc đang làm hiện nay thì Việt Nam còn “cần phải xây dựng bộ dữ liệu về các doanh nghiệp Việt Nam phục vụ cho việc đánh giá rủi ro”, TS Kim Jonghyun nói – ông cho biết KOTEC có thể đánh giá rủi ro rất tốt vì có nguồn dữ liệu của khoảng 380.000 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp mà họ bảo lãnh vào khoảng 70.000. “Đối với Việt Nam, việc triển khai hệ thống thu thập dữ liệu doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn vì nhiều thông tin còn chưa công khai và đồng bộ”, TS Kim Jonghyun đánh giá.

Một vấn đề khác mà các cơ quan quản lý, quỹ khoa học của Việt Nam phải cân nhắc trong quá trình nghiên cứu, xây dựng hệ thống bảo lãnh công nghệ là cơ chế hoạt động tự chủ, độc lập và minh bạch về mặt tài chính của cơ quan tiến hành đánh giá và bảo lãnh công nghệ. Theo mô hình của KOTEC thì trong thời gian đầu, KOTEC được nhận nguồn kinh phí từ Chính phủ và từ nguồn phí được trả bởi các tổ chức tài chính và các doanh nghiệp được bảo lãnh. Nhưng kể từ năm 2010 đến nay, KOTEC không cần đến nguồn tiền từ Chính phủ mà hoàn toàn tự chủ nhờ vào nguồn phí bảo lãnh (KOTEC bảo lãnh công nghệ với điều kiện: các ngân hàng phải trả khoản phí 0,03% tổng số vốn họ cho một doanh nghiệp được KOTEC bảo lãnh vay; các doanh nghiệp muốn được KOTEC thẩm định công nghệ và cấp giấy bảo lãnh phải trả khoản phí 200 USD/ lần đánh giá và cấp giấy bảo lãnh). Đồng thời, nhờ vào quá trình đánh giá công nghệ chặt chẽ, chính xác và minh bạch mà tỉ lệ nợ xấu KOTEC phải gánh hằng năm chỉ rơi vào khoảng 4,2% (KOTEC phải trả nợ cho ngân hàng khi các doanh nghiệp được bảo lãnh công nghệ phá sản nhưng không thể đòi được nợ).

Dù sao, việc xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá công nghệ VTRS là một bước đi quan trọng cho quá trình xây dựng quy trình bảo lãnh công nghệ trong tương lai. Các doanh nghiệp như Vinaxuki chắc chắn đang rất mong chờ sự hình thành hệ thống tổ chức và quy trình bảo lãnh công nghệ với bộ tiêu chí đánh giá công nghệ, đánh giá rủi ro một cách chính xác, để những giấc mơ công nghệ của nhiều doanh nghiệp Việt Nam không còn dang dở.

KOTEC là tổ chức phi lợi nhuận (không có cổ đông) được thành lập từ năm 1989 nhằm bảo lãnh công nghệ để hỗ trợ cung cấp nguồn tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ. Đến 2005, KOTEC xây dựng hệ thống đánh giá công nghệ KTRS. KTRS được cấp bằng sáng chế từ năm 2007. Cho đến nay, KOTEC đã bảo lãnh cho khoảng 70.000 doanh nghiệp, tổng lượng vốn mà KOTEC bảo lãnh công nghệ vào khoảng 18.000 tỉ USD. Những doanh nghiệp được bảo lãnh này tạo ra doanh thu vào khoảng 80.000 tỉ USD. Chính nhờ những kinh nghiệm trong bảo lãnh công nghệ như vậy, KOTEC đã được rất nhiều nước đề nghị hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ xây dựng hệ thống bảo lãnh công nghệ (gần đây nhất, KOTEC hỗ trợ Thái Lan và Philippines, Indonesia).

——————-
1 http://vneconomy.vn/xe-360/gap-kho-chu-tich-vinaxuki-viet-thu-gui-thu-tuong-2014021810441811.htm
2 Tạ Việt Dũng, Hyung Kyung Jin, Hệ thống đánh giá, xếp hạng tín nhiệm công nghệ: kinh nghiệm của Hàn Quốc và khả năng áp dụng tại Việt Nam, Tạp chí Khoa học công nghệ Việt Nam, số 17 – 9/2013, Tr. 38 – 41.
3 Theo báo cáo của Terence O’Donnell cho Pro Inno Europe® – một đầu mối hợp tác phân tích đổi mới chính sách của Ủy ban châu Âu, trích theo Tia Sáng, http://tiasang.weboffice.vn/Default.aspx?tabid=62&CategoryID=36&News=6014.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)