Xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh: Giải pháp hàng đầu nâng cao chất lượng đào tạo của ĐHQG HN

Một giải pháp phù hợp cho sự phát triển KH&CN của ta trong giai đoạn tới là nên triển khai xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh để nuôi dưỡng các nhà khoa học xuất sắc và triển khai nghiên cứu phát triển các công nghệ cốt lõi. Sản phẩm khoa học trực tiếp của các nhóm nghiên cứu này vẫn là các bài báo khoa học, các phát minh sáng chế, các sản phẩm chế thử ở trình độ quốc tế, nhưng trong đó đặc biệt sẽ có các yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh về KH-CN của nước nhà, tạo ra các sản phẩm mới, chuyển giao tri thức và công nghệ, góp phần tăng trưởng GDP và phát triển kinh tế. Đây cũng là ý tưởng của các chương trình “pioneer” mà Bộ KH&CN đang chuẩn bị triển khai.

Yếu tố hàng đầu để có thể hình thành được các nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và công nghệ nguồn (thế mạnh của các trường đại học), thực hiện đồng thời cả hai nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu đạt trình độ quốc tế, trước hết phải có mô hình tổ chức phù hợp, đầu tư trang thiết bị hiện đại, hợp lý và thực thi chính sách dân chủ, khuyến khích tài năng.
Việc triển khai các mô hình tích hợp đào tạo và nghiên cứu được tiến hành đồng thời với việc xây dựng các nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà khoa học đam mê nghiên cứu, có khả năng hợp tác, tránh các yếu tố tạo ra sự níu kéo. Đầu tư nâng cấp để đạt tính đồng bộ cho một số phòng thí nghiệm hiện có, đầu tư mới cho một số phòng thí nghiệm. Ngoài ra, cần có cơ chế tuyển chọn, giao nhiệm vụ khoa học công nghệ cho các nhà khoa học đầu đàn, đầu ngành đang tham gia nghiên cứu khoa học trực tiếp, có biện pháp thu hút các nhà khoa học nước ngoài và quản lí các hoạt động KH-CN theo sản phẩm đầu ra.
Trước yêu cầu phát triển mới của mình, từ năm 2003 ĐHQGHN đã chỉ đạo các đơn vị chú trọng việc xác định các hướng nghiên cứu mũi nhọn, trên cơ sở đó ưu tiên đầu tư để xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh. Đến nay đã có 29 nhóm nghiên cứu hoàn chỉnh đề án phát triển với định hướng, mục tiêu, lộ trình phát triển rõ ràng. Một số nhóm nghiên cứu khác đang trong quá trình hoàn chỉnh đề án phát triển. Trong số 29 nhóm nghiên cứu nói trên, nhiều nhóm nghiên cứu khác đã đạt được chuẩn 01 bài báo ISI/tiến sĩ/năm. Tiêu biểu như nhóm nghiên cứu khoa học vật liệu của Trung tâm Khoa học Vật liệu (Trường ĐHKHTN) trong vòng 10 năm, từ 1998 đến 2008 với một đội ngũ gồm 8 GS, PGS và 1 TS đã đào tạo được 4 tiến sĩ, 22 thạc sĩ đã công bố được 86 bài báo trên các tạp chí quốc tế, 42 bài tạp chí khoa học trong nước và một số sách tham khảo chuyên khảo. Tuyệt đại đa số các công trình nói trên đều là sản phẩm khoa học chung của cả cán bộ hướng dẫn và học viên cao học, nghiên cứu sinh. Đây có thể coi là một trong những ví dụ điển hình nhất của việc tích hợp giữa NCKH và đào tạo sau đại học.  
Hợp tác đại học – viện nghiên cứu – công nghiệp
ĐHQGHN đã áp dụng và vận hành có hiệu quả mô hình “Khoa phối thuộc” và “Phòng thí nghiệm phối thuộc” với các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp (Viện IMI) thuộc Bộ Công thương để phối hợp tổ chức đào tạo một số ngành/chuyên ngành khoa học – công nghệ mũi nhọn cử nhân ngành Vật lý kỹ thuật (định hướng công nghệ nano) và thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Vật liệu và linh kiện nano, kỹ sư Cơ kỹ thuật và cử nhân Công nghệ Cơ điện tử. Đã huy động được 44 nhà khoa học trình độ cao của các viện làm “giảng viên kiêm nhiệm”, phối hợp tổ chức đào tạo và đã có các sản phẩm đào tạo chung đã tốt nghiệp với hơn 100 thạc sĩ CNTT, 70 thạc sĩ Vật liệu và linh kiện nano; 120 cử nhân Vật lý kỹ thuật (định hướng công nghệ nano và công nghệ nano sinh học), 33 kỹ sư Cơ kỹ thuật; các chương trình đào tạo Công nghệ cơ điện tử, Công nghệ hàng không vũ trụ đã tuyển sinh được hai khóa.
Theo tôi, việc hình thành các tổ chức nghiên cứu mạnh, tích hợp giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học và hợp tác đại học – viện nghiên cứu – công nghiệp là những giải pháp hàng đầu để thực hiện lộ trình đưa ĐHQGHN lên ngang tầm các đại học tiên tiến của khu vực, từng bước tiến tới trình độ quốc tế.
Trích tham luận tại Hội thảo: Định hướng và giải pháp phát triển KH&CN Việt Nam 2010-2020
——–
*GS.TS Đại học Quốc gia Hà Nội

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)