Xét nghiệm trong bệnh thống phong (gout)

Nhiều nhà nghiên cứu ở các nước phương Tây chắc khó tránh khỏi ngạc nhiên trước tỷ lệ quá cao của chứng thống phong ở nước ta khi bệnh này trước đây được định nghĩa là bệnh thường gặp ở xứ lạnh?! Thật ra không có gì quá khó hiểu nếu thầy thuốc nước ngoài biết thêm về mức độ “siêu lợi nhuận” hiện nay của món hàng bia bọt. Đúng là bia làm tăng acid uric, chất sinh sạn trong khớp, trên đường tiết niệu, dưới da...

Nhưng nếu đổ hết tội cho tật xấu rượu thịt thì không hẳn là khách quan, khi theo kết quả thống kê ở nhiều nước, bệnh thống phong hiện không tha một ai, từ người không hề uống bia cho đến nhà tu suốt đời chay trường. Điều này càng góp phần giải thích tại sao lắm người phải khổ vì lượng acid uric trong máu không chịu dậm chân tại chỗ mà cứ ngang nhiên thừa thắng xông lên.
Đó chưa phải là lý do duy nhất khiến bệnh thống phong có thể tác oai tác quái. Nguyên nhân còn vì không ít thầy thuốc rất dễ quên kiểm soát lượng acid uric trong máu người bệnh. Dữ liệu thống kê thu thập từ nhiều phòng thí nghiệm ở thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, loại xét nghiệm ít được lưu ý nhất là… acid uric! Chưa dừng lại ở đó, bệnh thống phong dễ trở thành mãn tính do nhiều thầy thuốc sơ sót:
–  Không theo dõi sát sao lượng acid uric trong thời gian điều trị.
–  Không kiểm soát lượng acid uric định kỳ sau thời gian điều trị.
–  Không tiến hành tầm soát tình trạng tăng acid uric trên người có tiền căn hay thân nhân đã gặp vấn đề với acid uric.
Thầy lỡ quên thì chỉ còn trông mong vào trò. Bên cạnh việc chủ động nhắc nhở thầy thuốc đừng quên kiểm soát acid uric khi khám sức khỏe, khi tình trạng mệt mỏi, đau khớp, ngứa ngáy… trở nên rõ nét trong thời gian gần đây, cảm tình viên của rượu bia, người ăn quá nhiều thịt mỡ, đối tượng thường dùng thuốc… nên lưu ý vài điểm quan trọng:
–  Cần tiến hành xét nghiệm acid uric khi đau khớp cấp tính, đặc biệt với dấu hiệu sưng nóng đỏ, đau ở khớp nhỏ như khớp ngón chân, ngón tay, hay khi gặp cơn đau do sạn thận.
–  Nên theo dõi lượng acid uric trong máu để thẩm định tình trạng thoái biến chất đạm, như ở người vừa được xạ trị, giải phẫu, sau chấn thương, trên đối tượng thiếu máu vì bệnh bội nhiễm (sốt rét, sốt xuất huyết) hay do bệnh nội tiết.
Trong điều kiện bình thường, hàm lượng acid uric ở nam giới (3,6 – 8,2mg/dl) cao hơn ở nữ giới (2,3 – 6,1mg/dl). Lượng acid uric ở người lớn tuổi cũng cao hơn ở người còn trẻ. Tuy vậy, lượng acid uric có ý nghĩa bệnh lý, nghĩa là có khả năng kết tinh thể trong khớp, trong thận… khi vượt quá giới hạn 6,5mg/dl.
Bên cạnh bệnh thống phong, acid uric có thể tăng cao trong nhiều trường hợp:
– Lạm dụng chất đạm và chất mỡ trong chế độ dinh dưỡng, đặc biệt ở người béo phì.
– Bệnh tủy xương, ung thư máu.
– Trong thời gian hóa trị hay xạ trị.
– Bệnh di truyền rối loạn biến dưỡng.
– Bệnh nội tiết như bệnh tuyến giáp, tiểu đường.
– Thai kỳ.
– Nhiễm độc kim loại nặng như chì, cadmium.

Ngược lại, acid uric có thể giảm nhiều trên đối tượng:
– lạm dụng thuốc trị thống phong.
– mắc bệnh viêm gan mạn.
– có bệnh rối loạn biến dưỡng chất đạm di truyền.
– bị nhiễm độc kim loại nặng như nhôm, đồng.
Trong cả hai trường hợp, dù tăng hay giảm, đừng mất bình tĩnh khi nhận kết quả xét nghiệm. Trị số acid uric trong máu có thể bị ảnh hưởng sai lệch bởi nhiều yếu tố, chẳng hạn:
– Chế độ dinh dưỡng quá nhiều chất đạm, đặc biệt là đồ lòng, bột nêm từ thịt, cá mòi, rượu bia…
– Kiêng khem thái quá.
– Dùng thuốc lợi tiểu, chống ung thư, giảm đau, cortisol, loãng máu.
Thêm vào đó, tuy acid uric là nhân tố quyết định, nhưng thầy thuốc sẽ phải kết hợp với một số xét nghiệm khác để xác định mức độ viêm tấy trong trường hợp đau khớp cấp, như:
– Công thức bạch cầu.
– Vận tốc lắng máu.
– Hàm lượng C-reactive protein (CRP).
– Lượng acid uric trong nước tiểu nếu nghi ngờ tình trạng tăng acid uric có liên quan đến quy trình bài tiết chất này qua nước tiểu.
Như thế, nếu chỉ dựa vào acid uric để biên toa thì đúng là phiến diện. Nhưng theo dõi lượng acid uric trong máu là cần thiết. Không chỉ vì bệnh thống phong mà vì tình trạng tăng acid uric trong máu hầu như bao giờ cũng có mối liên hệ không nhiều thì ít với bệnh chứng nào đó, nếu không tiểu đường thì rối loạn chức năng tuyến giáp, nếu không cao huyết áp thì rối loạn biến dưỡng chất béo. Hiểu rõ về acid uric không chỉ để đừng quá sợ bệnh thống phong mà để kịp thời dự phòng nhiều bệnh chứng khác nghiêm trọng hơn nhiều.

Kỳ sau: Xét nghiệm nội tiết tố phụ nữ

P.V

Tác giả