XOÀI CÁT HÒA LỘC SOHAFARM

Xoài cát Hòa Lộc ở ĐBSCL nổi tiếng từ lâu ở nhiều nhà vườn trong vùng. Nhưng trồng xoài để đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, đến nay, mới chỉ nông trường sông Hậu ở Cần Thơ làm được một cách bài bản. Mới đây, Sở Khoa học & Công nghệ thành phố Cần Thơ đã quyết định hỗ trợ 0,6 tỷ đồng cho dự án nâng chất trái xoài cát Hòa Lộc mà nông trường đã có đề tài thử nghiệm thành công.

Từ chuyện trái xoài!
Nông trường viên của nông trường Sông Hậu (NTSH), đã không còn lạ với sự có mặt của nhiều cán bộ, kỹ sư nông nghiệp trong thời gian qua. Cứ ngày ngày, họ lại đến những “khu vườn điểm” của nông trường viên, lúi húi ghi chép, phun thuốc xịt lá, theo dõi từng cành xoài, nhánh bông. Ban đầu, cũng vài người thắc mắc. “À. Chúng tôi tiến hành công tác thử nghiệm theo đề tài nghiên cứu “Ứng dụng kỹ thuật xử lý tiền thu hoạch để nâng cao phẩm chất, kéo dài thời gian tồn trữ của xoài cát Hoà Lộc”- một trong 3 đề tài phụ trợ cho dự án nghiên cứu để nâng cao sức cạnh tranh của trái xoài, mà NTSH làm “chủ xị” ấy mà”. Câu trả lời của các kỹ sư, tạo sự háo hức quan tâm của rất nhiều nông trường viên. Họ chờ, chờ dự án thành công, đưa vào ứng dụng. Bởi bấy lâu, không nói ra nhưng họ “tủi” lắm. “Cứ thấy trái xoài nào dài ngoằng, ốm nhách là biết của NTSH. Ngon ngọt thật đấy, nhưng ra thương trường thì làm sao bắt mắt được so với xoài Thái?”.
Dự án này, thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhiều cơ quan nghiên cứu. Từ Sở Khoa học & Công nghệ Cần Thơ, Sở NN & PTNT Cần Thơ, khoa Nông nghiệp, Viện Nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học (trường Đại học Cần Thơ) đến Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Long Định, Tiền Giang)… Tất cả đều chung sức, cùng NTSH “giải phẩu thẩm mỹ” cho trái xoài cát Hòa Lộc bằng nguồn kinh phí khoảng 400 triệu đồng.
Các nhà khoa học đã mày mò ứng dụng từng chi tiết, từng khâu. Nào là bơm tưới, tỉa cành, tạo tán, áp dụng chế độ dinh dưỡng mới cho cây. Hàng loạt thí nghiệm về ảnh hưởng hóa chất kháng sâu bệnh. Trái xoài hái xuống, được bảo quản trong chế độ lạnh thế nào, nhiệt độ, màng bao ra sao…       
Tiến sĩ Toàn cho biết: “Qua kết quả thử nghiệm từ những trái xoài tại nông trường Sông Hậu, cho thấy, “tuổi thọ” của trái sau khi rời cây, kéo dài đến bốn tuần lễ. Bí quyết chính là bảo quản trong nhiệt độ thấp, ức chế quá trình chín. Còn việc áp dụng những kỹ thuật tiền thu hoạch, giúp nâng cao tỉ lệ trái đạt phẩm chất”.
Sau khi thu hoạch, những trái không đạt tiêu chuẩn phải loại bỏ. Tiếp đó, trái được ngâm trong 5- 10 phút với nước nóng 55 độ C. Cộng thêm một sự hỗ trợ của một số chất như benomyl (diệt nấm), chitosan (có trong vỏ tôm… giúp trái không bị mất nước)… thì theo tiến sĩ Toàn, thời gian bốn tuần để giữ trái xoài trong nhiệt độ bảo quản 10- 12 độ C, độ ẩm 90% hoàn toàn không khó. Thậm chí, trong các xe chuyên vận chuyển thủy sản, tại các siêu thị, môi trường bảo quản như vậy là hoàn toàn tạo được.   
Bắt đầu từ vụ thu hoạch hồi năm 2003 đến nay, những cây xoài “tham gia dự án” đều cho trái no tròn, bóng vỏ và ít bị rụng non. Kích cỡ, chất lượng thì khỏi nói. To đều hơn, nặng 700- 800gr/trái, ngọt thanh hơn. Điều mà nhiều nông trường viên cho rằng “kỳ lạ”, chính là những trái xoài này bảo quản được hơn 1 tháng, thay vì những trái xoài khác chỉ một tuần. Nông trường viên hân hoan: “Xoài xuất khẩu là đây. Những trái xoài này đã tự khẳng định: “chúng ta” không còn thua ngay trên sân nhà trước xoài Thái nữa”.       
Theo chị Trần Ngọc Sương (Ba Sương), Giám đốc NTSH, đây là dự án mà NTSH ấp ủ, tâm huyết từ rất lâu. Nông dân cứ than giá trái cây như nước lớn nước ròng, chính quyền cứ an ủi dân theo con nước ròng nước lớn. Chuyện để đảm bảo lợi nhuận cho nông sản trước áp lực thị trường, chính là giảm chi phí, nâng cao chất lượng. Làm được điều này, cũng thoát dần được “bức tranh” ảm đạm của trái cây Việt Nam khi sản lượng xuất khẩu hàng năm quá khiêm tốn mà thời gian bảo quản chính là một trong các điểm yếu.

Lạc quan!
Tiến sĩ Hà Thanh Toàn- Giám đốc Viện nghiên cứu và Phát triển công nghệ sinh học (Đại học Cần Thơ), một trong những người cùng cộng tác với đề tài nghiên cứu nâng chất xoài cát Hòa Lộc của NTSH, phân tích: “Trái xoài cũng như nhiều loại trái cây nhiệt đới khác, chứa hàm lượng đường cao. Do vậy, trái xoài luôn chín vàng sau khi thu hoạch 3- 4 ngày, và khoảng bốn ngày tiếp đó, vỏ trái bị thâm đen, hư dần. Các nhà xuất khẩu “bó tay”, không thể vận chuyển”.
Hô hào nhiều, nhưng nào ai đứng ra làm. Hiểu điều đó, khi tranh thủ được kinh phí, hồi năm 2001, NTSH đứng ra “mời gọi” các nhà khoa học, bắt tay làm ngay, trước mắt là cho trái xoài. Ai bảo chạy dự án, để tư túi hưởng lợi một mình? Nói riêng cho NTSH cũng phải, bởi chị Ba Sương đã nhiều lần chỉ đạo phải tạo sức cạnh tranh đối với hàng chủ lực nông sản của đơn vị. Nhưng phải kể ra, cho 150.000 cây xoài của NTSH, rồi còn hàng triệu cây ở ĐBSCL. Chị Ba Sương đã nhiều lần khẳng định: “NTSH không “xấu bụng giấu nghề” đối với dự án này”.
Tiến sĩ Hà Thanh Toàn khoe: “Đề tài áp dụng công nghệ sau thu hoạch đã đạt trên 80%. Xoài ở NTSH đang cho trái rất tốt. Chúng tôi đang hoạch định kế hoạch để phát triển áp dụng cho nông dân ĐBSCL ngay sau khi nghiệm thu. Có thể nói, đây là bước đột phá lớn trong việc ứng dụng khoa học vào cây trồng”. Nhất định, những trái xoài cát Hòa Lộc sẽ sắp hàng quảy gánh đi Tây.
Theo Bộ Thương mại: trong bảng xếp hạng trái cây nhiệt đới được ưa chuộng nhất trên thị trường Thế giới, xoài là loại quả chiếm tỉ trọng và giá trị lớn nhất. Nhiều chuyên gia nước ngoài cũng nhận xét: Việt Nam có 3 loại quả là vải thiều (miền Bắc), xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi (miền Nam) có thể trở thành hàng xuất khẩu chủ lực vì mùi vị độc đáo.
Như vậy, NTSH đã đi trước đón đầu. Ngoài xoài, nơi đây đang phát triển mạnh diện tích trồng xen canh bưởi Năm Roi. Và với những thành công từ đề tài nghiên cứu trên, NTSH vừa được sở Khoa học& Công nghệ thành phố Cần Thơ hỗ trợ 0,6 tỷ đồng để nhân rộng dự án.

Không chỉ trái xoài!
Theo thông tin từ Khoa Nông nghiệp, trường Đại học Cần Thơ, các nhà khoa học tại đây còn tìm ra “công thức” bảo quản cho cả trái thanh long, bưởi Năm Roi, nhón và cam sành.
“Trái bưởi, nhãn và cam sành có thể bảo quản được hai tháng, còn trái thanh long “sống” được đến sáu tuần”- tiến sĩ Toàn, cho biết. Với thời gian như vậy, theo ông, các nhà xuất khẩu trái cây hoàn toàn có thể chủ động tìm kiếm thị trường xuất khẩu thích hợp- trước hết là các nước Châu Á.
Riêng trái thanh long, các nhà khoa học đang tìm bí quyết để tăng thời gian bảo quản đến tám tuần, nhằm đáp ứng xuất khẩu tận Mỹ, Canada…
Điều mà chính ông Toàn còn băn khoăn, là hầu hết những nghiên cứu trên đều không phải theo đơn đặt hàng- tức các nhà xuất khẩu trái cây vẫn thờ ơ hoặc chưa biết. Trong khi đó, việc ứng dụng những công nghệ bảo quản các loại trái cây trên vào thực tế không khó. “Kỹ thuật đơn giản. Còn vốn đầu tư? Như đối với trái xoài, nhà xuất khẩu chỉ cần đầu tư khoảng 100 triệu đồng đã có được một trung tâm tập kết và xử lý bảo quản”- tiến sĩ Toàn, khẳng định.
Thật nghịch lý, khi những nghiên cứu thành công này vẫn được xếp xó tại Khoa Nông nghiệp, trường Đại học Cần Thơ, dù họ sẵn sàng chuyển giao. Còn các nhà xuất khẩu vẫn than trời, rằng: “Sao trái cây Việt Nam khó mang đi xa vì mau…/.

Hồ Hùng

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)