Yohannes Haile-Selassie: Người đi tìm nguồn cội

Nhà cổ sinh học này đã thay đổi phả hệ của loài người nhờ phát hiện về một hộp sọ hóa thạch 3,8 triệu năm tuổi.

Khi đang khảo sát một địa điểm ở vùng sa mạc miền bắc Ethiopia một ngày tháng 2 năm 2016, một khối tròn, xám xám trên mặt đất, chỉ lớn bằng quả cam đã thu hút sự chú ý của Yohannes Haile-Selassie – nhà cổ nhân loại học ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Cleveland – Ohio. Nhô lên khỏi mặt đất khô cằn ở vị trí chỉ cách 3 mét nơi một mảnh xương hàm được một người chăn dê tìm thấy trước đó vài giờ. “Trước khi nhặt nó lên, tôi đã nói: ‘Ôi trời ơi, hẳn phải ra gì lắm đây’.”

Các mảnh hóa thạch cùng nhau tạo thành một hộp sọ hominin (họ người) sơ khai hoàn chỉnh đáng kinh ngạc, mà theo nhóm Haile-Selassie có niên đại 3,8 triệu năm tuổi. Nó thuộc về một loài Australopithecus anamensis (chi Vượn người phương Nam) – một họ hàng lâu đời nhất của loài người hiện đại mà vẫn còn nhiều điều chưa được hiểu rõ. Buổi chiều hôm khi có phát hiện hiếm có, cả nhóm cùng nhau ăn mừng với côca lạnh, bia và nhảy múa.

Hộp sọ, được gọi là ‘MRD’ và được công bố vào tháng 8 năm 2019 trên tạp chí Nature (Y. Haile-Selassie et. al. Nature 573, 214-219; 2019), lần đầu tiên đem đến cho các nhà nghiên cứu khuôn mặt hoàn chỉnh của người họ hàng tối cổ bí ẩn này, mà trước đây chỉ được biết đến nhờ một vài mảnh xương. Các nhà cổ nhân loại học ấn tượng với mẫu vật này đến nỗi một số người còn cho rằng nó ngang hàng với Lucy, bộ xương hóa thạch 3,2 triệu năm tuổi của một loài thuộc họ người gần gũi khác là Australopithecus afarensis. “Đó quả là những đánh giá rất cao từ đồng nghiệp chúng tôi.” Haile-Selassie nói.

GS. Haile-Selassie được coi là một trong những chuyên gia tìm kiếm hóa thạch tài năng nhất trong ngành. Nhiều báu vật đã được phát hiện trong dự án nghiên cứu của ông ở Woranso-Mille, một khu vực nơi có nhiều hóa thạch thuộc họ người rải rác từ thế Pliocene (thế Thượng Tân), một giai đoạn quan trọng trong quá trình tiến hóa của chi Homo và người họ hàng gần gũi của nó là Australopithecus ở khoảng từ 5,3 triệu đến 2,6 triệu năm trước. Ông cũng thuộc lứa những chuyên gia cổ nhân học Ethiopia đầu tiên dẫn đầu các dự án lớn ở trong nước – một thay đổi lớn so với thế hệ trước khi hầu hết các nghiên cứu ở quốc gia nhiều hóa thạch này đều được chủ trì bởi chuyên gia nước ngoài.

Khi Haile-Selassie đang làm Luận án Tiến sĩ vào giữa những năm 1990, tiềm năng của ông đã được biết đến ở cả phòng thí nghiệm lẫn nghiên cứu thực địa, theo Tim White, một nhà cổ nhân loại học tại Đại học California, Berkeley và người hướng dẫn cho Haile-Selassie. Nghiên cứu thực địa ở những khu vực hẻo lánh là vô cùng khó khăn, GS.White nói, nhưng Haile-Selassie đã thực hiện rất thành công: tổ chức nhân sự, thiết bị, phương tiện và giấy phép, trong khi phải sử dụng nhiều ngôn ngữ. “Không phải may mắn mà Yohannes đưa mọi người đến được Ethiopia, với đầy đủ chuyên gia phù hợp giải quyết từng vấn đề như thế.”

MRD có ý nghĩa quan trọng vì nó đến từ một giai đoạn mà hồ sơ hóa thạch hoàn toàn “trắng”, theo GS.Haile-Selassie. Do đó, nó làm thay đổi trật tự của các nhánh cây tiến hóa lâu đời nhất của tông Người. Các nhà nghiên cứu trước đây cho rằng loài hominin của hóa thạch Lucy đã tiến hóa từ A. anamensis – là một trường hợp ‘kinh điển’ của sự tiến hóa trực tiếp từ loài này sang loài khác, theo Fred Spoor, nhà cổ sinh học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London. Nhưng Haile-Selassie và cộng sự đã đưa lập luận mới rằng các đặc điểm hộp sọ, cùng với phân tích lại một số hóa thạch hiện có, cho thấy sự tiến hóa của hominin cổ phức tạp hơn nhiềum, với A. anamensis và A. afarensis trùng lặp trong ít nhất 100.000 năm. Cũng rất hiếm khi tìm thấy một mẫu vật nguyên vẹn như vậy. “Mẫu MRD là một mẫu hộp sọ tiêu biểu,” theo GS.White.

Tuy vậy, không phải ai cũng đồng ý với kết luận chấn động mà nhóm Haile-Selassie đề xuất. Nhóm vẫn đang tiếp tục nghiên cứu mẫu hộp sọ để có thêm manh mối về vị trí trong tiền sử của nó, trong khi Haile-Selassie hy vọng sẽ quay lại địa điểm cũ để làm phong phú thêm phát hiện. “Hy vọng rằng phần còn lại của bộ xương vẫn còn ở đó, ai mà biết được,” ông nói.

Trong tất cả khám phá ông có được, “MRD là số một”, Haile-Selassie nói. Để luôn nhớ điều này, ông vừa cho in mã tự này lên biển số xe của chính mình.

Tuấn Quang dịch

Nguồn bài và ảnh: Mười nhân vật ảnh hưởng trong năm theo bình chọn của Naturehttps://www.nature.com/immersive/d41586-018-07683-5/index.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)