Alejanrda Melfo: Không thể kết thúc nghiên cứu di sản khoa học ở sông băng

Giữa dòng chảy hỗn loạn của chính trị và kinh tế, các nhà nghiên cứu Venezuela đang phải vật lộn để cứu lấy di sản khoa học ở đỉnh núi băng đang dần tan chảy của đất nước mình.

LTS: Dù cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị ở Venezuela mới bùng phát tới đỉnh điểm vào cuối năm 2018 nhưng những ảnh hưởng của nó đến đời sống khoa học đất nước này đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Trả lời Nature năm 2016, nhà hóa học Claudio Bifano cho biết, chỉ có 5% ngân quỹ được đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chương trình giáo dục, nghiên cứu, kiểm soát dịch bệnh và tất cả những gì mà các trường đại học có thể làm. Hậu quả của việc cắt giảm kinh phí đầu tư cho khoa học là, năm 2012, dù số lượng các nhà khoa học vào khoảng 13.000 người nhưng tổng số công bố chỉ tương đương năm 1997, khi Venezuela có chưa đầy 3.500 nhà nghiên cứu và ngân sách đầu tư cho khoa học là 0,3% GDP. 
Sự rời bỏ đất nước của các nhà nghiên cứu như những dòng sông băng đang biến mất từng ngày trên các ngọn núi Sierra Nevada khiến khoa học Venezuela rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng mà chưa biết khi nào sẽ có thể lấy lại được sức mạnh của mình.


Alejandra Melfo và Andrés Yarzábal lấy các mẫu vật trên. Nguồn: Ymago Foundation.

Vào năm 1976, Alejanrda Melfo  11 tuổi và gia đình mình hòa vào dòng chảy hàng triệu người Uruguay rời khỏi đất nước đang trong chế độ độc tài quân sự. Melfo còn nhớ niềm vui khi nghe quốc ca Venezuela và nhận ra rằng mái tóc vàng và làn da sáng màu của mình không ăn nhập với những người ở một đất nước, mà các thế hệ người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italia di cư đã tìm thấy chốn trú thân và cơ hội sống.
Khi còn ở tuổi thiếu niên, Melfo và gia đình chuyển đến Mérida – một thành phố có nhiều trường đại học tại các rặng núi phía tây Venezuela và cô trở thành một trong những sinh viên Venezuela gốc nước ngoài của trường Đại học Andes. Với những khoản ngân sách dồi dào từ dầu mỏ, Chính phủ Venezuela đã đầu tư một khoản hào phóng cho nghiên cứu và giáo dục, và danh tiếng khoa học của trường Đại học Andes – trường đại học đầu tiên được kết nối internet ở khu vực Mỹ Latin – vượt ra ngoài phạm vi châu lục. Với Melfo, nó trở thành một ngôi nhà thứ hai: nhà vật lý lý thuyết này trở thành thành viên của khoa trước khi hoàn tất học vị tiến sĩ, sau đó là giáo sư làm việc tại đây trong 25 năm.
Dẫu chính thức về hưu năm 2016, bà vẫn là một trong số ít thành viên của khoa vẫn còn theo đuổi công việc của mình. Dù trong bối cảnh Venezuela đã rơi vào khủng hoảng chính trị và kinh tế, ngôi trường này còn phải chịu đựng cả chuyện tội phạm đường phố và cướp bóc bằng hung khí tấn công trong khuôn viên trường. Nhiều giáo sư và sinh viên rời khỏi trường, để lại những phòng học tối tăm và trống rỗng; khi lạm phát tăng, ngay cả giáo sư cũng chỉ kiếm được vỏn vẹn 3 USD/tháng.
Từng tập trung hết năng lượng vào lý thuyết siêu đối xứng, giờ đây Melfo đang lo ngại: đỉnh núi phía trên thành phố Mérida, nơi có những sông băng còn sót lại của Venezuela, và nếu chúng tan biến, các sinh vật độc đáo nơi đây cũng sẽ biến mất. Bà biết các sông băng của Venezuela chứa đựng một di sản khoa học, và bà quyết định sẽ bảo vệ chúng.

Những di sản văn hóa và khoa học độc đáo

Mérida nằm dưới một cao nguyên ở chân Sierra Nevada de Mérida, một rặng núi có 5 đỉnh cao nhất Venezuela: Humboldt, Bonpland, El Toro, El León, Bolívar, tất cả đều cao gần 5000m so với mực nước biển. Hàng trăm năm qua, các khu vực ở đỉnh Sierra Nevada được bảo vệ khỏi ánh nắng nhiệt đới bằng 50.000 acres băng vĩnh cửu, khu vực này được mở rộng hay thu hẹp tương ứng với các chu kỳ lên xuống của nhiệt độ toàn cầu. Vào năm 1830, khi nhà địa chất học người Ý Agostino Codazzi điều tra khu vực này theo ủy quyền của chính quyền Venezuela độc lập, thời kỳ Băng hà nhỏ (Little Ice Age), vốn kéo dài từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, đang đến giai đoạn gần kết thúc, và các sông băng đang bị co lại.
Người dân địa phương cũng nhận thấy khác biệt. Tulio Febres Cordero – giáo sư lịch sử, nhà văn và là người kể chuyện về Mérida cũng viết vào năm 1890: “Thời gian gần đây, mọi người đều nói là tuyết tại Sierra đang giảm xuống. Những người lớn tuổi cũng buồn bã chỉ ra là tất cả mọi chỗ có tuyết đều đang biến mất hoàn toàn”.
Trong năm 1910, bản đồ chi tiết của nhà thám hiểm Venezuela Alfredo Jahn đã cho thấy sông băng Sierra Nevada đã rút xuống còn khoảng 2.500 acres. Trong những thị trấn nhỏ trên ngọn núi phía trên thành phố Mérida, một vài người vẫn còn lấy băng làm sinh kế (hieleros): với các loại dao rựa, họ có thể đẽo lấy các chỏm băng từ sông băng, cuốn những khối băng nặng hơn trăm pound trong các lớp lá cây dày rồi cất vào các túi da. Vận chuyển các túi da bằng lừa hoặc gùi trên lưng, các hieleros có thể phải mất 6 giờ để từ đó xuống Mérida. Dù bị hao hụt trên đường đi nhưng các khối băng vẫn có thể dùng để làm kem tại khu vực trung tâm.
Hơn thế kỷ qua, các hoạt động của con người làm gia tăng nhiệt độ trung bình trên quy mô toàn cầu làm gia tăng tốc độ tan chảy của băng tại Sierra Nevada. Năm 2008, nhà sinh thái học Venezuela Ángel Viloria dự đoán là các sông băng của đất nước sẽ biến mất toàn bộ vào năm 2020, khiến Venezuela trở thành quốc gia đầu tiên trên trái đất mất toàn bộ sông băng.
Các quan chức chính phủ đã nhanh chóng phủ nhận dự đoán của Viloria khi cho rằng dữ liệu mà ông trích dẫn không có thật và băng tan không vì các hoạt động của con người mà do chu kỳ nóng lên dài hạn, hay thậm chí một kỷ nguyên mới “lạnh lên toàn cầu” có thể phục hồi được các sông băng.
Rút cục vấn đề lạnh lên toàn cầu đã không đến để cứu vãn tình thế. Từ năm 2009 đến 2011, khi nhà địa chất học Venezula Maximiliano Bezada và đồng nghiệp Mỹ Carsten Braun tiến hành các cuộc điều tra trên mặt đất và không trung về sông băng, họ ước tính diện tích chỉ còn lại 24 acre, tất cả đều trên đỉnh Pico Humboldt.
“Sông băng là một phần nhận diện của các ngọn núi và con người Venezuela, việc biến mất của nó sẽ để lại một khoảng trống – không chỉ là trên thực tế mà có lẽ quan trọng hơn là về mặt tinh thần,” Braun cho biết.

Làm khoa học bất kể điều kiện  

Andrés Yarzábal, một nhà vi sinh vật học tại trường Đại học Andes từng nghiên cứu về những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở Nam Cực, nhận thấy những sinh vật độc đáo có thể biến mất cùng với băng  tuyết. Việc cắt giảm chi tiêu của chính quyền Chávez khiến các khoản đầu tư công cho nghiên cứu hầu như không thể tới tay các nhà nghiên cứu, do đó Yarzábal đành phải xoay xở để có được một số hỗ trợ của Quỹ KH&CN quốc gia cho những gì mà anh gọi là dự án “Vida Glacial”, bao gồm một chuyến thám hiểm tới Pico Humboldt và các sông băng của nó vào năm 2012. Chuyến đi mất 5 ngày trong thời tiết khắc nghiệt và giá lạnh; để tiệt trùng các dụng cụ lấy mẫu, Yarzábal và cộng sự phải hơ chúng trên cả bếp lửa trại trong cái gió lạnh buốt.
Không chỉ quan tâm đến vật lý, Alejandra Melfo đã mở rộng mối quan tâm sang sinh học phân tử và gene, một người bạn đã giới thiệu bà với Yarzábal. Giống như những người khác, bà nhận thấy sự mất mát của tuyết và băng ở Sierra Nevada và bị hấp dẫn cả về nghiên cứu và tính cấp bách của nhiệm vụ mà Yarzábal  thực hiện. Melfo giúp anh tổ chức và tìm kiếm kinh phí đầu tư cho chuyến thám hiểm thứ hai tới khu vực từng là sông băng trên Pico Bolivar. Melfo đã tập luyện cùng một nhà leo núi chuyên nghiệp trong nhiều tháng trước chuyến thám hiểm và thậm chí từng hỗ trợ Yarzábal vượt qua tình trạng say độ cao có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng trong cuộc hành trình.


Chỉ còn một số ít các nhà nghiên cứu Venezuela còn ở lại đất nước. Nguồn: The Atlantica.

Cả hai chuyến đi đã tìm được 600 chủng vi khuẩn, hiện giờ được lưu trữ ở các khay đông lạnh sâu tại trường Đại học Andes. Chỉ có khoảng 30% chủng vi khuẩn đã được nhận biết, còn lại phần lớn đều chưa được khoa học biết tới và chúng đều là những vi khuẩn có khả năng phân hủy phốt pho – một dưỡng chất thiết yếu của cây trồng. “Chúng tôi có thể chứng tỏ là chúng có thể hoạt động như những chất kích thích tăng trưởng cây trồng ở nhiệt độ thấp, vì vậy có khả năng hữu dụng như một loại phân bón sinh học”, Yarzábal cho biết. Nhiều loại phân bón có thể cải thiện được việc trồng trọt bền vững ở vùng núi.
Sau  cái chết của Chávez và cuộc bầu cử năm 2013 của người kế nhiệm Nicolás Maduro, việc nghiên cứu khoa học ở Venezuela trở nên nhiều thách thức hơn. Lạm phát khiến các nhà khoa học khó khăn mua các vật tư hóa chất cơ bản của phòng thí nghiệm, và mất ít nhất hàng ngàn đô la để mua đồ ăn, thuốc men và các thiết bị cần thiết cho những chuyến thám hiểm núi băng khác. Nạn cướp bóc đường phố và bạo lực tại Mérida gây nguy hiểm cho các nhà nghiên cứu khi họ làm việc trong các phòng thí nghiệm vào cuối tuần hoặc ban đêm. “Thi thoảng chúng tôi phải dừng thí nghiệm nhiều tuần,” Yarzábal kể.
Cũng giống như Melfo, khi còn nhỏ, Yarzábal từng rời Uruguay tới Venezuela, và nay anh nhận thấy mình phải rời chính đất nước này. Yarzábal đã gia nhập Prometeo – một chương trình thu hút các nhà khoa học tài năng của Chính phủ Ecuador, vì vậy anh và gia đình đã chuyển tới Ecuador trong năm 2014. Hiện giờ anh làm việc tại trường Đại học Cuenca.
Mùa thu trước, chỉ còn duy nhất một nhà vi sinh vật học làm việc trong phòng thí nghiệm của trường Đại học Andes là Johnma Rondón – nhà nghiên cứu trẻ của dự án Vida Glacial. Rondón giúp nhận diện các chủng vi khuẩn từ sông băng – đây là nội dung luận văn tiến sĩ của anh, và có trách nhiệm bảo quản các chủng vi khuẩn này trong phòng thí nghiệm của Yarzábal, một nhiệm vụ không dễ dàng do tình trạng cắt điện thường xuyên ở đất nước. “Nhiều lần vào thứ hai hàng tuần, tôi chỉ thấy lõng bõng nước trong những khay đông lạnh bởi điện bị cắt,” anh kể.
Vào ngày 28/10/2018, đến lượt Rondón cũng rời bỏ Venezuela để trở thành một trong số 3 triệu người Venezuela, tức là 10% dân số di cư. Anh rời phòng thí nghiệm, để lại một số đồ leo núi cho Melfo với hi vọng là bà có thể một lần nữa tới được các sông băng. Melfo ôm anh chia tay.

Những nỗ lực tuyệt vọng

Ở lại Venezuela, Melfo viết blog, không chỉ về các hạt fermions hay các sông băng sẽ không còn tồn tại lâu nữa mà còn miêu tả sự vắng mặt của đồng nghiệp, các phòng thí nghiệm vắng lặng, những ngôi nhà trống rỗng chỉ có người giúp việc tưới cây để đổi lấy chốn trú thân.
Melfo và một số đồng nghiệp trong trường tiếp tục bảo vệ các tủ lạnh này, dẫu tình trạng cắt điện diễn ra thường xuyên hơn và thời gian cắt điện cũng dài hơn. Không còn nguồn lực để tiếp tục làm việc về sinh học phân tử, một lần nữa bà mở rộng các mối quan tâm nghiên cứu, giờ là sinh thái học. Bà có một số sinh viên ngành sinh học còn sót lại, họ đang kiểm tra những tác động của biến đổi khí hậu vào sự đa dạng sinh học trên các vùng núi cao – một phần của dự án Gloria Andes. Họ phải viết các mẫu dữ liệu bằng tay bởi máy in đã hết mực từ lâu. Giày cao su hỏng, lều cắm trại, thậm chí cả găng và khăn quàng cổ đều là đồ đi mượn. Vật tư hóa chất được cất trong hộp các tông từng được dùng để đựng các nguyên liệu thực phẩm trợ cấp của chính phủ. “Người thì góp dầu ăn, người góp gạo và khi có đủ các thứ, chúng tôi lên đường”, Melfo nói. Nếu thời tiết xấu trong cả ngày làm việc ở hiện trường, họ giương ô lên và tiếp tục bởi việc hoãn chuyến đi có thể đòi hỏi quá nhiều tiền.
“Năm năm trước, thậm chí là ba năm trước, chúng tôi còn có học bổng cho sinh viên và kinh phí đi thực địa”, Melfo kể. “Giờ đây chúng tôi là một đất nước nghèo đói, không có tiền cho công việc nghiên cứu”.
Melfo vẫn bền bỉ tìm kiếm đầu tư của quốc tế và sự hỗ trợ cho việc nghiên cứu sông băng ở Venezuela. Bà biên tập cuốn Se Van Los Glaciares (Những sông băng đang tan), gồm các chương do Yarzábal, Bezada và nhiều người khác viết, thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế khi nó được xuất bản vào mùa hè vừa qua. Bà vẫn còn hi vọng trở lại các đỉnh núi cao của dãy Sierra Nevada: bà muốn thấy những loại vi khuẩn nào còn lại trong những tảng băng và băng tiết lộ những gì khi tan rã. Ngay cả khi các sông băng hoàn toàn biến mất, bà cũng sẽ nêu dữ liệu thu thập trong từng thập kỷ và các mẫu vi khuẩn còn sống sót có thể được sử dụng để cho những nghiên cứu so sánh tại vùng Andes cũng như bất cứ nơi nào. “Việc nghiên cứu về sông băng của Venezuela không thể kết thúc”, bà nói.
Melfo dành thời gian trong kỳ nghỉ Giáng sinh cùng gia đình ở Uruguay nhưng bà trở lại phòng thí nghiệm trống rỗng của mình, với những đôi ủng thủng và các tập dữ liệu viết tay. Bà trở lại một cách tự nguyện với đất nước đã mở cánh tay đón mình khi còn nhỏ. Bà nói bà không muốn rời nơi thực sự yêu thương mình hay bỏ lại những sinh viên còn lại, những người vẫn còn tiếp tục thực hiện nghiên cứu của họ. Rặng Sierra Nevada ở Mérida, bà nói, là nhà bà– dẫu cho hiếm khi ở đó còn thấy tuyết rơi. □

Kinh phí đầu tư cho khoa học của Vênzuela ngày càng tụt dốc, ví dụ năm 2018, trường Đại học Trung tâm Venezuela, ngôi trường số một quốc gia này, chỉ nhận được 60% kinh phí đề xuất còn năm 2019 có tới 90% kinh phí đề xuất bị cắt giảm. Hậu quả là các nhà khoa học Venezuela đã tìm cách rời khỏi đất nước, ví dụ theo số liệu năm 2016 của Nature, họ đã mất đi ít nhất 1.500 nhà nghiên cứu. Năm 2016, số lượng công bố quốc tế của Venezuela sụt giảm 40% so với thời kỳ 2008 – 2012, từ 1.600 xuống 1.000. Số lượng những người được đào tạo bài bản ở lĩnh vực khác cũng ra đi. Theo thống kê năm 2013 của tổ chức Piel-Latinoamericana, 1.100 người trong số 1.800 bác sỹ tốt nghiệp các trường đại học y khoa Venezuela đã ở nước ngoài.

Thanh Nhàn dịch
Nguồn: https://www.theatlantic.com/science/archive/2019/01/last-glacier-venezuela/579613/

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)