Ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật KH&CN

Tổ chức KH&CN được thành lập khi đủ các điều kiện về điều lệ tổ chức và hoạt động, nhân lực KH&CN, cơ sở vật chất-kỹ thuật; nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cấp quốc gia phải đáp ứng các tiêu chí: có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong phạm vi cả nước;...

Đó là một số nội dung quan trọng được đề cập tại Nghị định 08/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KH&CN vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều 11, 12, 15, 25, 30, 32, 41, 43, 46 và một số vấn đề cần thiết khác của Luật KH&CN liên quan đến thành lập tổ chức KH&CN, văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức KH&CN; đánh giá độc lập tổ chức KH&CN; trình tự, thủ tục xác định, phê duyệt nhiệm vụ KH&CN đặc biệt; hội đồng tư vấn KH&CN, tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập; kiểm tra, đánh giá trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KH&CN; thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN không sử dụng ngân sách nhà nước; phát triển thị trường KH&CN.

Thành lập tổ chức KH&CN

Theo Nghị định, về điều kiện thành lập tổ chức KH&CN, ngoài việc nêu tên, mục tiêu, phương hướng hoạt động, người đại diện, điều lệ tổ chức và hoạt động phải nêu rõ lĩnh vực hoạt động, thuộc một trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm; sản xuất, kinh doanh sản phẩm là kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; dịch vụ khoa học và công nghệ. Trường hợp tổ chức KH&CN do cá nhân thành lập thì lĩnh vực hoạt động theo quy định tại Khoản 4 Điều 20 Luật KH&CN.

Điều lệ tổ chức và hoạt động cũng phải nêu rõ vốn điều lệ của tổ chức, bao gồm tiền mặt và các tài sản khác quy ra tiền; nguyên tắc tăng giảm vốn hoạt động và các nguyên tắc về tài chính khác.

Về nhân lực KH&CN, mỗi tổ chức KH&CN phải có ít nhất 5 người có trình độ đại học trở lên, bao gồm làm việc chính thức và kiêm nhiệm, trong đó có ít nhất 30% có trình độ chuyên môn phù hợp với lĩnh vực chủ yếu xin đăng ký hoạt động và ít nhất 40% làm việc chính thức. Nghị định cũng nêu rõ, người đứng đầu tổ chức KH&CN phải có trình độ đại học trở lên, có kinh nghiệm quản lý, năng lực chuyên môn phù hợp.

Về cơ sở vật chất kỹ thuật, tổ chức KH&CN phải có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng trụ sở, nhà xưởng, phòng thí nghiệm, máy móc thiết bị, tài sản trí tuệ, các phương tiện vật chất-kỹ thuật khác để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Ngoài ra, đối với tổ chức KH&CN công lập còn phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài còn phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Khoản 3 Điều 11 của Luật KH&CN.

Theo Nghị định, tổ chức KH&CN sẽ bị giải thể trong 3 trường hợp: Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức KH&CN mà không có quyết định gia hạn; Theo quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; Bị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN. Tổ chức KH&CN chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.

Tổ chức KH&CN Việt Nam thành lập tổ chức KH&CN trực thuộc ở nước ngoài phải có đơn đề nghị kèm theo các tài liệu chứng minh đáp ứng các yêu cầu: có dự án thành lập tổ chức KH&CN trực thuộc ở nước ngoài; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; không vi phạm các điều cấm của Luật KH&CN và các văn bản pháp luật khác liên quan; tuân thủ các quy định của pháp luật về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực KH&CN.

Nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách quốc gia

Nghị định nêu rõ, nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cấp quốc gia là nhiệm vụ KH&CN đáp ứng các tiêu chí: có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh trong phạm vi cả nước; có vai trò quan trọng nâng cao tiềm lực KH&CN quốc gia; giải quyết các vấn đề KH&CN liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, liên vùng; phải huy động nguồn lực quốc gia, có thể có sự tham gia của nhiều ngành KH&CN.

Nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách cấp quốc gia gồm chương trình KH&CN cấp quốc gia; đề án khoa học cấp quốc gia; đề tài KH&CN cấp quốc gia; dự án sản xuất thử nghiệm cấp quốc gia; đề tài KH&CN, dự án KH&CN theo nghị định thư; đề án khoa học, đề tài KH&CN, dự án KH&CN đặc biệt; đề tài KH&CN, dự án KH&CN tiềm năng cấp quốc gia; nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng nhằm giải quyết yêu cầu khẩn cấp của quốc gia về an ninh, quốc phòng, thiên tai, dịch bệnh và phát triển KH&CN.

Giao quyền sở hữu, sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học

Nghị định cũng dành một phần lớn nói về việc giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thẩm định cơ sở khoa học, thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, việc giao toàn bộ quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được thực hiện theo thỏa thuận giữa đại diện chủ sở hữu nhà nước và tổ chức chủ trì hoặc khi đáp ứng một trong các điều kiện: Tổ chức chủ trì có khả năng ứng dụng hoặc thương mại hóa toàn bộ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Tổ chức chủ trì có khả năng ứng dụng hoặc thương mại hóa một phần kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ không thể phân chia thành từng phần độc lập để ứng dụng hoặc thương mại hóa.

Đại diện chủ sở hữu nhà nước có thể ủy quyền cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN thực hiện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với phần kết quả đã đạt được trước khi đánh giá nghiệm thu nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Việc giao toàn bộ hoặc một phần quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cho tổ chức chủ trì hoặc tổ chức khác theo quy định tại Khoản 5 Điều 41 Luật KH&CN được thực hiện theo thỏa thuận giữa đại diện chủ sở hữu nhà nước và tổ chức đó, trừ trường hợp kết quả nghiên cứu có tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc phòng, an ninh.

Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, việc giao quyền sử dụng sẽ được thực hiện khi kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cần được ứng dụng rộng rãi để đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội. Đại diện chủ sở hữu nhà nước sau khi chuyển giao quyền sở hữu, sử dụng kết quả nghiên cứu có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và yêu cầu tổ chức được giao quyền sở hữu, quyền sử dụng báo cáo đánh giá hiệu quả việc sử dụng kết quả đó.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/3/2014.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)