Cần có chế độ đãi ngộ phù hợp

Chủ trương phát triển năng lượng hạt nhân của Việt Nam đã kéo theo nhiệm vụ triển khai và nâng cấp công tác nghiên cứu hạt nhân, trong đó có xây dựng và phát triển một trung tâm nghiên cứu hạt nhân quốc gia. Tia Sáng đã trao đổi với PGS.TS Vương Hữu Tấn – Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam, xung quanh vấn đề này.

Hiện nay Việt Nam có một Viện nghiên cứu hạt nhân tại Đà Lạt, vốn là cơ sở nghiên cứu từ thời chính quyền Sài Gòn (cũ). Vậy chủ trương thành lập một Trung tâm nghiên cứu hạt nhân quốc gia xuất phát từ cơ sở nào, thưa ông?

Nhân chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 12/2009 với mục đích đề nghị giúp Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp điện hạt nhân, hai Thủ tướng đã thống nhất rằng Việt Nam cần một trung tâm nghiên cứu mạnh về khoa học – công nghệ hạt nhân. Sau các vòng đàm phán, ngày 21/1/2011 hai bên đã ký hiệp định liên chính phủ về xây dựng trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân Việt Nam, trong đó giao Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam là chủ đầu tư của công trình. Trung tâm này sẽ là một bộ phận của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, với sự đầu tư rất lớn của Nhà nước, dự kiến khoảng 500 triệu USD. Chúng tôi dự kiến sẽ có những thiết bị nghiên cứu lớn như lò phản ứng và các thiết bị cần thiết khác.

Với mức đầu tư lớn như vậy, Trung tâm sẽ đảm nhiệm những chức năng cụ thể gì?

Phía Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đã xây dựng yêu cầu về mặt kỹ thuật cho Trung tâm này. Thứ nhất, trách nhiệm của Trung tâm là nghiên cứu, đánh giá công nghệ mà đối tác chuyển giao cho Việt Nam, tư vấn cho Chính phủ lựa chọn. Sau đó là tiếp thu, làm chủ và phát triển. Đó là một hướng rất quan trọng.

Hướng thứ hai là hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo an toàn hạt nhân. Ví dụ trong Trung tâm sẽ có những bộ phận nghiên cứu về an toàn hạt nhân, an toàn bức xạ để hỗ trợ cho việc xem xét đánh giá an toàn dự án điện hạt nhân ở Việt Nam. Trung tâm sẽ hỗ trợ cho cả chủ đầu tư lẫn cơ quan quản lý Nhà nước.

Thứ ba là mở ra một số hướng nghiên cứu ứng dụng lò phản ứng, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội. Ví dụ: sản xuất chất đồng vị phóng xạ cho y tế. Lò phản ứng lớn như vậy hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu về đồng vị chất phóng xạ cho ngành y tế Việt Nam, thậm chí có thể xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Với các chùm bức xạ neutron ở lò phản ứng nghiên cứu thì chúng ta sẽ tổ chức các nghiên cứu và ứng dụng khác (chế tạo các vật liệu bán dẫn, sử dụng chùm bức xạ từ lò phản ứng cho kỹ thuật xạ trị neutron,…).

Thứ tư là đào tạo nhân lực. Đấy sẽ là một cơ sở có các chuyên gia giỏi về hạt nhân, đào tạo cán bộ cho các chương trình phát triển điện hạt nhân nói chung của Việt Nam.

Trong một phát biểu gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bày tỏ quan ngại về những vấn đề phức tạp có thể phát sinh nếu đặt Trung tâm ở Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh, đồng thời cho rằng nên xây dựng Trung tâm ở Đà Lạt. Xin ông cho ý kiến về việc này.

Địa điểm là một vấn đề rất quan trọng trong xây dựng và phát triển Trung tâm. Có địa điểm thì mới triển khai các bước tiếp theo được. Báo cáo khả thi cũng phải dựa trên địa điểm thì mới thiết kế được. Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam từng đề xuất xây dựng Trung tâm ở Hà Nội. Lý do là địa điểm như vậy sẽ khai thác hiệu quả hơn các thiết bị được đầu tư vào đây, do mục tiêu của Trung tâm gắn liền với hoạt động của rất nhiều đơn vị nghiên cứu, sử dụng là các cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng có ưu thế hơn so với Đà Lạt trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao. Các cán bộ giỏi mong muốn tập trung vào hai thành phố đó hơn là đi những nơi xa.

Tuy nhiên, đề xuất trên đây chưa được cấp trên xem xét. Gần đây, trong buổi làm việc với Bộ KH&CN, Thủ tướng khuyên là nên đặt Trung tâm vào Đà Lạt vì ở đó đã có sẵn một trung tâm hạt nhân và lò phản ứng, và người dân địa phương cũng cảm thấy bình thường với sự hiện diện này. Thủ tướng cũng cho rằng việc đi lại cũng không phải vấn đề lớn. Chúng tôi chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng và sẽ sớm làm việc với địa phương Lâm Đồng để khảo sát thêm về địa điểm.

Theo kế hoạch đã được phê duyệt thì đến năm 2020 chúng ta đã phải bắt đầu vận hành tổ máy đầu tiên của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Vậy dự kiến khi nào thì Trung tâm có thể đi vào hoạt động để hỗ trợ cho dự án này?

Chúng tôi muốn Trung tâm phải hoạt động sớm hơn dự án điện hạt nhân, có thể cuối 2013, đầu 2014 là mở rồi. Nhưng bây giờ chúng ta còn rất ít thời gian trong khi có rất nhiều việc phải làm. Chúng tôi mong muốn và đề xuất là muộn nhất đến năm 2018 thì phải đưa Trung tâm vào vận hành, thậm chí một số hạng mục cần phải xây sớm để giúp cho vấn đề triển khai dự án điện hạt nhân nếu có yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật.

Trong năm 2012, chúng tôi cố gắng về cơ bản ra được một khung chung và một số văn bản cụ thể, phục vụ cho giai đoạn từ chọn địa điểm đến làm dự án xây dựng Trung tâm. Sở dĩ chưa triển khai xây dựng nhanh được khung pháp lý vì Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm xây dựng cơ sở pháp lý cho điện hạt nhân. Trước đây khi xây Viện Đà Lạt thì không có văn bản nào, tất cả chúng ta đều dựa vào Nga. Gần đây chúng ta từng bước xây dựng các quy định nhưng vẫn chưa đủ. Hiện nay Viện đã được giao chuẩn bị khung văn bản phục vụ triển khai Trung tâm này, đặc biệt là cho việc xây dựng lò phản ứng mới.

Vấn đề nhân lực cho việc phát triển năng lượng nguyên tử ở Việt Nam đang là lo ngại chính của cả Nhà nước và dư luận, khi nhân lực của chúng ta còn rất  thiếu và yếu. Theo tìm hiểu của Tia Sáng thì một trong những trở ngại chính là chính sách đãi ngộ của chúng ta chưa thực sự thu hút được người giỏi tham gia. Vậy thực trạng chế độ đãi ngộ cho nhân lực trong lĩnh vực hạt nhân ở nước ta hiện nay như thế nào?

Theo kinh nghiệm một số nước, trong những giai đoạn đầu phát triển năng lượng hạt nhân thì Nhà nước thường có chính sách rất ưu đãi. Ví dụ như ở Hàn Quốc vào những năm 1960 khi mới bắt đầu phát triển điện hạt nhân, cán bộ của Viện nguyên tử lương cao hơn rất nhiều so với lương nhân viên làm ở Daewoo hay Samsung. Ở Trung Quốc thời cách mạng văn hóa là thời rất trì trệ nhưng cán bộ về nguyên tử vẫn được quan tâm đặc biệt. Nhờ những ưu đãi như vậy nên ngành điện hạt nhân của họ mới phát triển được.

Ở Việt Nam, trong luật đã có chế độ ưu đãi cho cán bộ nguyên tử, nhưng khi đi vào cụ thể, giải quyết với các bộ ngành rất khó. Đây là bất cập rất lớn, khiến chế độ đãi ngộ cho cán bộ quản lý và nghiên cứu của Nhà nước trong lĩnh vực điện hạt nhân là rất thấp.

Hậu quả là ngay giữa những người cùng làm điện hạt nhân ở Bộ KH&CN và ở EVN đã có khác biệt rất lớn về thu nhập. Ví dụ lương của tôi bây giờ là hơn 5 triệu, nhưng lương một trưởng ban hay phó ban làm ở Ban điện hạt nhân của EVN thì lương gấp khoảng 7-8 lần như vậy. Một số cán bộ ngày xưa phục vụ trong Viện Năng lượng Nguyên tử, nay chuyển sang EVN thì mức lương cũng thành mười mấy triệu, cao hơn hẳn.

Có khác biệt lớn như vậy nên rất khó thu hút được người giỏi về các cơ quan nghiên cứu và quản lý của Nhà nước, và do đó không thể phát triển các cơ quan này được. Cũng vì thu nhập thấp nên sau khi được các cơ quan Nhà nước đào tạo, cán bộ rất dễ chuyển đi làm thuê cho nước ngoài. Sắp tới công trình điện hạt nhân của Nhật, Nga vào Việt Nam thì họ chắc chắn sẽ hút đi một lượng lớn cán bộ của Nhà nước. 

Xin cảm ơn ông!

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)